Trong vở kịch Con chim xanh, tác phẩm được viết năm 1909, của nhà văn Bỉ Maurice Maeterlinck, Tyltyl và Mytyl là hai anh em trong một gia đình tiều phu nghèo. Đêm Noel, cùng nhiều người bạn Lửa, Nước, Đường, Bánh Mì, Ánh Sáng, Chó, Mèo… chúng đã thực hiện một chuyến đi lớn kiếm tìm con chim xanh mang lại hạnh phúc.
NXB Kim Đồng phát hành Con chim xanh năm 2020 trong Tủ sách văn học dành cho nhà trường. |
Bản thân nhiệm vụ là một cái cớ để đến thăm các cõi khác nhau: Xứ Nhớ thương – nơi có được một cơ hội một lần nữa được ở bên những người thân yêu đã chết, Lâu đài Đêm tối – nơi những cơn ác mộng, nỗi kinh hoàng, bệnh tật trú ngụ, Khu rừng – nơi chúng ta sẽ biết rằng các loài động thực vật đều căm ghét con người, chốn Nghĩa trang tưởng tăm tối mà bình yên, Khu vườn Hạnh phúc – nơi ta phân biệt được sự sung sướng khi hưởng thụ và niềm vui lớn của sự hy sinh dâng hiến, và đặc biệt là Vương quốc Tương lai – nơi các em bé sẽ được sinh ra tụ tập chờ ngày vào đời, mỗi em đã mang một định mệnh riêng.
Bằng những tưởng tượng huyền hoặc của chuyến du hành về những miền miên viễn, người xem mơ hồ mà rõ rệt thấy rằng, ngôi nhà thực sự của mình ở xa xa đâu đó, không nằm trong vùng giới hạn của cuộc sống trần thế mà ta vẫn hiểu.
Tại sao lại là một vở kịch?
Các tác phẩm của Maurice Maeterlinck có tính độc đáo và sâu sắc, với một văn phong khác hẳn các hình thức văn học thông thường.
Ông rành rẽ các thủ pháp của kịch, thơ, văn xuôi, và là một bậc thầy của thể loại kịch phi lí. Ngôn ngữ ước lệ của kịch làm thông điệp ông truyền đến cho người xem sâu sắc hơn, trực quan hơn, trong khi tính văn chương vẫn được phát huy tối đa thông qua sự trau chuốt và đa nghĩa của lời thoại.
Câu chuyện trong các vở kịch Maeterlick hầu hết xảy ra ở những thời đại không thể xác định và địa điểm có thể là bất cứ nơi nào. Cảnh trí hầu hết là những lâu đài cổ tích với những sảnh đường lộng lẫy chuyển qua những phòng bí mật âm u, một khu rừng với những bóng dáng mơ hồ, hoặc một ngọn hải đăng sừng sững và đại dương xa mờ thăm thẳm.
Trên cái nền đó, những nhân vật xuất hiện, chuyển động, rồi giấu mình sau tấm màn nhung như những ý tưởng, lúc nhạt nhòa rồi dần rõ nét khi phơi trần dưới ánh đèn sân khấu.
Kịch Con chim xanh được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng 2018. Ảnh: nhahattuoitre. |
Đồng thời, sự biểu hiện được cách điệu hóa, kĩ xảo được đơn giản hóa đến tận cùng mà sức chuyển tải cảm xúc lại mạnh mẽ. Đời người như vở kịch, như giấc mộng, như nhà viết kịch bất hủ Shakespeare đã thở than: “Đời nhỏ nhoi chúng ta khép lại bằng giấc ngủ”.
Con chim xanh – con chim mồi?
Vở kịch này khám phá rất nhiều chủ đề quan trọng thông qua nhiệm vụ có vẻ đơn giản: đi tìm con chim màu xanh để giúp một đứa trẻ khỏi bệnh. Con chim xanh đã trở thành biểu tượng của hạnh phúc đủ đầy, có nó sẽ có tất cả.
Tyltyn gặp nó ở mọi nơi mà em đã đến trong chuyến du hành, nhưng mỗi lần tưởng bắt giữ được nó lại là thêm một lần em thất vọng. Con chim xanh của xứ Nhớ thương đã hóa đen, ở Lâu đài Đen tối thì chết rũ, tới Vương quốc Tương lai thì chim xanh lại thành sắc đỏ. “Lỗi đâu phải ở em, nếu chúng đổi màu?” – lời thốt lên thơ ngây từ một đứa trẻ sẽ làm mỗi người lớn rưng rưng, như nghe chính tâm sự của mình trên con đường đời gian truân tìm hạnh phúc.
