Những ngày qua, nước Mỹ rung động bởi các cuộc biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc. George Floyd, người đàn ông da màu được cho là bị cảnh sát trấn áp, đè gối lên cổ trong suốt gần 9 phút, dẫn đến tử vong. Sự việc xảy ra ở Mỹ gây chia rẽ lớn trong dư luận.
Một bộ phận nhỏ cho rằng vấn đề kỳ thị đang bị thổi phồng, thậm chí cho rằng một số cộng đồng đáng bị khinh ghét vì họ mang trong mình nhiều tính xấu.
Trong loạt bài viết 3 kỳ, PGS.TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) phân tích những vấn đề nêu trên từ biên độ rộng hơn để bạn đọc rút ra kết luận cho riêng mình.
Một số thông tin trong bài viết được trích dẫn từ cuốn sách mới xuất bản của tác giả “Cross-Cultural Management with Insight from Brain Science” (Quản trị đa văn hoá và các đóng góp của ngành thần kinh não bộ).
Sau sự kiện George Floyd, các sinh viên của tôi tạo một diễn đàn để chia sẻ. 32 người, tuổi từ 25 đến 60, hầu hết là người da trắng. Ai cũng có công việc ổn định. Những câu chuyện của họ khiến tôi giật mình. Hoá ra họ cũng bị kỳ thị. Nhưng không ai hoàn toàn vô tội.
Kỳ thị vô thức
Bài viết trước đã phân tích bộ não có xu hướng khái quát hoá các vấn đề bằng cách tự động thêm những đường thẳng vào ba dấu chấm để biến nó thành hình tam giác. Ta quyết định nhanh hơn, dễ hơn nếu có thể vơ đũa cả nắm như vậy.
Khi có kẻ cạnh tranh nguồn sống, việc biến tất – cả – bọn – họ thành một hình tam giác xấu xí là cách hiệu quả nhất để ta có thể kỳ thị, nói xấu, ghét bỏ, sỉ nhục, đánh đập, thậm chí hại đồng loại mà không thấy hổ thẹn với phận làm người.
Về mặt tiến hoá, đó là một kỹ năng sinh tồn. Như vậy, không ai có thể công tâm 100%.
Người ta có thể vô thức kỳ thị kẻ khác mà không hề hay biết . Ảnh minh họa: Comstocksmag. |
Với cùng một đơn xin việc như nhau, đơn có tên đàn ông, dễ phát âm (John, Peter), sẽ có cơ hội trúng tuyển hơn các đơn có tên phụ nữ, nguồn gốc tôn giáo ngoài châu Âu, và cách phát âm không quen miệng (Hoàng Nguyễn, Nirusan Bajracharya…). Đó chính là lý do để nhiều ngôi sao Holywood thay đổi tên họ của mình.
Tương tự, phụ nữ da màu có tốc độ khởi nghiệp gấp 3-5 lần nam giới. Nhưng sau đó, tốc độ phạt triển doanh nghiệp cuả họ bị thụt lùi do ảnh hưởng cuả kỳ thị nam nữ và kỳ thị sắc tộc.
Khi làm trắc nghiệm, nhiều bạn sinh viên bị sốc khi nhận ra mình là kẻ phân biệt chủng tộc, kỳ thị nam nữ, ghét người béo phì, không ưa người đồng tính, không thích làm việc với người già…
Họ cũng kỳ thị người cùng tầng lớp với mình, người da đen kỳ thị da đen, phụ nữ kỳ thị phụ nữ, đàn ông kỳ thị đàn ông. Thậm chí, một số sinh viên da trắng phát hiện họ sợ màu da của chính mình.
Nguyên tắc của trắc nghiệm này rất đơn giản. Lấy ví dụ về kỳ thị chủng tộc, trên màn hình có các khuôn mặt da đen và da trắng, đi kèm các tính từ cả tốt lẫn xấu như “dũng cảm” hay “ngu xuẩn”.
Vì người da đen thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin với hình ảnh tiêu cực, nên khi khuôn mặt da đen kèm với các tính từ tiêu cực, tốc độ trả lời (vẽ hình tam giác) của nhiều người có thể sẽ nhanh hơn.
Tốc độ càng nhanh, xu hướng kỳ thị càng cao. Trong sự kiện George Floyd, cảnh sát Mỹ có xu hướng giết chết nghi phạm da đen nhiều gấp 3 lần người da trắng.
Với định kiến (vô thức) rằng người da đen nguy hiểm hơn, cảnh sát sẽ rút súng nhanh hơn và bóp cò nhanh hơn, không để cho ý thức kịp can thiệp.
Trắc nghiệm nổi tiếng này đã giúp hàng triệu người nhận ra rằng ta có thể vô thức kỳ thị người khác mà không hay biết (unconscious bias).
Kỳ thị có hệ thống
Tuy nhiên, tổ chức xã hội mà ta đang sống đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc duy trì và hệ thống hoá kỳ thị (systematic or institutional bias).
Ví dụ, khi chế độ nô lệ ở Mỹ chấm dứt, người da đen với hai bàn tay trắng bị khoanh vùng sống ở những khu cách biệt với người da trắng vốn đã khá giàu có với tư bản tích luỹ từ nhiều năm.
Các nhà băng chỉ cần nhìn địa chỉ là biết và thường từ chối cho vay để họ mua nhà hay đóng học phí. Họ đã nghèo lại còn ít cơ hội hơn.
Với xuất phát điểm thấp hơn, trẻ em da đen tiếp tục gánh chịu thêm thiệt thòi khi trường học Mỹ đến giờ vẫn được chu cấp kinh phí dựa trên thuế bất động sản của từng khu vực. Trường trong khu nghèo sẽ được đầu tư ít hơn và chất lượng thấp hơn.
Sự kỳ thị có hệ thống này là điểm mấu chốt khiến đói nghèo trở thành vòng luẩn quẩn với rất nhiều người da màu tại Mỹ. Cộng với kỳ thị vô thức, bất kỳ ai có thể thoát ra khỏi ma trận này đều có thể coi là những cá nhân xuất sắc.
Tổ chức xã hội mà ta đang sống đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc duy trì và hệ thống hoá kỳ thị. Ảnh: Style Rave. |
Một ví dụ khác về kỳ thị có hệ thống là việc phụ nữ và nam giới được hưởng chế độ chăm con vô cùng khác nhau. Sự bất bình đẳng đó vô tình thừa nhận việc chăm con là nhiệm vụ của mẹ, đào sâu thêm hố ngăn cách về thiên chức của đàn ông đàn bà.
Nó cũng thẳng tay loại bố ra khỏi quỹ đạo yêu thương, tước bỏ một phần quyền được làm bố khi biển thủ nguồn thời gian để bố được hưởng quyền chăm sóc và xây dựng tình phụ tử với đứa con mới chào đời.
Nhiều quốc gia nhận ra họ đã quên không giải phóng đàn ông. Khi phụ nữ được quyền thoát ra khỏi những định kiến cũ kỹ (đàn bà nội trợ), đàn ông vẫn bị bó buộc bởi chính mặt sau của định kiến ấy (đàn ông kiếm tiền).
Chính vì thế, Phần Lan, gần đây, đã quyết định hất bỏ sự kỳ thị có hệ thống này. Luật cũ cho mẹ nghỉ gấp đôi bố; chính phủ mới lên toàn phụ nữ và một bà thủ tướng mới 34 tuổi lập tức đòi quyền bình đẳng cho đàn ông, cho phép bố em bé cũng được nghỉ thai sản 7 tháng như mẹ.
Kỳ thị là xích xiềng trên đường đua
Khi Ê-đê H’Hen Niê đoạt vương miện hoa hậu, có người đã công khai so sánh màu da nâu của cô một cách khiếm nhã.
Sự kỳ thị cố ý như vậy cùng sự kỳ thị vô thức là những hòn đá chắn đường của người thiểu số. H’Hen Niê tâm sự rằng khi làm ô sin, cô luôn cố gắng làm tốt hơn yêu cầu.
Xuất thân nghèo khó, từ vùng đất bị sự giàu có lãng quên, từ cộng đồng bị quyền lực văn hoá chối bỏ, cô biết nếu muốn chống lại số phận thì luôn phải cố gắng gấp nhiều lần, dù chỉ là công việc nhỏ bé, tầm thường.
Sự kỳ thị cố ý cùng sự kỳ thị vô thức là những hòn đá chắn đường của người thiểu số. Ảnh: Washington Post. |
Nhìn H’Hen Niê, tôi thấy mình và hàng tỷ người đang mưu sinh với tư cách cá nhân của một cộng đồng thiểu số: Người nhập cư khắp năm châu bốn bể, người ngoại tỉnh sống trong thành phố lớn, người da màu ở Âu Mỹ, phụ nữ trong môi trường công việc vốn là lãnh thổ của đàn ông và ngược lại…
Ai dám từ bỏ nơi mà văn hoá cá nhân của mình cũng là văn hoá thống trị đều phải chịu thụt lùi nhiều bước, như rơi xuống từ một bậc thang thấp hơn, và bắt đầu cuộc đua khi kẻ khác đã ở trên cao chót vót. Đó là những người phải chạy ngược chiều gió.
