Connect with us

Sách hay

Nụ hôn dưới vòm cây

Được phát hành

,

“Nụ hôn dưới vòm cây” là tác phẩm văn học với câu chuyện như cầu nối giữa hiện tại và quá khứ oai hùng. Đó là ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện trẻ trung, hiện đại.

Hải Đường nhìn cô gái ướt mưa mà ái ngại, thầm hy vọng không có chuyện gì gấp, chỉ là trời mưa quá, cô tình cờ đi ngang tòa soạn thấy cổng còn mở thì ghé đụt mưa, sẵn hỏi thăm vài chuyện.

Mưa cứ lằng nhằng rả rích như hờn dỗi ai. Thường ở tòa soạn giờ này chỉ còn ông bảo vệ ngồi trong “chuồng cu”, mắt hờ hững ngó ra cổng. Hải Đường là người cuối cùng còn ở lại phòng phóng viên. Vừa viết xong một bài cho kịp số báo tới, anh vươn vai, định bụng đội mưa đi kiếm chút gì ăn thì chuông điện thoại nội bộ réo lên.

Chuông điện thoại bao giờ cũng khiến anh hồi hộp, nhất là những lúc xung quanh chẳng còn ai. Mẹ anh có việc phải về quê ít bữa, đêm hôm kia, Hải Đường một mình đưa ngoại vô bệnh viện. Bà cụ khi không sốt cao, mê man. Anh gọi một chiếc taxi đưa bà đi rồi ngồi đợi trước cửa phòng hồi sức suốt ba tiếng đồng hồ. Chị y tá thấy tội nghiệp, bèn nói:

Advertisement

– Anh về đi, sáng hẵng tới, bà cụ bệnh già ấy mà. Để số điện thoại lại đây, có gì tôi sẽ gọi.

Hải Đường về nhà, lên giường nằm đàng hoàng mà lại không ngủ được, tim anh cứ thắc thỏm chờ một cú điện thoại, dù không muốn chút nào.

Anh nhấc ống nghe lên. Ông bảo vệ cho biết có một bạn đọc đang chờ gặp phóng viên dưới phòng khách. Ai vậy? Trời mưa thế này…

Keu cuu anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Đó là một cô gái trẻ măng, đầu tóc ướt rượt, cô vừa bước xuống từ một chiếc xe buýt rồi lấy hai tay che đầu đi tới đây. Hải Đường nhìn cô gái ướt mưa mà ái ngại, thầm hy vọng không có chuyện gì gấp, chỉ là trời mưa quá, cô tình cờ đi ngang tòa soạn thấy cổng còn mở thì ghé đụt mưa, sẵn hỏi thăm vài chuyện. Nhiều độc giả vẫn hay vậy.

Cô gái tròn người, da mặt căng láng, đôi chân mày rậm dày, mắt to đen mà thật buồn. Có lẽ cũng vì cô mặc chiếc áo thun đen in họa tiết ngoằn ngoèo rối rắm. Hải Đường mới nhìn chiếc áo đã có cảm giác bất an. Cô rụt rè ngồi xuống ghế:

Advertisement

– Anh là…?

– Tôi là phóng viên Hải Đường.

– Em muốn gặp người giải đáp mục “Tâm tình tuổi teen”.

Đó là chuyên mục thu hút nhất trên báo Teen, tuần nào cũng nhận được vài trăm thư điện tử của độc giả học trò. Đa phần là các vướng mắc về tình cảm mới lớn cần được chia sẻ, tâm tình. Có hai người thay nhau giải đáp chuyên mục, trong đó có anh. Hải Đường niềm nở:

– Em gặp đúng người rồi, có chuyện gì nói anh nghe.

Advertisement

Cô gái vẫn căng thẳng, hai bàn tay đan vào nhau, giọng như không còn chút hơi nào:

– Anh có thể cứu một người sắp chết không? – Sao? – Người đó là con gái, bạn thân của em. Đến lượt Hải Đường căng thẳng:

– Sao không đưa bạn em đi cấp cứu, có phải hơn không?

