Vào những năm 1980, ngành xuất bản Mỹ dần đón nhiều thay đổi sâu sắc. Trong vài thập kỷ, ngành xuất bản Mỹ đã chuyển đổi từ một ngành phát triển cục bộ, chủ yếu tập trung ở Bờ Đông, thành một ngành kinh doanh vươn ra quốc tế.
Bắt đầu từ những năm 1960, những công ty như Random House và Penguin được đưa vào tầm ngắm của các tập đoàn đa quốc gia như RCA và Pearson, những tập đoàn muốn đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình.
Chiến lược đa dạng của những tập đoàn lớn này đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh sách tại Mỹ, khiến các nhà xuất bản như Random House và Penguin nhanh chóng mở rộng, sáp nhập và dần thâu tóm thị trường xuất bản Mỹ.
Độc quyền trong ngành xuất bản gia tăng với sự kiểm soát của các nhà xuất bản lớn. Ảnh: Newyorker. |
Biến đổi nhanh chóng nhờ sự lớn mạnh của các tập đoàn
Và trong tác phẩm mới của mình Big Fiction: How Conglomeration Changed the Publishing Industry and American Literature, tác giả Dan Sinykin đã lập luận cụ thể những bí mật kinh doanh trong quá trình hình thành nên những tập đoàn xuất bản lớn đã thay đổi ngành sách Mỹ ra sao.
Năm 1960, New American Library, một trong những nhà xuất bản bìa mềm lớn nhất và thành công nhất trên thị trường đại chúng Mỹ thời điểm đó, đã bị công ty báo chí Times Mirror mua lại. Một nhà xuất bản đại chúng khác, Pocket Books, đã sáp nhập với nhà xuất bản thương mại Simon & Schuster vào năm 1966.
Một năm sau khi lên được sàn chứng khoán, Random House mua lại một trong những đối thủ của mình, Knopf. Hay đến năm 2013, khi Penguin sáp nhập với Random House để tạo nên đế chế xuất bản mới, việc xuất bản sách tại Mỹ ngày càng gắn nhiều hơn với giá trị thương mại thực tế.
Tác phẩm ra mắt ngày 24/10. Ảnh: Amazon. |
Theo tác giả quan sát, trước khi các nhà xuất bản lớn hợp nhất với nhau, viết và ra mắt sách “là một trải nghiệm hoàn toàn khác”. Vào những năm sau chiến tranh, ngành xuất bản Mỹ còn tương đối nhỏ và hoạt động cục bộ.
Các nhà xuất bản chủ yếu do gia đình sở hữu, điều hành và số lượng hiệu sách, nhà phê bình sách không quá nhiều. Nhà xuất bản Random House ban đầu cũng do hai nhà văn Bennett Cerf và Donald Klopfer sáng lập, không khí làm việc cũng rất thân mật. Thời điểm đó, cơ hội được xuất bản của một tiểu thuyết gia phụ thuộc vào việc “có thể dễ dàng đưa cuốn sách của mình đến tay người biên tập phù hợp hay không”.
Nhưng khi các tập đoàn xuất bản ngày càng lớn mạnh, hoạt động của ngành dần quan tâm nhiều hơn đến tính thương mại. Ngày nay, nhà xuất bản giống một quỹ bảo hiểm rủi ro hơn là nơi tạo nên những tác phẩm văn học giàu hương vị.
Mỗi cuốn sách họ muốn xuất bản đều là một lần đặt cược vào lợi nhuận. Và các công đoạn trong quá trình xuất bản đều nhằm hạ chỉ số rủi ro thua lỗ đến mức thấp nhất. Quy trình này hiện đều diễn ra trong mọi nhà xuất bản, bất kể quy mô nào. Ví dụ, 5 nhà xuất bản lớn (Big Five) đều muốn theo đuổi những tác phẩm có tiềm năng ăn khách và có thể thành nhượng quyền thương mại hoặc chuyển thể thành phim.
Trong khi đó, các nhà xuất bản độc lập và tổ chức phi lợi nhuận như W.W. Norton và Graywolf Press thì tìm cách tạo dựng chỗ đứng riêng của họ bằng cách tập trung vào những cuốn sách có đối tượng độc giả hẹp nhưng sẵn sàng chi tiền (như thơ, văn của những tiếng nói bị gạt ra ngoài lề xã hội).
