Được sự đồng ý của alphabooks – đơn vị giữ bản quyền – Zing trích đăng cuốn sách “Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả” của tác giả Michio Kaku.
Cuốn tiểu thuyết Slan của nhà văn A. E. van Vogt đã cho thấy tiềm năng to lớn của sức mạnh ngoại cảm, đồng thời lột tả nỗi sợ hãi thầm kín nhất của chúng ta về nó.
Jommy Cross, nhân vật chính của câu chuyện, là một “slan” – một chủng tộc có trí thông minh siêu việt và khả năng ngoại cảm, đang trên đà tuyệt chủng.
Cha mẹ anh bị một đám đông giận dữ giết hại dã man. Những người này sợ hãi và khinh miệt khả năng ngoại cảm vì lo ngại sức mạnh to lớn của những nhà ngoại cảm có thể xâm phạm đời tư của họ, kể cả những suy nghĩ thầm kín nhất. Con người nhẫn tâm săn đuổi các slan, giống như săn thú vật. Với những chiếc râu đặc trưng trên đầu, các slan rất dễ bị nhận diện. Mạch truyện chính mô tả việc Jommy cố gắng liên lạc với các slan, trốn ra ngoài không gian để thoát khỏi sự săn lùng của loài người.
Ngoại cảm
Về phương diện lịch sử, khả năng đọc ý nghĩ được coi là quan trọng đến nỗi nó thường liên quan tới thánh thần. Một trong những quyền lực mạnh mẽ nhất của bất cứ vị thần nào là khả năng đọc suy nghĩ người khác, nhờ đó, phản hồi lại được những lời cầu nguyện thầm kín.
Một nhà ngoại cảm thực sự đọc được ý nghĩ của người khác có thể dễ dàng trở nên giàu có và quyền lực bậc nhất thế giới vì họ biết những ông chủ nhà băng phố Wall đang nghĩ gì và dùng nó để tống tiền hay cưỡng ép các đối thủ. Người đó sẽ trở thành mối đe dọa đối với an ninh chính phủ, có thể dễ dàng đánh cắp những bí mật quốc gia nhạy cảm. Giống như các slan, người đó sẽ gây sợ hãi và có thể bị săn đuổi.
Sức mạnh to lớn của một nhà ngoại cảm thực sự được nêu bật trong loạt truyện nổi tiếng Foundation (Kiến tạo) của văn hào Isaac Asimov, thường được quảng bá là thiên sử thi khoa học viễn tưởng lớn nhất mọi thời đại.
Trong truyện, một Đế quốc Thiên hà hàng nghìn năm tuổi đang trên bờ vực suy tàn và sụp đổ. Bằng các phương trình phức tạp, một hội kín gồm các nhà khoa học, tự xưng là những nhà kiến tạo ẩn mình, đã tiên đoán Đế quốc sẽ sụp đổ và nền văn minh của họ sẽ bị chôn vùi trong 30.000 năm tăm tối. Họ phác thảo một kế hoạch tỉ mỉ dựa trên các phương trình này nhằm giảm thiểu quãng thời gian suy tàn của nền văn minh. Nhưng rồi thảm họa vẫn xảy ra.
Các phương trình phức tạp của họ đã không thể tiên đoán một sự kiện nhỏ: sự ra đời của một người đột biến tên Mule, có khả năng điều khiển suy nghĩ từ xa và do đó nắm luôn quyền điều khiển Đế quốc Thiên hà. Thiên hà sẽ bị đọa đày trong 30.000 năm tăm tối và hỗn loạn nếu khả năng ngoại cảm của Mule không bị chặn lại.
Mặc dù khoa học viễn tưởng đầy rẫy những câu chuyện tuyệt vời liên quan tới khả năng ngoại cảm như vậy, nhưng sự thật lại trần trụi hơn nhiều. Vì suy nghĩ mang tính cá nhân và vô hình nên suốt nhiều thế kỷ, những tên lang băm và những kẻ bịp bợm đã tận dụng nó để lợi dụng sự ngây thơ và cả tin của nhiều người.
Một mánh đơn giản của các ảo thuật gia và các nhà tâm thần học là sử dụng “chân gỗ” – đây là một cộng sự được cài trong đám khán giả và người chủ trò có thể dễ dàng “đọc” ý nghĩ của vị “khán giả“ này.
Thực tế, công việc của một số ảo thuật gia và tâm thần học dựa trên “thủ thuật chiếc mũ” nổi tiếng, trong đó khán giả được yêu cầu viết những thông điệp cá nhân lên các mẩu giấy rồi đặt chúng vào trong một chiếc mũ. Sau đó, trước sự ngỡ ngàng của khán giả, nhà ảo thuật sẽ nói cho họ biết những gì được viết trên các mẩu giấy.
Có một cách lý giải đơn giản vô cùng cho mánh lới tinh vi này. Hãy rút mẩu giấy đầu tiên và đọc thầm để biết cái tên ghi trên đó, nhưng lại hô lên rằng bạn đang không đọc được nó vì “đám mây” đang bao phủ lấy nó. Sau đó hãy rút ra mẩu giấy thứ hai nhưng đừng vội mở ra. Giờ bạn đọc lại cái tên đã thấy trong mẩu giấy đầu tiên.
Người đã viết tên lên mẩu giấy đầu tiên sẽ bị mê hoặc vì nghĩ rằng bạn đã đọc tên anh ta từ mẩu giấy thứ hai còn chưa mở. Bây giờ, hãy mở mẩu giấy thứ hai ra và đọc thầm cái tên trên đó. Sau đó rút mẩu giấy thứ ba từ chiếc mũ và đọc lớn cái tên được ghi trên mẩu giấy thứ hai. Tiếp tục lặp lại quá trình này. Mỗi lần bạn đọc to cái tên ghi trên một mẩu giấy, thực ra là bạn đang đọc thông tin ở mẩu giấy đã rút ra trước đó.
Một trường hợp ngoại cảm nổi tiếng lại không gắn liền với một chân gỗ mà với một con vật, đó là chú ngựa thông minh Clever Hans, từng gây ngạc nhiên cho khán giả châu Âu vào những năm 1890. Trước sự sửng sốt của người xem, Clever Hans có thể thực hiện những phép tính phức tạp. Ví dụ, nếu ta yêu cầu Clever Hans lấy 48 chia cho 6, chú sẽ gõ móng xuống đất 8 lần.
Clever Hans có thể thực hiện phép chia, phép nhân, cộng các phân số, đánh vần, thậm chí nhận biết các nốt nhạc. Người hâm mộ Clever Hans tuyên bố chú ngựa này thông minh hơn cả con người, hoặc chú có thần giao cách cảm với não bộ của con người.
Chú ngựa Clever Hans trong một lần biểu diễn. |
Nhưng Clever Hans không phải là sản phẩm của những trò bịp khéo léo. Khả năng tính toán đại số tuyệt vời của Clever Hans thậm chí còn gây ngỡ ngàng cho cả người huấn luyện chú. Năm 1904, nhà tâm lý học lỗi lạc – giáo sư C. Strumpf – được đề nghị phân tích khả năng của chú ngựa và ông không tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về sự lừa đảo hay việc ra dấu kín cho chú ngựa. Điều này càng khiến cộng đồng thêm ngưỡng mộ Clever Hans.
Tuy nhiên, ba năm sau, một học trò của Strumpf là nhà tâm lý học Oskar Plungst đã tiến hành những bài kiểm tra chặt chẽ hơn dành cho Clever Hans và cuối cùng đã khám phá ra bí mật của nó. Tất cả những gì chú ngựa đã làm là quan sát biểu cảm tinh tế trên khuôn mặt người nài ngựa. Chú sẽ tiếp tục gõ móng xuống đất cho đến khi biểu cảm trên khuôn mặt người huấn luyện thay đổi thì ngừng lại. Clever Hans không đọc được ý nghĩ của con người hay thực hiện được phép tính đại số nào cả, chú chỉ đơn giản là giỏi quan sát các biểu cảm trên khuôn mặt người.
Lịch sử cũng ghi nhận những động vật “thần giao cách cảm” khác. Vào đầu năm 1591, chú ngựa Morocco trở nên nổi tiếng ở Anh và làm giàu cho chủ nó bằng cách chỉ đúng vào những chữ cái mà khán giả yêu cầu và làm phép cộng tổng số chấm tròn trên một cặp xúc xắc. Morocco tạo cho người Anh cảm giác như thể Shakespeare đã lấy cảm hứng từ chú để xây dựng “chú ngựa nhảy múa” trong vở kịch Love’s Labour’s Last (Uổng sức yêu đương) của ông.
Những tay cờ bạc cũng có khả năng đọc được ý nghĩ của người khác trong chừng mực nhất định. Khi một người cảm thấy thoải mái, đồng tử thường giãn ra. Khi họ thấy gì đó không ưng ý (hay khi họ thực hiện tính toán), đồng tử sẽ co lại. Những con bạc có thể đọc được cảm xúc của đối phương bằng cách quan sát xem đồng tử của đối phương đang giãn ra hay co lại. Đó là lý do những tay cờ bạc thường đeo kính sẫm màu, nhằm che đậy sự thay đổi của đồng tử.
