(Từ trái sang) Nhà văn Nhật Chiêu, dịch giả Quế Sơn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang. Ảnh: Thanh Trần. |
Dù được đánh giá là một tác phẩm phức tạp và khó đọc, Nắng tháng tám của nhà văn đoạt giải Nobel William Faulkner vẫn cho thấy sức hút bất ngờ tại thị trường Việt Nam trong 10 năm qua. Với nhà văn Nhật Chiêu, tác phẩm là một trong những trường hợp đặc biệt đáp ứng được cho cả giới nghiên cứu và độc giả thông thường.
Nhân dịp kỷ niệm 10 ra mắt bản dịch Nắng tháng tám, dịch giả Quế Sơn – người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt – và nhà văn Nhật Chiêu đã có buổi giao lưu tại Hội sách Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 ngày 23/4 nhằm giúp độc giả hiểu hơn về vẻ đẹp cũng như những ẩn ý nghệ thuật trong tác phẩm.
Sự nhất quán đầy uy lực và bất ngờ
William Faulkner (1897-1962) được xem là một trong những nhà văn Mỹ quan trọng nhất thế kỷ 20. Với những kiệt tác như Âm thanh và cuồng nộ (1929), Khi tôi nằm chết (1930), Nắng tháng tám (1932) và Absalom, Absalom! (1936)… Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1949 vì “đóng góp mạnh mẽ và độc đáo về mặt nghệ thuật của ông cho tiểu thuyết Mỹ hiện đại” và hai giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1955 và 1963.
Nắng tháng tám là một trong những tác phẩm nổi bật của ông, lấy bối cảnh từ vùng Nam Mỹ vào những năm 1930. Câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ.
Tác phẩm Nắng tháng tám được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Trần. |
Với nhà văn Huỳnh Trọng Khang, đây là một tác phẩm không dễ đọc: dày, cấu trúc không chặt chẽ, lỏng lẻo và đòi hỏi người đọc phải có sự tập trung nhất định. Tuy vậy, ở tác phẩm vẫn toát lên một sức hút khó hiểu.
“Sở dĩ người đọc có cảm giác nội dung lỏng lẻo là vì trong tác phẩm có 3 tuyến truyện đan xen với nhau. Nếu nắm được 3 tuyến truyện này sẽ cảm thấy việc đọc tác phẩm này rất dễ dàng”, nhà văn Nhật Chiêu giải thích.
Đó là Lena Grove bụng mang dạ chửa đi từ Alabama đến Jefferson trong gần một tháng trời để tìm người đàn ông mị tình đã hứa hẹn với nàng. Đó là Joe Christmas, một người không rõ sắc chủng, có thể là nửa trắng nửa đen, nhiều lần thừa nhận mình là da đen một cách quyết liệt, ngạo mạn và cay đắng. Bên cạnh đó còn có Gail Hightower, một mục sư bị phế bỏ.
“Ba cuộc đời ấy đi theo những hướng khác biệt, nhưng trải qua mười một ngày đầy biến động của tháng tám ở Jefferson thuộc Mississippi, dường như đời sống họ tương chiếu nhau tạo nên cái nhất quán đầy uy lực và bất ngờ của truyện”, nhà văn Nhật Chiêu nhận xét.
Bậc thầy dòng văn học ý thức
Nhà văn Faulkner nổi tiếng về nhiều phương diện, trong đó nổi tiếng hơn cả là những đề tài viết về cái ác như loạn luân, bạo lực, sát nhân… Việc tác phẩm của ông thường xuyên chứa đựng những tội ác như thế làm nảy ra một câu hỏi: Liệu ông có phải nhà văn của cái ác?
Nhà văn William Faulkner, ảnh chụp năm 1954 bởi Carl Van Vechten. |
“Những đề tài như vậy không tốt không xấu, bởi vì đề tài của nghệ thuật chỉ là đề tài. Vấn đề là ta đối trị đề tài đó như thế nào và nhà văn xử lý như thế nào. Nhiều người cho rằng ông là nhà văn của cái ác, nhưng cũng giống Tội ác và hình phạt hay Anh anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky, toàn bộ tâm thế của nhà văn khi viết về đề tài ấy để hướng đến cái gì mới là quan trọng”, nhà văn Nhật Chiêu khẳng định.
Với tài năng của một bậc thầy dòng văn học ý thức, William Faulkner đã tạo nên một Nắng tháng tám với những đối thoại đa thanh, những đối truyện đa thể, những độc thoại nội tâm đa đoan và vô số suy tưởng đa nghĩa.
Ngay cả nhan đề của tác phẩm cũng được ông thay đổi từ Dark House (căn nhà tối) sang Light in August (Nắng tháng tám). Theo dịch giả Quế Sơn, Light in August trong phương ngữ vùng Mississippi – quê hương tác giả – chỉ trạng thái hoài thai. Do đó, Nắng tháng tám còn là ánh sáng của sự sinh nở, sáng tạo, là va chạm và tương tác liên tục giữa ánh sáng và bóng tối qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, vừa rực rỡ vừa thâm u.
Với câu nói nổi tiếng “Tôi không tin vào sự cùng tận của con người” trong diễn từ Nobel năm 1949, nhà văn Nhật Chiêu cho rằng Faulkner đã nêu lên tuyên ngôn nghệ thuật của chính mình, đó là tin rằng con người vượt lên cái ác chứ không bị lụi bại bởi cái ác.
You must be logged in to post a comment Login