Thế hệ nhà văn công nghiệp
Trong tình hình mới, các nhà văn có nhiều điều cần làm hơn là sáng tác. Các tác giả phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn hơn từ thị trường như: “Các nhà tiếp thị có nhìn thấy tiềm năng của cuốn sách không? Những người mua sách tại các chuỗi nhà sách có cảm nhận ra sao? Các nhà báo đánh giá ra sao về khả năng một tác giả xuất hiện trên TV hay radio? Bản quyền sách ra nước ngoài có ‘đắt hàng’ tại Hội chợ sách Frankfurt không? Tác phẩm đó có thể chuyển sang sách nói hay chuyển thể thành phim không?…”.
Sinykin gọi những tác giả thành công đáp ứng rất nhiều yêu cầu như trên là “những nhà văn công nghiệp”, bao gồm các nhà văn đứng đầu bảng xếp hạng doanh số, chẳng hạn như Danielle Steel, Michael Crichton hay Stephen King. Hay một trường hợp rõ ràng khác là Cormac McCarthy.
Năm 1965, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của McCarthy The Orchard Keeper được một biên tập viên huyền thoại của Random House tên là Albert Erskine xuất bản. Erskine, người từng là quản lý cho những nhà văn nổi tiếng nhất của công ty, như William Faulkner và Ralph Ellison, tình cờ tìm thấy một bản thảo của McCarthy trong đống bản thảo bỏ đi và tuyên bố sẽ nỗ lực hỗ trợ cho nhà văn này. Mặc dù những cuốn sách đầu tiên của McCarthy không có nhiều lợi nhuận nhưng ông vẫn có thể sống bằng nghề viết văn nhờ sự giúp đỡ của các chương trình trợ cấp được đảm bảo nhờ ảnh hưởng của Erskine.
Khi Erskine nghỉ hưu vào năm 1987, McCarthy cần một người biên tập bảo trợ mới. Ông đã liên hệ với Lynn Nesbit, người đại diện văn học của Robert Caro. Nesbit sau đó đã giới thiệu McCarthy cho nhà biên tập bảo trợ của bà là Amanda (Binky) Urban. Tình cờ thay, Urban lại là người ngưỡng mộ tác phẩm của McCarthy và bà đảm bảo rằng cuốn sách tiếp theo của ông sẽ thành công.
Với sự hỗ trợ của Urban và nhiều người khác được bà nhờ tới, tác phẩm của McCarthy được chau chuốt cả về nội dung, hình ảnh tác giả và trang bìa. Tất cả đã mang tới thành công cho cuốn All the Pretty Horses năm 1992. Cuốn sách này đã bán được 190 nghìn bản trong sáu tháng đầu tiên và được chuyển thể thành phim Hollywood vào năm 2000. Đến năm 2007, khi Câu lạc bộ sách của Oprah và Giải Pulitzer vinh danh cuốn The Road, McCarthy không còn là một nhà văn viết những cuốn tiểu thuyết khó hiểu nữa mà là một tác giả nổi tiếng dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, không dễ dàng để các nhà văn trẻ có được cơ hội gây dựng quan hệ với biên tập viên như Cormac McCarthy vào thời điểm ban đầu sự nghiệp. Ngày nay, nếu cuốn tiểu thuyết đầu tiên thất bại, những tác phẩm sau đó của họ rất khó có cơ hội ra mắt.
Và dù không đưa ra kết luận rõ ràng nào về việc liệu sự phát triển của các tập đoàn có mang đến tiêu cực cho thế giới xuất bản hay không, thì Sinykin vẫn cho độc giả thấy rằng thế giới của các “ông lớn” xuất bản đang đầy biến động giữa một nền kinh tế bùng nổ và suy thoái.
Với quy mô quá lớn, việc quản lý các nhân viên xuất bản, từ nhà kho đến văn phòng, cũng như việc tiếp cận tác phẩm, tác giả, còn nhiều lỗ hổng.
9 tháng sau khi Bộ Tư pháp Mỹ thành công ngăn chặn việc sáp nhập giữa Penguin Random House và Simon & Schuster, thì một công ty tư nhân đã thành công tiếp quản Simon & Schuster. Tương lai của các “ông lớn” xuất bản dường như không chắc chắn và hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://znews.vn/cac-ong-lon-thay-doi-nganh-xuat-ban-my-ra-sao-post1448095.html
You must be logged in to post a comment Login