Nhà văn Hồ Anh Thái, như tôi biết, là người thường dẫn ra nhận định của một nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới, Philip Roth, đại ý: “Là nhà văn thì quan trọng nhất là phải viết văn (tiểu thuyết, truyện ngắn), khi nào năng lượng sáng tạo cạn kiệt rồi thì mới nên viết tiểu luận”.
Thường dẫn ra như vậy, nhưng thực tế Hồ Anh Thái luôn viết tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận cùng lúc. Các tập tiểu luận của ông, mấy chục năm qua, vẫn được xuất bản xen giữa các tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Gần đây nhất là tập Bắt đầu cất lên tiếng cười (Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2021).
Sách Bắt đầu cất lên tiếng cười. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Cuốn sách được chia thành ba phần. Phần I: “Chiêm ngưỡng điều hiếm có”, là chùm tiểu luận về một số hiện tượng của đời sống văn hóa Việt Nam đương đại. Ở đó nổi lên diện mạo tinh thần của “thực thể Việt” trong cuộc tiếp xúc với “thế giới này”.
Đó là thế giới được mở rộng đến cực đại, đa dạng về các truyền thống văn hóa, một thế giới vận hành theo quy luật của sự tối đa hóa lợi nhuận, một thế giới mà công nghệ số và mạng xã hội dường như đã nuốt chửng mọi sự hiện tồn cá nhân.
Ở đó, qua những chuyện bình thường hoặc đang trở thành rất đỗi bình thường: Chuyện quán cà phê đường tàu ở Hà Nội, chuyện làm từ thiện, chuyện tưng bừng khoe ảnh thăm người ốm, chuyện hối hả với công việc và gia đình…
Hồ Anh Thái đã cho người đọc thấy đời sống của chúng ta bất thường đến thế nào, có biết bao nhiêu định kiến, ngộ nhận, ảo tưởng cần được hóa giải, và phải được hóa giải bằng sự thấu hiểu và một tinh thần đầy bao dung.
Phần II: “Khoảng lặng và giấc mơ”. Phần III: “Riêng một lãnh địa”, là những tiểu luận về điện ảnh, sân khấu và văn chương, khép lại bằng tiểu luận nặng ký nhất, được lấy tên chung cho cả cuốn sách: Bắt đầu cất lên tiếng cười.
Có thể nhận thấy ở đây “nhiều trong một” con người Hồ Anh Thái sau những trang viết.
Thứ nhất, một con mọt sách và mọt phim, kịch, dân ca nhạc cổ. Một khối lượng kiến văn rất đáng kể được tích lũy từ quá trình đọc, xem, nghe lâu dài và đầy say mê của kẻ “nghiện” điện ảnh, sân khấu, văn chương và nghệ thuật nói chung.
Thứ hai, một tác giả giàu năng lượng sáng tạo và rất đỗi sành sỏi chuyện bếp núc của người làm nghệ thuật.
Thứ ba, một người Việt Nam luôn cựa quậy không yên, luôn thao thức nhức nhối trước những cái dở tệ, kém cỏi, thô vụng, xơ cứng, thiếu chuyên nghiệp của nền nghệ thuật nước nhà, từ tác giả cho đến tác phẩm, từ quá trình vận hành cả một bộ máy đến quá trình thai nghén sáng tạo của một cá nhân nghệ sĩ.
Chính vì thế, những tiểu luận về điện ảnh, sân khấu và văn chương của ông, một mặt, có thể cung cấp kiến thức nền, khả tín, cho người đọc phổ thông; mặt khác, lại là sự “khiêu khích và tỉnh thức” cần thiết đối với những người làm nghệ thuật, những người quan tâm đến chất lượng, diện mạo và vị thế thật sự của nghệ thuật Việt Nam trong thế giới ngày nay.
Hồ Anh Thái viết tiểu luận, xét đến cùng, là trong tư cách một nhà văn. Vì thế phần văn chương ở tập Bắt đầu cất lên tiếng cười không hề thua sút phần diễn giải lập luận của một nhà nghiên cứu. Đó là văn chương tinh giản, chính xác, đẫm vị trào lộng, thậm chí tinh quái. Nó góp phần quan trọng để làm nên những tiểu luận như những cú điểm ở tầm cao vào văn hóa và nghệ thuật đương đại Việt Nam.