Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nó khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân và các dân tộc khác nhau, nâng cao đoàn kết trong cộng đồng.
Bộ sách Hát then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Tài liệu sưu tầm quan trọng về di sản then
Bộ sách Hát Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam được thực hiện nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quát về di sản then với phần nội dung giới thiệu về diện mạo chung, sự phân bổ di sản từ góc độ địa lý, diện mạo âm nhạc của then.
Viện Âm nhạc Việt Nam đã khảo sát, sưu tầm, thu thanh, ghi hình nhiều lễ then của 3 dân tộc Tày, Nùng, Thái ở 11 tỉnh miền núi. Bộ sách gồm 3 quyển, lần lượt giới thiệu về di sản then ở từng dân tộc.
Trong quyển một, các tác giả giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết về một số nội dung liên quan di sản then. Then gắn bó với đời sống, văn hoá, tâm linh… các dân tộc Tày, Nùng, Thái như thế nào, đặc điểm cơ bản của then là gì, các mô hình sinh hoạt hát then.
Đàn tính, lời ca trong then, làn điệu then, nhạc cụ trong then, diễn xướng then, khi nào phải làm lễ then, ai là nguời thực hiện các nghi lễ…
Quyển thứ hai gồm lời bài hát trong các nghi lễ then của người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn như: Sa khoăn tẩu Long Vương, Cấp sắc, Khảu lườn mẩu, Pây thử, Thôi tang…
Nội dung quyển thứ ba trình bày lời hát trong các nghi lễ then của người Tày ở Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên như: Cầu khoăn, Trình tổ, Cầu mùa, Cầu hoa, Cúng mụ, Lễ hội xuân…
Từng vùng then lại góp vào di sản then những giai điệu, cách thể hiện rất riêng. Thông qua những lời hát then được dẫn trong bộ sách, người đọc có thể được tiếp cận sự đa dạng của văn hóa hát then. Đồng thời, sách giúp hiểu rõ hơn về đời sống sinh hoạt hàng ngày của những dân tộc thiểu số.
Nội dung lời hát trong các lễ then giới thiệu trong bộ sách đều được ghi lại, phiên âm, dịch nghĩa từ những tư liệu âm thanh, hình ảnh mà Viện Âm nhạc Việt Nam thu thập được trong quá trình sưu tầm điền dã. Điều này đem đến tính chân thực, khách quan của tư liệu cho bộ sách.
Thầy then đang thực hành nghi lễ Then. Ảnh: Hoangthanhthanglong. |
Âm nhạc là điểm hấp dẫn của then
Bộ sách đã kỳ công phân tích, giới thiệu, chọn lọc ký âm để phản ánh được giá trị của âm nhạc trong hát then. Đó là công việc mà nhiều cuốn sách trước đây chưa làm được.
Trong then, âm nhạc là công cụ thể hiện một cách hấp dẫn nội dung phong phú của câu chuyện được thầy then kể trong quá trình hành lễ, cũng như trong các đoạn múa. Phần âm nhạc đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo cho nghi lễ thực hành then.
Bên cạnh đó, việc dẫn văn bản sưu tầm khá đầy đủ, khoa học, có đủ các tình huống, có nguồn nghệ nhân, người phiên dịch, phiên âm đều đáng tin cậy.
Bộ sách Hát then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam được thực hiện với mong muốn chia sẻ nguồn tư liệu sống về văn hoá then đến những người yêu mến, cũng như các học giả, nghiên cứu sinh, sinh viên muốn nghiên cứu then. Đồng thời, đây cũng là nguồn tài liệu phong phú giúp văn hóa then có thể phổ biến trong cộng đồng.
Thực hành then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.
Thực hành nghi lễ then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.