Ảnh minh họa. Nguồn: The Collector. |
Spinoza là một triết gia lớn được Gilles Deleuze mệnh danh là “hoàng tử của triết học”. Một trong những tác phẩm được chú ý của Spinoza là Đạo đức học. Trong cuốn sách này, Spinoza đã mô tả một thế giới sức mạnh nội tại của con người đến từ cảm xúc. Giống một tấm bản đồ có các địa chỉ, Spinoza đưa người đọc từ khái niệm vui, buồn cho đến những thứ cao lớn hơn như ham muốn, đam mê và ý chí.
Trong Đạo đức học của Spinoza, dù con người có bao nhiêu hình dạng cảm xúc chúng đều chỉ là những hình thái khác nhau của lòng ham muốn. Tình yêu cũng như vậy.
Triết lý về tình yêu
Trong triết học của Spinoza, phần ba cuốn Đạo Đức học, tình yêu là một dạng thức của ham muốn tìm kiếm niềm vui được tạo ra bởi nguyên nhân bên ngoài. Các sự kiện, hành động, con người khiến chúng ta cảm giác được yêu thương. Cá nhân càng cảm thấy được tình yêu lớn thì càng mạnh mẽ hơn trước những tác động khác của cuộc sống.
Khi Spinoza định nghĩa tình yêu là một dạng của ham muốn, ông cũng ám chỉ rằng con người sẽ trở nên bị ràng buộc bởi các ý tưởng. Điều này có thể hiểu đơn giản hơn bằng việc liên tưởng tới một dòng văn của Dan Brown trong cuốn Thiên Thần và Ác Quỷ: “Lý trí của chúng ta đôi khi nhìn thấy những gì trái tim chúng ta mong muốn là sự thật”. Dù tình yêu có lý trí nhưng nó sẽ luôn luôn bị chi phối bởi các ham muốn.
Bức tượng Spinoza tại Amsterdam. Ảnh: Essentia Foudation. |
Spinoza còn đặt tình yêu ở nhiều bình diện khác nhau. Ông cho rằng tình yêu dành cho vật chất đồng tiền không phải là một tình yêu mang sự bền chặt và giúp con người kiên định đủ để tồn tại. Vật chất, sự vinh hoa không phải một đối tượng tạo ra được ham muốn vượt qua giới hạn con người để sinh ra nội lực hành động, vươn lên.
Lòng vị tha được coi là một trong những kết quả của tình yêu và niềm vui. “Người sống theo sự chỉ dẫn của lý trí sẽ phấn đấu. Trong khả năng có thể, họ sẽ đáp trả sự ghét bỏ, giận dữ và khinh thường của người khác đối với mình bằng tình yêu hoặc sự cao thượng”, Spinoza viết trong cuốn Đạo đức học. Ông cũng cho rằng tình yêu sẽ giúp con người trở nên bình đẳng hơn với nhau.
Từ góc độ khác, Spinoza đã phân tích cả tình yêu dành cho những thực thể siêu nhiên, đức tin của con người. Nhà triết học gốc Do Thái cho rằng dạng tình yêu này không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc. Nó gắn chặt với tính bất biến. Đây là kết quả của sự lao động trí óc ở mức tốt nhất.
Niềm vui và nỗi buồn
Thế giới cảm xúc trong triết học của Spinoza, niềm vui và nỗi buồn có nhiều biến thể khác nhau. “Niềm vui (Laetitiae) là sự chuyển động hoặc chuyển sang khả năng hành động lớn hơn. Mặt khác, nỗi buồn (Tristitiae) là con đường dẫn đến trạng thái hoàn hảo kém hơn, cũng do một thứ bên ngoài chúng ta gây ra. Tình yêu chỉ đơn giản là Niềm vui kèm theo nhận thức về nguyên nhân bên ngoài đưa hành trình đến sự hoàn thiện hơn. Chúng ta yêu thích vật mang lại lợi ích cho chúng ta và khiến chúng ta vui vẻ. Ghét không gì khác hơn là “nỗi buồn kèm theo ý tưởng về một nguyên nhân bên ngoài”, Spinoza viết trong phần ba cuốn Đạo Đức học.
Ông lý giải rằng niềm hy vọng chỉ đơn giản là “một niềm vui bất chợt nảy sinh từ hình ảnh của một điều trong tương lai hoặc quá khứ mà con người nghi ngờ về kết quả. Còn sự tuyệt vọng đến từ nỗi sợ hy vọng không được đáp lại.
Cuốn Triết học thực hành Spinoza của tác giả Gilles Deleuze được ra mắt vào cuối tháng 12/2023. Ảnh: NXB Tri Thức. |
Spinoza gợi ý rằng cảm xúc đến từ tự nhiên và được điều chỉnh theo quy luật như tất cả phương thức khác nên chúng có thể được nghiên cứu với độ chính xác về mặt toán học. Điều này có nghĩa hành vi của con người, thường được thúc đẩy bởi cảm xúc, hoàn toàn có thể giải thích được. Sự hiểu biết vốn dĩ là niềm vui, bất kể đối tượng của nó là gì.
Trong suy nghĩ của mình về cảm xúc, Spinoza bị ảnh hưởng bởi các truyền thống triết học lâu đời hơn – đặc biệt là bởi các lý thuyết đạo đức của Plato, Aristotle và các nhà Khắc kỷ. Về mặt nào đó, triết lý của Spinoza đang cố gắng trao quyền cho độc giả nhiều hơn. Ông thúc đẩy tư duy bằng lý trí và hướng tới khái niệm “ý chí tự do”.
Để tiếp cận cụ thể triết học của Spinoza độc giả có thể tìm đến hai phần cuốn Đạo đức học đã xuất bản tại Việt Nam. Cuối tháng 12/2023, Nhà xuất bản Tri Thức ra mắt thêm cuốn Triết học thực hành Spinoza của tác giả Gilles Deleuze. Kho sách về Spinoza ở Việt Nam chưa quá đa dạng, tuy nhiên chúng đủ để người đọc có thể tìm thấy những ý tưởng cơ bản của nhà triết gia này.
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn (nguyên Viện trưởng Viện Triết học) cho biết: “Spinoza là một nhà triết học, một nhà tư tưởng lớn. Cả cuộc đời ông chỉ kéo dài khoảng 40 năm nhưng đã để lại những giá trị đáng kể. Spinoza đã đấu tranh cho lẽ phải”.
Baruch Spinoza, nhà triết học người Hà Lan thế kỷ 17, sinh vào năm 1632 tại Amsterdam (Hà Lan) trong một gia đình Do Thái. Tháng 7/1656, Spinoza, giáo đoàn Bồ Đào Nha – Do Thái coi là một kẻ dị giáo và quyết định trục xuất ông khỏi thị trấn. Sau vài năm, Spinoza chuyển tới một ngôi làng nhỏ phía Nam Hà Lan mưu sinh bằng nghề làm kính. Tại đây ông đã cho ra đời tác phẩm Đạo Đức học trước khi qua đời ở tuổi 45.
Nguồn: https://znews.vn/hoang-tu-triet-hoc-spinoza-cat-nghia-tinh-yeu-post1453413.html
You must be logged in to post a comment Login