Hình ảnh trong bộ phim dựa theo sách năm 1940. Ảnh: vodkaster. |
Nhưng dù sao, nó cũng làm trọn nhiệm vụ “chim mồi”. Dù cánh chim xanh hạnh phúc chỉ tồn tại ở bên kia bờ hư ảo, nhưng hành trình kiếm tìm của loài người sẽ không bao giờ vô ích, bởi trái tim và khối óc sẽ thêm giàu thêm phong phú, sáng lên thứ ánh sáng diệu kỳ sau chuyến du hành qua xứ sở những ý niệm và giấc mơ.
Những bài học cuộc sống vừa dịu dàng vừa khắc nghiệt
Maeterlinck xuất thân trường luật, viết như một triết gia. Ngoài việc mong muốn “giải mã” những điều kỳ diệu của cuộc sống, ông còn mong muốn và kêu gọi một sự nhìn lại của mỗi người về thế giới đang sống.
Người đọc không thôi ám ảnh về Vương quốc Tương lai, nơi mà Tyltyl và Myltyl gặp gỡ những đứa trẻ chưa chào đời. Lũ trẻ này chưa biết đến đói rét, chưa biết đến tiền bạc, và vẫn băn khoăn về chuyện ra đời có vui không?
Và đoạn đối thoại gây sốc giữa Tyltyl cùng đứa em tương lai sẽ-ra đời-vào-năm-sau của mình:
TYLTYL: Thế em có gì trong túi đó? Em có mang cho chúng tôi thứ gì không?
EM BÉ (kiêu hãnh): Em sẽ mang về nhà ta ba thứ bệnh: Sốt phát ban, ho gà và sởi…
TYLTYL: Nếu chỉ có thế thôi thì sau đó em sẽ làm gì?
EM BÉ: Sau đó à? Em sẽ rời xa mọi người…
TYLTYL: Thế thì chẳng bõ công đến!
EM BÉ: Nào có ai được quyền kén chọn…
Và những đứa trẻ chưa sinh ra khác cũng đang bận rộn chuẩn bị những gì chúng sẽ mang đến trái đất khi được sinh ra: hòa bình, phát minh, tội ác, bệnh tật. Mỗi con người đều bước vào đời với một định mệnh không cưỡng lại được, trú giữa đời như trong mộng ảo để rồi sẽ rời xa.
Maurice Maeterlinck |
Hay ngay từ cách đây hơn một trăm năm, Maeterlinck đã nhận ra cỏ cây sinh vật đều có nền văn minh của riêng mình, và bị con người chà đạp. Là con của một tiều phu, Tyltyl suýt chết khi sa vào khu rừng với cỏ cây nổi giận, và chú chó nuôi là động vật duy nhất bênh vực, cứu em thoát hiểm.
Bằng một bút pháp huyền ảo và lộng lẫy, dưới hình thức một vở kịch sáu hồi với hàng chục nhân vật, thực chất câu chuyện này không chỉ dành riêng cho trẻ em.
Nó thăm thẳm nỗi sầu nhân thế, nỗi huyền bí của sự sống và cái chết, làm cho các bậc cha mẹ sẽ cũng phải chuẩn bị tâm thế để cùng đồng hành với trẻ, sẵn sàng thảo luận và chia sẻ cảm xúc cùng nhau trước một “Cuộc phiêu lưu luân lý, một cuộc tập sự vươn lên lớn khôn” như lời Leon Blum, chính trị gia Pháp.
Maurice Maeterlinck (1862-1949) – nhà văn, nhà triết học, nhà viết kịch – sinh ra tại Bỉ, viết bằng tiếng Pháp, đoạt giải Nobel năm 1911 “vì những tác phẩm kịch mang nội dung phong phú, giàu tưởng tượng, thể hiện những hệ thống triết lý hình thành một cách trực giác”.
Maeterlinck được coi là một trong những người khởi đầu của sân khấu kịch phi lí. Các vở kịch của ông đến ngày nay vẫn được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới.