Lucy Yu, chủ một tiệm sách ở khu phố Tàu, New York tin chắc rằng một hiệu sách “chuyên bán những cuốn sách về người Mỹ gốc Á và người nhập cư” chính là thứ mà khu phố Tàu cần.
Cô đã huy động được khoảng 20.000 đôla qua trang web GoFundMe, đủ để thuê một cửa hàng nhỏ. Cô thuê lại mặt bằng trên phố Mulberry, nơi trước kia là một cửa hàng bán đồ tang lễ. Một khoản trợ cấp của khu phố cho cô 2.000 đôla để mua kệ và sách. Đến tháng 12, cô khai trương tiệm sách Yu and Me Books, chuyên bán các tựa sách viết về người nhập cư và người da màu, cũng như các tựa sách của tác giả thuộc nhóm thiểu số này.
“Sau 4 tháng hoạt động, tiệm sách bắt đầu có lãi”, cô Yu cho biết.
Đã có những ý kiến cho rằng mở một tiệm sách ở khu phố Tàu ở Mỹ khi ấy là một ý tưởng điên rồ. Đó là vào đầu năm 2021, đại dịch đã tàn phá khu vực này, buộc hàng chục cửa tiệm và nhà hàng phải đóng cửa. Nhưng Lucy Yu tin rằng một hiệu sách chính là thứ khu phố này cần.
Lucy Yu và hiệu sách của cô. Ảnh: The New York Times. |
Sự phục hồi đáng kinh ngạc
Theo TheNew York Times, Yu and Me Books là một trong hơn 300 tiệm sách tư nhân mọc lên trên khắp nước Mỹ những năm gần đây. Một dấu hiệu hồi phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc và đáng hoan nghênh sau đợt suy thoái do đại dịch Covid-19. Khi số lượng các hiệu sách mở ra ngày càng nhiều, việc kinh doanh bán sách cũng đa dạng hơn (về mặt sắc tộc).
Lucy Yu 27 tuổi, từng làm kỹ sư hóa học và làm quản lý chuỗi cung ứng trước khi quyết định mở tiệm sách tư. Cô chia sẻ: “Công chúng khao khát có một nơi tập trung vào các câu chuyện về người Mỹ gốc Á và người nhập cư. Tôi cũng luôn tìm kiếm điều ấy mỗi khi đi hiệu sách. Giờ mọi người có thể ngừng tìm kiếm, chỉ cần qua tiệm sách của tôi”.
Hai năm trước, tương lai của các tiệm sách tư nhân không mấy sán lạn. Khi virus corona buộc các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, hàng trăm nhà sách nhỏ trên khắp nước Mỹ bị đẩy tới ngưỡng sập tiệm.
Theo dữ liệu từ Cục điều tra Mỹ, doanh số bán sách tại cửa hàng tụt gần 30% trong năm 2020. Ngành xuất bản đã chuẩn bị tinh thần đón nhận một đòn giáng mạnh vào chuỗi bán lẻ, một đòn chí mạng có khả năng tái định hình cung cách đọc và mua sách mãi mãi.
Điều không ai ngờ tới đã xảy ra, các tiệm sách tư nhân không chỉ sống sót qua đại dịch, mà còn phát triển mạnh mẽ.
Allison Hill – Giám đốc điều hành của Hiệp hội bán sách Mỹ, một tổ chức thương mại dành cho các hiệu sách độc lập – nói: “Nghĩ về những khó khăn khủng khiếp mà các cửa tiệm đã phải đối mặt năm 2020, đây quả là một điều đáng kinh ngạc. Một sự phục hồi chưa từng có trước đây”.
Bà Hill cho biết hiện có tới 2.023 hiệu sách tại 2.561 địa điểm, tăng từ 1.689 vào đầu tháng 7/2020. Trong đó, một phần là những cửa hàng phải đóng cửa trong thời kỳ đỉnh dịch, nay được sang sửa và mở cửa lại, phần khác là những cửa hiệu mới mọc, và hơn 200 nhà sách nữa đang chuẩn bị khai trương trong 1-2 năm tới.
Nhiều cửa hàng kinh doanh phát đạt. Theo cuộc khảo sát hiệp hội tiến hành đầu năm nay, có khoảng 80% hiệu sách có doanh thu cao hơn năm 2020, và 70% cao hơn năm 2019.
Hiệu sách Blue Willow Bookshop ở Houston tăng doanh thu tới 20% trong năm 2021. Bà Valerie Koehler chủ tiệm cho biết hiệu sách thậm chí còn thu lợi nhiều hơn cả trước đại dịch. Mitchell Kaplan, người sáng lập Books & Books, một chuỗi nhà sách tư nhân ở Nam Florida, cho biết doanh số bán hàng đã tăng hơn 60% vào năm 2021 so với năm 2020.
Đa dạng mô hình hiệu sách
Trong thời kỳ dịch, nhiều cửa hàng có chủ là người da màu mở cửa, trong đó có thể kể đến The Salt Eaters Bookshop ở Inglewood, Califonia. Một hiệu sách chuyên bán sách viết về và viết bởi phụ nữ da đen, người phi nhị nguyên giới da đen. Còn Libros Bookmobile là một cửa hàng sách di động trên một cái xe buýt cũ ở Taylor, Texas, có chủ là người Latinh. Nơi đây chuyên bán sách văn học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Và chủ hiệu sách Reader’s Block ở Stratford, Connecticut cũng là người da đen.
Terri Hamm quyết định mở Kindred Stories ở Houston, khi con gái cô, năm nay 14 tuổi, nói rằng cô bé thấy những cuốn sách mẹ cô đem về quá nhàm chán. Là một người ham đọc, cô bé thích những cuốn sách viết về các cô gái da đen cùng tuổi.
“Tôi nhận ra là ở Houston không có đủ nơi để mua đủ những tác phẩm tuyệt vời của những cây bút da đen trên thị trường. Không có nơi nào cho con gái tôi lui tới thường xuyên”, cô Hamm chia sẻ.
Sự phát triển nhanh chóng của các hiệu sách truyền thống đáng ngạc nhiên hơn nữa vì ngày nay kinh doanh hiệu sách truyền thống phải cạnh tranh gay gắt với Amazon và các trang bán lẻ trực tuyến khác.
Nhiều chủ hiệu sách đang phải đối mặt với tương lai không mấy khả quan của nền kinh tế nói chung, gồm những vấn đề như thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thuê và lãi suất tăng, chi phí hàng hóa cao hơn và suy thoái kinh tế có thể làm giảm mức chi của người tiêu dùng.
Nhưng một hệ quả bất ngờ của đại dịch là hiện tượng nhiều người tập hợp tại các tiệm sách địa phương trong thời kỳ khủng hoảng y tế. Trong thời gian phải giãn cách, các cửa hàng phải đóng cửa, hoạt động mua sắm trực tiếp giảm mạnh. Lúc này, các hiệu sách nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động sang cả nền tảng trực tuyến, tìm cách giữ chân khách hàng như giao hàng tận nhà, nhận hàng tại cửa, quầy pop-up ngoài phố và cửa hàng di động.
Nhưng hóa ra, độc giả lại hứng thú với sách in trong thời kỳ đại dịch và doanh số bán hàng tiếp tục tăng vọt trong năm 2021. Theo NPD BookScan, các nhà xuất bản bán được gần 827 triệu bản sách in, tăng khoảng 10% so với năm 2020.
Loại hình hiệu sách mới cũng có thể là một sản phẩm phụ từ nền kinh tế thay đổi do đại dịch gây ra. Các nguồn hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp nhỏ đã giúp nhiều hiệu sách vượt qua thời kỳ ngừng hoạt động, trong khi một số người bỏ việc và kinh doanh riêng, bán sản phẩm với giá hợp lý hơn.
Julie Ross là một người đã bỏ công việc nhân sự tại Google để mở tiệm sách Pocket Books ở Lancaster, Pennsylvania, cùng hai người bạn khác cũng mới rời học viện. Họ mở một tiệm sách tư nhân dành cho cộng đồng LGBT và người hoạt động nữ quyền. Họ kê một chiếc bàn sát mặt tiền, trưng những cuốn sách về phá thai, dù cửa hàng của họ nằm ở một khu vực bảo thủ.
“Đại dịch khiến ta phá vỡ bong bóng an toàn của mình vì tin rằng ta có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy đến. Chúng tôi đều nghĩ: ‘Mình đợi gì nữa chứ?’”, Ross chia sẻ.
Laura Rodríguez-Romaní muốn giới thiệu sách song ngữ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cho trẻ em. Ảnh: The New York Times. |
Laura Rodríguez-Romaní, nhà sáng lập và chủ sở hữu của Los Amigos Books ở Berwyn, Illinois, đã khai trương tiệm sách riêng tháng 6 vừa qua. Từng là giáo viên tiểu học song ngữ, bà Rodríguez-Romaní bắt đầu với việc bán sách trực tuyến, sau đó tổ chức các sự kiện pop-up.
