Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0 hướng dẫn độc giả từng bước tận dụng sức mạnh sáng tạo để tìm được chỗ đứng trong thế giới đang ngày một lấn át bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo tác giả Greg Orme, não bộ của con người là một thực thể bí ẩn, hấp dẫn nhưng cũng phức tạp. Lợi thế mà con người đang nắm giữ trong cuộc cách mạng lần thứ tư tồn tại trong chính “món quà sinh học kỳ diệu nhưng vô cùng phức tạp này”.
Sách Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0. Ảnh: Hương Nhài. |
Bốn chữ “C”
Đứng trước cuộc cách mạng 4.0 và sự thâm nhập của máy móc, nhiều người lo sợ được mất, rồi mơ hồ đặt ra câu hỏi: Máy móc đang áp chế con người như thế nào? Nó sẽ thống trị nhân loại này ra sao trong thời gian tới? Con người có thể “vịn” vào điều gì để tìm ra lợi thế cho mình?
Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của máy móc đang giúp con người tiết kiệm thời gian, công sức, nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức. Nhận biết được điều đó, Greg Orme đưa ra các lý do và cách thức để tách biệt bản thân, tạo nên sự khác biệt với AI.
Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và khoa học thần kinh mới nhất, các triết lý độc đáo của những doanh nhân thành công và các biện pháp của những doanh nghiệp có tư duy tiến bộ, tác giả khám phá ra 4 kỹ năng cần thiết (4 chữ “C”) để con người tồn tại và vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Khả năng nhận thức (consciousness), trí tò mò (curiosity), khả năng sáng tạo (creativity) và kỹ năng hợp tác (collaboration).
Trong đó, chữ “C” đầu tiên (khả năng nhận thức) là yếu tố quan trọng nhất, dẫn đến ba chữ “C” còn lại. Khi nhận thức được việc bản thân có thể tạo ảnh hưởng đối với thế giới, chúng ta mới có thể lên kế hoạch để đầu tư nhiều thời gian, năng lượng của mình vào việc khám phá, sáng tạo và hợp tác.
Trên thực tế, những công việc chân tay mà trước nay con người đảm nhận sẽ dần được tự động hóa bằng máy móc. AI lên ngôi và sẵn sàng chế ngự con người theo cách mà “những chiếc máy tính lớn của IBM khiến những nhân viên tính toán trở nên thừa thãi”.
Vì thế, để duy trì giá trị của bản thân trong tương lai không xa, chúng ta cần tìm ra “lợi thế của con người trong cuộc cách mạng 4.0” này.
Tác giả khẳng định: “Những khía cạnh mà AI giỏi, bạn có thể yếu, nhưng không hề sai khi nói rằng những khía cạnh thiên bẩm mà bạn giỏi, AI kém hơn bạn”.
Con người đang sở hữu máy móc, nhưng cũng lo sợ bị thao túng bởi máy móc. Ảnh: Topcv. |
Sáng tạo là “đòn bẩy” đưa con người vượt xa máy móc
AI đem lại hiệu quả, nhưng nhược điểm của nó là thiếu sự thông minh, sáng tạo. Sở hữu bộ não mà AI không có được, trước hết con người tự tin vượt trước máy móc ở tầm nhìn xa trông rộng và khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng “sáng tạo” là khái niệm chỉ dành cho người làm nghệ thuật, hoặc chỉ bậc thiên tài mới có óc sáng tạo, trong khi họ lại không hề biết nhờ vào AI, chúng ta cũng có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo của mình.
Về cơ bản, con người và máy móc là hai phạm trù khác biệt nhau, để lấn át được nhau là vấn đề cần rất nhiều thời gian, công sức. Thay vì lo sợ một tương lai bị thống trị bởi AI, cách tốt nhất là chúng ta nên giải phép tính: Con người khi kết hợp với AI sẽ làm nên điều gì?
Tạo nên sự khác biệt, không cạnh tranh với AI là thông điệp chính mà cuốn sách truyền tải. Tác giả nhắn nhủ bạn đọc hãy thực hành, mài giũa thật sắc bén 4 chữ “C”, để khi bản nhạc AI của thế giới có lớn hơn, bước nhảy nào tiếp theo sẽ do con người quyết định.