Bốn nhà văn Đinh Phương, Hiền Trang, Kim Tam Long và Thảo Trang gợi ý sách đọc hè này. Mỗi tác giả đều đã chọn ra những tác phẩm mà họ thấy ấn tượng trong thời gian qua.
Bán mạng là tiểu thuyết mà Đinh Phương tâm đắc mùa hè này. Ảnh: Minh Hùng. |
Đinh Phương
Đinh Phương là một cây bút trẻ tài năng, đang là biên tập viên tại một tạp chí văn chương. Anh đã cho ra mắt một số tác phẩm ấn tượng. Gần đây, cuốn tiểu thuyết Nắng thổ tang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cả độc giả lẫn giới phê bình, tác phẩm đã giúp anh đoạt giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất.
Trao đổi với Zing, nhà văn Đinh Phương cho biết cuốn anh thích nhất gần đây là Bán mạng của Yukio Mishima. Đinh Phương cho biết anh bị đẩy vào thế giới Mishima. Từ Kim các tự đến Bán mạng là hai thế giới khác nhau. “Bán mạng khiến tôi bật cười vì sự bất ngờ của hài hước đen – kẻ muốn chết mà không thể chết”, Đinh Phương nói.
Nhà văn cho biết anh cảm thấy có phần đồng cảm với nhân vật trong Bán mạng, vì khi còn trẻ, những ý nghĩ tiêu cực từng xuất hiện trong đầu anh.
Bán mạng là câu chuyện của chàng trai Yamada Hanio, một nhân viên viết quảng cáo 27 tuổi. Bỗng một ngày sau khi đọc báo, Hanio nảy ý muốn tự tử vì “hoàn toàn chẳng có lý do gì để tự tử”. Cuốn sách là một câu chuyện hài hước, phi lý, đặt cho khán giả nhiều câu hỏi hiện sinh. Đinh Phương nhận định: “bi kịch sự sống chưa chắc đã kém bị kịch cái chết”.
Hiền Trang (trái) và tác phẩm yêu thích của cô. Ảnh: FBNV. |
Hiền Trang
Hiền Trang là tác giả trẻ, tạo dựng được tên tuổi từ cuộc thi Văn học tuổi 20. Không chỉ viết văn, Hiền Trang còn làm công việc dịch thuật, diễn thuyết, bình luận nghệ thuật.
Cuốn sách nữ nhà văn trẻ lựa chọn để giới thiệu là cuốn The Physicist & The Philosopher: Einstein, Bergson and the Debate that Changed Our Understanding of Time của Jimena Canales (Tạm dịch: Nhà vật lý và triết gia: Einstein, Bergson và Cuộc tranh luận thay đổi hiểu biết của chúng ta về thời gian).
Cuốn sách đưa người đọc kéo về 100 năm trước, khi hai trí tuệ vĩ đại thế kỷ XX là nhà vật lý Albert Einstein và triết gia Henri Bergson gặp gỡ và có cuộc tranh luận về bản chất của thời gian.
Henri Bergson đã chỉ ra những điều ông không đồng ý với thuyết tương đối của Einstein. Ông cho rằng thời gian không chỉ là thứ được chỉ trên một chiếc đồng hồ. Ta không thể bỏ qua mối liên kết giữa thời gian và ý thức con người.
Nhà văn Hiền Trang chia sẻ: “Phần lớn giới hàn lâm khi ấy đã đứng về phía Einstein với những chứng cứ khoa học không thể chối cãi của thuyết tương đối, và ‘chiến thắng’ của Einstein trước Bergson cũng đánh dấu sự sa sút của triết học so với khoa học trong đời sống thường nhật, nhưng có thật là Bergson đã sai không?”.
Cuốn sách này lật lại toàn bộ cuộc tranh luận giữa hai người và những hậu duệ của mỗi người, trong đó có những bậc trí thức lỗi lạc khác, để chỉ ra rằng dường như tất cả đã hiểu lầm về quan điểm của Henri Bergson, rằng ông không phản đối thuyết tương đối.
Cái Bergson phản đối là sự loại bỏ triết học để dựng lên một vũ trụ khô khan, lý tính và cứng nhắc, nơi không có chỗ cho những tai nạn, những sự bất nhất, những lượn sóng, những gì uyển chuyển và những gì vô phép tắc.
