90 năm về trước, khoảng trung tuần tháng 6/1929, một sự kiện lớn trong đời sống văn hóa – chính trị ở Sài Gòn đã diễn ra. Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, nhà dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (năm 1913), tác giả quốc ca Ấn Độ và Bangladesh đã ghé thăm “Hòn ngọc viễn Đông” trong 3 ngày.
Sự kiện này là một dấu son đáng nhớ trong lịch sử giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Ấn Độ và để lại nhiều dư âm, nguồn cảm hứng cho giới văn thi sĩ Việt Nam, không chỉ bởi tầm vóc, tiếng tăm của Tagore, mà còn là đời sống tinh thần Á Đông trong triết lý sâu xa của ông.
Trong cuốn Sài Gòn – Chợ Lớn, ký ức đô thị và con người(NXB Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2016) giải B Sách đẹp – Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất, tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho biết, báo chí thời bấy giờ viết nhiều về chuyến viếng thăm của Tagore. Các truyện và thơ của Tagore sau đó được dịch và đăng trong cuối thập niên 1920 và thập niên 1930. Tư tưởng của Tagore ảnh hưởng lớn đối với giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ.
Chân dung đại thi hào Rabindranath Tagore chụp tại Sài Gòn năm 1929. |
Tháng 4/1924, được tin Tagore có thể viếng thăm Sài Gòn trên đường từ Trung Quốc trở về, cộng đồng người Ấn ở Sài Gòn đã loan tin và hăng hái chuẩn bị cho chuyến thăm. Nhưng sau đó, chuyến thăm bị hoãn, vì sức khỏe của ông không được tốt, sau khi diễn thuyết ở Hong Kong. Mặc dù chuyến thăm bị hoãn lại, nhưng sự chú ý về Tagore vẫn còn “nóng”. Các buổi nói chuyện về thơ Tagore tổ chức tại Sài Gòn trong tháng 7/1924 thu hút rất đông người Việt, Pháp và Ấn Độ đến nghe.
Tờ Écho Annamite ngày 02/8/1927 đăng bài phỏng vấn Tagore của ông Hoàng Tích Chu (chủ bút tờ Hà Thành Ngọ báo, Đông Tây tuần báo). Tagore sau đó đã bày tỏ mong muốn sẽ viếng thăm Đông Dương nơi có lịch sử ngàn năm và vết tích văn minh cổ xưa.
Đầu tháng 6/1929, được tin Tagore chính thức đến thăm Sài Gòn trên đường từ Nhật Bản về Ấn Độ. Hàng chục báo Pháp, Việt ở Sài Gòn đăng tin bàn luận sôi nổi về chuyến thăm này của Tagore. Báo Écho Annamite đăng tin những người Việt đón tiếp Tagore đã họp lại để bầu ra một ủy ban để thảo ra chương trình đón tiếp Tagore. Sau cùng, chương trình được thống nhất với các hội đoàn người Ấn, Pháp. Theo đó, Tagore được bố trí ở tại tại góc đường Legrand de la Liraye và rue Barbet (nay là Điện Biên Phủ – Lê Quý Đôn) của ông Diệp Văn Giáp (Hội viên Hội đồng Quản hạt) khi ở Sài Gòn.
Tagore chính thức thăm Sài Gòn từ ngày 21/6/1929, khi tàu Angers của hãng Compagnie des Messageries Maritimes cập bến cho đến hết ngày 23/6/1929. Thị trưởng Sài Gòn, ông Bziat và Chủ tịch Nội các Thống đốc lên tàu chào đón Tagore. Ngày 22/6/1929, Tagore có buổi nói chuyện ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn. Trước khi diễn thuyết, ông Bùi Quang Chiêu có những lời tán tụng đại thi hào: “Sứ giả của hiền triết phương Đông ngày nay, ông Rabindranath Tagore mơ lý tưởng châu Á sắp tới… Nhưng thi hào Tagore không tuyên truyền một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ông muốn đoàn kết Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Kitô giáo trong sự hòa thuận của một sự hợp tác tích cực tiến đến một tình thương vị tha giữa con người và vạn vật, đến thờ phụng cái đẹp, cái tốt và sự thật chân lý”.
