Connect with us

Sách hay

Nhà văn Hồ Phương – Cỏ đã về trời vẫn xanh non

Được phát hành

,

Chúng tôi cứ tưởng Tết Giáp Thìn năm nay sẽ lại được tới chúc Tết “lão nhà văn cỏ non” chúc ông đại thọ. Nhưng ông đã ra đi, thanh thản như cỏ non bát ngát chân trời…

Thiếu tướng Hồ Phương, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội vào tối 2/1/2024, hưởng thọ 94 tuổi. Thông tin chúng tôi nhận được khiến ai nấy đều quá đỗi bâng khuâng, dù tuổi thọ của lão nhà văn đã từ lâu vào hàng xưa nay hiếm.

Những mất mát khi chứng kiến mỗi người thân yêu, mỗi nhà văn từng để lại trong ký ức thế hệ hậu sinh tạp chí Văn nghệ Quân đội những ấn tượng sâu đậm trở về với thế giới người hiền thật vô cùng khó tả.

Nha van Ho Phuong anh 1

Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương. Ông sinh năm 1930 tại thị xã Hà Đông và là một trong những Chính trị viên xuất sắc trực tiếp chiến đấu và phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308 trong chống Pháp. Đại đoàn 308 lừng danh hôm nay, cán bộ chiến sĩ, nhất là cánh Chính trị viên đại đội luôn thần tượng Hồ Phương.

Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa. Song một tác phẩm khác của ông cũng rất đáng kể, đó là Thư nhà viết năm 1948 khi chàng lính Hồ Phương mới 18 tuổi. Hồ Phương sau chiến dịch Điện Biên Phủ được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ viết văn và tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông ở một mạch từ đó tới lúc nghỉ hưu năm 1993, gần 40 năm cũng là người có thời gian công tác lâu nhất ở cơ quan và là vị tướng thọ nhất.

Các tác phẩm tiêu biểu của Hồ Phương phải kể đến: Những tiếng súng đầu tiên (1955); Cỏ non (1960); Xóm mới (1963); Chúng tôi ở Cồn Cỏ (1966); Can Lịch (1967); Khi có một mặt trời (1972); Biển gọi (1980); Bình minh (1981); Mặt trời ấm sáng (1985); Cánh đồng phía Tây (1994); Yêu tinh (2001); Những cánh rừng lá đỏ (2005) và đặc biệt là tiểu thuyết Cha và con viết về Bác Hồ.

Thiếu tướng Hồ Phương luôn để lại tiếng cười không chỉ trong câu văn mà còn cả trong đời sống. Hôm chúng tôi tới thăm ông đầu năm 2021, ông vẫn cười vui dù nhớ nhớ quên quên. Ông nhắc những nhà văn trẻ của Văn nghệ Quân đội phải chăm viết về bộ đội và hỏi “bộ đội có còn đi chăn bò như thời anh Nhẫn không?”, thế là tất cả cùng cười.

Hồ Phương là thế, lúc nào cũng tuế tóa mà lúc nào cũng nghiêm trọng vậy mà anh em rất hiểu tính nết ông nên ai cũng muốn gần gũi và kể ra mọi câu chuyện với ông. Cứ gần Tết Nguyên đán, khi liên hoan tổng kết cơ quan bao giờ các đời Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội đều cho mời thật đầy đủ các nhà văn lão thành sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có Hồ Phương. Riêng với Hồ Phương phải có xe đón trang trọng và ông cũng rất trang nghiêm kể cả trong bữa liên hoan. Ông quả là con người đặc biệt.

Những điều đặc biệt của nhà văn Hồ Phương thực ra cũng rất dễ thương. Ví như từ lúc ông về hưu (1993), không chỉ với Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà là bất cứ đơn vị nào mời ông đều phải cho xe đến đón. Ông không đi xe taxi hoặc các loại xe khác mà nhất thiết phải là xe cơ quan, đơn vị có lời mời. Ông đùa: Đã là tướng phải như vậy, không thể “lìu tìu” được. Tưởng khó như vậy song thực ra Hồ Phương rất dễ gần, dễ mời. Còn chuyện xe pháo thời nay nào có khó gì đâu!

Trong các sáng tác của Hồ Phương, tinh thần hi sinh luôn rực sáng. Ở ông, dường như những cái xấu xa khuất tất đều dễ bề bị ngòi bút vị tướng “tóm gọn” rồi cho biến mất gọn ghẽ. Bởi vậy, đã có chuyện khi bàn về văn chương Hồ Phương, có người đã cho rằng không phải đọc kĩ cũng thừa biết ông viết gì, kết thúc ra sao, chắc chắn tốt lành lương thiện sẽ thắng mưu mô độc ác.

