Người hay viện cớ không tập trung vào công việc; họ tập trung vào việc phàn nàn về công việc. Họ phàn nàn về công ty, về bộ phận quản lý, và cả về đồng nghiệp nữa. Kết quả là họ kém hơn người khác và không thấy được những cơ hội nghề nghiệp lớn hơn.
Năng lượng của họ bị đặt nhầm chỗ vào việc hạ thấp người khác, chứ không phải để tôn mọi người lên. Thăng tiến trong công việc không đến với họ, và họ bị kẹt trong một công việc ngày làm tám tiếng để giúp trả các hóa đơn sinh hoạt.
Người dám đổi mới thì tập trung vào hệ số alpha chứ không phải beta. Họ không mù quáng đi theo con đường sự nghiệp đều đều của Người luôn chấp nhận, hay chạy theo hệ số beta như Người chạy theo thay đổi, những người muốn làm việc ở Phố Wall hoặc Thung lũng Silicon – không phải vì đó là đam mê của họ hay vì họ được sinh ra là để đầu tư hay xây dựng những công ty công nghệ lớn, mà bởi vì họ ngửi thấy hơi tiền.
Thay vào đó, Người dám đổi mới áp dụng ba nguyên tắc sau đây để tạo ra hệ số alpha, dù công việc của họ là gì đi chăng nữa:
1. Nghĩ lớn hơn một người thi trượt Đại học Harvard thông thường.
2. Nắm lấy cơ hội mà người khác đã bỏ lỡ ở quầy bán quần jean.
3. Sử dụng “thế mạnh” của mình để chinh phục những tòa nhà chọc trời.
Làm thế nào để bạn có được hệ số alpha trong công việc? Hãy tuân theo ba nguyên tắc này.
Nghĩ lớn hơn một người thi trượt Đại học Harvard thông thường
Jack Ma từng là một giáo viên đã theo học tại “trường đại học tệ nhất thành phố quê tôi”, theo lời của chính ông. Khi ông đi xin việc, không ai chịu thuê ông cả. Khi KFC mới tới thành phố quê hương ông, 24 người đã nộp đơn xin việc, và 23 người được nhận. Ma là người duy nhất bị từ chối. Cảnh sát tuyển dụng bốn người trong thành phố. Ông là người duy nhất bị từ chối. Ông thi trượt đại học ba lần. Và hồ sơ xin học vào Đại học Harvard của ông bị từ chối tới mười lần.
Tỷ phú Jack Ma gắn liền với thương hiệu Alibaba. |
Bạn có biết liệu một Người hay viện cớ sẽ phản ứng thế nào khi nhận được hàng loạt lời từ chối như vậy? Phẫn uất. Mất tự tin. Thất vọng.
Nhưng Ma biết cách nắm lấy cơ hội. Năm 1972, Richard Nixon tới thăm quê hương của Ma, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, và từ đó, nơi đây trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Khi còn ở tuổi thiếu niên, Ma đã muốn học tiếng Anh, nhưng không thể dễ dàng tiếp cận được sách báo tiếng Anh. Thế nên trong chín năm liền, ông đạp xe tới một khách sạn trong thành phố, Khách sạn Hàng Châu, để gặp khách du lịch, luyện tập tiếng Anh và hướng dẫn miễn phí cho du khách. Dù trước đó ông chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc, Ma cho biết việc đó đã mở mang đầu óc ông để ông thấy được một thế giới đầy những cơ hội.
Năm 1995, nhờ khả năng sử dụng tiếng Anh, ông được làm phiên dịch cho một phái đoàn thương mại viếng thăm Seattle. Ở đó, ông lần đầu biết tới Internet. Bạn của ông bảo ông có thể gõ vào máy tính bất cứ điều gì ông muốn. Dù ban đầu rất lo lắng về việc chạm vào máy tính, vì ông sợ sẽ làm hỏng máy và không có tiền đền, ông đã gõ từ “beer” vào công cụ tìm kiếm thông tin của Yahoo. Kết quả ông có được có bia của Đức, của Mỹ và của Nhật nhưng không có thông tin gì về bia ở Trung Quốc. Sau đó ông thêm từ “Trung Quốc” vào bên cạnh chữ “bia” nhưng vẫn không thu được kết quả. Khi thêm vào những từ khóa khác, họ cũng vẫn không tìm được mấy thông tin về Trung Quốc.
Để lấp đầy khoảng trống thị trường rõ rành rành này, Ma đã lập ra một trang web có tên là China Pages, một danh mục các công ty Trung Quốc có nhu cầu muốn kết nối với khách hàng nước ngoài. Vào thời điểm này, dù không biết nhiều về máy tính, mạng Internet hay thư điện tử, Ma vẫn tạo ra được cơ hội và nắm lấy nó.
Không may, China Pages đã thất bại. Sau khi rời khỏi China Pages, Ma nhận được mời tới làm việc ở Bắc Kinh để giúp chính phủ phát triển ngành thương mại điện tử. Sau khi học được thêm nhiều điều về thương mại điện tử, Ma đã thấy được một cơ hội khác để bắt đầu công ty thương mại điện tử của riêng ông.
Dù không có tiền, chưa có kế hoạch kinh doanh hay công nghệ, Ma đã tập hợp một đội ngũ gồm 17 người tại căn hộ nhỏ của ông để chia sẻ tầm nhìn về việc tạo ra một doanh nghiệp mới, Alibaba. Ngày nay, Alibaba là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, và Ma là một tỷ phú nổi tiếng.
“Nghĩ lớn hơn” có nghĩa là nghĩ xa hơn hoàn cảnh hiện tại của bạn, tới những vị trí bạn muốn đạt tới và những gì bạn muốn xây dựng.
You must be logged in to post a comment Login