Một cuốn sách sáng rõ, lôi cuốn, khiến ta trở về bầu không khí học thuật náo nhiệt của thế kỷ 20 với những bộ óc can đảm và sâu sắc nhất”.
Kim Tam Long và cuốn sách yêu thích của anh. Ảnh: M.H. |
Kim Tam Long
Kim Tam Long được biết tới với những tác phẩm trong dòng sách trinh thám ở Việt Nam. Anh là tác giả của những cuốn sách lôi cuốn như Mặt nạ trắng, Ẩn ức trắng, Thảm kịch trắng.
Anh cho biết thời gian này anh tập trung đọc nhiều sách Việt Nam. Trong đó, Kim tam Long ấn tượng với hai tác giả trẻ thuộc thế hệ 9X là Nguyên Trường và Thảo Trang.
Cuốn đầu tiên anh muốn giới thiệu là Ma sói hành quyết của nhà văn Nguyên Trường. Đây là cuốn sách được viết dựa trên một trò chơi cùng tên, lấy cảm hứng từ trò chơi ẩn vai Ma Sói. “Nếu bạn đã chơi Ma Sói rồi thì đọc sách sẽ cảm thấy quen thuộc. Những lá bài trong trò chơi hiện ra dưới dạng những nhân vật sống động với các tính cách đặc trưng thú vị, các luật lệ trò chơi được cụ thể hóa bằng những tình huống tương đương một cách tự nhiên”, Kim Tam Long chia sẻ.
Nhà văn cho rằng ngay cả nếu độc giả chưa biết đến trò chơi Ma Sói thì vẫn có thể trải nghiệm cuốn sách như một tiểu thuyết fantasy giả tưởng với bối cảnh Ma Sói, các tình huống kịch tính dồn dập, các cú twist ngoạn mục.
“Đây là một cuốn sách đặc biệt, thứ nhất nó là một trong số ít tiểu thuyết thuộc thể loại giả tưởng do người Việt sáng tác, thứ hai nó được chuyển thể từ chính một trò chơi – điều dường như chưa từng có trong nền văn học nước nhà, thậm chí trên thế giới”, Kim Tam Long nhận định.
Bên cạnh Ma sói hành quyết, Kim Tam Long cũng tâm đắc với Ngủ cùng người chết của nhà văn trẻ Thảo Trang. Anh đánh giá: “Hai năm trở lại đây, truyện kinh dị tâm linh được xuất bản sách giấy khá nhiều, được đông đảo độc giả đón nhận. Ngủ cùng người chết của Thảo Trang là tác phẩm mà tôi ấn tượng trong thể loại này”.
Văn phong dung dị, thuần Việt, cuốn sách tạo được sự hấp dẫn ngay từ trang đầu tiên với những tình tiết ma mị, bí ẩn, lôi cuốn người đọc. Bên cạnh những tình tiết giật gân giải trí, Thảo Trang cũng khéo léo cài cắm những yếu tố nhân văn thông qua những mảnh đời trắc trở, để khi gấp cuốn sách lại, dư âm còn váng vất trong lòng người đọc.
Thảo Trang và tác phẩm yêu thích của cô. Ảnh: M.H. |
Thảo Trang
Nhà văn viết tiểu thuyết ly kỳ, rùng rợn này trở thành một cái tên đáng chú ý trong làng văn Việt sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết kinh dị Tết ở làng Địa Ngục. Cuốn sách được mua bản quyền chuyển thể thành phim điện ảnh và sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Thảo Trang cho biết gần đây chị thích cuốn Dưới cánh đại bàng của Hoàng Yến. Đây là một tác phẩm trinh thám dã sử, một thể loại còn lạ lẫm với nền văn học Việt.
Tác phẩm lấy bối cảnh 30 năm sau khi vua Lý Thái Tổ sáng lập triều Lý và dời đô về Thăng Long. Câu chuyện ly kỳ, bí ẩn với những tình tiết liêu trai, báo oán gây ấn tượng mạnh với nhà văn Thảo Trang.
Ngoài ra, cô còn giới thiệu thêm tiểu thuyết trinh thám Thảm kịch trắng của Kim Tam Long. Thảo Trang cho biết cô rất ấn tượng với cách tác giả xây dựng bi kịch gia đình trong xã hội hiện đại.