Chợ Bến Thành những năm 1960. Nguồn ảnh: Mạnh Hải/Flickr. |
Sinh ra và lớn lên ở vùng Ông Tạ, cộng thêm việc thích lang thang ngoài đường suốt cả thời niên thiếu, Cù Mai Công đã có những “tài sản” vô giá về nhịp sống phong phú của Sài Gòn trong một giai đoạn rất đặc biệt.
Trong vòng 3 năm, anh đã góp vào kho “tài sản” chữ nghĩa của thành phố 4 tác phẩm, gần nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2. Có cảm tưởng như những hiểu biết, ký ức và tình cảm của tác giả đối với vùng đất này là vô tận, kể mãi cũng không hết.
Nếu Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 1 là thước phim về một Sài Gòn – Gia Định xưa cũ thì với Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 2 này lại mang nét gần gũi, cuốn hút và để lại nhiều suy nghĩ hơn.
Và cũng như tập 1, Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 vẫn gồm hai cụm bài: Sài Gòn và Gia Định.
Với Sài Gòn, tác giả tiếp tục chia sẻ về chợ Bến Thành, một biểu tượng quá quen thuộc tưởng như ai cũng biết nhưng vẫn có những thứ khiến ta bất ngờ. Có lẽ ít ai biết nơi đây từng có những chiếc cầu bộ hành được dựng ngay trước cổng Nam của chợ. Hoặc có lẽ cũng ít ai biết, nơi đây từng có những bến xe hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Dạo một vòng chợ Bến Thành, tác giả lại dắt bạn đọc khám phá từng ngóc ngách khác của thành phố, từ những đại lộ đầu tiên của Sài Gòn thời Pháp thuộc cho đến những kênh rạch ngoằn ngoèo vào những buổi sơ khai.
Bên cạnh những góc xưa cũ của Sài Gòn, ở cuốn sách này, Cù Mai Công còn đặc biệt dành một lượng lớn không gian để chia sẻ về kiến trúc hiện đại miền Nam.
Đây là một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi nhưng ngày nay đã bị lãng quên. Tác giả đã rất tâm huyết khi cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự tiêu biểu của phong cách này để chọn ra giới thiệu với bạn đọc.
Sách Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 2. Ảnh: H.Q. |
Khi đã đi hết một vòng Sài Gòn với những kỷ niệm thương yêu, Cù Mai Công dẫn bạn đi xa hơn về vùng ngoại ô thành phố, bắt đầu từ khu vực Lăng Cha Cả, bùng binh Chợ Lăng: Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh)…
Những nẻo đường ngang dọc của ngoại ô này đã chứng kiến bao nhiêu phận người, phận đời. Có nẻo sát bên Ông Tạ với ngôi nhà có chiếc máy bay trực thăng rơi hồi 30/04/1975. Có nẻo là nơi sinh sống của biết bao tên tuổi nghệ sĩ Nam – Trung – Bắc lừng lẫy một thời của Sài Gòn xưa và nay: nghệ sĩ Văn Hùng, cặp nghệ sĩ Kim Hoàng – Như Mai, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông… Cũng nơi đây, ít ai biết từng có một “vườn hoang” hơn mười hecta, một khu mộ cổ “bí ẩn” xưa thật là xưa…
Tác giả đã khéo léo kết hợp những trải nghiệm của mình cùng những tư liệu sẵn có để tạo nên những trang viết rất riêng, vừa thuyết phục cũng vừa hấp dẫn. Vì lẽ đó, dù là miêu tả về những đại lộ sang trọng hay những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, dù đang kể chuyện đời của một nghệ sĩ nổi tiếng hay một nhà giáo vô danh, ta đều thấy lấp lánh trên câu chữ là những ấm áp, bình dị của đời sống.
Về dung lượng, Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương tập 1 và tập 2 có độ dày chưa đến 500 trang, nhưng đây là vốn liếng của hàng nghìn tư liệu, hình ảnh mà Cù Mai Công gom góp chuẩn bị cả hàng chục năm. Và qua đây, anh sắm vai một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, dẫn dắt bạn đọc đi vào những hàng cây, con đường, khung trời cũ của một Sài Gòn – Gia Định trong trí nhớ. Nhờ vậy, dẫu là một độc giả trung thành, hay là người lần đầu bước vào trang viết của Cù Mai Công thì bạn sẽ vẫn cảm thấy thân quen và thu hút.
Nguồn: https://znews.vn/sai-gon-gia-dinh-mot-thuo-qua-ky-uc-niem-thuong-post1449667.html
You must be logged in to post a comment Login