Cô khẽ lắc đầu, buông một câu nhẹ hều mà anh nghe như tiếng sét:

– Ngọc muốn tự tử anh à!

Advertisement

– Sao vậy? Ngọc là bạn em, chắc còn trẻ mà?

– Học cùng lớp với em. Tụi em vừa biết điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hôm qua.

– À… – Hải Đường thốt lên, cảm thấy vấn đề chưa đến nỗi căng.

Hôm qua là ngày vui buồn của hàng trăm ngàn sĩ tử trước ngưỡng cửa đại học. Người điểm cao thì hò hét, vui mừng, lên mạng khoe tưng bừng. Điểm thấp thì tiu nghỉu, âm thầm tính toán xem mình còn hy vọng vô được trường tốp dưới nào không.

Cũng có không ít bạn đi thi như đi chơi, miễn tốt nghiệp là được, cầm giấy thông hành ùa vào đời kiếm việc gì đó làm. Năm nào cũng vậy, đến mùa này là tuổi 18 xáo trộn tâm lý. Vài tháng nữa, sang tuổi 19, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Ai rồi cũng tìm thấy con đường của mình.

Advertisement

Hải Đường chia sẻ điều này, cô gái vẫn không bớt lo âu:

– Ngọc bạn em không tốt nghiệp nổi luôn. Nó bị điểm liệt môn Văn. Một học sinh từng đại diện trường thi học sinh giỏi quốc gia mà không đậu tốt nghiệp, anh thấy sao?

– Thấy buồn. Nhưng không đến mức phải tự tử.

– Anh biết Ngọc là con ai không?

Cô gái nhắc tên một vị giáo sư bác sĩ nổi tiếng. Người này thì Hải Đường không lạ, ông từng có những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ trên truyền hình. Mẹ Ngọc là giám đốc một công ty dược, gia đình trí thức khá giả. Với lai lịch như vậy con họ học giỏi tầm quốc gia thì đúng kịch bản. Nhưng cuộc sống mà, đâu phải lúc nào kịch bản cũng suôn sẻ. Trục trặc một chút mà đòi tự tử thì nông nổi quá.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/nu-hon-duoi-vom-cay-nu-sinh-cau-cuu-toa-soan-vi-ban-than-muon-tu-tu-post1508555.html

Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

You must be logged in to post a comment Login

Leave a Reply

Sách hay

Năm cuốn sách hay nhất về bầu cử trước giờ G của nước Mỹ

Được phát hành

,

Bởi

Theo The Atlantic, có năm cuốn sách có thể mang đến cho độc giả một góc nhìn rõ ràng hơn trước ngày tổng tuyển cử Mỹ 5/11.

bau cu My anh 1

The Earl of Louisiana (tạm dịch: Ngài Earl của bang Louisiana ) của A. J. Liebling. Biên niên sử của Liebling về chiến dịch tranh cử thống đốc năm 1959 của Earl Long là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học theo phong cách báo chí. Trong thế giới chính trị phức tạp của Louisiana vào giữa thế kỷ 20, cuốn sách tập trung vào nhân vật Long trẻ tuổi, người có ba nhiệm kỳ đứng đầu Bayou State. Ngoài những tình tiết chính trị, cuốn sách ghi lại khoảnh khắc nước Mỹ chuyển mình theo sự trỗi dậy của truyền hình – điều nhắc độc giả về giá trị lịch sử trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ.

bau cu My anh 2

Fear and Loathing on the Campaign Trail ’72 (tạm dịch: Yếu tố phản văn hóa trong chiến dịch tranh cử năm 1972) của Hunter S. Thompson. Câu chuyện của Thompson về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1972 là tác phẩm mở đường tốt cho những độc giả trẻ muốn hiểu chính trị. Miêu tả cách chiến dịch tranh cử của George McGovern tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ được điều hành tốt ra sao vừa mang tính hướng dẫn cho các chuyên gia, trong khi vẫn dễ hiểu đối với độc giả phổ thông. Trong bối cảnh cảm xúc đang là một yếu tố dẫn dắt lá phiếu, Thompson đã làm tốt hơn bất kỳ ai trong việc đưa tin về cảm xúc của thời điểm đó.

bau cu My anh 3

SDP: The Birth, Life and Death of the Social Democratic Party (tạm dịch: SDP: Vòng đời của Đảng Dân chủ Xã hội Anh) của Ivor Crewe và Anthony King. Người Mỹ thường phàn nàn về hệ thống hai đảng của họ và tự hỏi tại sao vẫn chưa có đảng thứ ba nào xuất hiện có thể thu hút được nhiều cử tri. Tuy nhiên, duy trì được sự ủng hộ rộng rãi khó hơn những gì họ nghĩ và Ivor Crewe và Anthony King đã thể hiện điều đó khi viết về lịch sử của Đảng Dân chủ Xã hội tại Vương quốc Anh (SDP). SDP được thành lập vào năm 1981 sau khi tách khỏi đảng Lao động. Trong khi mục tiêu của SDP dường như là thay đổi khuôn mẫu của nền chính trị Anh thì sức bật của họ nhanh chóng bị dập tắt do xung đột nội bộ và các sự kiện bên ngoài.

bau cu My anh 4

This Will Not Pass: Trump, Biden, and the Battle for America’s Future (tạm dịch: Sóng gió chưa dừng lại: Trump, Biden và cuộc chiến vì tương lai của nước Mỹ) của Jonathan Martin và Alex Burns. Ngay trước thềm bầu cử Mỹ năm 2024, tác phẩm của Martin và Burns mang lại lời giải thích rõ ràng về sự kết thúc đầy biến động của chính quyền Trump và sự khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden, cũng như khả năng đắc cử của ông Trump năm 2020. Cuốn sách ghi lại một loạt thỏa hiệp và tính toán trong nội bộ đảng Cộng hòa, đồng thời cũng đi sâu vào đảng Dân chủ, phân tích sự trỗi dậy của Kamala Harris với tư cách là ứng cử viên phó tổng thống của Joe Biden.

bau cu My anh 5

On Politics (tạm dịch: Về các vấn đề chính trị) của H. L. Mencken. Mencken không chỉ là một nhà viết hồi ký và học giả tài năng về tiếng Anh Mỹ mà còn là một trong những nhà văn chính trị lỗi lạc. Với bộ sưu tập các bài viết đề cập đến những hành động chính trị giả hiệu trong những năm 1920, trong đó có cuộc bầu cử năm 1924 của Calvin Coolidge (người mà Mencken đã viết: “Thật khó để tưởng tượng ra một người đàn ông nào mờ nhạt và tầm thường hơn”) không nên bị lãng quên. Ngày nay, tác phẩm của ông được coi là hình mẫu của thể loại châm biếm đương đại.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/nam-cuon-sach-hay-nhat-ve-bau-cu-truoc-gio-g-cua-nuoc-my-post1508634.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Hai đế chế kinh tế gốc Do Thái ở Thượng Hải

Được phát hành

,

Bởi

Sách “Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải” kể về những đế chế kinh tế ganh đua nhau cùng phát triển hưng thịnh ở Thượng Hải và Hong Kong, Trung Quốc trong nửa đầu thế kỉ XX.

Trum tu ban anh 1

Tác giả Jonathan Kaufman đã lần theo lịch sử và kể lại sự phát triển của Trung Quốc qua câu chuyện của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie. Họ được coi là những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải.

Jonathan Kaufman là phóng viên từng đạt giải Pulitzer. Ông từng theo dõi và viết rất nhiều bài báo, phóng sự về Trung Quốc trong 30 năm cho các tờ The Boston Globe, The Wall Street Journal và Bloomberg News… Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về người Do Thái.

Với đặc quyền riêng, trong đó có việc được tiếp cận nhiều tư liệu quý giá chưa từng được công bố như kho tư liệu và nhật ký đồ sộ của hai gia tộc Sassoon và Kadorie, Kaufman đã viết nên cuốn sách đậm chất sử thi, đầy li kỳ, lôi cuốn và hấp dẫn này.

Trum tu ban anh 2

Sách Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải.

Gia tộc Sassoon

Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải bắt đầu bằng câu chuyện về David Sassoon, tộc trưởng của triều đại Sassoon, đã chạy trốn khỏi Baghdad (Đế quốc Ottoman) đến Bombay vào giữa thế kỷ XIX. Tại đây, ông cùng tám người con trai của mình đã kiếm được một khoản tiền kếch xù nhờ buôn bán thuốc phiện và xây dựng một đế chế kinh doanh mở rộng từ Bombay đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thượng Hải, Trung Quốc.

Advertisement

Song song quá trình kinh doanh, nhà Sassoon cũng thành lập các trường học, khu đô thị của gia tộc để giúp đỡ, đồng thời thu hút những người Do Thái tị nạn từ khắp Đế quốc Ottoman và biến họ thành nhân viên.

Trum tu ban anh 3

Em đổi chú thích này giúp anh: Victor Sassoon (giữa) với Greer Garson (trái) và Laurence Olivier (phải). Nguồn: sheldonkirshner.

Vào những năm 1920, Victor Sassoon, chắt trai của David Sassoon đã đưa ra quyết định định mệnh là chuyển công việc kinh doanh của gia đình từ Ấn Độ đến Thượng Hải. Ông đã mua địa điểm nổi bật nhất trên Bến Thượng Hải và cho xây dựng một trụ sở mới cho doanh nghiệp gia đình gọi là Nhà Sassoon – cao hơn 50 feet (tương đương 15 m) so với tòa nhà cao nhất thành phố vào thời điểm đó. Tại đây, ông đã thành lập một khách sạn tráng lệ mang tên Cathay (tên gọi được Marco Polo sử dụng để gọi tên Trung Quốc).

Không chỉ là một ông trùm kinh doanh thuần túy, Victor còn tài trợ cho chính phủ chống lại người Nhật và cứu hàng nghìn người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã. Tuy nhiên “Victor luôn đưa ra những quyết định sai lầm, không đúng lúc và đúng chỗ”. Năm 1949, cách mạng nổ ra, Victor Sasson đã buộc phải rời bỏ Trung Quốc và phần lớn tài sản của ông bị tịch thu.

Gia tộc Kadoorie

Đế chế kinh doanh cạnh tranh với gia tộc Sassoon ở Thượng Hải là gia tộc Kadoorie. Người khởi đầu cho đế chế này là Elly Kadoorie. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là học trò và người làm thuê của gia tộc Sassoon, nhưng sau đó đã nhanh chóng lên đường tìm vận may cho riêng mình.

Elly đã xây dựng liên minh với các nhà cách mạng Trung Quốc như Tôn Trung Sơn, đồng thời tích lũy được một khối tài sản giúp ông trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất Châu Á.

Advertisement
Trum tu ban anh 4

Gia đình Kadoorie, từ trái sang phải: Horace Kadoorie, Elly Kadoorie và Lawrence Kadoorie. Nguồn: thatsmags.

Con trai cả của Elly là Lawrence từng ước mơ trở thành một luật sư nhưng đã bị cha ép tham gia vào công việc của gia tộc. Ông đã tiếp tục ở lại Trung Quốc sau cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc (năm 1949). Ông đã xây dựng lại cơ ngơi của gia tộc ở Hong Kong và được người Trung Quốc ủng hộ khi đất nước này bắt đầu phát triển (vào thập niên 1970).