Điều này chưa hẳn đúng. Thậm chí sự thực khác hơn nhiều. Nhất là khi tiểu thuyết Yêu tinh của ông đoạt giải thưởng của Bộ Công an. Ở đó đã hằn lên những góc cạnh gồ ghề, những góc tối góc khuất đời người được Hồ Phương cài cắm thể hiện điệu ghê lắm. Hồ Phương rất biết cách làm độc giả và bạn văn phải ngả mũ trước những trang văn sát sàn sạt, trụi trần đến chua cay nanh nọc.

Cùng với tài văn ấy, trong Cha và con viết về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại đằm thắm dung dị lạ thường. Hồ Phương như trổ hết tài ba nhung tuyết của mình cho tác phẩm.

Ở độ tuổi tám, chín mươi mà ông vẫn có những câu chữ xanh non. Cái xanh non của Hồ Phương đã không còn rõ ràng mật ngọt như thời Cỏ non mà thăm thẳm vời vợi nỗi niềm của một người đã đi qua biết bao khổ đau cơ cực. Văn Hồ Phương chín tự nhiên như tằm đủ dâu đều lứa. Và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đến với ông cũng là một lẽ tất nhiên.

Văn chương đã như vậy mà cuộc đời Hồ Phương cũng xanh non lắm. Ông tự biết tổ chức cuộc đời mình ngay từ khi còn làm báo Quân Tiên phong ở Đại đoàn 308 lừng danh. Sớm về Tổng cục Chính trị, gây dựng và dần bước lên vị trí lãnh đạo một cơ quan toàn những lừng danh tên tuổi. Nào Nguyễn Khải viết văn như gió. Nào Xuân Sách lim dim tướng số mà công lực chân dung khiếp vía. Nào Nhị Ca lịch lãm uyên thâm. Nào Vũ Tú Nam sắc sảo cái gì cũng biết. Nào Nguyễn Minh Châu rủ rỉ rù rì nhưng là nước ở trong mây, kim giấu trong bông. Đến lứa đàn em như: Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Duy Khán, Trần Đăng Khoa… từ văn chương đến kế sách đều gớm cả. Vậy mà ông anh Hồ Phương cứ giữ vững nguyên tắc thủ trưởng mà chuyện đều sau trước yên hàn. Đó cũng là cái tài quản lý của Hồ Phương.

Văn chương thật lạ, đúng như vạn vật sinh ra đều tất có chỗ dùng. Văn chương ôm trùm phận người mà phận người cũng ôm trùm văn chương là thế. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, kể từ lúc viết Cỏ non năm 19 tuổi, nay đã hơn chín chục xuân xanh chắc chắn chả còn lạ lẫm điều gì nên mới thường hay nhớ nhớ, quên quên.

Vậy mà chúng tôi cứ tưởng như Tết Giáp Thìn năm nay sẽ lại được tới chúc Tết “lão nhà văn cỏ non” chúc ông đại thọ. Nhưng ông đã ra đi, thanh thản như cỏ non bát ngát chân trời mà sâu nặng nghĩa tình thắm từng trang văn dằng dặc. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã trở về với thế giới của người hiền cũng là lẽ tự nhiên dù ai cũng bâng khuâng tiếc nuối. Xin coi bài viết nhỏ này như một nén hương thơm tưởng nhớ tới ông.

Nguồn: https://znews.vn/nha-van-ho-phuong-co-da-ve-troi-van-xanh-non-post1453330.html

Tiếp tục đọc
Nhấn vào đây để bình luận

You must be logged in to post a comment Login

Leave a Reply

Sách hay

Nghĩ lớn để thành công

Được phát hành

,

Bởi

Sách tiết lộ bí quyết, tư tưởng dám nghĩ lớn để thành công của Donald Trump, đồng thời truyền tải một phong cách sống, làm việc quyết liệt, kiên định, luôn hướng về phía trước của ông.

Trong sách “Nghĩ lớn để thành công”, Donald Trump tiết lộ ông không chỉ thừa hưởng trí tuệ mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ người cha gốc Đức của mình.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không?

Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục.

Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người.

Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng “chân lý” này trong mọi việc mình làm.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét.

Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Nguồn: https://znews.vn/bi-mat-thanh-cong-cua-trump-tri-tue-vuot-troi-tu-gia-toc-duc-post1510769.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Kinh tế học tốt và kinh tế học tồi trong một thế giới bất ổn

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” của hai nhà kinh tế từng đoạt Nobel đưa ra các ý tưởng và giải pháp để xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Sau Hiểu nghèo thoát nghèo, bộ đôi nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng chiến thắng Nobel năm 2019 tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách bàn về kinh tế cho những người làm chính sách cũng như người bình thường mơ về một thế giới tốt đẹp và lành mạnh.

