Connect with us

Sách hay

Chuyến phiêu lưu của chú cá linh

Được phát hành

,

Hành trình đi học của chú cá linh thực ra là hành trình trốn tránh cạm bẫy. Sách gửi thông điệp đến với mỗi độc giả: hãy sống bình đẳng và bảo vệ thiên nhiên.

Ca Linh di hoc anh 1

Sách Cá linh đi học. Ảnh: M.U.

Nhắc đến nhà văn Lê Quang Trạng là người đọc nhớ ngay đến cảnh sắc miền Tây, với sông nước chằng chịt đan xen, con người đôn hậu phóng khoáng. Anh viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn, ghi chép bút kí, rồi truyện dài thiếu nhi. Ở thể loại nào anh cũng để lại những dấu ấn riêng biệt về mảnh đất nơi mình sinh ra lớn lên, nhưng riêng nhất có lẽ là truyện thiếu nhi.

Từ Thủ lĩnh băng vịt đồng, đến cuốn sách mới xuất bản Cá linh đi học (Nhà xuất bản Kim Đồng), tác giả đã đưa các em nhỏ đến với chuyến hành trình “tái” khám phá vùng đất của những Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức… dưới con mắt của người viết hôm nay.

Hành trình hiểm nguy của Linh Ống

Cá linh là một loài thuộc họ cá chép, nguồn gốc từ biển Hồ – Campuchia. Vào tháng 5 âm lịch hàng năm, cá đẻ trứng trên khu vực sông Mê Kông nước bạn, tháng 7 theo nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình di chuyển cá ùa vào đồng ruộng, ăn thỏa thuê rong rêu, phù du rồi lớn dần. Tháng 10 nước rút, cá từ trong đồng ruộng hạ lưu túa ra sông ngược về.

Advertisement

Hành trình của chú cá Linh Ống trong cuốn sách cũng bắt đầu như vậy. Nhà chú ở Biển Hồ, theo tập tục của loài cá linh hàng năm chú lên đường đi học ở trường học sông Cửu Long.

Quá trình đi học là quá trình chú nhận ra cuộc sống không đơn giản như những gì mình vẫn nghĩ. Chướng ngại vật đầu tiên của chú là lưới điện. Kế nữa, thuốc nổ mà loài người quăng vô tội vạ xuống sông để bắt cá. Chưa kịp chuẩn bị gì, chú sợ. Nhưng sợ hơn nữa là phải chứng kiến cái chết của bạn bè cùng loài, của bạn thân cá Heo.

“Tôi thấy những người anh em của mình lờ đờ trôi. Tụi nó mở mắt trao tráo, mà lay vây đứa nào đứa nấy cũng im thinh.”

Từ đận chia tay lạc đàn ở nhánh sông biên giới, chú lang thang vật vờ gặp được Tôm Bọc. Tôm Bọc cũng là nạn nhân của loài người. Khi loài người vứt rác thải xuống sông, rác trôi chú ta vướng vào từ đó không thoát ra được. Khi tôm bị loài cá nóc mít tấn công thì vô tình cái túi bị xé, tôm thoát được nhưng bị mất một càng. Linh Ống tạm gác chuyến đi ở lại chăm sóc kiếm thức ăn khi Tôm Càng lột xác bấy bớt, yếu ớt.

Tiếp đến, chú tìm gặp ông cá sấu Năm Chèo ở Vàm Nam để hỏi bao giờ loài người không còn giăng lưới điện giết cá linh nữa. Ông Năm Chèo tức giận xua cá đi lấy cớ bận tu (hay chính ông cũng chẳng thể có câu trả lời).

Advertisement

Trong quá trình bị ông Năm Chèo đuổi đi, Linh Ống gặp được ông cá Hô. Ông cá Hô dẫu bị loài người ngày đêm săn đuổi (có đến hơn chục chiếc ghe cào muốn nát khúc sông này chỉ để tìm bắt được đích danh ta) vẫn sẵn sàng dẫn Linh Ống qua đoạn sông dữ giăng trùng trùng cạm bẫy.