Tính tới những năm 1930, gia tộc Sassoon đã kinh doanh ở Trung Quốc cả một thế kỉ, và chỉ có gia tộc Kadoorie mới đủ sức ganh đua với họ về sự giàu có. Sự ganh đua có phần khốc liệt này đã châm ngòi cho sự bùng nổ về kinh tế khi Trung Quốc vươn mình từ xã hội phong kiến thành một xã hội công nghiệp hiện đại.

Dù luôn cạnh tranh nhau, nhưng Sassoon và Kadoorie cũng hợp lực trong việc hỗ trợ người tị nạn Do Thái ở Thượng Hải trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, mỗi gia tộc lại đưa ra những lựa chọn khác nhau đối với chính phủ, dẫn đến những kết cục khác nhau.

Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải cung cấp một góc nhìn mới lạ về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà cụ thể là của thành phố Thượng Hải và Hong Kong, Trung Quốc, cũng như cho thấy những phương thức kinh doanh của hai gia tộc Do Thái vẫn còn mang tính thực tiễn cao cho tới tận ngày nay.

Cuốn sách mang tới cho bạn đọc thêm những góc nhìn đa dạng về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, về câu chuyện lập nghiệp và kinh doanh và về những đóng góp của người Do Thái, dân tộc được cho là thông minh nhất thế giới, đối với sự phát triển chung của nơi họ đặt chân đến.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/hai-de-che-kinh-te-goc-do-thai-o-thuong-hai-post1508404.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Ai còn giữ cho mình một nhà ảo thuật tuổi thơ?

Được phát hành

,

Bởi

“Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Đài Loan Ngô Minh Ích, với bút pháp quan sát quá khứ qua lăng kính hiện thực kỳ ảo gợi nhiều lưu luyến, suy ngẫm.

Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành gồm mười truyện ngắn lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào thập niên 1970 – thời kỳ chuyển mình của Đài Loan, Trung Quốc. Khu chợ này gồm tám tòa nhà, lần lượt mang tên Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hòa, Bình, tạo thành một thế giới nhỏ đại diện cho một thế hệ tuy cuộc sống còn nghèo khó nhưng lại đầy ắp tình người.

Trong thế giới đó, lũ trẻ đã lớn lên, đi học, đi chơi cùng nhau, đặc biệt là ngoài giờ đến lớp, hầu hết đều phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Ấy là những cô cậu bé thuộc gia đình chủ hiệu kính, hiệu âu phục hay hàng sủi cảo, tiệm chìa khóa, tiệm bán giày, tiệm kim khí hay con gái thầy bói… với những nét tính cách điển hình của trẻ con song cũng lấp lánh cá tính và nhất là, tình yêu thương, sự dịu dàng, bao dung rất đỗi ngây thơ chưa bị bào mòn bởi va chạm cuộc đời.

nha ao thuat anh 1

Hình ảnh trong phim truyền hình chuyển thể từ tập truyện Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Ảnh: Đoàn làm phim.

Ký ức tập thể về một tuổi thơ trong quá vãng

Mười truyện kể từ điểm nhìn của các nhân vật khác nhau, khi thì là lời tự thuật của những “tôi” lần lượt thay đổi, khi lại là dòng thư tâm tình gửi cho một người bạn. Tên truyện ngắn đầu tiên được đặt cho cả tuyển tập, giới thiệu nhân vật nhà ảo thuật qua con mắt của một cậu bé bán giày. Nhà ảo thuật với đôi mắt có thể cùng lúc nhìn về hai hướng khác nhau và đôi chân mang ghệt lính dù được miêu tả ở đây sẽ xuất hiện lặp lại xuyên suốt cả tuyển tập, là mạch kết nối những câu chuyện tưởng chừng rời rạc lại với nhau.