Đại thi hào Tagore gặp gỡ các trí thức Sài Gòn nhân chuyến thăm năm 1929. |
Chương trình thăm Sài Gòn của Tagore có những thay đổi so với dự tính ban đầu, do hoàn cảnh xảy ra lúc đó. Lúc viếng mộ Lê Văn Duyệt, ông không ở được lâu vì sau khi viếng trường Mỹ thuật Biên Hòa, đường xa và xấu đã làm ông thấm mệt.
Chiều hôm đó (22/6), Tagore đến nhà in của ông Nguyễn Văn Của và dự buổi dự tiệc champagne. Thay vì uống rượu champagne ông xin được uống nước dừa và tò mò xem bộ sưu tập đồ cổ của Nguyễn Văn Của.
Nhà nhiếp ảnh Khánh Ký có chụp hai bức ảnh của Tagore với ông Nguyễn Văn Của. Sáng chủ nhật (23/6), Tagore thăm Tòa soạn báo Phụ nữ tân văn vào ở số 42 rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1). Đây vừa là trụ sở báo, vừa là nơi kinh doanh vải lụa cao cấp của ông bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ báo này.
Trong bài viết đăng trên Phụ nữ Tân văn ngày 04/7/1929, bà Nguyễn Đức Nhuận viết: “Tôi được chiêm yết cái hình dung của đại thi hào thì ra những bức ảnh đã đăng trong các báo xưa rày còn kém xa cái nét tươi ở gương mặt, cái tinh thần ở đôi con mắt, dường như có hào quang sáng rực, của cái người có “tiên phong đạo cốt” ấy. Ông cao lớn người, tuổi gần 70 mà quắc thước lắm, nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao, trán rộng, rõ là trán của một nhà tư tưởng, bàn tay ông giống như bàn tay của các bà khuê các, ngón tròn mà trắng. Ông thuộc về một dòng vọng tộc, sinh trưởng ở chốn phong lưu, hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy… Tiếng nói của ông như tiếng đờn; tiếc vì tôi không thể hầu chuyện được; vì ông không biết tiếng ta và tiếng Pháp; còn chúng tôi không biết Bengali và tiếng Anh. Tiếc lắm!”.
Sau chuyến thăm tòa soạn báo Phụ nữ tân văn, Tagore dự buổi tiếp tân của Phòng Thương mại người Hoa ở chùa Bà của người Quảng Đông ở Chợ Lớn trên đường Cây Mai (nay là đường NguyễnTrãi). Trước khi lên đường về nước, Tagore dự buổi đàm đạo uống trà với Thống đốc Pierre Pasquier và tất ủy viên trong ủy ban Pháp, Việt, Ấn Độ tiếp đón thi hào. Tại đây Tagore nói chuyện về thi văn và cảnh thanh tịnh ở các chùa đạo Phật. Sau khi Tagore rời Sài Gòn không lâu, báo Écho Annamite (02/7/1929) có bài xã luận dưới tựa đề “Diễn đàn tự do” so sánh Tagore với cụ Phan Bội Châu và cho là cụ Phan đã tử vì đạo cho lý tưởng của Tagore, đồng thời bài báo cũng ngầm chỉ trích chính quyền Pháp.
Báo Phụ nữ tân văn (27/6/1929) có bài viết về thơ của Tagore và so sánh thơ ông với thơ của các thi hào lớn của Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các báo khác như Đuốc nhà Nam cũng đăng các bài thơ của Tagore dịch ra quốc ngữ trong các năm 1929, 1930. Đông Dương Tạp chí các số tháng 7/1927 cũng có đăng các truyện ngắn của Tagore. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của Tagore sau này là phong trào Thơ mới. Những ý tưởng lãng mạn trong phong trào này một phần là do ảnh hưởng triết lý nhân bản lý tưởng của Tagore.