Đột phá là cuốn tự truyện của Jack Andraka (sinh năm 1997 tại bang Maryland của Mỹ). Đau buồn bởi cái chết của người thân vì ung thư tuyến tụy, cậu đã quyết định mày mò nghiên cứu và tìm ra cách xét nghiệm hiệu quả, mặc dù hiểu biết ban đầu của cậu về căn bệnh này là con số không.
Nhìn từ bên ngoài, cách đây 9 năm, Jack Andraka trông giống như bất kỳ cậu bé 16 tuổi nào hơi có chút phá cách với mái tóc nâu dài, ngang vai. Nhưng cậu bé này không phải là học sinh trung học bình thường. Năm 2012, Jack Andraka, ở tuổi 16, đã giành được Giải thưởng Intel ISEF Gordon E Moore trị giá 75.000 USD vì đã phát minh ra một loại que thử có thể phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.
Sau khi chiến thắng, Jack được chương trình Early Start của CNN và hàng nghìn kênh truyền hình khác mời phỏng vấn. Cậu được Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Bil Clinton mời đến dự tiệc. Cậu cũng được mời chia sẻ trên chương trình TEDx nổi tiếng toàn cầu.
Sách Đột phá. Ảnh: V. H. |
Từ nỗi đau mất người thân
Sự mất mát đau đớn và đột ngột của người bạn thân của gia đình, giống như một người chú đối với Jack, đã khuyến khích Jack bắt đầu nghiên cứu về ung thư tuyến tụy. Chú Ted của cậu phát hiện ra căn bênh ung thư tuyến tụy và qua đời trong 6 tháng sau đó. Nguyên nhân cái chết là căn bệnh được phát hiện quá muộn.
Jack đã sử dụng Google để tìm hiểu thông tin thực tế về căn bệnh. Cậu nhanh chóng tìm ra số liệu thống kê đáng kinh ngạc về ung thư tuyến tụy: 5,5% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tụy sẽ sống sót sau 5 năm.
Andraka cũng nhận thấy rằng, do phát hiện muộn nên 85% bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ chỉ sống được hai năm, thậm chí ít hơn thế. Lý do bệnh ung thư tuyến tụy bị phát hiện muộn như vậy chủ yếu là do thiếu các triệu chứng, hoặc các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác – như đau bụng, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, trầm cảm hoặc chán ăn.
Trong khi đó, chi phí xét nghiệm của căn bệnh này ở thời điểm đó cũng khá cao, lên tới 800 USD. Và phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến tụy khi đó đã được dùng 60 năm. Cuối cùng, hiệu quả của phương pháp xét nghiệm này khá kém, tỷ lệ sai sót là 30%.
Để giải quyết được vấn đề này, Jack cho rằng cần có một phương pháp phát hiện sớm đơn giản, rẻ tiền, ít xâm lấn và hiệu quả. Bước đầu tiên để tạo ra một xét nghiệm ung thư tuyến tụy là tìm ra một loại protein được phát hiện ở mức cao hơn ở những bệnh nhân dương tính với ung thư tuyến tụy. Trong số 8.000 protein, cuối cùng Jack đã chọn mesothelin. mesothelin là một loại protein được sản sinh quá mức trong các trường hợp ung thư tuyến tụy.
Bước tiếp theo liên quan đến các phương pháp thử nghiệm cho mesothelin. Khi ngồi trong lớp Sinh học – mà theo cậu là khá buồn chán – Jack bắt đầu đọc một bài báo về ống nano carbon. Cậu cho rằng việc sử dụng các kháng thể với các ống nano này sẽ cho phép phát hiện mesothelin và cuối cùng là ung thư tuyến tụy.
Jack Andraka biết rằng cậu không thể tiến xa hơn với thử nghiệm trên bàn bếp hoặc phòng thí nghiệm ở tầng hầm. Cậu cần tìm một phòng thí nghiệm thực sự để tiến hành thí nghiệm. Jack đã liên hệ với 200 nhà nghiên cứu trong nỗ lực cậy nhờ phòng thí nghiệm của họ. 199 người đã từ chối Jack, và một số thậm chí còn nêu ra những điểm yếu trong giả thuyết và những sai sót về phương pháp của cậu.
Tuy nhiên, Jack đã nhận được sự đồng ý từ giáo sư Anirban Maitra tại Đại học Johns Hopkins, người đã không chỉ cho phép cậu sử dụng một số không gian trong phòng thí nghiệm, mà còn dành thời gian thảo luận với cậu về quá trình thí nghiệm.
Sau một thời gian dài vất vả miệt mài nghiên cứu, cuối cùng cậu đã phát hiện ra biện pháp xét nghiệm ung thư gây chấn động, nhanh hơn 168 lần, nhạy hơn 400 lần so với phương pháp cũ và chi phí rất rẻ.
Nhà khoa học Jack Andraka. Ảnh: Out. |
Cuốn sách STEM đặc biệt
Quá trình nghiên cứu để tìm ra phương pháp xét nghiệm ung thư tuyến tụy được Jack Andraka kể trong tự truyện Đột phá. Bên cạnh đó, anh cũng kể lại tuổi thơ của mình.
Ở đó, vào những năm cấp 2, khi phát hiện và chia sẻ với bạn bè cùng thầy cô mình là người đồng tính, Jack bị kỳ thị, trêu chọc. Cái chết của chú Ted khiến cậu mất phương hướng và tự tử nhưng không thành. Cha mẹ Jack luôn yêu thương, động viên và đồng hành cùng con. Lên cấp 3, học ở ngôi trường mới, cậu mới hòa nhập được với các bạn.
Bên cạnh việc truyền cảm hứng cho những người trẻ đam mê dấn thân vào nghiên cứu khoa học, Đột phá của Jack Andraka còn là cuốn sách truyền cảm hứng cho người đọc vượt qua chứng trầm cảm và sự bắt nạt đồng tính để vươn lên.
Thông điệp mà chàng trai Jack Andraka gửi đến những người trẻ tuổi là: Mỗi chúng ta có thể thay đổi thế giới nếu chúng ta có can đảm cố gắng.
Các thí nghiệm khoa học được giới thiệu xen kẽ, đặc biệt ở cuối cuốn sách, làm cho Đột phá trở thành một tài liệu tham khảo cho các chương trình giảng dạy STEM.
Đột phá của Jack Andraka là cuốn sách STEM xuất sắc năm 2017 do Hiệp hội giáo viên khoa học Mỹ bình chọn. Trên trang Amazon, tác phẩm nằm trong top 20 cuốn sách trải nghiệm hay nhất dành cho thanh thiếu niên.
Nhận xét về cuốn sách tờ USA Today viết: “Không chỉ thú vị và chân thực tột bậc, tự truyện của Jack mở ra sự thật về tuổi trưởng thành, và tất cả được chia sẻ rộng mở với độc giả. Jack Andraka xứng đáng là người truyền cảm hứng cho thế hệ của chính cậu”.