Có chuyên môn chính là lĩnh vực viễn thông, một ngành tưởng chừng khô khan chẳng liên quan, móc nối gì với văn chương, chữ nghĩa, nhưng nhà văn Hoàng My, lại sống một cuộc đời văn rất khác phía sau bộ trang phục công sở.
Cũng như bao nhân viên văn phòng, Hoàng My cũng bận bịu với công việc chuyên môn hàng ngày của mình. Nhưng trên mặt chữ, có một Hoàng My thả hồn say cùng những trang viết với những ấn phẩm nào là Vì em là đàn bà (2011), Đàn bà @ (2015), Sài Gòn thương còn hổng hết (2019)...
Và mới đây, người đàn bà “viễn thông” ấy vừa trút bầu tâm sự qua Đàn bà vui buồn bé mọn do Sống và NXB Thanh niên ấn hành.
Tản văn Đàn bà vui buồn bé mọn của nhà văn Hoàng My. Ảnh: Đinh Huyền. |
Tập tản văn Đàn bà vui buồn bé mọn với những mảnh rời từng truyện xẻ vào các mảnh nhỏ của cuộc sống, nhưng rất đời, rất người và… rất căn tính đàn bà. Tác phẩm như món quà chữ nghĩa nói hộ nỗi lòng của giới chị em, để khi lần giở nó, là bắt gặp sự đồng điệu trong tâm hồn phụ nữ.
Tâm sự về đứa con tinh thần của mình, Hoàng My đưa ra băn khoăn, có phải lâu nay, đàn bà mưu cầu cho cuộc đời mình, là “1 chồng, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh”, hay là mưu cầu điều gì khác ngoài những vật chất bên ngoài.
Nói và cũng để tự trả lời, tác giả của Đàn bà vui buồn bé mọn như quay về với thực tại, để tự sự: “Chúng ta vốn thế, bình đẳng giới đầu tiên, là mình được thoải mái tự do là chính mình, trong những vui buồn tưởng vô cùng bé mọn của đàn bà. Mà thấm thía, mà rưng rưng, mà nhận ra, ừ thì là ta đấy”.
Trải 38 truyện được cấu tứ đề mục bắt đầu từ định danh chung “đàn bà”, Hoàng My dẫn dắt độc giả đến với những thường nhật của cuộc sống, của nhân sinh người phụ nữ với men đàn bà đậm nét đại diện cho bất cứ chị em nào qua “Đàn bà ghen”, “Đàn bà và trang sức”, “Đàn bà giữ chồng”… Nhưng cũng có lúc đầy tính thời sự của giới với “Đàn bà làm mẹ đơn thân”, “Đàn bà văn phòng”, “Đàn bà và khí chất”…
Với phụ nữ, biết nâng cao giá trị bản thân, cũng là một cách giữ chồng khôn ngoan. |
Tưởng như với mỗi truyện, mỗi chủ đề, Đàn bà vui buồn bé mọn dần phơi bày, tả chân giới nữ. Nhưng không chỉ có vậy, đọng lại sau mỗi một tâm sự, là những trải nghiệm, nhưng tiếng lòng không chỉ của tác giả, mà có lẽ, là của tất thảy… đàn bà.
Đề cập đến sự khoe của chị em trên mạng xã hội qua “Đàn bà, khoe gì cho lành?”, là muôn hình vạn trạng những cách khoe. Đàn bà viên mãn hạnh phúc thì khoe được chồng cưng chiều, khoe điều kiện; ai chưa có khả năng thì khoe chồng, khoe con; nữ chưa chồng thì khoe dáng… Đủ cả mọi lối.
Nhưng mấy ai biết rằng thỏa mãn sự khoe của bản thân mà tỏ được cảm xúc người tiếp nhận sự khoe ấy? Bởi vậy, khoe gì cho lành nếu không phải là “khoe cái sự biết tiết chế, chừng mực, vừa phải của mình, là được rồi”. Để khoe cho đúng, khó lắm thay!
Xem “Đàn bà giữ chồng”, để thấy dẫu có vô vàn những liệu pháp được chị em đưa ra cân đo đong đếm, là giám sát 24/24, là chăm sóc bản thân để chồng luôn thấy hấp dẫn, là nhẹ nhàng tình cảm lạt mềm buộc chặt… nhưng rốt cuộc, vẫn là làm sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, để tổ ấm gia đình, đủ đầy, viên mãn…
Dẫu mỗi truyện là nhân vật, bối cảnh khác nhau, nhưng những chiêm nghiệm rất phụ nữ như có sợi dây liền mạch để cho Đàn bà vui buồn bé mọn thấm đẫm chuyện đàn bà, trong những dịu dàng, nhấn nhá của người thuộc một nửa của thế giới.