Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức. |
Tháng 12/2023, Đường sách thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Với không gian mang đậm dấu ấn văn hóa cùng hơi thở của tri thức, công trình nhận được nhiều kỳ vọng từ ban lãnh đạo thành phố lẫn người dân. Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức – chia sẻ với Tri thức – ZNews về những dự định của thành phố trong việc phát triển văn hóa đọc như một phần để phát triển thành phố.
Nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố
Với một thành phố trẻ năng động như Thủ Đức, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc?
Với mục tiêu phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo thì phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là việc hết sức quan trọng để góp phần phát triển thành phố trong tương lai.
Vì văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa, là cách tiếp cận những tri thức, thông tin, tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua sách báo, tài liệu. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc phổ cập, nâng cao kiến thức cho người dân trong cuộc sống, lao động, làm việc và học tập, bên cạnh đó còn giúp hoàn thiện kỹ năng, những giá trị chuẩn mực nhân cách, đạo đức của mỗi người dân TP Thủ Đức.
Ông có thể chia sẻ về thói quen đọc sách đối với người dân thành phố hiện nay?
Trong thời gian qua, TP Thủ Đức tổ chức rất nhiều hoạt động về phát triển văn hóa đọc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nổi bật được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, như tổ chức các ngày hội Sách và văn hóa đọc cấp thành phố và cơ sở.
Với mục tiêu phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo thì phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là việc hết sức quan trọng.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp
Chương trình “Đọc sách em nghe”, chương trình “Sách đồng hành cùng bạn”; các cuộc thi “Đại sự văn hóa đọc”; Xây dựng không gian văn hóa đọc tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, khu nhà trọ văn hóa; trưng bày, triển lãm sách, giới thiệu sách, ngày hội văn hóa đọc tại các trường học, khu dân cư… đã thu hút đông đảo người dân tham gia.
Qua quan sát từ các hoạt động, nhận thấy người dân thành phố, đặc biệt là lực lượng học sinh, sinh viên, công nhân lao động tích cực tham gia các hoạt động, nhất là việc đọc sách tại các chương trình do các đơn vị tổ chức.
Thành phố đã có những mục tiêu và kế hoạch nào để nâng tầm văn hóa đọc?
Năm 2021, Ban Thường vụ thành ủy Thủ Đức chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Thủ Đức; Hàng năm đều có ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đề án.
Độc giả tại Đường sách TP Thủ Đức. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Mục tiêu là gắn việc phát triển văn hóa đọc với triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số, để người dân có cơ hội tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.
Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động; việc đọc tạo ra nếp nghĩ, hình thành thói quen tương tác với sách vở sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật. Ở đây TP Thủ Đức muốn hướng tới ứng xử văn minh, lối sống nhân văn.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 90% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; trên 65% người dân nhập cư, công nhân lao động… được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, phòng đọc sách, các cơ quan xuất bản phát hành.
Xây dựng đường sách trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, an toàn
Sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển lâu dài của thành phố?
Đường sách TP Thủ Đức là một thiết chế văn hóa ngoài trời, không gian văn hóa, tri thức, giáo dục, dịch vụ văn minh. Đường sách được tạo dựng không chỉ thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố mà còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập của một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo; hình thành điểm đến văn hóa – du lịch thu hút người dân và du khách.
Việc hình thành đường sách còn xuất phát từ yêu cầu phục vụ công chúng trẻ là sinh viên của Đại học Quốc gia và hệ thống các trường đại học trên địa bàn; phục vụ đội ngũ lao động có trình độ trong Khu Công nghệ cao góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hưởng ứng đợt hoạt động cao điểm 500 ngày thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025) và 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Không gian đọc sách thu hút người dân đến nghỉ ngơi cà giải trí. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Thời gian gần đây chứng kiến nhiều đường sách trên cả nước gặp khó khăn, lãnh đạo thành phố có những dự tính gì để Đường sách TP Thủ Đức có thể trở nên khác biệt và thành công?
Chúng tôi có một số kế hoạch để Đường sách TP Thủ Đức có thể trở nên khác biệt và thu hút công chúng, như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đường sách trên các phương tiện truyền thông, tạo sức hấp dẫn cho Đường Sách, tạo thành điểm đến yêu thích của người dân.
Đường sách là nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động lớn, quan trọng, phù hợp của các ngành, các cấp và hệ thống chính trị thành phố.
Là nơi tổ chức nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú; đa dạng đầu sách, thể loại sách tại các gian hàng sách; tăng cường tổ chức các hoạt động liên quan đến sách, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tiếp cận với sách và khơi gợi niềm đam mê đọc sách.
Ban Quản lý đường sách sẽ tổ chức các chương trình, nội dung hoạt động cụ thể theo tuần, tháng, quý, năm; phát huy vai trò của Ban Quản lý đường sách và công tác phối hợp giữa các đơn vị trong tổ chức các hoạt động tại đường sách.
Phát triển đường sách thành công viên sách TP Thủ Đức; giao Đoàn thanh niên TP Thủ Đức thực hiện Đề án khởi nghiệp cho thanh niên tại Đường sách tạo thành một điểm văn hóa với các dịch vụ văn minh, an toàn, một không gian văn hóa đọc đậm dấu ấn của thành phố trẻ.
Được biết người dân thành phố hưởng ứng ý tưởng xây dựng đường sách, ông có thể chia sẻ thêm về những kỳ vọng của người dân đối với công trình này?
Người dân thành phố rất đồng tình và hưởng ứng ý tưởng xây dựng đường sách; đồng thời người dân kỳ vọng đường sách Thủ Đức là một điểm đến thú vị với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo thành một không gian xanh, sạch, đẹp, tri thức, là một địa điểm lý tưởng để nhân dân đến đọc sách và giao lưu văn hóa; hình thành điểm đến văn hóa – du lịch trên địa bàn TP Thủ Đức.
Dự án sẽ không chỉ dừng lại ở quy mô đường sách, mà còn có thể mở rộng ra công viên sách Hồ Thị Tư, thành phố đang có sự chuẩn bị như thế nào?
Đường sách TP Thủ Đức tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú với tổng diện tích khoảng 3.508 m2. Công trình được thiết kế xây dựng, gồm: không gian chuyên kinh doanh sách, không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không gian văn hóa đọc, không gian sách cũ, không gian trải nghiệm trò chơi trí tuệ dành cho trẻ em và gia đình, không gian cafe-sách, sân khấu chính và công trình phụ trợ (không gian tập thể dục ngoài trời cho người dân, văn phòng Ban quản lý, nhà vệ sinh công cộng)… với sự đồng hành của nhiều đơn vị xuất bản.
Ngoài sách, công viên đường mang tên mẹ Việt Nam anh hùng còn dành “đất” để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể kết nối hoạt động, nhất là cho thanh niên “khởi nghiệp”, sẽ có những đoàn tàu “nhân ái”, “khởi nghiệp”, tạo ra nét đẹp cộng đồng từ những hoạt động có ý nghĩa lan tỏa.
Để phát triển đường sách thành công viên sách trong tương lai, thì thành phố Thủ Đức phải chuẩn bị:
Xây dựng Đường sách trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, an toàn, không khí trong lành, không gian mát mẻ, thuận lợi cho việc đọc sách và tham gia các hoạt động văn hóa của người dân; xây dựng thêm các không gian sách, thư viện thông minh tại đường sách.
Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ, các thiết bị tập thể dục ngoài trời, đường đi bộ, thêm ánh sáng, cây xanh tạo bóng mát tại công viên phía trước đường sách (đường Hồ Thị Tư) để phục vụ người dân đến đường sách và tham gia hoạt động.
Chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ người dân tại đường sách; kết nối các hoạt động của đường sách và hoạt động tại công viên phía trước đường sách (đường Hồ Thị Tư) để phát triển thành Công viên Sách TP Thủ Đức trong tương lai.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login