Từ đây vô tình Linh Ống gặp cá Rô trầm cảm (vì mâu thuẫn với bố mẹ), cuộc phiêu lưu từ sông chuyển sang cuộc phiêu lưu nơi đồng ruộng, và đào thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng.

Ca Linh di hoc anh 2

Sách gửi thông điệp bảo vệ thiên nhiên tới bạn đọc nhỏ. Ảnh: Q.T.

Thoát bẫy để trở về

Cá Rô và Linh Ống vô tình bị một cậu bé bắt nuôi làm cảnh. Ở trong bể cá cảnh, cả hai quen với Ba Đuôi, một bạn cá màu đỏ. Cả ba được nuôi sống bằng thức ăn công nghiệp dạng viên.

Cá Rô sau mấy ngày đói thì bắt đầu mon men ăn thức ăn của con người. Riêng Linh Ống thì không, cậu quen ăn rong rêu nơi sông nước, ruộng đồng tự nhiên chứ không ăn thức ăn công nghiệp.

Biết trước ở lại trong bể cá sớm muộn gì cũng chết đói (và chết buồn), tưởng đâu số phận an bài, thì may bạn Ba Đuôi mách cho cả hai cách phềnh ngửa bụng giả chết để loài người vứt đi (đồng nghĩa thả ra).

Advertisement

Sau khi thoát ra, cá Rô đưa Linh Ống về đến Láng Sen, tìm gặp bác Rùa trên mai có hai chữ “phóng sinh” để nhờ bác chỉ cách tìm về được với những người anh em thất lạc khi đi từ Biển Hồ sang. Trong khi chờ đợi ở Láng Sen, tẩm bổ lại cơ thể để có sức cho chuyến trở về Linh Ống được nghe kể, gặp bao chuyện lạ.

Ông Lóc chồng do ăn quá nhiều thức ăn tẩm hóa chất của con người thải ra mà cơ thể biến dạng, đầu nổi u, thân phù màu đỏ, vây ở lưng và bụng dựng đứng lên. Vợ con ông cá Lóc không nhận ra ông cuối cùng phải bỏ xứ tìm nơi tịnh thân để thải hết chất độc trong người ra.

Rồi chuyện đánh nhau giành đất giữa kiến cánh và kiến lửa khiến bao kiến oan mạng. Chuyện bác Rùa có linh tính, coi móng biết trước chuyện tương lai. Chính bác tạo hang động dưới cây da ngã để mỗi mùa động ổ bị con người xẹt điện các loài thủy sản có chỗ nương náu. Nhờ thế mà các loài vẫn tồn tại được chứ chưa đến mức tuyệt diệt.

Thế mới thấy, ẩn ngầm sau cuốn sách Cá linh đi học là tiếng kêu cứu của thiên nhiên trước sự tàn phá của con người. Không chỉ đánh cá bằng lưới, con người còn tận diệt bằng thuốc nổ, bằng điện.

Với điện, những con cá nhỏ dính phải không chết cũng không thể lớn, phát triển bình thường. Chưa hết, con người còn vứt rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống dòng sông, nạn nhân cụ thể là Tôm Bọc. Rồi rác thải công nghiệp, với nạn nhân là ông Lóc chồng.

Advertisement

Ở đây, hành trình đi học của chú cá linh thực ra là hành trình trốn tránh cạm bẫy của con người giăng ra. Sách gửi thông điệp đến với mỗi độc giả: hãy sống bình đẳng và bảo vệ thiên nhiên.

Cái kết cuối cùng, trải qua bao sóng gió, cạm bẫy, Linh Ống trở về Biển Hồ an toàn với gia đình, với cụ Linh Tía. Cậu vẫn ao ước có một chuyến hành trình tiếp theo nữa, trở về mang hạt phù sa đến với đồng bằng sông Cửu Long, để gặp gỡ thêm nhiều người bạn mới, thăm hỏi những người bạn cũ.

