Vừa qua, một số nhà xuất bản (NXB), công ty làm sách lên tiếng về hành vi làm, phát hành sách giả, sách lậu trên mạng.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nói đơn vị này sẽ phối hợp các cơ quan an ninh mạng, triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chào bán sách lậu, sách giả trên mạng.
Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng triển khai đồng bộ một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, để ngăn chặn, xử lý với sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.
Các cơ quan liên quan cần quyết tâm vào cuộc
– Các đơn vị làm sách gần đây lên tiếng về tình trạng sách lậu, sách giả phát hành trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Ông đánh giá như thế nào về tình hình sách lậu hiện nay?
– Ngay sau khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, hiện tượng xuất bản, in, phát hành sách lậu, giả đã xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ta đã kiên trì đấu tranh liên tục hơn 20 năm qua. Hiện nay, tình trạng in lậu có thể nói khá phức tạp với nhiều biến tướng.
Trước đây, các đối tượng thường in lậu, đặc biệt là in lậu sách bán chạy, sách giáo khoa tiếng Anh, bài tập, sách tham khảo…
Hiện nay, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại, vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản. Họ nâng giá sách lên, rồi dùng “chiêu” chiết khấu cao, đánh lừa người tiêu dùng.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả, sách giả sẽ “giết chết” sách thật.
Vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu cần được coi như nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, xử lý căn cơ vấn đề này đòi hỏi quyết tâm vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan liên quan như: Quản lý thị trường, công an và đặc biệt là sự chung tay, cùng nói không với sách giả, sách lậu của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Duy Hiệu. |
– Năm qua, công tác đấu tranh chống sách giả, sách lậu được triển khai ra sao?
– Năm 2019, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt 818,2 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 126.124 xuất bản phẩm.
Trong đó, Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt 483,2 triệu đồng, tịch thu 27.086 xuất bản phẩm; TP.HCM triển khai 21 cuộc, xử phạt 134 triệu đồng; Bình Định 26 cuộc, tịch thu 73.361 xuất bản phẩm.
Một trong những vụ việc ở Bình Định có dấu hiệu tội phạm hình sự, với tổng giá trị sách hơn 1,5 tỷ đồng, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra công an tỉnh.
Trong quá trình điều tra từ tháng 1 đến tháng 5, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố 3 bị can là chủ nhà sách. Vụ việc tiếp tục được điều tra, để xử lý theo pháp luật.
Nếu không ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả, sách giả sẽ giết chết sách thật.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm của các Đội liên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông giảm. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ngày 9/7 và 14/7, Tổng Cục Quản lý thị trường phối hợp với đơn vị chức năng ở Hà Nội phát hiện và thu giữ trên 27.000 bản sách, 2,2 tấn ruột và bìa sách giáo khoa có dấu hiệu in lậu, làm giả tại 2 cơ sở là Công ty TNHH Phú Hưng Phát và Công ty Cổ phần Dịch vụ Chính Nghĩa (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Vừa rồi, Cục tiếp tục phối hợp cơ quan an ninh, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Tổ công tác 304, phát hiện, bắt giữ thêm một số vụ có dấu hiệu tàng trữ sách in lậu, làm giả.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp cơ quan quản lý an ninh mạng, quản lý thông tin điện tử để có giải pháp đấu tranh với các hành vi chào bán sách lậu, giả hay phát tán trái phép, vi phạm bản quyền sách của các nhà xuất bản.
Dẫu vậy, có thể nói, tình trạng in lậu còn rất phức tạp, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Cần tăng chế tài xử phạt
– Cục Xuất bản, In và Phát hành có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý tình trạng in lậu, phát hành sách giả, sách lậu qua mạng Internet?
– Thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành triển khai đồng bộ một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài để ngăn chặn, xử lý với sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.
Trước hết, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương, các đội liên ngành phòng chống in lậu ở địa phương, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Đội 814, Cục Quản lý Thị trường ở địa phương và các cơ quan liên quan) đẩy mạnh phòng, chống sách lậu.
Công tác này gồm trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền.
Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Về phía địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông, các đội liên ngành cũng cần chủ động, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành.
Cụ thể, các đơn vị cần rà soát, lập và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở về danh sách nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy, cơ sở phát hành, hộ kinh doanh in, phát hành trên địa bàn quản lý, tạo sự công khai, minh bạch về thông tin đối với đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.
Việc này giúp nhân dân, bạn đọc và tổ chức, cá nhân có nhu cầu in ấn, xuất bản tìm được và lựa chọn những đơn vị, doanh nghiệp in ấn, phát hành hợp pháp để đặt hàng, qua đó hạn chế việc đặt in, phát hành tại các cơ sở hoạt động bất hợp pháp.
Vì chỉ khi có sự công khai, minh bạch, kịp thời về thông tin, mới giúp việc hạn chế, ngăn ngừa, đẩy lùi được các đối tượng vi phạm đang hoạt động theo kiểu né tránh, lẩn khuất nhưng gây xáo trộn, rối loạn thị trường.
Kiểm tra và phát hiện sách giả tại nhà sách Bình Thủy, Hà Nội hôm 24/7. |
Thứ hai, Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an… để triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền; gỡ bỏ các trang này, không để bày bán sách lậu, sách giả. Vừa rồi, các giải pháp đấu tranh ngăn chặn trang phim lậu đã được triển khai khá hiệu quả.
Hy vọng thời gian tới, việc đấu tranh chống sách lậu, sách giả cũng sẽ được các cơ quan chức năng quản lý an ninh mạng quan tâm.
Cục sẽ chủ động phối hợp các cơ quan này, đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân bị xâm hại bản quyền cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu để có đầy đủ cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng.
Thứ ba, Cục phối hợp các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào bảo vệ bản quyền, chống in lậu. Trong công tác chống in lậu, chúng ta có một khó khăn là làm thế nào để phân biệt sách thật, giả.
Vì thế, chúng tôi đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất tem chống giả, khuyến khích các đơn vị này cung ứng ra thị trường sản phẩm tem bảo vệ bản quyền với yêu cầu: Chất lượng, giá rẻ, thuận lợi sử dụng, từ đó giới thiệu đến các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản, đơn vị làm sách tự lựa chọn phương tiện bảo vệ sách mình.
Thứ tư, Cục tiếp tục phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền “nói không với sách lậu, sách giả”. Đây là biện pháp cơ bản mà mọi quốc gia đều thực hiện. Cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thói quen mua sách lậu, sách giả của một bộ phận người dân.
Chống in lậu chỉ thành công nếu mỗi người hiểu được rằn mua sách lậu là tiếp tay cho hành vi ăn cắp trí tuệ, lao động của người khác; trực tiếp triệt tiêu động lực của người viết sách, làm sách; và cũng là cơ hội để chính mình được hưởng thụ những sách tốt, chất lượng trong tương lai.
– Có ý kiến cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính thấp, trong khi lợi nhuận làm sách giả, sách lậu cao nên không đủ răn đe. Có trường hợp biết sai nhưng lợi nhuận lớn nên vẫn làm lậu. Liệu có cần xử lý hình sự, tăng chế tài với trường hợp làm, phát hành sách lậu, sách giả?
– Nghị định 159 của Chính phủ ban hành năm 2013, qua nhiều năm thực hiện hiện, đã không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn thành, dự kiến gồm 5 chương, 42 điều. Trong đó, chương 3 về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản có 11 điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm và chế tài cho phù hợp với thực tế.
Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đang sớm hoàn tất để tham mưu trình Chính phủ. Hy vọng với những điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng cường sức răn đe này, nghị định sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu.