Năm nay, Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh 6.500 chỉ tiêu theo 4 phương thức là xét tuyển theo học bạ bậc THPT; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, trường dự kiến tổ chức thành 3 đợt.
Đợt 1 xét tuyển theo kết quả học tập của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) dành cho học sinh hoàn tất chương trình lớp 12 bậc THPT và tốt nghiệp THPT trong năm 2021 tại các trường THPT đã ký kết hợp tác với trường về hướng nghiệp, đào tạo và phát triển khoa học công nghệ. Thời gian đăng ký dự kiến là từ 5/4 đến 25/5.
Đợt 2 dự kiến mở cổng đăng ký trực tuyến từ 1/6 đến 10/7, xét tuyển theo kết quả học tập 6 học kỳ THPT dành cho học sinh hoàn tất chương trình lớp 12 bậc THPT và tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tất cả trường THPT trên cả nước.
Đợt 3 xét tuyển theo kết quả học tập 6 học kỳ THPT dành cho học sinh hoàn tất chương trình lớp 12 bậc THPT và tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tất cả trường THPT trong cả nước đăng ký xét tuyển vào chương trình đại học bằng tiếng Anh, chương trình học 2 năm đầu tại cơ sở. Thời gian đăng ký xét tuyển dự kiến diễn ra từ ngày 19/7.
Các trường đại học tư thục tuyển sinh bằng học bạ theo nhiều đợt, chỉ tiêu cao. Ảnh: Đại học Văn Lang. |
Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự kiến tuyển sinh ở nhiều ngành học mới, chú trọng đến những ngành được quan tâm nhiều trong thời đại hiện nay. Đặc biệt, trường mở thêm 8 ngành mới thuộc khối ngành Sức khỏe.
5 phương thức trường áp dụng xét tuyển trong năm nay là: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (50%); xét kết quả học bạ THPT (38%); xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường (8%); xét kết quả kỳ thi SAT (2%); xét tuyển thẳng (2%).
Với phương thức xét tuyển học bạ, Đại học Quốc tế Hồng Bàng áp dụng 3 hình thức, qua đó thí sinh cần đảm bảo điểm xét tuyển đạt ngưỡng điểm chất lượng đầu vào do nhà trường quy đinh.
Riêng nhóm ngành Khoa học sức khoẻ và Khoa học giáo dục, điều kiện xét tuyển được áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, với phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.
Với phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ (không bao gồm học kỳ 2 lớp 12), thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển đạt từ 30 điểm trở lên, xét tuyển học bạ bằng tổng điểm 3 năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.
40% tổng chỉ tiêu năm nay của Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ dành để xét tuyển theo kết quả học tập THPT.
Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển được chia thành 10 đợt, kéo dài từ ngày 2/5 đến 29/8. Thí sinh cần đạt được 1 trong 3 tiêu chí sau: Tổng điểm trung bình 1 học kỳ lớp 10, 1 học kỳ lớp 11 và 1 học kỳ lớp 12 phải đạt từ 18 trở lên (thí sinh được chọn học kỳ có điểm cao hơn); điểm tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 trở lên; điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 trở lên.
Riêng các ngành thuộc nhóm Sức khỏe cần đảm bảo đủ điều kiện chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Cụ thể, với ngành Y khoa, Dược học, thí sinh cần có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên. Thí sinh đăng ký ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học cần có học lực lớp 12 xếp từ loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 6.5 trở lên.
Tương tự, Đại học Phenikaa dành 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả học bạ THPT.
Với điểm sàn nhận hồ sơ, thí sinh cần đạt tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và học kỳ 11 lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển trên 19.5. Ở các ngành nhóm Ngôn ngữ, thí sinh cần đạt điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của môn Ngoại ngữ từ 6.5 trở lên.
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên theo quy định, cộng điểm chứng chỉ tiếng Anh (nếu có).
Đại học Duy Tân dự kiến tuyển sinh 6.000 chỉ tiêu, theo 4 hình thức là xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM 2021; xét kết quả học bạ THPT.
Với phương thức xét kết quả học bạ THPT, trường áp dụng 2 cách là dựa vào kết quả học tập năm lớp 12 của môn xét tuyển hoặc dựa vào điểm trung bình môn năm lớp 11 và điểm học kỳ 1 lớp 12.
Thí sinh cần đạt điểm 3 môn xét tuyển trên 18. Riêng các ngành thuộc khối Sức khỏe cần đảm bảo ngưỡng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Năm 2021, Đại học Văn Lang tuyển sinh 50 ngành đào tạo theo 5 phương thức là xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển kết quả học tập THPT; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, trường dự kiến chia thành 4 đợt, kéo dài từ 1/3 đến 29/8. Thí sinh có thể lựa chọn một trong hai cách là xét điểm trung bình năm lớp 12 hoặc xét điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.