Nói tới tương lai của nhân loại, những vấn đề hiện ra ngay trong tâm trí của rất nhiều người trong chúng ta ngày nay là sự biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên và năng lượng hay gần hơn nữa là những biến động về kinh tế và chất lượng sống hàng ngày do hệ quả của dịch bệnh hay sự leo thang của căng thẳng chính trị trên thế giới. Những vấn đề đó tất nhiên rất đáng và rất cần được quan tâm cho tương lai gần của chúng ta và những thế hệ ngay sau chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những viễn cảnh xa hơn rất nhiều mà chúng ta nên lưu tâm.
250 triệu năm trước, sự dịch chuyển và va chạm của các lục địa đã dẫn tới cuộc tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất: đại tuyệt chủng Permi-Trias. Hơn 90% số loài đã biến mất khỏi hành tinh của chúng ta vì sự kiện này.
Một cuộc tuyệt chủng nổi tiếng khác là sự tuyệt chủng của các loài khủng long cách đây 65 triệu năm, được xác định là do va chạm với một tiểu hành tinh khi nó cắt ngang qua quỹ đạo của Trái Đất. Và mới cách đây khoảng 75.000 năm, loài người cũng suýt nữa tuyệt chủng bởi một trận phun trào khủng khiếp của núi lửa.
Mô phỏng thành phố tương lai trên Sao Hỏa. |
Rõ ràng, dù hành tinh của chúng ta là một nơi tuyệt đẹp nhưng nó cũng luôn ẩn chứa rất nhiều đe dọa từ bên trong cũng như những mối nguy hiểm đến từ ngoài không gian. Những vấn đề đó không phải câu chuyện của vài hay vài chục năm trước mắt. Nhưng một lúc nào đó, một thứ gì đó như vậy sẽ lại xảy ra. Xa xôi hơn nữa, vài tỷ năm sau, khi Mặt Trời sử dụng hết lượng hydro của mình và phồng to trở thành một sao khổng lồ đỏ, Trái Đất sẽ hoặc là bị nghiền nát hoặc là may mắn hơn thì cũng thành một quả cầu rực lửa không thể sinh sống được.
Vậy, những thế hệ tương lai của chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục tồn tại? Chắc chắn, giải pháp không thể không tính tới là đi ra khỏi Trái Đất, tìm kiếm những bến đáp mới cho sự sống ngoài không gian.
Dù điều đó là viễn cảnh quá xa xôi, nhưng khi mà nó hoàn toàn có thể xảy ra thì nó cần được chuẩn bị. Quá trình chuẩn bị đó không giống như khi bạn chuẩn bị hành lý cho một chuyến du lịch dài ngày hay chuyển chỗ ở tới một thành phố khác. Chuẩn bị để rời khỏi hành tinh sẽ cần tới kiến thức khoa học và trình độ kỹ thuật được xây dựng và tích lũy trong hàng nghìn, hàng vạn hay có thể là hàng triệu năm. Vì vậy, việc đó cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ, bất kể rằng liệu có ai đó trong chúng ta còn sống được tới khi chứng kiến thành quả của nó hay không.
Một trong những cuốn sách mà mới đây tôi đọc được của nhà vật lý Michio Kaku là “Tương lai nhân loại” (The Future of Humanity). Michio Kaku là tác giả tài năng khi có thể kể cho bạn nghe những câu chuyện của tương lai bằng kiến thức và lập luận sâu sắc của một nhà vật lý.
Trong “Tương lai nhân loại”, ông sẽ cho bạn biết rằng chúng ta từ lâu đã bắt tay vào công cuộc chuẩn bị cho tương lai hàng nghìn hay hàng triệu năm nữa khi chế tạo ra những tên lửa và tàu không gian để thám hiểm những nơi xa xôi trong Hệ Mặt Trời, và sẽ chẳng còn lâu nữa cho tới khi bạn nghe tin người ta đang ăn mừng sự kiện một nhà du hành nào đó đặt chân lên Sao Hỏa. Nhưng Sao Hỏa có phải điểm đến cuối cùng hay không, và thậm chí liệu nó có thực sự là một nơi phù hợp cho sự sống hay không?
Cuốn Tương lai nhân loại của Michio KaKu. |
Có tới hơn 100 tỷ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta và một tỷ lệ không hề nhỏ trong số đó có các hành tinh quanh chúng. Và rõ ràng, thiên hà của chúng ta cũng không phải duy nhất trong vũ trụ. Vậy thì trong vũ trụ liệu có bao nhiêu hành tinh có thể thích hợp cho sự sống.
Trong cuốn sách của Kaku, bạn sẽ có cơ hội để lùi ra xa hơn và nhìn một bức tranh rộng lớn về tương lai của du hành không gian, khi mà còn người có thể di chuyển vào không gian liên sao hay thậm chí là liên thiên hà. Chỉ có bằng cách đó, hậu duệ của chúng ta mới tránh được việc phải đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên trên Trái Đất, những thảm họa toàn cầu cũng như sự kết thúc của chính Trái Đất và Hệ Mặt Trời. Bạn có lẽ cũng sẽ hình dung được phần nào cách mà hậu duệ của chúng ta sẽ sống trong môi trường liên sao hay trên những hành tinh khác với điều kiện rất khác so với Trái Đất.
Sử dụng hài hòa kiến thức sâu sắc về vật lý cùng trí tưởng tượng và khả năng trình bày xuất sắc, Kaku không chỉ vẽ ra cho bạn một bức tranh về không gian mà còn cho bạn xem một lộ trình thời gian trong đó nhân loại sẽ dần phát triển các công nghệ ra sao dựa trên nền tảng của các định luật vật lý, hiểu biết về cấu trúc của vũ trụ và sự phát triển của những ngành công nghệ trọng yếu như năng lượng, vật liệu, …
Giống như một cuốn sách viễn tưởng, nhưng lôi cuốn và đáng suy ngẫm hơn nhiều lần bởi tính chân thực và chặt chẽ của khoa học, “Tương lai nhân loại” của Kaku là một hành trình lý thú qua không gian và thời gian, mở ra cho người đọc một cái nhìn thoáng qua về những gì tương lai đang dần tiết lộ. Đồng thời, nó cũng là một bài học sinh động và đầy ý nghĩa về vai trò của nghiên cứu khoa học, cũng như mang lại nhiều cảm hứng và kỳ vọng cho mỗi chúng ta về một thế giới trong tương lai.
Đặng Vũ Tuấn Sơn là Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), tác giả nhiều cuốn sách như Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn (2016); Trái Đất và hệ Mặt Trời (2017); Các chòm sao: Toàn cảnh về bầu trời đêm (2020)…