Advertisement

Trong số đó, cậu bé bán giày là người quan sát nhà ảo thuật nhiều nhất. Suốt mùa hè trên cầu bộ hành nối giữa tòa Ái và Tín, cậu mê mẩn những trò ảo thuật, đến mức dốc toàn bộ số tiền dành dụm được, cả phần “thó” thêm từ mẹ để tậu cho mình những đạo cụ đắt đỏ. Đến lúc ngâm nước, phơi khô tờ giấy trắng hướng dẫn sử dụng và cảm giác “nắm được điều huyền bí của ảo thuật” thì cậu bé mới biết hóa ra chỉ giống như “mười một tuổi thầm thích bạn học cùng lớp ngỡ mình đã tỏ tường tình yêu”, vỡ lẽ rằng “chẳng có phép thuật nào”.

Khép lại truyện ngắn đầu tiên này, Ngô Minh Ích đã kịp dẫn độc giả vào thế giới tuổi thơ tươi sáng đầy màu sắc, dễ khiến ta ngộ nhận đây đích thực là một tập truyện thiếu nhi. Nhưng ở những truyện ngắn về sau, những gam màu tối hơn len lỏi vào: nỗi đau mất đi người thân yêu, chia xa con vật thương quý, mối tình dang dở tuổi thanh xuân…

Một số truyện được thuật lại trong bối cảnh người kể hội ngộ người bạn năm xưa, cùng ăn một bữa để ký ức tràn về, hay gặp lại mối tình đầu – cũng là mối tình thực sự duy nhất mà “tôi” vẫn ấp ủ trong lòng đến nhiều năm sau dù trái tim tưởng chừng chai sạn. Lại có cả khi, “tôi” cùng bạn đời của người bạn đã khuất ôn lại kỷ niệm họ cùng có về một con người – dù ở những thời đoạn khác nhau.

Rất nhiều cô, cậu bé năm xưa về sau này đã trở thành những thanh niên cô độc, hoài nhớ về những năm tháng tuổi thơ sinh động, ngọt ngào giữa cuộc sống mưu sinh vất vả và tẻ nhạt của hiện tại. Họ giống những người “di dân tại chỗ” – lạc lõng và xa lạ trên chính mảnh đất quê hương nơi mình đã sinh ra và trưởng thành.

Càng về sau, “phép màu” của nhà ảo thuật dường như ngày một phai nhạt, thậm chí đến truyện thứ tám, người kể quên mất ông, mãi đến cuối mới nhớ ra. Nhà ảo thuật đã đi đâu mất rồi?

Advertisement

Sang đến truyện thứ chín, nhà ảo thuật tái xuất, có một câu thoại như lời giải thích cho mọi phép màu trên cuộc đời: “Ánh sáng có màu sắc, chỉ là bình thường chúng ta không nhìn ra được, nhưng thông qua một số thứ, hoặc vào những lúc đặc biệt, màu sắc của ánh sáng sẽ xuất hiện. Chúng ta chỉ coi khoảnh khắc xuất hiện ấy là thật, nhưng màu sắc vốn dĩ ẩn náu bên trong ánh sáng trong suốt. Dù là một chuyện đơn giản vậy thôi, con người cũng phải tốn rất nhiều thời gian mới xác định được đấy”.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là một nghệ sĩ chế tạo mô hình thu nhỏ (miniature). Anh qua đời khi dự án tái hiện khu phố Trung Hoa của mình vẫn còn dang dở. Tuy vậy, bốn tòa nhà mà anh đã tỉ mẩm làm hàng năm trời đến từng chi tiết nhỏ nhất như bát mì trong hàng quán, đã khiến người bạn ấu thơ không khỏi xúc động khi nhìn vào. Phải chăng giờ đây, những đứa trẻ năm ấy đã đủ trưởng thành để tạo ra phép thuật từ chính sức sáng tạo của mình?

Ở truyện cuối cùng, Ngô Minh Ích đặt mình vào vai nhân vật tôi, khẳng định sự tồn tại của nhà ảo thuật chính là “sự tồn tại của cây cầu bộ hành trên phương diện ý thức nào đó”. Nhưng nhân vật “tôi” này, khi bắt gặp một nhà ảo thuật có chú hắc nhân tí hon ở một chốn xa xứ và có thể dùng tiền để mua lấy bí ẩn đằng sau đó, đã chọn thôi không biết nữa.

