Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.
“Việc cho thí sinh 3 lần điều chỉnh hoàn toàn hợp lý. Đây là một điều chỉnh rất quan trọng, tác động đến tâm lý thí sinh, phụ huynh rằng ngành giáo dục làm mọi việc đều hướng tới sự tích cực, tiện lợi, tốt nhất cho thí sinh”, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, đánh giá.
Sau khi biết kết quả, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thí sinh được lợi
Ông Lý cho biết trước đây, thí sinh có 3 lần tập dượt việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Dù vậy, khi tiến hành điều chỉnh, một số em vẫn để ra sai sót nhưng lại không có cơ hội sửa sai.
Ông cho rằng ở độ tuổi của thí sinh dự thi đại học, việc các em dao động, thay đổi suy nghĩ sau khi đã đăng ký là chuyện bình thường. Bộ cho phép điều chỉnh 3 lần giúp các em có thể cân nhắc kỹ và lựa chọn ngành, trường phù hợp.
Ông nói thêm trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cũng có thể mắc sai sót do chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Chẳng hạn, em đó muốn đăng ký vào ngành Công nghệ thực phẩm tại ĐH Nông Lâm nhưng lại chưa nắm rõ sự khác nhau giữa chương trình đại trà, tiên tiến và chất lượng cao.
Cùng một ngành học, chương trình tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. 30-40% chương trình chất lượng cao cũng bằng ngoại ngữ trong khi ở chương trình đại trà, sinh viên học bằng tiếng Việt. Mức học phí giữa 3 chương trình cũng chênh lệch lớn.
Do đó, thí sinh chọn sai chương trình có thể gặp phải vấn đề như tài chính, năng lực tiếng Anh không đáp ứng được. Với quy chế trước đây, các em không có cơ hội sửa sai.
Ông nói thêm trong quá trình đăng ký nguyện vọng, thí sinh còn có thể mắc sai sót về mặt kỹ thuật khi sắp xếp thứ tự ưu tiên chưa hợp lý.
Trên thực tế, một thí sinh từng đến ĐH Nông Lâm TP.HCM thắc mắc khi điểm xét tuyển đạt 25,5 nhưng không trúng tuyển vào ngành Thú y (lấy điểm chuẩn 24).
Sau khi xem xét, trường mới phát hiện em này đặt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 không phải vào trường. Em trượt nguyện vọng 1, hệ thống xét đến nguyện vọng 2, trường đó lấy 23 điểm. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trên, hệ thống sẽ không xét tuyển tiếp nguyện vọng dưới.
“Do đó, việc tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng lên 3 lần hoàn toàn hợp lý, theo hướng tích cực, tạo điều kiện cho thí sinh. Nhưng sai lầm như trên đều có thể sửa chữa”, TS Trần Đình Lý nói.
Cùng quan điểm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần có lợi cho các em.
Theo ông, trước đây, thí sinh có thể thao tác nhầm nhưng không có cơ hội điều chỉnh được. Với sự thay đổi này, thí sinh có thêm cơ hội suy nghĩ chín chắn hơn để lựa chọn ngành phù hợp.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cũng có cái nhìn tương tự. Ông thậm chí cho rằng có thể cho phép thí sinh điều chỉnh số lần không giới hạn.
Thí sinh vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi điều chỉnh nguyện vọng. Ảnh: Liêu Lãm. |
Rối cho các trường?
Tăng số lần điều chỉnh nguyện vọng mang lại lợi ích cho thí sinh là cái nhìn của nhiều trường đại học. Tuy nhiên, một số người đặt ra câu hỏi liệu việc thí sinh thay đổi đăng ký xét tuyển nhiều hơn một lần có khiến công tác tuyển sinh của các trường bị rối không.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho rằng khi thí sinh đã chọn trường, việc các em được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần không mấy ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trước đây, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có thể căn cứ vào dữ liệu đăng ký xét tuyển để đưa ra điểm chuẩn dự kiến, gọi thí sinh để đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
“Thí sinh được điều chỉnh nhiều lần sẽ khiến các trường rối. Ban đầu, trường dự kiến điểm trúng tuyển nhưng đợt sau, thí sinh lại thay đổi nguyện vọng, ảnh hưởng đến điểm chuẩn dự kiến. Trường phải theo dõi sự thay đổi đó. Tôi hy vọng thời gian để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng không quá dài, nếu kéo dài sẽ không ổn”, bà Bích nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng việc điều chỉnh 3 lần không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh. Trường chỉ nhận dữ liệu cuối cùng, sau khi hết thời gian điều chỉnh nguyện vọng.
Tương tự, TS Trần Đình Lý khẳng định mọi thay đổi đều được điều chỉnh trên hệ thống, không có gì phức tạp. Việc điều chỉnh hoàn toàn được thực hiện trực tuyến. Hệ thống phần mềm tự sàng lọc, điều chỉnh, không ảnh hưởng đến hệ thống dữ liệu của bộ hay trường.
Tuy nhiên, dù việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường, cả TS Trần Đình Lý và thạc sĩ Phạm Thái Sơn đều cho rằng cần hạn chế số lần để các em có thể nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đổi nguyện vọng.
“Tôi sợ sẽ có thí sinh thấy thay đổi nguyện vọng dễ dàng quá nên không để ý và bị sai nguyện vọng. Nhưng phần này rất ít và nếu có, các bạn đó chắc chắn không đậu nguyện vọng mình đã chọn”, ông Sơn nói.
TS Trần Đình Lý cho rằng 3 lần là con số hợp lý. Thí sinh có cơ hội điều chỉnh, sửa sai, đồng thời cũng biết cân nhắc cẩn thận. Ông không muốn việc được thay đổi nguyện vọng nhiều lần khiến các em trở nên bất cẩn, chủ quan, hình thành tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến cả việc tuyển sinh lẫn tư duy làm việc sau này.
Liên quan đến thay đổi trong số lần điều chỉnh nguyện vọng, ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, còn đặt vấn đề việc điều chỉnh chỉ thực hiện bằng phương thức sẽ gây thiệt thòi và khó khăn cho học sinh ở vùng sâu vùng xa không có đủ cơ sở vật chất, điều kiện Internet.
Tuy nhiên, TS Trần Đình Lý, TS Phạm Tấn Hạ cùng cho rằng hiện tại, hầu hết học sinh đã được tiếp cận với Internet, việc điều chỉnh không quá khó khăn. Thời gian điều chỉnh kéo dài ít nhất một tuần (như năm ngoái), thí sinh không quá gấp gáp.