Biến tấu đời thường dễ làm chùn lòng độc giả với độ dày gần 800 trang khổ lớn, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành với đối tác là Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông 1980 Books. Tuy nhiên, vừa ra mắt vào tháng 6, nó tiếp tục trở thành một hiện tượng văn học mạng như những tác phẩm trước đó của Song Hà.
Khi Boy Già kể chuyện
Tác giả Song Hà sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khởi đầu thuận lợi với tặng thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1996 nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chàng trai xuất thân từ Hương Sơn, Hà Tĩnh đã trôi dạt qua các nghề từ xe ôm đến trình dược viên, từ chạy quảng cáo cho báo đến mở tiệm sửa điện thoại. Hiện tại, anh là một tác giả ăn khách, một Facebooker nổi tiếng.
Tác giả Song Hà. |
Anh từng nửa thật nửa đùa trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng: “Cũng may là sau này làm nghề sửa chữa điện thoại, do tay nghề kém, vắng khách nên tôi có nhiều thời gian viết văn hơn chứ khi ấy đi phụ hồ hay làm thợ mộc thì chắc không có Song Hà của ngày hôm nay rồi”.
Kết quả của quãng thời gian rảnh rỗi ngồi viết văn ấy là một loạt tác phẩm hút độc giả, xuất phát từ những entry, status trên mạng như: Nghe Boy Già kể chuyện đời, Ngoại tình, Trúng số, Những chuyện bựa thời sinh viên, Ranh con tên Ly…
Và bây giờ là tuyển tập truyện trào phúng đặc sắc nhất theo cách nhìn của chính tác giả mang một cái tên “hiền lành”, không hề “bựa” như các tác phẩm trước đó.
Biến tấu đời thường tập trung vào chủ đề viết về thời sinh viên, về những mối tình và hôn nhân cùng với chuyện kiếm sống, lập nghiệp của chính tác giả và câu chuyện đời của nhiều kiểu người trong xã hội. Một số truyện đã ra mắt bạn đọc ở những cuốn sách trước đây, nhưng cũng có không ít sáng tác mới toanh.
Những câu chuyện “Buồn – Cười”
Đó là 10 câu chuyện kể về một cô người yêu cũ trong một tạp văn dài mang tên Ra mắt gia đình Ex với nhiều tình tiết hài hước của vài lần ra mắt, gặp gỡ và cả chia tay vì chê chàng trai Song Hà học văn nghèo hèn.
Có vẻ như cuộc tình ấy chỉ để lại toàn kỷ niệm gây cười với một giọng văn bất cần đời, bất cần người nhưng chốt lại bằng một câu làm độc giả dễ rơi nước mắt: “Đó là một đêm không bao giờ quên được. Đó cũng là lần đầu tiên khóc vì một đứa con gái. Một đứa con gái xa lạ con nhà ai đó, đã quen, đã yêu và đã làm khổ đời mình… suốt nhiều năm sau…”.
Đó là chuyện kể về người vợ cũ, về cuộc hôn nhân sớm ly dị nhưng tuy hết tình thì còn trách nhiệm và nghĩa vụ, không yêu nữa thì coi nhau như đối tác dạy con. Dù nhân vật mang tên nào đi nữa cũng là lấy cảm hứng từ chuyện thật của chính tác giả.
Cựu bố mẹ vợ luôn coi cựu con rể như đương kim. Người vợ cũ thấp thoáng dáng vẻ của những người đàn bà trong truyện ngắn của Nam Cao, từ cái mũi đỏ cà chua hay dằn vặt, rẻ rúng chồng vì tiền, gây nhiều tổn thương nhưng vẫn khiến nhân vật “hắn” vừa giận vừa thương. Bởi vì: “cuộc đời ngắn lắm, chỉ có kẻ ngu dốt và cay nghiệt mới giữ trong lòng sự thù hận, oán trách và hằn học với những thứ không đáng. Hắn chỉ tiếc vì đã chọn nhầm người để đời mình đâm ra lỡ làng, để đứa con gái lớn lên không có bố bên cạnh, vậy thôi!”.
Quãng thời gian học đại học ở Hà Nội và lăn lộn kiếm sống trước khi quyết định về quê là nguồn cảm hứng và tư liệu sống động cho tác giả. Những chuyện bựa thời sinh viên là minh chứng rõ cho tính chất Underground (thế giới ngầm) trong sáng tác của Song Hà. Cuộc sống ký túc xá, những bữa cơm bụi, chuyện đánh nhau, tán gái, được mời đi đóng phim rồi xuất hiện vỏn vẹn ba giây trên màn ảnh, sự túng thiếu, khốn khó… khiến cho độc giả cùng thế hệ với nhà văn như tìm thấy chính mình trong quá khứ.
Có không ít nhân vật đi ngang qua cuộc đời của Song Hà rất nhanh, nhưng được nhắc đến với sự chân thực ngậm ngùi. Đó là kỷ niệm về anh bán bánh khúc tốt bụng cho ăn chịu, là bạn Long trọc từng có thời kỳ viết báo chung; là các cô gái như Ly, Ốc, Huyền, Linh… tựa những người tình nửa hư nửa thực, có lẽ từng yêu, từng nhớ, từng mong đợi nhưng đều có một kết cục giống nhau là lặng lẽ rời xa.
Nickname hài hước Boy Già có từ thời Song Hà viết blog. Đó là một nhân vật Boy từ trẻ đến già bươn chải, lăn lộn trong cuộc sống khắc nghiệt song vẫn có những khoảng lặng yêu thương, có lời chửi mắng nhưng cũng ấm áp tình cảm, vui nhộn hài hước mà có khi trống rỗng, cô độc. Đó là những câu chuyện đọc thì cười, mà đằng sau nụ cười bỗng nhiên buồn mênh mang. Dường như nhà văn khi viết ra những câu chữ gây cười này cũng đang buồn nên tôi gọi là câu chuyện “Buồn – Cười”.
Sự biến tấu tài tình
Điều khiến cho độc giả nhớ đến Song Hà là chất giọng riêng – đó là “sự biến tấu”. Nó khiến cho những câu chuyện kể đôi khi “được” hay hơn, mà lắm lúc làm cho người đọc “bị” sốc.
Ai thích cảm giác mạnh, thích một thứ văn chương như vừa nhảy bổ ra từ đời sống, hoa chân múa tay với độc giả thì sẽ hài lòng, còn ai yếu bóng vía hẳn sẽ nhăn mặt chê: “Sao lại viết bậy thế!”.
Lại có người thích đọc những gì Song Hà viết bởi giọng văn triết lý ngược đời, một tư duy biến tấu thoát khỏi cách nghĩ thông thường của số đông.
Phận đời gái điếm là các câu chuyện dễ gây sốc nhất với ngôn từ tục, lóng. Dù là những thân phận ngoài lề không được xã hội thừa nhận, họ vẫn đi bên cạnh cuộc đời, bên cạnh mỗi chúng ta.
Chuyện gái ế, gái già, ngoại tình, đề đóm, nhậu nhẹt, chơi Phây (Facebook), chuyện nhân viên và sếp, bán hàng đa cấp, chuyện cưới vợ già, đêm tân hôn… qua câu chữ của Song Hà khiến người đọc có thể phá lên cười, rồi bỗng rớm nước mắt đắng lòng.
Biến tấu đời thường. |
Mỗi nhân vật hiện lên trong Biến tấu đời thường xộc xệch, méo mó, rách nát, nhàu nhĩ… nếu không về thể xác thì cũng về tinh thần nhưng đặc biệt không ai trong số họ làm cho người đọc ghét, giận, căm hờn mà chỉ thấy thương, thấy buồn cười và chua xót.
Không có nhân vật tốt, không có nhân vật lý tưởng, song cũng không tìm ra được nhân vật xấu, nhân vật phản diện trong văn chương của Song Hà. Đó hẳn là nhờ vào sự biến tấu tài tình của nhà văn.
Boy già và Girl không còn trẻ
Cách viết của tác giả làm cho những Boy Già giống anh như vớ được tri âm tri kỷ, còn phụ nữ thì tìm thấy một chỗ dựa để tạm quên đi ưu phiền.
Bởi lẽ không chỉ viết về bản thân, về những người đàn ông xung quanh, Song Hà đặc biệt ưu ái phụ nữ. Trừ việc kể lại các mối tình thời hoa niên thì nhiều nhân vật nữ của Song Hà có thể tạm gọi là “Girl không còn trẻ”. Gồm đủ loại người, thuộc mọi tầng lớp: gái điếm, gái già, gái ế, gái đi buôn, gái làm sếp, gái bán hàng tạp hóa…, hoặc chung chung là gái chơi Phây.
Văn của anh thu hút độc giả nữ phải chăng vì họ thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng chính mình, người quen của mình.
Thông qua tương tác dí dỏm trên trang cá nhân, nhiều độc giả nữ trở thành fan dõi theo từng status trên Facebook nhà văn và sẵn sàng mua sách giấy, bởi họ hiểu rằng văn chương của Song Hà không chỉ là những nụ cười mà còn làm họ rơi lệ: “Chỉ khi mất nhau trong đời mới kịp nhận ra mình đã từng yêu nó đến nhường nào”.
Tôi cho rằng với một nhà văn, khi viết tác phẩm, điều quan trọng nhất là sự tiếp nhận của công chúng. Thế nên, Song Hà có quyền hài lòng với những gì mình đã làm. Chỉ là thành công trong quá khứ và hiện tại sẽ tạo thách thức không nhỏ trong tương lai đối với anh.
Nguồn: https://zingnews.vn/boy-gia-girl-khong-con-tre-va-nhung-cau-chuyen-buon-cuoi-post1443472.html
You must be logged in to post a comment Login