kỳ thị, định kiến VÀ SỰ SỢ HÃI TỪ VỤ NGƯỜI DA ĐEN CHẾT Ở MỸ
Nỗi lo sợ có thể là vô thức và nguời mang định kiến hoàn toàn không thể xác định được mình đang lo sợ điều gì.
Những ngày qua, cả thế giới rúng động bởi các cuộc biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc. George Floyd, người đàn ông da màu được cho là đã tử vong sau khi bị cảnh sát dùng thủ thuật trấn áp, đè gối lên cổ trong suốt gần 9 phút. Sự việc xảy ra ở Mỹ nhưng tác động toàn cầu, thậm chí gây chia rẽ lớn trong dư luận.
Một bộ phận nhỏ cho rằng vấn đề kỳ thị đang bị thổi phồng, thậm chí cho rằng một số cộng đồng đáng bị khinh ghét vì họ mang trong mình nhiều tính xấu.
Trong loạt bài viết 3 kỳ này, PGS.TS Nguyễn Phương Mai phân tích những vấn đề nêu trên từ biên độ rộng hơn để rút ra kết luận cho chính mình.
Tại trường đại học nơi tôi giảng dạy, mỗi khi tới tiết học về kỳ thị và phân biệt (stereotype, bias, prejudice, and discrimination), tôi thường mở đầu bài giảng bằng cách hỏi sinh viên: “Trong các em, ai có thể nhận rằng mình có mang trong đầu sự kỳ thị chủng tộc (racist)?”
Không ai giơ tay. Nhưng chính bản thân tôi sẽ giơ tay.
Vài sinh viên há hốc mồm. Tôi hỏi tiếp: “Ai có thể nhận rằng mình là kẻ kỳ thị giới (sexist)?” Cả lớp im phăng phắc. Tôi lại giơ tay.
Các câu tiếp theo: “Ai có thể nhận mình là kẻ kỳ thị nguời đồng tính luyến ái, người già, nguời béo phì, người dị tật..?”. Tôi liên tục giơ tay, các bạn sinh viên bắt đầu dần hiểu ra vấn đề.
Cơ chế hoạt động thời đồng cỏ của bộ óc
Hãy bắt đầu câu chuyện từ việc bộ óc của loài người là cỗ máy khái quát hoá rất tài năng. Nếu tôi vẽ lên bảng ba dấu chấm so le nhau, hầu hết sinh viên sẽ nói tôi đã vẽ hình tam giác. Bộ óc đã tự động thêm vào ba đường thẳng nối các dấu chấm để tạo ra hình tam giác.
Tại sao? Vì đó là cách nhanh nhất để ta khái quát hoá tình huống (stereoptype) và đưa ra quyết định.
Tinh thần cẩn thận không thừa đến mức thành “vơ đũa cả nắm” đã trở thành bản năng sinh tồn tự động và giúp loài người sống sót đến ngày nay.
Hãy thử tưởng tượng hàng nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta đang đi trong rừng (dấu chấm thứ nhất), chỗ có lùm cây to (dấu chấm thứ hai), chợt nghe tiếng động (dấu chấm thứ ba).
Nếu bộ óc không nhanh chóng kết nối ba chi tiết đó lại và đưa ra một hình tam giác (có thú dữ trong lùm cây), kết quả có thể là sự trả giá bằng mạng sống của chính mình.
Sự khái quát hoá như vậy có đến 99% là sai, tức là 99% chẳng có con hổ hay con rắn nào trong lùm cây cả. Nhưng thà giết thừa còn hơn bỏ sót.
Tinh thần cẩn thận không thừa đến mức thành “vơ đũa cả nắm” ấy đã trở thành bản năng sinh tồn tự động và giúp loài người sống sót đến ngày nay.
Vấn đề là bộ não đã không phát triển kịp để song hành cùng sự biến đổi quá đột ngột từ hàng triệu năm sống trên đồng cỏ châu Phi cho tới cuộc sống hiện đại mới chỉ vài trăm năm trở lại đây.
Ta không còn sống như bộ lạc nhưng bộ óc thì vẫn giữ nguyên cơ chế hoạt động thời đồng cỏ. Ta liên tục khái quát hoá, vẽ hình tam giác cho bất kỳ ba dấu chấm nào có thể.
Đó là lý do ta tưởng tượng ra hình chú Cuội từ những chấm đen trên Mặt Trăng, nhìn thấy mặt nguời trên mai con cua đồng. Đó cũng là lý do ta thấy ai khác mình, bất kể da trắng, da đenm đều gọi là Tây.
Vơ đũa cả nắm và định kiến xấu tốt
Trong thời đại thông tin ngày nay, những dấu chấm không những nhiều hơn thời kỳ đồng cỏ, mà cũng hỗn loạn hơn, thậm chí có thể bị làm giả, thổi phồng, bóp méo.
Vì thế, những tam giác mà ta tự động vẽ ra lại có xác xuất sai lớn hơn. Và khi những hình tam giác ấy kéo theo sự ngầm định tốt xấu, ta có kỳ thị và định kiến.
Các dấu chấm để ta vẽ tam giác và hình thành định kiến đã trở nên quá tải, hỗn loạn, thật giả lẫn lộn, dễ dàng bị thổi phồng và bóp méo.
Những dấu chấm ngày nay phần lớn đến từ các phương tiện thông tin đại chúng, nên không chỉ là một dân tộc, đôi khi cả một dải văn minh bị tổng kết dựa vào hành động của một vài cá nhân: “Bọn Trung Đông” nó hiếu chiến nhỉ/ hiếu khách nhỉ. “Bọn Tây” nó sạch nhỉ/ bẩn nhỉ/ lịch sự nhỉ/ thô lỗ nhỉ. “Bọn da đen” nó lười nhỉ/ vui vẻ nhỉ/ hát hay nhỉ… Không tin à, mở TV hoặc Facebook (nguồn dấu chấm) lên mà xem.
Tuy nhiên, hãy nhớ định kiến không hoàn toàn xấu, nó thậm chí là kỹ năng sống còn của loài người, sử dụng những kinh nghiệm rời rạc sai đúng lẫn lộn (các dấu chấm) để tiết kiệm thời gian trong quá trình phán xét (vẽ tam giác).
Nhìn thấy một gã thanh niên đầu tóc bặm trợn xăm trổ đầy người thì kết luận đó là dân lưu manh đầu gấu và lập tức “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Đi ngang cô ả ăn mặc hở hang, không kìm được ý nghĩ “đúng là loại đàn bà con gái lẳng lơ” và quay sang kiểm tra xem chồng mình có nhìn trộm không.
Ngó thấy bao bì hàng hoá có in cái mặt Tây da trắng mũi lõ thì tự dưng tin là hàng chất lượng cao.
Nhắc lại, vấn đề là ngày nay, các dấu chấm để ta vẽ tam giác và hình thành định kiến đã trở nên quá tải, hỗn loạn, thật giả lẫn lộn, dễ dàng bị thổi phồng và bóp méo.
Cội nguồn từ sợ hãi
Như vậy, về mặt tiến hoá, kỳ thị và định kiến có vai trò giúp ta vẽ tam giác thật nhanh và ra quyết định chóng vánh. Tuy nhiên, kỳ thị và định kiến còn có một vai trò khác không kém phần quan trọng: Giúp ta xác định và bảo vệ bầy đàn.
Con người là sinh vật bầy đàn. Không có bầy đàn, cá nhân không tồn tại. Vì vậy, bầy đàn trở thành đối tượng quan trọng để yêu thương, hy sinh và bảo vệ. Ta luôn có xu hướng bảo vệ và hy sinh cho kẻ cùng phe với mình.
Chủ nghĩa dân tộc là ví dụ điển hình khi ta không ngại ngần bôi nhọ, kết án, sỉ nhục nhóm người khác.
Khi phải cạnh tranh nguồn sinh sống, chúng ta không thể vị tha với kẻ khác bầy đàn, và tiến hoá xã hội đã hình thành công cụ hữu hiệu để giúp con người có đủ dã tâm tàn hại kẻ khác: “Phi nhân hoá” (demonization – “biến kẻ khác thành quỷ dữ”).
Để lòng trở nên vô cảm với kẻ thù, ta sẽ miêu tả họ là vô đạo đức, dã thú, xấu xa. Giết một kẻ xấu xa sẽ dễ dàng hơn giết một kẻ cũng giống như chúng ta. Trong chiến tranh, phi nhân hoá là công cụ đắc lực để con người coi đồng loại là loài cầm thú đáng bị tiêu diệt, để vượt qua lòng vị tha và sẵn sàng vung kiếm.
Phi nhân hoá và sỉ nhục kẻ khác vì vậy một phần có nguồn gốc tiến hoá. Và oái ăm thay, lại là sản phẩm của lòng trung thành với bầy đàn của chính mình.
Nói cách khác, chúng ta vì yêu bầy đàn (gia đình, tộc họ, quốc gia, tôn giáo) của mình quá mà kết quả là biến bầy đàn khác thành kẻ xấu xa.
Điều đó giải thích cho việc một số người kiên quyết đổ tội cho gái mại dâm, chứ chồng mình nhất định chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ. Chủ nghĩa dân tộc là ví dụ điển hình khi ta không ngại ngần bôi nhọ, kết án, sỉ nhục nhóm người khác. Bản chất gốc rễ của vấn đề là nỗi sợ hãi.
Sẽ mất nhiều thời gian hơn để khiến rất nhiều người da trắng hiểu rằng, sâu xa trong tâm khảm họ là nỗi sợ bị mất những đặc quyền mà từ bao lâu nay họ nghiễm nhiên hưởng thụ.
Vì sợ đối mặt với những câu hỏi nhức nhối về danh tính dân tộc và kinh tế suy thoái mà nhiều chính quyền yếu kém sẽ tìm bằng được một con dê tế thần để đổ tội. Đó là cách Hitler nhằm vào người Do Thái, các nhà độc tài Trung Đông nhằm vào Israel, một số chính quyền Mỹ và châu Âu nhằm vào người nhập cư da màu.
Nỗi sợ hãi và mong muốn kỳ thị lớn đến nỗi khi khi Tháp Đôi ở Mỹ bị đánh bom, hẳn chúng ta còn nhớ nhiều người reo mừng. Những thân người cùng đường nhảy ra khỏi tháp trở thành cái giá họ phải trả vì là kẻ xấu xa sinh ra ở đế quốc sài lang.
Cũng tại Mỹ, một chiêu thức mà ông Trump đã vận dụng rất thành công là đánh vào nỗi sợ hãi của tầng lớp trung lưu và buôn bán “có-nguy-cơ-rớt-hạng” nếu vấn đề nhập cư không được xiết chặt.
Chính vì vậy, về mặt tâm lý, mức độ kỳ thị định kiến càng cao thì chứng tỏ nỗi lo sợ càng lớn. Nỗi lo sợ đó có thể là vô thức, và nguời mang định kiến hoàn toàn không thể xác định được mình đang lo sợ điều gì.
Ví dụ, khá nhiều người phản đối phong trào Black Lives Matter (mạng người da đen có giá trị) và cho rằng điều đó có nghĩa là mạng da màu khác không có giá trị – một nỗi sợ gián tiếp.
Để giải thích, ta chỉ cần thêm chữ “too” (cũng-có-giá-trị) vào khẩu hiệu này. Mạng người nào cũng quý, nhưng hiện tại, mạng da đen đang bị coi nhẹ, cũng như kẻ đang bị thương thì phải được chữa chạy trước.
Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khiến rất nhiều người da trắng hiểu rằng, sâu xa trong tâm khảm họ là nỗi sợ bị mất những đặc quyền mà từ bao lâu nay họ nghiễm nhiên hưởng thụ.
Người tự tin và có lòng nhân thì sẽ phê phán hành động chứ không đánh giá con người, tìm giải pháp ở sự thay đổi hệ thống chứ không ngụy biện đổ lỗi cho bản năng hay tính cách chủng tộc.
Với nhiều cá nhân khác, việc vơ đũa cả nắm và mạt sát một cách cực đoan toàn bộ cộng đồng người da đen là cách gián tiếp hạ thấp kẻ khác để họ cảm thấy hài lòng với bản thân thực tại của mình, hài lòng với nhân cách mình đang có, và giúp họ tự khẳng định giá trị bản thân mà không mất nhiều thời gian tự kiểm điểm.
Nếu kẻ kia xấu xa, đương nhiên mình tốt đẹp. Những vấn đề mà mình đang có khoan cần phải xem xét, những xấu xa mà mình đang có đương nhiên nhận cực trái dấu và trở thành đức hạnh, chỉ cần chứng minh kẻ kia là bóng tối thì mình thành ánh sáng.
Suy cho cùng, đó cũng là một nỗi sợ hãi vô thức về giá trị bản thân. Bởi người tự tin và có lòng nhân thì sẽ phê phán hành động chứ không đánh giá con người, tìm giải pháp ở sự thay đổi hệ thống chứ không ngụy biện đổ lỗi cho bản năng hay tính cách chủng tộc.
* Phần hai của bài viết sẽ nói về hậu quả của kỳ thị với người thiểu số, bao gồm cả người Việt sống ở nước ngoài.