Là vì nhà ảo thuật đó thì không thể là nhà ảo thuật trong ký ức tuổi thơ năm xưa? Là vì anh muốn giữ mãi cho mình phép màu kỳ diệu ấy? Hay là vì chuyện ấy đã chẳng còn quan trọng với một người trưởng thành nữa rồi?

Rốt cuộc thì nhà ảo thuật thật đến mức nào? Hay như nhân vật trong truyện thứ tư thì “thứ chúng ta có thể chạm vào một cách rõ rệt chỉ là ảo giác… những ký ức được chúng ta ghi chép lại, rồi bốc cháy mới là chân thực”? Dựng lên một thế giới của ký ức sinh động và xúc chạm đến vậy, để rồi chính tác giả lại nói rằng “Câu chuyện không hẳn hoàn toàn là ký ức, ký ức tương đối giống một món đồ dễ vỡ hoặc một thứ nên được quyến luyến, nhưng câu chuyện thì không” ở những trang cuối cùng.

Advertisement
nha ao thuat anh 2

Hai tác phẩm của Ngô Minh Ích đã xuất bản tại Việt Nam: Chiếc xe đạp mất cắpNhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Ảnh: T.A.

Tiếng nói tiêu biểu của văn học Đài Loan

Văn học Đài Loan đương đại là một dòng chảy đặc biệt trên văn đàn châu Á, phản ánh rõ nét các chuyển động văn hóa, chính trị và xã hội của hòn đảo này. Tuy xuất hiện khá muộn màng, nhưng văn học Đài Loan ngay từ lúc bắt đầu đã nổi lên với nhiều chủ đề đa dạng, từ cuộc đấu tranh bản sắc đến những tác động của hiện đại hóa và môi trường tự nhiên, tạo nên tiếng nói độc lập và đầy bản sắc.

Ngô Minh Ích (Wu Ming-Yi) được xem là nhà văn xuất sắc trong thế hệ của anh. Anh là một nghệ sĩ đa tài với vai trò nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà sưu tập bướm, nhà hoạt động môi trường và hiện là giáo sư khoa Văn học Hoa ngữ tại Đại học Quốc lập Đông Hoa, Đài Loan.

Ngô Minh Ích sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển, anh nổi tiếng nhờ lối viết giàu chất thơ mà cũng đầy ám ảnh. Các tác phẩm của anh không chỉ đề cao giá trị môi trường, mà còn đưa người đọc về lại những vùng ký ức tập thể của Đài Loan – một Đài Loan thân thuộc nhưng cũng đầy bí ẩn và hoài niệm.

Lấy bối cảnh trưởng thành trong những khu phố cổ Đài Bắc, nơi ngập tràn văn hóa và truyền thống dân gian, Ngô Minh Ích đã nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và con người qua những trang viết, biến những điều bình dị nhất trở thành phép màu trong thế giới văn chương.

Với phong cách văn chương độc đáo kết hợp giữa hiện thực và kỳ ảo, Ngô Minh Ích đã đưa những tác phẩm của mình vượt khỏi biên giới Đài Loan. Anh là nhà văn Đài Loan đầu tiên lọt vào vòng sơ khảo giải Booker quốc tế năm 2018 với tác phẩm Chiếc xe đạp mất cắp, đánh dấu một bước tiến lớn cho văn học Đài Loan trên trường quốc tế, trở thành biểu tượng văn chương của xứ Đài trong thời kỳ mới.

Advertisement

Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành là một minh chứng rõ nét cho phong cách của Ngô Minh Ích. Cuốn sách phản ánh những suy tư và khám phá của anh về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời giữa nhịp sống đô thị. Năm 2021, Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập do đạo diễn Dương Nhã Triết thực hiện.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/ai-con-giu-cho-minh-mot-nha-ao-thuat-tuoi-tho-post1508562.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng