Tiếp nối tập sách Người xưa cảnh tỉnh – thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX (viết chung cùng Trần Văn Chánh, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM 2018, tái bản 2024), tác giả Vương Trí Nhàn tiếp tục cho ra mắt tập phiếm luận Cái vội của người mình để nói về thói hư tật xấu của người Việt.
Căn tính của người Việt hiện đại
Đây là kết quả của nhiều năm quan sát đời sống hàng ngày của tác giả, được ông khái quát lên thành những nội dung bằng kinh nghiệm của một người có hơn bốn mươi năm viết văn, viết báo và làm công tác nghiên cứu, xuất bản.
Đây cũng là kết quả của quá trình khai thác ba nguồn tư liệu chính của tác giả. Một là việc tìm hiểu và giải thích thói hư tật xấu lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội mà tác giả tìm ở đó nhiều gợi ý. Hai là những công trình nghiên cứu khoa học xã hội soi rọi những vấn đề về người Việt, xã hội Việt mà tác giả dành thời gian để học hỏi.
Ba là những cuốn sách nghiên cứu triết học, xã hội học… như Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Các giá trị đạo đức trong phát triển kinh tế… đã mang lại cho tác giả những gợi ý sâu sắc.
Cái vội của người mình gồm 80 bài phiếm luận về thói hư, tật xấu của người Việt hiện đại, được nhóm thành 5 chủ đề lớn, tương ứng với 5 phần của cuốn sách.
Ở mỗi chủ đề lớn, tác giả không chỉ chỉ ra hàng loạt thói hư tật xấu người Việt, mà còn phân tích, thảo luận, làm rõ hơn từng thói hư tật xấu này. Cách làm này của tác giả (đi từ cái chung đến cái riêng), không chỉ giúp người đọc nắm bắt được những nội dung / vấn đề mang tính hệ thống, mà còn giúp họ có được cái nhìn cụ thể, chi tiết về từng thói hư tật xấu.
Ví dụ như trong chủ đề “Những thói hư tật xấu bộc lộ trong làm ăn kiếm sống, đi lại, các hoạt động nghề nghiệp”, tác giả liệt kê một loạt thói hư tật xấu như: suy thoái đạo đức trong kinh doanh (khôn ranh, lọc lừa, thấy làm gì kiếm tiền được là làm, kiếm sống bằng bất cứ giá nào, làm bậy bất chấp pháp luật), thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, giỏi kiếm ăn chứ không giỏi nghề, mạnh ai nấy sống, hỗn loạn trong giao thông, hỗn loạn trong tâm lý…
Từ đó, tác giả phân tích (giải phẫu), thảo luận (phiếm đàm), làm rõ những thói hư tật xấu này như một căn tính / đặc tính / căn bệnh trầm kha khó chữa của người Việt (nói cách khác là chỉ ra những lý do thâm căn cố đế khiến chúng ta khó thay đổi) .
Chẳng hạn khi nói về tật xấu kiếm sống bằng bất cứ giá nào, tác giả cho biết, thời chiến tranh, ở ta có người coi kho còn phá cả một cỗ máy chỉ để lấy mấy cái vít. Còn ngày nay, để kiếm sống, người ta làm bất cứ việc gì họ có thể làm, bất kể có hại cho người xung quanh, hoặc tàn phá môi trường đến mức độ như thế nào.
Người ta rải đinh trên đường cao tốc, bán đủ loại rau củ quả vừa phun thuốc trừ sâu, đá bóng vào lưới nhà để thực hiện hợp đồng bán độ. Rồi người ta chặt phá rừng vô tội vạ, mua bán bằng cấp và chức sắc, kê đơn cho bệnh nhân toàn những thứ thuốc đắt tiền để ăn hoa hồng…
Hay nói về thói hư tật xấu (tình trạng / thực trạng) thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, tác giả cho rằng con người thời nay suy thoái so với thời ngày xưa ở sự lỏng lẻo trong mối quan hệ với công việc, nói cách khác là sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành, điều này dẫn đến người ở ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.
