Sau khi tiến hành nghiên cứu dữ liệu vào tháng 4, Liên minh các nhà bán sách châu Âu và quốc tế (EIBF) có trụ sở tại Brussels đã đưa ra báo cáo Thị trường bán sách toàn cầu năm 2022. Theo đó, tình hình ngành sách năm 2021 đã được đánh giá và các xu hướng của ngành xuất bản cũng được nêu ra.
Thị trường tăng trưởng
Sau khi xem xét số liệu trên tất cả kênh bán hàng, báo cáo của EIBF cho biết “doanh số bán sách tăng 5% trong năm qua tại đa số thị trường được phân tích”. Đáng chú ý, tại 1/3 thị trường tham gia báo cáo, doanh số thậm chí tăng tới 15% và một số nơi còn cao hơn nữa.
Trong đó, doanh số bán sách dành cho trẻ em đã tăng mạnh ở một số thị trường trong năm 2021. Hiệp hội các nhà xuất bản và hiệu sách Đức cho biết sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tiếp tục ghi nhận mức tăng lớn trong thời kỳ đại dịch. Doanh thu từ các đầu sách dành cho nhóm đối tượng trẻ tuổi này năm 2021 tăng thêm 9% so với năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu của sách về du lịch giảm mạnh 26% trong cùng thời kỳ.
Tổng quan thị trường sách 2021. Ảnh: EIBF. |
Việc áp dụng công nghệ số trong ngành xuất bản giai đoạn vừa qua được thể hiện rất rõ rệt. Hiệp hội các đơn vị bán sách Hà Lan cho biết doanh thu của các kênh bán sách trực tuyến Hà Lan tăng 20%, trong khi các cửa hàng sách có doanh số giảm 7%. Lần đầu tiên, vào năm 2021, các kênh thương mại điện tử bán ra lượng sách nhiều hơn so với các cửa hàng giao dịch trực tiếp. Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Bồ Đào Nha cũng thông tin rằng sách nói đang “bắt đầu tạo nên xu hướng” tại nước này.
Như vậy, các thị trường sách cho thấy đà tăng trưởng không đồng đều và danh mục sách cũng có sự khác biệt rõ ràng về doanh thu. Hai xu hướng này và việc doanh thu bán sách trực tuyến tăng mạnh đã cho thấy rõ sự tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành sách.
EIBF đánh giá bên cạnh đà tăng trưởng chung của thị trường, doanh số bán sách trực tiếp tại các hiệu sách tiếp tục tụt hậu so với các kênh bán hàng kỹ thuật số ở nhiều quốc gia. Khoảng cách này ngày càng xa hơn do hiệu ứng từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có các lệnh phong toả ở nhiều nơi trong nửa đầu năm 2021.
Cụ thể, tại nhiều quốc gia, dù chính phủ không áp dụng các lệnh phong toả chính thức, thì khách hàng vẫn rất e ngại tới hiệu sách. Liên minh các nhà bán sách Thụy Điển chia sẻ: “Thụy Điển chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn nhưng mọi người được yêu cầu tránh các cửa hàng và trung tâm mua sắm. Điều đó có tác động tiêu cực đến doanh số bán sách trong đại dịch. Khi các hạn chế được dỡ bỏ, khách hàng đã quay trở lại”.
Trong bối cảnh này, các đơn vị bán sách đã thực hiện nhiều đổi mới. EIBF cho rằng đây là “một sự thay đổi hoàn toàn các mô hình kinh doanh truyền thống”. Nhiều hiệu sách độc lập ở Pháp đã mở rộng hình thức hoạt động, hướng đến thị trường trực tuyến, đăng tải sách và các sản phẩm của họ trên trang web của cửa hiệu và khách hàng có thể chọn giao hàng đến nhà hoặc tới trực tiếp hiệu sách để lấy.
Hai CEO của EIBF Fabian Paagman và Jean-Luc Treutenaere nêu quan điểm chung: “Khi chúng tôi cố gắng tìm hiểu các xu hướng định hình ngành sách toàn cầu, chúng tôi cũng nhìn lại tình hình ngành sách thời gian qua, vốn chịu nhiều hạn chế của đại dịch, chẳng hạn như tỷ lệ khách đến các cửa hiệu thấp hơn, gia tăng lượng khách trên thị trường số và sự tín nhiệm gia tăng đối với các kênh bán hàng trực tuyến, cùng nhiều tín hiệu mới khác”.
Phát hành trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian đại dịch, điều đó khiến hiệu sách thực địa phải nỗ lực giữ vị thế. Ảnh: Uqp. |
Xu hướng của ngành xuất bản
Dựa vào những đánh giá trên, báo cáo của EIBF đã chỉ ra ba lĩnh vực ngành sách cần tập trung phát triển trong năm 2022: Tăng cường ứng dụng công nghệ số và tối ưu hóa các kênh bán hàng trực tuyến; rà soát chuỗi cung ứng, đặc biệt là về thủ tục giấy tờ và hậu cần vận chuyển; sẵn sàng ứng phó nếu sức mua của khách hàng bị giảm đi.
Báo cáo của EIBF ghi rõ: “Trên toàn cầu, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong doanh số bán hàng trực tuyến… Chiến lược bán hàng trực tuyến được xác định là rất quan trọng để tăng doanh số bán sách trên các thị trường sách trên toàn thế giới”.
Nhiều nhà bán sách đang phát triển các cửa hàng trực tuyến của riêng họ để cạnh tranh với những gã khổng lồ Internet. Liên minh các nhà bán sách ở nhiều quốc gia đã xây dựng được ảnh hưởng thực tế, mở rộng bán hàng trực tuyến và tìm cách kết nối thành công các hiệu sách để đảm bảo sự phát triển chung của họ.
“Bên cạnh việc mở rộng các kênh bán hàng kỹ thuật số, dịch vụ phát trực tuyến (livestream) đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Ngay cả ở những quốc gia nơi dịch vụ phát trực tuyến mới chỉ hiện diện hạn chế hoặc chưa từng xuất hiện trước thời kỳ dịch bệnh, hiện tại, thị trường sách đang ghi nhận sự phát triển theo cấp số nhân của các kênh phát trực tuyến sách nói”, trích báo cáo.
Liên minh các đơn vị bán sách của New Zealand cũng chia sẻ về định hướng của họ: “Các ưu tiên chính của chúng tôi trong tương lai là nâng cao năng lực kỹ thuật số cho các hiệu sách độc lập để cạnh tranh với các chuỗi bán sách quốc tế và quy mô lớn, tìm nguồn cung cấp sách nói mới (hướng đến những tác phẩm sách nói không thuộc sở hữu của các ông lớn trong ngành sách) và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các đơn vị thuộc hiệp hội”.
Báo cáo của EIBF cũng đưa ra một chi tiết rất thú vị, kết nối ngành sách và bảo vệ môi trường. Ở phần cuối của báo cáo, EIBF cho biết: “Để đảm bảo tính bền vững lâu dài của ngành xuất bản, các chuyên gia trong ngành phải nhận thức được một thách thức đang tồn tại: biến đổi khí hậu. Từ việc giúp nâng cao nhận thức cho khách hàng đến việc hướng dẫn họ có các phương pháp tiếp cận thực tế nhằm giảm lượng khí thải carbon, những đơn vị bán sách có vai trò trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu”.