Riêng với loài người, dù bị săn đuổi nhưng cậu vẫn yêu mến chứ không thù hận. Bởi con người cũng có tốt có xấu, có người bắt cá thì cũng có người ngày ba bữa gõ kẻng cho cá ăn mà không mưu lợi điều gì…

Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-phieu-luu-cua-chu-ca-linh-post1415585.html

Advertisement
Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Sách hay

Hồi ký của anh hùng Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Việt Nam – Quê hương thứ hai của tôi” là những ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập về cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Kostas Sarantidis anh 1

Sách Việt Nam – Quê hương thứ hai của tôi.

tin trống

Cuốn hồi ký của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập có tên nguyên gốc tiếng Hy Lạp là Lời chứng của một người Việt gốc Hy Lạp về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp tổ chức lược dịch, xuất bản với tựa đề Việt Nam – Quê hương thứ hai của tôi.

Cuốn sách được xây dựng dựa trên cơ sở tư liệu hồi ức, nhật ký của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập. Những câu chuyện, lời kể của Kostas Sarantidis đã được Hội những người Hy Lạp ở nước ngoài ghi chép, lưu giữ lại bởi “những trải nghiệm này của ông, có lẽ là duy nhất trên thế giới”.

Advertisement

PGS.TS Vũ Trọng Lâm – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – cho biết nhà xuất bản luôn chú trọng đến xuất bản sách phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị cùng phát triển giữa Việt Nam và các nước.

“Cuốn hồi ký Việt Nam – Quê hương thứ hai của tôi của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập là một trong những minh chứng rõ nét, tái hiện bức tranh đầy khốc liệt của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam. Chân dung Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập hiện ra bình dị mà thấm đẫm khí phách của một anh hùng”, ông Vũ Trọng Lâm cho biết.

Cuốn sách cung cấp thêm tư liệu, góp phần giúp độc giả hai nước hiểu, trân trọng hơn lịch sử giữa hai dân tộc. Những người làm sách hy vọng góp phần củng cố, tiếp tục vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hy Lạp, đồng thời mở ra triển vọng hợp tác ngày càng gắn bó, sâu sắc trong hoạt động xuất bản, phát hành sách và các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa giữa nhà xuất bản và các tổ chức, cơ quan của Hy Lạp.

Kostas Sarantidis dù sinh ra ở Hy Lạp nhưng đã dành gần như trọn tuổi thanh xuân tham gia trong quân đội Việt Minh chống thực dân Pháp xâm lược. Chỉ bốn tháng sau khi đặt chân tới Sài Gòn, Kostas Sarantidis đã rời bỏ đội quân lê dương, đứng về phía người Việt Nam đang chiến đấu để giành độc lập, tự do.

Ra vùng tự do, ông gia nhập ngay hàng ngũ quân kháng chiến, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức trở thành bộ đội Cụ Hồ vào tháng 6/1946. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Advertisement

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập được giao phụ trách nhiều công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở khúc ruột miền Trung. Thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, Nguyễn Văn Lập đã lập công xuất sắc, làm chương trình phát thanh vào đồn địch, cảm hóa được nhiều lính lê dương.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Năm 1958, ông lập gia đình, sinh được bốn người con, tất cả đều lấy tên Việt Nam. Sau gần 20 năm ở Việt Nam, năm 1965 Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập trở về Hy Lạp và tiếp tục là cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hy Lạp.

Năm 2011, Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị và cấp quốc tịch Việt Nam. Năm 2013, ông là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới nay nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Advertisement

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/hoi-ky-cua-anh-hung-kostas-sarantidis-nguyen-van-lap-post1447112.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Thế giới đa tầng trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Được phát hành

,

Bởi

Trong tập thơ mới nhất, Nguyễn Quang Thiều chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ, đổi mới phương thức sáng tạo thơ.

Nguyen Quang Thieu anh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ.

