Mới đây, Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế đã trao giải thưởng Vonte năm 2020 cho Nhà xuất bản Tự Do.
Nhà xuất bản này thực chất là một tổ chức mới được thành lập cách đây hơn 1 năm, chuyên xuất bản các ấn phẩm lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Nhà nước Việt Nam.
Các ẩn phấm của Nhà xuất bản Tự Do tập trung tuyên truyền, kích động, lôi kéo lực lượng tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự, chống phá Nhà nước. |
Mục đích xấu độc của Nhà xuất bản Tự Do
Tuyên bố thành lập vào ngày 14/2/2019, Nhà xuất bản Tự Do tiến hành một số hoạt động chính là xuất bản in và phát hành các ấn phẩm có nội dung kích động, bạo lực chống đối Nhà nước.
Mặc dù là tổ chức tự xưng không lợi nhuận, nhưng số đối tượng cầm đầu vẫn công khai hình thức bán sách với giá khá cao. Một số ấn phẩm được phát tán theo hình thức cho, tặng sách in miễn phí, các bản sách điện tử của tổ chức này được đăng tải trên mạng Internet.
Nhà xuất bản Tự Do ra đời với mục đích để phục vụ nhu cầu của một bộ phận chống đối, bất mãn trong xã hội. Những ấn phẩm của các đối tượng chủ yếu nói về các bất mãn cá nhân, tiêu cực, thậm chí là giả tạo tình huống, cảm xúc để đánh lừa cộng đồng bằng những ngôn từ mỹ miều.
Một số ấn phẩm vi phạm của Nhà xuất bản Tự Do đã công khai trên website như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực” đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Nhiều ấn phẩm của Nhà xuất bản Tự Do tập trung tuyên truyền, kích động, lôi kéo lực lượng tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự.
Các thành phần tham gia Nhà xuất bản Tự Do đăng tải các thông tin hòng định hướng Việt Nam phát triển xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền để tìm kiếm sự hậu thuẫn của các chính giới nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động móc nối, tạo dựng lực lượng chống đối.
Nhà xuất bản Tự Do kêu gọi một số quốc gia gây áp lực với Việt Nam trên cơ sở luật Magnitsky. Nhiều ấn phẩm được Nhà xuất bản Tự Do phát hành là của các đối tượng lộng ngôn, xuyên tạc sự thật, đường lối, chính sách, pháp luật của Việt Nam, tạo ra sự hiểu nhầm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, bình luận: “Có thể thấy rõ động cơ từ phía Nhà xuất bản Tự Do cố tình gây dựng một đơn vị làm đối trọng với các nhà xuất bản chính thống trong nước, tuyên truyền, quảng bá những xuất bản phẩm gây nguy hại, kích động, hoang mang trong dư luận, thậm chí là bôi nhọ và vu cáo, nhằm mục đích chung là chống phá thể chế của Nhà nước ta, nhất là trong thời điểm Đại hội Đảng đang chuẩn bị diễn ra”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên án hoạt động của Nhà xuất bản Tự do. Ảnh: VOV. |
Trong hơn 1 năm qua, Nhà xuất bản Tự Do đã phát tán hàng chục nghìn cuốn sách là các ấn phẩm “đen”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng sự nguy hại của việc này đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam là rất lớn: “Dân trí có nhiều tầng. Trí thức tỉnh táo sẽ nhìn theo chiều dài xuyên suốt của lịch sử, nhận ra được cái hay và không hay, nhưng còn có một bộ phận dân chúng với nhận thức, tri thức hạn chế thì đây là vấn đề rất nguy hiểm.
Đặc biệt, đối với giới trẻ, họ là những người hăng hái, muốn thay đổi, muốn cách mạng, những tài liệu đó có thể sẽ làm họ xao động. Còn đối với tầng lớp cựu binh đã trải qua cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, không gì có thể bôi nhọ được mục đích của những cuộc kháng chiến vĩ đại”.
Cảnh giác với những văn nghệ sĩ phiến diện, cực đoan
Bên cạnh đó, văn học nghệ thuật là một trong những lĩnh vực các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá nước ta.
Thông qua tác phẩm văn chương, các quan điểm cực đoan, lệch lạc, cách tiếp cận phiến diện và mơ hồ theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” rất dễ tác động tới nhận thức, dễ khiến cho người đọc đi từ nhầm lẫn, ngộ nhận, nghi ngờ đến bất mãn, và theo chân các thế lực phản động.
Tuy nhiên, việc nhận diện tư tưởng phản động là không dễ vì nó ẩn khuất trong những vỏ bọc văn học, nghệ thuật và những câu chuyện có thật trộn lẫn những sáng tác hư cấu.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nêu quan điểm: “Sáng tác văn chương là để tôn vinh cái đẹp, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Thế nhưng, có những đối tượng tự cho mình là văn nghệ sĩ lại ‘quên’ mất điều này. Một số trường hợp có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược với lợi ích của nhân dân, đất nước”.
Việc các thế lực thù địch lợi dụng các ấn phẩm văn học để truyền bá tư tưởng chống phá không phải điều gì xa lạ. Nhiều ý kiến cho rằng vào thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các hành động này sẽ còn ráo riết hơn.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học. Ảnh: VOV. |
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, chúng ta sẽ còn phải đối mặt nhiều thủ đoạn của các thế lực thù địch trong giai đoạn này: “Bên cạnh phương thức trực tiếp như in ấn tài liệu, vận động để kích động những phần tử đang có sẵn tư tưởng chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, còn rất nhiều hình thức thông qua ứng dụng, phương tiện công nghệ thông tin hiện nay. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần có thêm lực lượng để tập trung vào việc ngăn chặn này”.
Cùng nỗ lực của các ban, ngành chức năng nhằm ngăn chặn các âm mưu của hoạt động chống phá, việc mỗi người dân tự tạo sức đề kháng cũng rất cần thiết.
Việc cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những nội dung xấu độc được lồng ghép ẩn sau lớp vỏ bọc là tác phẩm văn học nghệ thuật, cùng cộng đồng lên án các hành vi của đối tượng núp bóng tự do xuất bản, tự do sáng tác để phát tán thông tin sai lệch chính là góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.