Nhờ chính sách kích cầu của chính phủ, bà đã có điều kiện mua sách và lập một trang web. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi dành cho các doanh nhân địa phương, bà tìm được một mặt bằng kinh doanh. Nhờ quỹ Berwyn Development Corporation, bà có tiền mua đồ đạc cho cửa tiệm.
Laura Rodríguez-Romaní biết đó là một khoản đầu tư mạo hiểm, nhưng bà cảm thấy cộng đồng cần một không gian cung cấp sách cho trẻ em bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
“Chúng tôi không thường thấy loại sách ấy ở hiệu sách phổ thông”, bà Rodríguez-Romaní nói.
Một vài chủ tiệm sách mới mở khác cho biết họ có động lực muốn phổ biến nhiều đại diện đa dạng hơn cho làng sách.
Nyshell Lawrence, một người bán sách mới ở Lansing, Michigan, đã ấp ủ ý định mở tiệm sách được 5 năm, kể từ khi bà ghé một hiệu sách địa phương và nhận thấy họ bán rất ít sách của phụ nữ da đen.
Là một người mẹ nội trợ bận rộn với 4 cô con gái, bà bắt đầu với câu lạc bộ sách trực tuyến và các sự kiện pop-up trong thời gian đại dịch, sau đó chuyển đến một cửa hàng siêu nhỏ dùng chung không gian với một doanh nghiệp khác. Cuối cùng, bà tìm được một không gian rộng hơn 400 mét vuông trong Trung tâm mua sắm Lansing và khai trương tiệm sách vào tháng giêng.
Cửa hàng của bà, Socialight Society, bày bán 300 đầu sách của các tác giả da đen – đa số là phụ nữ. Trên trang web còn có nhiều đầu sách hơn nữa. Bà Lawrence cho biết: “Mọi người đang tìm kiếm một cộng đồng nơi họ được gặp gỡ người thật với những đề xuất thật, chứ không phải tiếp xúc với các thuật toán máy tính”.
Hiệu sách của Nyshell Lawrence mang tới những đầu sách của các tác giả gốc Phi – hầu hết là phụ nữ. Ảnh: The New York Times. |
Vào một buổi chiều gần đây ở khu phố Tàu, một lượng lớn khách hàng quen đã ghé tiệm sách và trò chuyện với cô Yu. Ở phía sau cửa hàng, khách hàng ngồi vào một góc đọc sách ấm cúng. Tiệm sách của cô Yu có khoảng 2.000 đầu sách, nằm trên đường Mulberry, gần một nhà tang lễ, một cửa hàng bánh bao và một tiệm giặt khô.
Một người mua hàng đã hỏi cô Yu liệu cô có thể giới thiệu một cuốn sách nấu ăn để làm quà tân gia không; cô Yu đưa cho cô ấy một danh sách lựa chọn dài.
Một khách hàng khác, tác giả Ava Chin, làm việc trong một xưởng viết trong khu vực lân cận, ghé qua để xem liệu cuốn sách mà cô đặt mua đã giao đến chưa. Đó là cuốn Wayward Lives, Beautiful Experiments của Saidiya Hartman và cô đã đặt được về tiệm.
Cô Chin, thuộc gia đình đã nhiều thế hệ sống ở khu phố Tàu, cho rằng tiệm sách đã trở thành tụ điểm của người dân địa phương có óc nghệ thuật và mê văn học. Đây là một trung tâm văn học của người Mỹ gốc Á, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa như buổi đọc thơ song ngữ với nhà thơ Yam Gong, buổi ra mắt sách cho nhà văn kiêm nhà viết tiểu luận Larissa Pham, và một buổi ký tặng với tiểu thuyết gia Marie Myung-Ok Lee.
“Vào thời điểm mà số lượng tội phạm thù ghét người châu Á tăng cao, tiệm sách đóng vai trò như một nơi trú ẩn an toàn. Vào tháng 3, cửa hàng đã tổ chức một sự kiện nâng cao nhận thức và phân phát hơn 1.000 thiết bị báo động an toàn và bình xịt hơi cay”, cô Chin cho biết.
Cô Chin nói: “Đây không chỉ là một tiệm sách, mà thực tế là một không gian cộng đồng. Tôi không nghĩ là chúng tôi cần một hiệu sách cho đến khi chúng tôi có một hiệu sách như thế này”.