Đã có rất nhiều bài viết về Nguyễn Quang Thiều chủ yếu là nói về những đặc điểm về nội dung tác phẩm của ông, chúng tôi nghĩ một điều cần chú ý có thể nói là trước tiên và rất quan trọng đó là tìm hiểu quan điểm sáng tác của ông để từ đó có thể rút ra những vấn đề riêng lẻ khác về thi pháp trong các tác phẩm thuộc các thể loại mà ông tham gia.

Lẻ tẻ trong các phát biểu, bài viết đặc biệt trong các diễn ngôn xoay quanh tập thơ mới xuất bản Nhật ký người xem đồng hồ thì ông nói khá rõ về các quan điểm này. Những ý kiến xoay quanh các vấn đề: sáng tác là khôi phục lại ký ức, sáng tạo có quan hệ đến các giấc mơ, thơ có thể viết về bất cứ cái gì ở khắp nơi trong cuộc đời, hiện thực trong thơ khác với thông tấn của báo chí, nghệ thuật hướng đến cái đẹp…

Trong cảm nhận của chúng tôi, ông chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ. Hiện thực trong thơ có tính đặc thù. Đổi mới phương thức sáng tạo thơ. Chúng tôi thấy Nguyễn Quang Thiều có đổi mới trên các bình diện quan trọng của công việc sáng tạo nghệ thuật, từ đấy toát lên những điều chính yếu mà ít nhiều có khác với những quan niệm của một số người về thực trạng của việc viết lách bấy nay, những người mà ông cho rằng “Chính quan niệm đó làm nhà văn trở nên nghèo nàn và hạn chế”. Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng.

Advertisement

Phương thức sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều khá đa dạng, chỉ riêng trên bình diện thi ca và cũng chỉ trong tập thơ mới này ta cũng không thể xếp tất cả vào cái khung có sẵn, chúng ta thấy ông cũng đã có gợi ý khi chia tập thơ thành hai: các bài viết về hiện thực gia đình, quê hương, thế sự thuộc phần 1- Nhật ký người xem đồng hồ; các bài giải trí ngẫu hứng thuộc phần 2- Hồ sơ tự khai của đồ vật có trong phòng. Ông chú ý nhiều đến chức năng thẩm mỹ của văn chương.

Có ý kiến cho rằng “Nguyễn Quang Thiều luôn đứng giữ những tranh cãi”. Không ít người cho rằng, nhiều bài thơ của ông chênh vênh giữa hai chức năng “nhận thức” và “giải trí”, những bài thơ nặng về hình ảnh kỳ lạ hơn là chiều sâu tâm lý, đa phần khó hiểu, ít xúc cảm. Bài viết này chúng tôi muốn góp thêm một vài cảm nhận về thơ ông nhân tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ mới ra đời trong bối cảnh nền thơ Việt đang cố tạo một bước chuyển và không phải không có những phân vân trước thực tiễn mới.

Vấn đề nổi bật trước tiên là hiện thực trong thơ. Hiện thực thơ là hiện thực tâm trạng, nó khác văn xuôi nói chung đặc biệt là báo chí nói riêng, người ta thường ví như thế này: đời sống là gạo, văn là cơm, còn thơ là rượu, có nghĩa thơ là cái gì mơ hồ còn lại trên sự bay lên từ những cái vật chất cụ thể; có người thì nói cụ thể hơn, báo chí ghi lại đời sống hàng ngày, văn thì những sự kiện tiêu biểu, còn thơ thì ghi lại những dấu ấn trong tim.

Nói như vậy cũng có ý nghĩa tương đối toát lên một cái chung đó là thơ cũng phản ảnh hiện thực, phản ánh thế sự nhưng cái cách phản ánh của thơ nó khác văn ở chỗ một bên phản ánh hiện thực bằng cái hình hài cụ thể còn một bên phản ảnh bằng cái dấu ấn mà nó để lại trong tâm trạng, trong suy nghĩ.

Chỉ mấy câu thơ tâm trạng nhưng Chế Lan Viên đã khái quát được đầy đủ một thời kỳ, một xã hội mà nhà thơ đang sống: Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! / Trái cây rơi vào áo người ngắm quả / Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn / Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn. (Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?), cũng chỉ một câu thơ Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng (Cây) của Trần Đăng Khoa, thể hiện cái vẻ đẹp của làng quê Việt, tình yêu con người với thiên nhiên đặc biệt từ cái linh hồn tạo vật qua xúc cảm tinh tế của tác giả đã thể cuộc sống ung dung thanh thản của con người Việt Nam trong chiến tranh… Hiện thực trong thơ là hiện thực tâm trạng, là cái bóng của hiện thực ngoài đời là vậy!

Advertisement

Thơ của Nguyễn Quang Thiều xoay quanh các chủ đề chính mà ý nghĩa hiện thực, màu sắc thế sự cũng như thái độ tích cực của ông bộc lộ rất rõ. Đó là những hiện thực tâm trạng được thể hiện qua tình yêu quê hương xứ sở, là tình yêu gia đình, tình yêu đối với cái đẹp, sự phê phán cái ác, cái xấu… Những nội dung được thể hiện bằng một lối nói mới mẻ, ông thường sử dụng lối kết cấu phi tuyến tính cùng cách xây dựng hình tượng giàu yếu tố siêu thực cho đến nhạc điệu tự do, ngôn ngữ tạo sinh…, luôn tạo một dấu ấn khác lạ trong tiếp nhận của bạn đọc.

Nhà thơ của Xứ Chùa cổ kính mang nặng những nỗi niềm về cảnh và người nơi mình sinh ra. Quê hương là một cảm xúc lớn thường xuyên trong các tập thơ ông. Bài thơ Lễ tạ (Châu thổ), một bài thơ triết lý sâu xa về quê hương, tứ bài thơ xoay quanh hai biểu tượng hồ nước và con đường. Con đường từ đất quê ra đi, để mong tìm được những giải đáp nhân sinh, tìm được con đường mơ ước, nhưng để rồi câu giải đáp lại ở chính nơi đất quê, nơi “hồ nước cũ” từ đó anh ra đi! Chính cái triết lý giản dị mà sâu sắc này bao nhiêu thế hệ suy tư, xúc cảm. Cám ơn đất quê đã dạy ta bao điều trong cuộc sống để ta trưởng thành. Lễ tạ là lời tạ ơn của con người đối với quê hương, với cha ông.

Cảm nhận về quê hương trong tập thơ mới có khi gián tiếp xa xôi nhưng nồng nàn sâu lắng: Bầu trời rộng lớn / Đang nở mùa pháo hoa / Muôn màu rực rỡ /… Có những người lặng lẽ / Đi dưới cánh đồng pháo hoa / Trong lòng họ cũng đang nở / Một mùa hoa.. (Âm bản).

Và lan tỏa trong tình yêu quê hương là Mẹ – hình ảnh tiêu biểu thân thương nhất Áo xưa mẹ vẫn còn đây / Đêm đêm con mặc vào ký ức (Thư gửi mẹ), là Cha: Cha đã qua tuổi sáu mươi mỗi ngày con lại thấy / Cha gần hơn với chân trời… và lại thấy xa con hơn một chút / Trong không gian số phận những con đường (Cha về trong áng mây bay), là tình yêu đứa cháu nhỏ: Siêu nhân, tàu hỏa, khủng long… / Những đồ chơi của cháu không bao giờ có tuổi / Chỉ có một đồ chơi của cháu / Mỗi ngày một già / Và thi thoảng tỉnh giấc / Nằm nhớ chủ nhân của mình / Đang ngủ ở tầng trên (Đồ chơi của cháu nội). Cùng với một tình cảm đồng loại chân thành tha thiết: Dưới tán cây chiều nay hai người im lặng / Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa / Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống / Tán cây vàng / Nhặt họ / Bay đi (Những hạt cây).