Chúng ta cũng có thể chiếu một chùm laser yếu lên đồng tử môt người và phân tích chùm tia phản xạ lại, nhờ đó xác định được chính xác người này đang nhìn đi đâu. Bằng cách phân tích chuyển động của những đốm laser phản xạ lại, chúng ta xác định được họ đang quan sát một bức tranh như thế nào. Kết hợp hai kỹ thuật này, chúng ta sẽ xác định được phản ứng cảm xúc của một người khi đang xem một bức tranh, trong khi người này hoàn toàn không hay biết gì.
Nghiên cứu tâm linh
Năm 1927, tiến sĩ Joseph Banks Rhine bắt đầu thực hiện những nghiên cứu nghiêm túc và có tính hệ thống về các hiện tượng tâm linh tại Mỹ, lập nên Viện Rhine (nay là Trung tâm Nghiên cứu Rhine) tại Đại học Duke, Bắc Carolina. Trong nhiều năm, ông cùng vợ là Louisa đã thực hiện những thí nghiệm khoa học có kiểm soát đầu tiên ở Mỹ về nhiều hiện tượng cận tâm lý học: và xuất bản các công trình này dưới dạng sách bình duyệt. Chính Rhine là người sáng tạo ra thuật ngữ “giác quan thứ sáu” trong một trong những cuốn sách đầu tiên của mình.
Thực tế, phòng thí nghiệm của Rhine đã đặt ra chuẩn mực cho lĩnh vực nghiên cứu tâm linh. Một trong những phụ tá của ông là tiến sĩ Karl Zener đã phát triển một bộ bài năm ký tự, nay được gọi là bộ bài Zener, để phân tích sức mạnh của khả năng ngoại cảm. Phần lớn các kết quả nghiên cứu không cho thấy bằng chứng nào về hiện tượng ngoại cảm, nhưng một số ít dường như hàm chứa những mối liên hệ dữ liệu tuy nhỏ nhưng đáng chú ý, khó có thể là ngẫu nhiên được. Chỉ có một vấn đề là thường thì các nhóm nghiên cứu khác không thể tái lập lại các thí nghiệm này.
Nỗ lực gây dựng tiếng tăm của Rhine ít nhiều bị ảnh hưởng trong vụ việc chú ngựa Lady Wonder. Chú ngựa này có những ngón nghề gây sửng sốt về khả năng ngoại cảm, như gõ vào các khối đồ chơi có in chữ cái, đánh vần những từ mà người xem đang nghĩ đến. Rõ ràng là Rhine không biết về chú ngựa Clever Hans.
Năm 1927, Rhine đã phân tích chi tiết khả năng của Lady Wonder và đi đến kết luận: “Chỉ còn lại một khả năng dễ lý giải cho điều này, đó là hiện tượng ngoại cảm, một quá trình truyền dẫn các ảnh hưởng thần kinh mà chúng ta chưa biết đến”.
Sau này, nhà ảo thuật người Mỹ Milbourne Christopher đã tiết lộ nguồn gốc thực sự của khả năng ngoại cảm ở Lady Wonder: những chuyển động tinh tế của chiếc roi da mà người huấn luyện cầm trên tay. Chính những chuyển động này đã ra hiệu cho Lady Wonder ngừng gõ móng guốc.
Nhưng kể cả khi sự thật được phơi bày, Rhine vẫn tin rằng Lady Wonder thực sự có khả năng ngoại cảm, nhưng bằng cách nào đó nó đã đánh mất sức mạnh đó, khiến cho chủ nhân của nó sau này phải viện tới những mánh lới trên.
Tuy nhiên, danh tiếng của Rhine tan thành mây khói khi ông chuẩn bị nghỉ hưu. Thời điểm đó, ông đang tìm kiếm một người kế nhiệm có tiếng tăm để tiếp tục công việc ở Viện. Một ứng viên đầy hứa hẹn là tiến sĩ Walter Levy, được ông thuê vào năm 1973. Là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực cận tâm lý học, tiến sĩ Levy thông báo một số kết quả gây xôn xao dư luận, rằng dường như ông đã chứng tỏ được những con chuột có thể làm thay đổi các bộ đếm số ngẫu nhiên của máy tính thông qua thần giao cách cảm.
Các nhân viên của phòng thí nghiệm cảm thấy nghi ngờ và đã phát hiện việc tiến sĩ Levy lén lút lẻn vào phòng thí nghiệm ban đêm để thay đổi kết quả thí nghiệm. Những thí nghiệm sau đó đều cho thấy những con chuột không có chút khả năng ngoại cảm nào, còn tiến sĩ Levy bị buộc phải ngưng công việc tại Viện trong tủi nhục.