Tôi thường tâm sự rất thật rằng để có được chỗ đứng như hôm nay, mình phải cố gắng gấp ba lần, bởi ba cái cùm đeo chân trong cuộc đua không cân sức này: Tôi không phải người bản xứ, không phải người da trắng, và không phải đàn ông.
Sống trong một xã hội Tây Âu vẫn còn rơi rớt rác rưởi của kỳ thị, nếu không làm việc gấp ba người khác, tôi chỉ là còn số 0.
Thậm chí, kể cả khi nhìn những người thiểu số mà cuộc sống dường như chỉ là số 0, tôi hiểu rằng đằng sau số 0 ấy rất có thể là những nỗ lực mà mình không nhìn thấy.
Kỳ thị “ăn cắp” năng lượng tư duy
Hãy bắt đầu một thí nghiệm trong đó nhóm phụ nữ thứ nhất được nhắc nhở rằng phụ nữ nói chung là kém nam giới về toán học, còn nhóm kia được thông báo là thực ra đàn ông đàn bà giỏi toán như nhau.
Kết quả sau đó hệt như nội dung của lời nhắc nhở: Nhóm thứ nhất thua, và nhóm thứ hai có điểm số ngang hàng nam giới. Điều này cũng đúng với định kiến đàn ông da đen giỏi thể thao hơn da trắng, người Mỹ Latin học dốt hơn mức trung bình, hay dân Tây thua toán dân châu Á.
Sống trong một xã hội nhiều định kiến, mỗi cá nhân đều ở trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng quý báu của não bộ để đấu tranh chiến thắng cảm xúc lo âu và bị coi thường. Ảnh: Every Health. |
Kỳ thị tạo ra sự thiếu tự tin. Thay vì việc sử dụng toàn bộ 100% năng lượng của bộ não vào công việc, một phần quý báu của năng lượng đó bị cắt ra để giải quyết những nỗi lo âu, sự đe doạ, cảm giác bị coi thường nhen nhóm trong đầu:
Sao khó thế nhỉ? Hay là tại mình thực sự kém cỏi? Hay là những gì người ta bảo là thật? Chắc là tại mình là da đen/da trắng/đàn ông/đàn bà/dân Latin/dân ngoại tỉnh… rồi.
Sống trong một xã hội nhiều định kiến, mỗi cá nhân đều ở trong tình trạng phải vô thức dành một phần năng lượng quý báu của não bộ để đấu tranh chiến thắng cảm xúc lo âu và bị coi thường.
Càng có sắc da tối màu hay cội nguồn ngoại bang càng dễ bị ăn cắp năng lượng tư duy nhiều hơn, càng phải cố gắng nhiều hơn chỉ để có thể tồn tại, hoặc đứng ngang hàng với kẻ khác.
Kỳ thị mạnh hơn sự thật
Trong cuộc sống ở vùng đồng cỏ với nhiều mối hiểm nguy, tư duy tranh luận logic không quan trọng bằng việc xử lý tình huống hiệu quả và thu hút được sự ủng hộ của người trong bộ lạc.
Một người có đầu óc khách quan, biết cân nhắc sự việc mà không để tình cảm chi phối sẽ không lãnh đạo bộ lạc hiệu quả bằng người mạnh mẽ, dù không khách quan nhưng biết cách dùng tình cảm để lôi kéo, dù không có bằng chứng sự thật nhưng biết cách trấn an hoặc kích động đồng loại.
Hàng triệu năm như vậy khiến loài người dần dần hình thành xu hướng nghiêng theo những gì mình tin là đúng, chứ không phải những gì được chứng minh là đúng (thiên kiến xác nhận – confirmation bias).
Kỳ thị khiến chúng ta nhìn cuộc sống theo lăng kính của định kiến và coi nhẹ toàn cảnh. Ảnh: ABC. |
Kỳ lạ hơn, bộ óc thậm chí còn có thể bóp méo hiện thực để khít với suy nghĩ của chúng ta. Trong một thí nghiệm, những khuôn mặt người da đen “hạnh phúc” bị đánh giá là “giận dữ” và những khuôn mặt phụ nữ “giận dữ” lại được cho là họ đang hạnh phúc.
Đây là kết quả của định kiến xã hội cho rằng phụ nữ luôn phải tươi vui, còn đàn ông da đen thì toàn bạo lực.
Kỳ thị khiến chúng ta nhìn cuộc sống theo lăng kính của định kiến và coi nhẹ toàn cảnh. Trong vụ George Floyd, rất nhiều tờ báo và cá nhân bị thiên kiến xác nhận khi đưa ra cái nhìn một chiều, chỉ chú trọng khía cạnh bạo loạn hoặc chỉ chú trọng khía cạnh nhân văn của sự kiện.
Cả hai đều gây hệ luỵ cho chính người da đen. Cách thứ nhất đào sâu thêm kỳ thị chủng tộc và định kiến rằng người da đen bạo lực.
Cách thứ hai khiến người bị thiệt hại nổi giận, đổ lỗi cho toàn bộ cộng đồng người da đen và phủ nhận sự cần thiết của phong trào bình quyền.
Kỳ thị tạo ra sự thật
Một trong những quảng cáo tôi ưa thích được sản xuất bởi Verizon. Video mô tả tuổi thơ của Sammy, được gọi là bé con “xinh đẹp”. Mỗi lần cô muốn làm điều gì không thuận theo định kiến, liền có giọng nói của ba mẹ vang lên ngăn lại.
Khi cô khám phá trong rừng thì bị nhắc không được làm bẩn váy áo. Khi cô nghiên cứu các sinh vật trên bờ biển thì bị nhắc bỏ xuống vì nguy hiểm. Khi cô mơ ước về vũ trụ và trang trí phòng bằng các quả bóng thì bị nhắc là đi quá giới hạn. Khi cô cầm máy khoan thì bị bắt đưa cho em trai làm hộ.
Kết thúc quảng cáo là hình ảnh Sammy đứng trước ô kính có dán áp phích về ngày hội khoa học. Nhưng Sammy giờ đã khác, cô nhìn xuyên qua tấm áp phích, rút cây son và tô lại môi.
Kỳ thị góp phần kiến tạo nên sự thật. Ảnh: Science News. |
Verizon chốt lại quảng cáo bằng một số liệu quan trọng: 66% bé gái lớp 4 thích toán, nhưng đến khi vào đại học thì số SV nữ chuyên ngành khoa học tự nhiên chỉ còn 18%. Kỳ thị giới đã khiến bé trai và bé gái dần chọn những nẻo đường khác nhau.
Kỳ thị góp phần kiến tạo nên sự thật. Môi trường xã hội là những chiếc khuôn đúc mạnh mẽ nhất trong mọi hành vi suy nghĩ của chúng ta.
Quay trở lại với việc kỳ thị ăn cắp năng lực tư duy. Đối mặt với suy nghĩ mình kém cỏi, chúng ta có thể trượt dốc và chấp nhận suy nghĩ đó chính là sự thật. Rồi tự vận vào mình, biến sự thật thành số phận và an bài với số phận đó.
Kỳ thị tích cực cũng có hệ quả tiêu cực
Nhiều người châu Á sống ở Âu Mỹ cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được báo chí trong nước ca ngợi là sắc dân mẫu mực – Model Minority, chăm chỉ làm ăn, con cái thành đạt. Thoạt đầu, đó có vẻ là điều thuận lợi.
Tuy nhiên, mặt sau của những lời khen là sự thật khá phức tạp. Thứ nhất, vài lời khen tặng đó không làm cân bằng định kiến đối với người da vàng: Bảo thủ, ngây thơ chính trị, và luôn là người ngoài cuộc.
Người Á bị cho rằng họ dù sống ở nước ngoài nhưng chết sẽ quay đầu về quê hương, tiền toàn gửi về cố quốc, không cần nói tiếng bản xứ vẫn sống ngon vì cậy có thể kinh doanh trong nội bộ cộng đồng.
Người Á dù sống lâu năm, thậm chí đẻ ra trên đất mới nhưng luôn bị coi là ngoại bang vì định kiến không nhiệt tình tham gia vào các cuộc đối thoại làm thay đổi xã hội.
Họ bị gắn với định kiến là học chăm, kiếm ra tiền, và im lặng ngoan ngoãn sống như một kẻ xa lạ trong nhà mà không ai cần đề phòng.
Thứ hai, vài lời khen tặng đó khiến xã hội và các nhà lập pháp có ảo tưởng rằng người châu Á hoàn toàn không bị kỳ thị và không phải đối mặt bất bình đẳng. Nếu người Á kêu ca, đó là trường hợp cá biệt và không cần quan tâm.
Tệ hơn, ảo tưởng đó còn tạo lý do để khá nhiều chương trình phúc lợi xã hội đẩy người Á ra ngoài vì họ đã ổn rồi, bằng chứng là scandal một số trường ĐH top đầu ở Mỹ đã bí mật loại sinh viên gốc Á.
Hệ luỵ thứ ba của kỳ thị tích cực là áp lực khủng khiếp mà người Á phải chịu đựng để luôn xuất hiện với tư cách sắc dân mẫu mực, dù vẫn phải chịu đủ liều lượng phân biệt kỳ thị như mọi sắc dân thiểu số khác.