Cảm xúc lớn về sự đa dạng đời sống nổi lên khá đậm trong thơ ông cũng như trong quan niệm thẩm mỹ về thi ca mà nhiều lần ông nói đến. Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều trình bày cho ta nhiều mảng màu đời sống. Ông viết về những người thân trong gia đình ông bà, cha mẹ, các con cháu, ông viết về bạn bè, những người quen trong làng xóm, những người chồng, người vợ đã mất con, người điên chạy trong đêm tối, ông viết về cố hương và cả những miền đất lạ, ông viết về những cánh đồng và mùa màng ở nông thôn thời đổi mới, ông viết về cuộc sống thường nhật và cả trong những giấc mơ…

Advertisement

Những hình tượng đan xen nói nhiều đến đời sống cộng đồng trong tập thơ này, từ những ô cửa sổ, những dòng sông, những con cá, những con chim, những đám mây, chuyến đò ngang, những cánh đồng, phiên chợ chiều… đến các em bé, các bà mẹ, Tất cả đều là những biểu hiện của sự sống, họ sống hết mình trong cuộc sống với nhiều va đập nhưng tràn đầy nhân ái, lạc quan, kể cả trước chết chóc, mất mát.… Và một người mở cửa / Cười trong hoa góc vườn / Ngôi nhà vừa nhóm lửa / Mùa đã về reo vang” (Người mở cửa buổi sáng).

Những bài thơ như những bức tranh minh họa rõ nét cho chủ đề Cái đẹp – một cảm xúc nhân văn đa dạng trong một thế giới đa chiều – không phải ở những hội hè, những thành tựu mà chính ở những vất vả, gian truân mà con người âm thầm vượt qua số phận để tồn tại. Tất cả là một tập đại thành về cái thế giới hiện hữu vận động và tồn tại… Đó là cái đẹp của thế giới trong cảm quan nhân văn Nguyễn Quang Thiều mà ông nhiều lần nhắc đến.

Về hình thức nghệ thuật, khuynh hướng nổi bật cách tân ở thơ Nguyễn Quang Thiều tạo một đổi mới đập vào cảm quan người đọc, thoáng qua là cách nói, là sự biểu cảm ngôn ngữ một cách mới lạ trên phương diện cú pháp cũng như từ vựng các nhà nghiên cứu đã nhắc đến.

Nhưng chiều sâu căn bản, theo chúng tôi, trầm tích bên dưới những hình ảnh khác lạ, ngôn ngữ tân kỳ là thủ pháp sáng tạo có sắc màu hư ảo siêu thực tạo sự khác lạ đầy tinh thần duy mỹ, trong chừng mực đã có một sự găp gỡ về lối “cảm nhận huyền ảo” giữa văn học truyền thống dân tộc và phương Tây hiện đại.

Ta bắt gặp các hình ảnh thật lạ trong các câu thơ: …Hai cánh tay đưa lên / Hai cành cây đang mọc…/ Gương mặt thì mở ra / Hoa đang nở trái mùa / Trên cánh đồng đầy tóc (Phạm Long Quận….) hay: Thịt da như là quả / Ngọt dần trong tiếng người /…Chăn gối tan như sương / Người đàn bà ngủ muộn…(Dậy muộn), hoặc là:

Advertisement

Khi đôi mắt Kya mở ra / Bầu trời ngập tràn ánh sáng / Khi giọng Kya vang lên / Trong các vòm cây chim hót / Khi tay Kya xòe ra / Những cánh đồng hoa bùng nở / Và khi Kya ngậm bầu bú mẹ / Có những dòng sông ngủ quên trong đất / Gió thức dậy và tuôn chảy…” (Ngày Kya ra đời).

Nguyễn Quang Thiều, theo chúng tôi, ở một phương diện nào đó đã dung hợp những yếu tố hư huyễn có sẵn trong truyền thống thẩm mỹ dân tộc, điều mà chúng ta cảm nhận rõ là cái quan niệm “vạn vật hữu cảm”, “vạn vật hữu linh” trầm tích ở các tranh khắc, ở các phù điêu nơi đình chùa cũng như trong thơ ca dân gian với các thủ pháp nghệ thuật lạ hóa siêu thực khá phổ biến của nghệ thuật phương Tây hiện đại! Nó tô đậm vóc dáng hình tượng trong thơ cũng như tranh của ông.

Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng. Tuy nhiên cái mới, cái đẹp nó khác cái xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ công chúng! Cái mới chỉ thực sự có giá trị khi được công chúng tiếp nhận, rung động được trái tim công chúng.

Đúng là trên mặt đất nơi nào cũng có thơ “đại địa văn chương tùy xứ kiến”, cụ Nguyễn Du đã nói thế, nhưng không phải một cảm hứng bất chợt nào cũng là thơ, như câu thơ ông viết …Và trên một đám mây ngũ sắc / Làm bằng quần áo và khăn / Một người đàn ông và một người đàn bà / Làm tình cả khi đã chết (Mây ngũ sắc), có thể mải mê với cái lạ mà tác giả quên cái “gu” thẩm mỹ của công chúng, hay như lời mở của tập thơ: Những bài thơ tôi viết trong tập thơ này để xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi mà không có khả năng thêm một ai vào đó nữa. Cùng lúc đó bạn xác lập bạn ở một không gian khác trong cùng một thời khắc với tôi. Chúng ta luôn bình đẳng và luôn khác biệt. Chỉ với tinh thần ấy chúng ta mới có thể xác lập được nền độc lập của mình”.

Tác giả nghĩ đề cao “sự độc lập” trong sáng tạo “xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi” sẽ tạo giá trị của tác phẩm nhưng liệu có thể có sự độc lập trong các sản phẩm tinh thần nhất là văn chương đặc biệt như trong một không gian xã hội dân chủ đầy tính cộng đồng như văn hóa chúng ta hay chỉ tự cô lập hóa thơ mình! Thơ phải tìm đến tâm hồn đồng điệu, tìm đến với công chúng mới có sức sống! Các thi bá xưa nay đều mong thơ mình đến các hang cùng ngõ tối, người ta chỉ cần biết thơ mà có thể quên tên tác giả.

Advertisement

Tiếp cận nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều, ta như vừa trải nghiệm một thế giới đa tầng đa phương, một vũ trụ nhân sinh chứa đựng nhiều phức điệu của cuộc đời và con người, xen lẫn những nghịch lý và phi lý. Trên cái nền hiện thực đời sống nhà thơ gửi gắm đức tin vào cái đẹp của cuộc đời.

Đó cũng chính là nét triết lý nhân sinh trầm tích bên dưới các tác phẩm của ông, cái điều mà thế kỷ trước trong sự nhiễu nhương của cuộc sống nhà văn nổi tiếng F. Dostoyevsky (1821- 1881) đã nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đó chính là giá trị hiện thực và cách tân của thơ ông.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/the-gioi-da-tang-trong-tho-nguyen-quang-thieu-post1447115.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Nàng dâu viết về những món ăn mang mùi vị nhớ thương

Được phát hành

,

Bởi

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ lý do chị viết tập tản văn nói về những món ăn dân dã Bình Định – những món ăn mang mùi vị nhớ thương – là vì mẹ chồng.

Thương quá Nục ởi! là tập tạp văn mới và cũng là cuốn sách thứ 11 của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Tập sách gồm 50 bài viết kể về câu chuyện xoay quanh những món ăn thấm tình đậm vị quê mà tác giả gắn bó qua suốt bao nhiêu năm khi làm dâu đất Bình Định.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ vốn là người gốc Bắc (quê Hà Nam), chào đời ở Quảng Ngãi và gắn bó với thành phố biển Quy Nhơn từ hồi còn rất nhỏ. Sau chị nên duyên cùng chồng và tiếp tục gắn bó với vùng đất này qua bao nhiêu năm tháng, như một bến đỗ cuộc đời vậy.

Thương quá nục ởi! được Nguyễn Mỹ Nữ gom góp và sắp xếp lại từ rất nhiều bài viết từng xuất hiện trên các trang báo trong nhiều năm cũng như để ghi dấu 35 năm làm dâu Bình Định của mình.

Advertisement

Ở đó, không thể thiếu những món ngon của má chồng yêu quý mà giờ đây chỉ có thể nhớ trong tâm trí với tình yêu thương, trân trọng. Có thể kể đến những món như bánh xèo ở Tam Quan, vỏ bánh trắng tinh được đổ xèo xèo trong khuôn tròn nhỏ trên bếp than đỏ lửa, vỏ mỏng giòn chấm mắm đục (Xèo xèo… vỏ).

Hay món ăn làm mồi lai rai không gì sánh bằng, tai heo sần sật và bùi bùi của thính, thơm của riềng và tỏi, cay cay của tiêu… bó trong lá ổi, lá chuối ngoài cùng là rơm được bó lại, dân dã (Xù xì cây tré xứ này).

Hay món mắm cua làm cho người ăn từ ưa tới ghiền, thật khó diễn tả, có thể là mắm cua kho xôi xổi với sắn hay đậm đà hơn là có thêm cá rô và mỹ vị hơn nữa là thịt ba chỉ kho trên bếp lửa liu riu.

mui vi nho thuong anh 1

Sách Thương quá nục ởi!. Ảnh: Q.M.

Hay món mắm mặn mòi khó quên mà tác giả miêu tả: “Còn nữa chứ! Mắm quê sao có thể đậm đà ý nghĩa, khi không được thưởng thức cùng những người thân khi trời bỗng đổ mưa. Mắm, những hồi đó, đã như thể là chất keo dính kết tình nghĩa gia đình”.

Nhắc tới mắm là nhớ đến chuyện nhờ mắm mà tác giả cùng chồng nên duyên nhờ món ăn dân giã này, thuở đôi mươi. Món mắm cá mương sông Côn – một món ăn cải thiện đời sống thời còn khó khăn – đã gắn kết đôi lứa yêu nhau, thành chồng thành vợ cho đến ngày nay (Thập cẩm… mắm).

Advertisement

Hay là món mứt với nhiều thứ nguyên liệu ít tiền – bình dân như mứt dừa, mứt bí đao, mứt me.. tới sang hơn là mứt hạt sen, mứt mãng cầu, mứt hồng… được chuẩn bị trước. Món mứt thập cẩm là khúc biến tấu hòa trộn của vụn vặt còn lại các loại mứt trên thêm một chút gừng, cà chua, thơm, bí đao… trộn đều vào chậm rãi mà rim (Mứt xà bần).

Hay món ngon gắn liền với cá nục kho sền sệt, nấu canh lá giang, cháo cá, cá chiên chấm nước mắm chua ngọt xoài bằm, canh cá nục kho giằm giằm trái sấu, cá nục hấp nguyên vị để cuốn bánh tráng ăn (Thương quá nục ởi!).

Hay là món “ruốc” làm cho bữa cơm gia đình rộn vui, tiếng bẻ bánh tráng nướng rồm rộp để xúc ruốc, canh ruốc, gỏi ruốc, ruốc xào, ruốc kho, bánh xèo hay bánh căn có ruốc… là món ăn khiến chúng ta bồi hồi một cách dịu êm.

Và còn rất nhiều món quê gây thương nhớ như: cá chuồn kho mít non, bún quậy với tôm hoặc rạm, bánh nổ, chè kho, xu xoa, bánh tráng nướng, bánh rế, món ngon với con nuốt, các loại thịt thưng, mít non trộn gỏi, chả ram, chả ốc, chè ỉ nóng thơm lừng, gié đắng cùng rượu nồng …

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ lý do viết tập sách này là vì mẹ chồng chị: “Còn má, nào chỉ đơn thuần là má chồng tôi. Bởi chúng tôi đã yêu thương gắn bó và thân thiết với nhau quá chừng. Khi má hãy còn, viết về má, tôi cười. Má đi xa, viết cho má, lòng tôi run khựng… Cảm xúc ấy, tôi vẫn bắt gặp trong suốt những lần viết đi viết lại, chỉnh sửa tới lui cho tập sách này”.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/nang-dau-viet-sach-nhung-mon-an-mang-mui-vi-nho-thuong-post1447062.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Xu hướng