Tác giả viết “Có lẽ không nước nào nhiều cơ sở sản xuất như nước ta, hàng hóa chỉ được mẻ đầu, càng về sau càng hỏng. Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét. Đình chùa tu bổ ngày một lai căng xa lạ…”.
Theo tác giả, căn nguyên của tình trạng có phần “lộn xộn” trên không chỉ là do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch, mà còn do sự tha hóa của người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày, vốn là lẽ sống của mình”.
Nhận diện thói hư tật xấu để dần tiến tới cách khắc phục có hiệu quả
Tương tự, ở các chủ đề: “Những bất cập trong thói quen sinh hoạt, trong đời sống tinh thần mỗi cá nhân, trong các mối quan hệ người với người hàng ngày”; “Những di lụy quá khứ đồng thời trong mỗi thói hư tật xấu đều mang dấu vết thời đại”; “Những hạn chế kéo dài trong tổ chức và quản lý xã hội”, tác giả cũng liệt kê hàng loạt thói hư tật xấu.
Tác giả Vương Trí Nhàn. Ảnh: FBNV. |
Có thể kể đến như: Lối sống buông thả vô độ, thói vung vít, lãng phí, sự cạnh tranh đến mức tàn bạo, lối ứng xử thô bạo trong đời sống, tâm lý cầu may, cầu lợi, tính ráo hoảnh, vô cảm, cái vội (lối sống nhanh, sống gấp) của người Việt hiện đại…
Nói về thói hư tật xấu ứng xử thô bạo trong đời sống, tác giả sách lấy một ví dụ một người nước ngoài đã nhận xét cách đi xe máy của dân mình mang nhiều tính cách bạo lực, nghĩa là luôn luôn trong tư thế muốn chèn ép nhau, đối đầu nhau, ai liều lĩnh chịu chơi hơn thì chiến thắng.
Không chỉ chỉ ra thói hư tật xấu của dân mình, trong cuốn sách tác giả còn đưa ra cái nhìn khái quát về những thói hư tật xấu để dần tiến tới cách khắc phục có hiệu quả.
Chẳng hạn nói về cái vội của người mình, tác giả không chỉ chỉ ra những tác động có phần tiêu cực của “một nhịp sống gấp gáp, gấp gáp đến liều lĩnh, vội vàng đến bất cần, công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn chẳng việc gì ra việc gì”, mà còn tìm cách giải thích vì sao chúng ta lại sống vội như vậy.
Đồng thời, tác giả cũng vận dụng 3 thủ pháp kinh điển là lấy xưa nói nay, lấy ngoài nói trong, lấy người nói ta (những thủ pháp này cũng được ông sử dụng xuyên suốt trong cuốn sách) để chỉ những giá trị, lợi ích sống chậm, sống hài hòa đem lại.
Hay trong cuốn sách, từ kinh nghiệm của bản thân và quan sát những gì gần gũi xung quanh, tác giả còn chỉ ra quá trình tha hóa, quá trình đánh mất những gì tốt đẹp ở mỗi con người. Theo tác giả đây là một phần di sản của lớp người đang sống để lại cho các lớp kế tiếp, mà những người đi sau có thể sáng suốt hơn, không còn đánh mất mình, trở nên hữu ích hơn.
Bình luận về cuốn sách và phong cách phiếm luận của tác giả Vương Trí Nhàn, họa sĩ Nguyễn Quân viết: “Thảo luận trí tuệ thú vị cũng có thể chỉ là một thú tiêu khiển cho đỡ buồn tay. Cái lạ là dọn vườn quét rác tâm lý tùm lum như vậy mà đọc xong chẳng thấy bi quan, bị chấn thương gì… Bởi rác ấy, chấn thương ấy xưa đã có, đâu cũng có, người ta cũng có… nó chỉ là chuyện nhân văn. Thế gọi là thể phiếm đàm có ích”.
You must be logged in to post a comment Login