Cuốn sách là điều mới lạ, viết dưới góc nhìn của kẻ si tình, đến mức từ bỏ hoàn toàn bản thân. Tình yêu hiện hữu không chỉ là nỗi ám ảnh mà còn là sự chiếm đoạt đến ngột ngạt.
Sách Chuyện Sarah. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Sức nặng của những đoạn văn gấp gáp
Allard đã sử dụng ngôn ngữ đơn giản, lặp lại những câu ngắn, nửa đầu câu chuyện được chia thành nhiều phần nhỏ (82 chương trong 77 trang) để mô tả một tâm lý có phần méo mó, nhưng mãnh liệt giữa hai phụ nữ.
Những đoạn văn gấp gáp không dài dòng mang lại sức nặng, như hơi thở dồn dập, vừa tạo nên lớp lang cho mạch truyện vừa để độc giả tự tưởng tượng bổ sung lấp đầy khoảng trống. Thủ pháp này gần đây cũng được áp dụng trong Weather của Jenny Offill hay Apeirogon của Colum McCann.
Tác phẩm mang tên Chuyện Sarah nhưng mọi thứ chúng ta đọc đều đến từ người tình ẩn danh của cô ấy, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, từng có bạn trai và một con gái.
Hai nhân vật gặp nhau tại buổi tiệc đêm giao thừa ở Paris, Pháp. Sarah trong mắt người phụ nữ là một nghệ sĩ vĩ cầm xinh đẹp, từ xa ngắm nhìn cũng toát lên vẻ tự nhiên đầy quyến rũ.
“Thật là một cô gái kỳ lạ”, người phụ nữ phải thốt lên, nhưng rồi người kể chuyện của chúng ta nhanh chóng bị thu hút bởi một Sarah nóng nảy và bạo liệt, một nghệ sĩ chơi vĩ cầm không kiên nhẫn với bất cứ thứ gì.
Sarah đối với nhân vật “tôi” như đức tin mãnh liệt, là liều thuốc tinh thần vực dậy thân xác đang dần héo úa. “Cô bám riết tâm trí tôi. Cô ám ảnh tôi, cái cơ thể tuyệt đẹp, ma mị, làm căng phồng các mạch máu tôi, như một thần khải, một nguồn sáng, một hiện thân”.
Thời gian dần trôi qua, mối quan hệ ngày càng sâu sắc và người phụ nữ bắt đầu mô tả nhiều hơn về Sarah.
“Chuyện kể rằng Sarah nồng nàn, Sarah đam mê, Sarah nguyên tố lưu huỳnh. Lưu huỳnh. Có gốc Latin là sulfur, tức là sấm sét, tia lửa của bầu trời. Đau khổ. Ngôi thứ nhất số ít. Tôi đau khổ. Tiếng Latin là suffero, chịu đựng, gánh vác, cam chịu”.
Sarah như nguồn cơn của mọi đau khổ, nhưng không vì thế mà nhân vật “tôi” dừng lại, mà họ càng thêm quay cuồng trong những đam mê thể xác lẫn tinh thần bùng nổ.
Thế nhưng, dù hầu hết mọi câu đều chứa từ “cô ấy”, người đọc vẫn không thể nào hiểu nổi điều gì khiến Sarah trở nên hấp dẫn đối với người phụ nữ ngoài 30 đến vậy.
Tranh Những quý cô Venice đang nghe một bản Serenade của họa sĩ Frank Cadogan Cowper. Ảnh: wikiart. |
Bản tứ tấu về tình yêu
Sarah vừa là niềm vui vừa là đau khổ. Tình yêu của họ như ngọn lửa bùng cháy nhưng dần nguội vì ham muốn đã trở nên cạn kiệt. Họ bắt đầu dày vò nhau. Giống như trong Đồi gió hú hay Anna Karenina, câu chuyện được lồng vào thế giới nghiệt ngã, nơi những người yêu nhau cảm thấy mất mát một phần vì những thế lực ngoài tầm kiểm soát của họ.
Ở đây là chuyện của hai phụ nữ tầng lớp trung lưu bình thường, đi nghe hòa nhạc, đưa con gái đến trường nhưng tạo hóa vốn sắp đặt con người vào những ngã rẽ.
Không gì là mãi mãi, Sarah phát hiện mình bị bệnh nan y, cô không thể ở bên người tình của mình được nữa. Nhân vật “tôi” tự dằn vặt ngày này qua ngày khác, coi đó là hệ quả của tình yêu của họ.
Nửa sau của cuốn tiểu thuyết chất chứa những dằn vặt, khi người kể chuyện bỏ lại đứa con gái để bay đến Trieste, Italy, ở với một người bạn, vật vã với những suy nghĩ về Sarah vẫn ập đến hàng đêm.
Chương và đoạn trở nên dài hơn, phản ánh những dòng suy tư lộn xộn trong tâm trí cô ấy, khi cô dần mất tập trung, chỉ có thể tĩnh tâm bằng cách suy ngẫm về biển cả vô tận.
Bản chất độc đoán của Sarah và sự hủy hoại nội tâm chính là điều mà cuốn tiểu thuyết muốn lột tả. Dưới ngòi bút của Delabroy-Allard, chuyện tình của Sarah như một bản tứ tấu bi ca, có khúc dịu êm như biển lặng, có lúc dữ dội như cuồng nộ, có lúc lại đau thương đến tột cùng. Trong tình yêu, yêu thôi là chưa đủ, phải có những khắc khoải đến xé lòng mới là cuồng si.
Cuốn tiểu thuyết là tác phẩm đầu tay của Pauline Delabroy-Allard, nhanh chóng thành công vang dội khi được xuất bản ở Pháp vào năm 2019 khi dũng cảm mô tả thẳng thắn về giới tính.
Cuốn sách chỉ xoay quanh hai nhân vật, người kể chuyện và Sarah. Dường như cha mẹ của Sarah, con gái của người kể chuyện, chỉ được gọi tên, xuất hiện nhưng không có cơ hội tồn tại, hai người họ dường như tồn tại riêng biệt với thế giới rộng lớn này.
Pauline Delabroy-Allard là giọng văn thấu đến tâm can người đọc của văn học Pháp những năm gần đây. Chuyện Sarah được đề cử vào danh sách giải Goncourt năm 2019, tại Pháp, cuốn sách đã đạt giải thưởng tiểu thuyết trẻ France-Culture-Télérama năm 2018, tại Canada đạt giải thưởng văn học quốc tế Québec-France Marie-Claire-Blais năm 2020.