Cuốn sách Kinh tế học thời khó nhọc đưa ra giải pháp thuyết phục dựa trên chủ nghĩa can thiệp thông minh và một xã hội lấy lòng trắc ẩn và tôn trọng lẫn nhau làm cốt lõi khi thế giới đang được vận hành trên sự bất ổn.

Sach kinh te anh 1
Cuốn sách Kinh tế học thời khóc nhọc. Ảnh: NXB Trẻ.

Kinh tế học tồi bóp méo tranh luận công khai

Kinh tế học thời khó nhọc gồm 9 chương chính, đưa ra cách nền kinh tế đang vận hành như thế nào trước những vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nhập cư và nạn phân biệt đối xử, quá trình toàn cầu hóa và sự sụp đổ của công nghệ, tốc độ tăng trưởng chậm và biến đổi thời tiết…

Một trong những tranh luận nổi bật nhất của nước Mỹ nói riêng cũng như các nước phát triển nói chung là vấn đề dòng người nhập cư. Phần lớn mọi người cho rằng dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào đất nước của họ sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân địa phương.

Cuốn sách đưa ra dẫn chứng về các cuộc di cư trong lịch sử chứng minh rằng dòng người đó không hề cướp mất việc làm của người bản xứ, thay vào đó giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội mà chính sách của quốc gia đó đang thực thi.

Qua đó, mọi người có thể thấy được việc nhập cư có vẻ có lợi cả với dân nhập cư lẫn dân địa phương. Nguyên nhân này bắt nguồn từ bản chất dị biệt của thị trường lao động và gần như không ăn khớp với câu chuyện cung cầu phổ thông.

Kinh tế học tồi tạo ra cơ sở cho việc tặng người giàu những món quà hào nhoáng, siết chặt các chương trình phúc lợi, đồng thời rao giảng ý tưởng nhà nước bất lực và tham nhũng, trong khi người nghèo thì lười biếng. Từ đó mở đường cho tình trạng bất bình đẳng và sự giận dữ khôn nguôi từ phần đông bộ phận người lao động nghèo.

Kinh tế học tốt trong thế giới bất ổn

Nhiệm vụ hàng đầu của Kinh tế học thời khó nhọc là làm thế nào để những hiểu biết sâu sắc này của hai nhà kinh tế học mang lại một thế giới nhân đạo hơn.

Một cuốn sách chỉ ra những trường hợp khi chính sách kinh tế thất bại, khi ý thức hệ che mắt khiến con người bỏ qua những điều hiển nhiên, nhưng cũng đồng thời cho thấy những hoàn cảnh và nguyên do mà kinh tế học tốt đã tỏ ra hữu dụng, nhất là trong thế giới ngày nay.

Khi con người tôn trọng lẫn nhau và giàu lòng trắc ẩn, mong muốn những điều tốt đẹp vì lợi ích chung là lúc kinh tế học tốt được thực thi.

Kinh tế học tốt đẩy mạnh việc phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân HIV ở các nước đang phát triển để đảm bảo xét nghiệm được rộng rãi hơn và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Cũng nhờ kinh tế học tốt mà sự ngu dốt và ý thức hệ đã bị đánh bại, giúp cho màn tẩm thuốc diệt côn trùng được phát miễn phí tại châu Phi, nhờ đó giảm một nửa số trẻ em bị tử vong do sốt rét.

Sach kinh te anh 2
Hai nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee (trái) và Esther Duflo. Ảnh: IMF.

Những nhà kinh tế vì người nghèo

Trước Kinh tế học thời khó nhọc, Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng nổi tiếng với cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo. 2

Vậy nên, là những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu các nước nghèo, hai tác giả hiểu rõ được thực trạng nền kinh tế đang diễn ra ra sao, đặc biệt là ở những quốc gia họ từng sống và làm việc. Họ cũng ý thức sâu sắc được rằng thực tế đáng chú ý nhất trong 40 năm qua là tốc độ thay đổi của nền kinh tế cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Kinh tế học thời khó nhọc bàn về cả các vấn đề cũng như cách thức để sửa chữa thế giới này, với hy vọng mang đến sự cân bằng và bình đẳng hơn giữa các quốc gia.

Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới năng động mà không có rào chắn ngăn cản. Kinh tế học là những ý tưởng, chúng có thể thúc đẩy để thay đổi. Khi các nhà kinh tế học sẵn lòng thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp, cho dù có làm sai hay đúng, miễn là đưa đến cái đích tối thượng, chính là xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Nguồn: https://znews.vn/kinh-te-hoc-tot-va-kinh-te-hoc-toi-trong-mot-the-gioi-bat-on-post1509322.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1
Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2
Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng