Connect with us

Sách hay

Những hạt bùn vạn dặm

Được phát hành

,

Tập tản văn viết về miền bao la sông nước miền Tây Nam Bộ, nơi những con người chân chất, hào sảng ấy đã hình thành nên một cộng đồng đậm đà tình làng nghĩa xóm và một nền văn hóa đa dạng.

“Hò ơi, muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, tôi thuộc lòng câu ca đó từ những người nuôi vịt mỗi năm hay ghé lại xóm tôi cắm chòi sau mùa thu hoạch lúa.

Vit chay dong anh 1

Nuôi vịt chạy đồng ở miền Tây. Ảnh: Zen Nguyễn.

Nghe cũng lạ, nghề nghèo, nhưng họ vẫn cứ đeo theo, từ năm này sang năm khác, từ đời trước đến đời sau… Trong ký ức tuổi thơ của tôi bao năm, vẫn người đàn ông hay ca câu “muốn nghèo nuôi vịt” luôn trở lại. Hành lý, nghề nghiệp ông mang theo chẳng có gì khác so với mấy năm trước, kể cả nhân dạng cũng không thấy già hơn. Người đàn ông hay nói với tôi rằng: “Tao đã già trước từ hồi mười ba tuổi, lúc mới theo nghề chăn vịt, nên giờ chẳng già thêm chi”.

Họ đến bằng những chiếc ghe, chẳng phải ghe của họ, mà thuê đâu đó, bởi nếu có ghe, họ đâu đi lùa vịt làm chi. Ghe xin tấp vào chỗ bến nhà tôi, bởi bên hông nhà có con đường mòn dành cho máy cày máy cắt vào đồng.

Advertisement

Họ lùa bầy vịt táo tác sau cả ngày ròng rã đứng dưới ghe đói meo lên cánh đồng vừa mới cắt xong. Tụi vịt thấy đồng, háo hức chẳng khác nào con nít lạc vào thế giới cổ tích. Chúng nó vừa chạy vừa kêu “quạc quạc” nghe cũng vui tai.

Mỗi đoàn du mục đến đây đi theo từng hộ gia đình, có khi cũng chỉ hai cha con người chăn vịt áo rách không thèm vá. Họ mang theo hai, ba ngàn con vịt, đó là thứ tài sản vốn liếng, nguồn sống duy nhất theo họ gần như suốt cuộc đời.

Bầy vịt sẽ dừng chân ở mỗi cánh đồng chừng một đến ba tháng, vậy nên, nơi họ ở cũng chẳng kiên cố làm chi, ở chưa ráo đất là thấy sắp dời đi nơi khác nữa rồi. Chỉ vài ba cây tre làm cột kèo, một tấm bạt ni lông làm nóc, họ dựng lên trên bờ đê những cái trại tạm bợ.

Vậy mà tôi mê tít trại vịt ấy chẳng khác nào mê đắm một thiên đường của tuổi thơ giàu màu sắc. Có lẽ do trại của họ chật chội đơn sơ, có nét giống giống cái nhà chòi trẻ nít nên tôi thích. Những buổi trưa mùa hè, tôi hay len lén trốn má chạy ra ngoài chòi vịt của họ, cách nhà một quãng đồng không xa lắm.

Hè, những đứa con của người du mục cũng theo ba má đến nơi đây. Trong lúc ba má chăn bầy vịt ở cuối cánh đồng cách chúng tôi hơn hai cây số thì bọn trẻ ở lại trại chơi trò với đống rơm, đìa nước. Chúng khoét đống rơm thành một lâu đài, trong lâu đài ấy chất chi chít những pho tượng trâu bò gà vịt nặn từ đất sét, có cả cà ràng ông táo làm tôi mê mắt.

Advertisement

Nhưng thú vị hơn cả có lẽ là lúc trời sắp sụp chiều, khi bầy vịt được lùa về, thế nào ba má của những đứa bạn tôi cũng sẽ mang về con rắn nước, chùm chuột đồng hay vài ba trái xoài, trái ổi mọc hoang trên bờ đê, rìa ruộng. Họ lục đục nấu nướng trong khi bầy vịt tắm táp dưới ao đìa, còn đám trẻ tranh nhau đếm vịt.

Những con cá lóc câu được từ đìa, họ đem nướng thơm phức. Chùm chuột được làm sạch sẽ, banh ra trên cái kẹp bằng tre rồi nướng rơm, hoặc có khi là con rắn nấu canh đu đủ…

Họ í ới gọi nhau, trại nào có món ngon gom về trại đó, đàn ông vừa ăn vừa lai rai nhậu, đàn bà ngồi ăn mâm riêng ở phía sau trại, rôm rả kể chuyện lượm hột vịt đêm qua trúng thất ra sao, giá lúa năm nay cao hay thấp… Họ luôn canh cánh những nỗi lòng nhưng chưa bao giờ tắt đi tiếng cười hào sảng.

Những buổi chiều mê chơi quên cả về nhà má lội bộ ra đồng tìm tôi dắt về, không hiểu sao trong những lần ấy, má chưa bao giờ rầy la tôi một tiếng nào cả. Có lẽ năm xưa ông bà ngoại nghèo, má lên đồng từ thuở còn thơ, cực nhọc với ruộng và bầy vịt, nên má muốn tôi hiểu những bài học từ nghề nuôi vịt. Cũng có khi trời sụp tối rồi, chưa thấy má ra đón. Ông già chăn vịt tôi quen xách cái đèn pin hoặc đội cái đèn soi nhái lên đầu, dắt tôi băng qua cánh đồng về nhà. Khoảng đồng không xa mấy, nhưng cái cảm giác bước chân trên đất giữa trời đêm mịt mùng tối làm tôi cứ nhớ mãi khôn nguôi trong một nỗi bùi ngùi rất lạ. Để rồi khi đưa tôi về đến nhà, ông già quay lại trại, tôi đứng phía sàn nước nhìn theo ông mãi. Bóng dáng người đàn ông nhập vào trong bóng tối, chỉ còn mỗi cái ánh đèn là le lói chập chờn trên khoảng đồng đêm, và xa xa, cũng chập chờn những ánh đèn hắt ra từ bình ắc quy nơi trại vịt.

Tôi dầu biết được, lúc tôi vẫn còn ngủ say trong nhà ấm áp thì những đứa bạn cùng lứa với tôi, con của những người du mục, phải lục đục thức dậy giữa đêm khuya khi nghe vịt kêu ổ, tiếp ba má lượm từng cái trứng vịt trong ổ rơm, để má tụi nó kịp lội bộ mấy cây số đường mang ra chợ bán.

Advertisement

Vậy nên, mỗi khi cầm trứng vịt đồng trên tay, tôi luôn thấy bóng dáng của những giọt mồ hôi và cả nước mắt của những người chăn vịt trên đồng. Mãi đến khi lớn lên, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng câu hỏi, nếu nghề nghèo khó quá, sao họ theo nghề làm chi. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi nhiều người chăn vịt, họ kể rằng theo nghề từ đời ông nội, đời ba má và đến đời mình. Ba má cho con cái ra riêng, vốn liếng chẳng có gì hơn là ba trăm con vịt vốn. Cứ vậy mà nuôi, gầy dựng từ từ. Không giàu nhưng nghề đủ nuôi con cái ăn học, đi rong ruổi cũng có niềm vui của rong ruổi, nên đi.

Cũng có khi thất bát dịch giã, phải bán tháo đàn vịt, lên phố làm công nhân. Nhưng phố thị ồn ào tiếng xe làm nhớ quá tiếng vịt đồng, tiếng ếch nhái, lại quay về quê nuôi vịt. Đêm, nghe mưa gió, sương đêm rơi lộp độp, vịt nhảy ổ kêu ầm ĩ hay ễnh ương gọi nhau rền vang trên mặt ruộng, vậy mà lại ngủ ngon lành.

Ông bạn già của tôi bảo rằng, tụi vịt nuôi mình bao đời, nay mình cũng phải nuôi chúng lại, nên ở cái tuổi gần bảy mươi rồi, ông vẫn ngày ngày rong ruổi. Tết nhất cũng hiếm khi về nhà, nhưng mỗi chiều xuống, ngồi lai rai với bạn đồng vài con ếch nướng rơm, cơm nguội chan mắm sống, đờn vài điệu “ba Nam, sáu Bắc”, ngân lên câu vọng cổ mà nghe mát dạ mát lòng.

Còn nghề nào vui hơn nghề này không? Nhưng muốn vui thì phải cực! Cái triết lý “muốn vui thì phải cực” của ông già bao năm cứ lẽo đẽo theo tôi, trở thành lời dặn dò từ khi nào không biết. Mỗi khi đứng trước sóng gió khó khăn, tôi luôn nhớ đến ông bạn chăn vịt và những người du mục, họ chỉ ghé qua nhà tôi mỗi năm một, hai lần nhưng lại vẽ nên trong lòng bao cảm xúc. Để rồi mỗi khi nhớ quê, trong cái không gian đồng vọng ấy, luôn có tiếng vịt chạy đồng hòa cùng mùi rơm thơm cọ vào ký ức… xôn xao.

Nguồn: https://zingnews.vn/mua-vit-chay-dong-post1444943.html

Advertisement

Sách hay

Đàn ông

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách của Osho khám phá những khía cạnh tiềm ẩn trong tâm hồn và bản chất của phái mạnh. Với triết lý tinh tế và cách tiếp cận trực diện, tác giả Osho đặt ra những câu hỏi thách thức các chuẩn mực xã hội về đàn ông, từ đó mở ra cánh cửa cho sự tự do và nhận thức.

Theo nhà triết học người Ấn Độ Osho, tình dục là điều đẹp đẽ và cần phải nhận thức về nó vượt lên trên các định kiến của xã hội.

tinh duc anh 1

Cha đẻ tạp chí Playboy Hugh Hefner và những người mẫu. Ảnh: Newsweek.

Tôi từng nghe một câu chuyện như sau. Có hai người đàn ông bị phá sản. Vì vậy, họ quyết định thực hiện một mô hình làm ăn, một mô hình làm ăn rất đơn giản. Họ bắt đầu đi du ngoạn, từ thành phố này sang thành phố khác. Một người sẽ đến trước và ban đêm, anh ta sẽ ném nhựa than đá vào các cửa nhà. Hai ba ngày sau, người kia sẽ đến lau dọn. Anh ta sẽ nói rằng mình có thể lau dọn bất kỳ chỗ nhựa than đá nào, lau dọn bất kỳ chỗ bẩn nào, và thế là anh ta sẽ lau dọn các cửa nhà. Trong lúc đó, người trước sẽ đi thực hiện nửa đầu của mô hình làm ăn ở một thành phố khác. Cứ như thế, họ bắt đầu kiếm được nhiều tiền.

Đây chính là câu chuyện đối nghịch giữa giáo điều cổ hủ và Hugh Hefner (cha đẻ của tạp chí người lớn Playboy) cũng như những người đang ngày đêm tạo ra các văn hóa phẩm đồi trụy.

Advertisement

Họ song hành cùng nhau; họ là đồng lõa trong một âm mưu. Bất cứ khi nào bạn bị áp chế quá mức, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm một thú vui biến thái. Thú vui biến thái mới là vấn đề, tình dục không phải là vấn đề.

Vì thế, đừng bao giờ mang một tư tưởng nào về việc phản đối tình dục, nếu không, bạn sẽ không bao giờ có thể vượt lên trên nó. Những người vượt lên trên tình dục là những người chấp nhận nó một cách rất tự nhiên. Vấn đề không phải là làm thế nào để vượt lên trên tình dục, mà là làm thế nào để vượt lên trên cái hệ tư tưởng của xã hội: sợ tình dục, áp chế tình dục, bị tình dục ám ảnh.

Tình dục vô cùng đẹp. Về bản chất, tình dục là một hiện tượng tự nhiên có tính nhịp điệu. Nó xảy ra khi đứa trẻ sẵn sàng được thụ thai, và nó xảy ra là một điều tốt – nếu không, sự sống sẽ không tồn tại. Sự sống tồn tại thông qua tình dục; tình dục là phương tiện trung gian của nó.

Nếu bạn hiểu sự sống, nếu bạn yêu sự sống, bạn sẽ biết tình dục là thần thánh, là thiêng liêng. Và rồi bạn sẽ sống theo nó, và rồi bạn sẽ hân hoan trong nó; và nó sẽ đi, tự nhiên như khi đến, theo cách của riêng mình. Đến tuổi 42, hoặc tầm đó, tình dục bắt đầu biến mất, tự nhiên như khi nó xuất hiện. Nhưng chuyện không xảy ra như thế.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi nói khoảng 42 tuổi. Bạn biết có những người 70, 80 tuổi, nhưng họ vẫn chưa vượt lên trên. Bạn biết những người “già đổ đốn”. Họ là những nạn nhân của xã hội. Vì họ không thể tự nhiên nên họ phải hứng chịu những hệ quả tai hại – vì họ áp chế khi đáng ra họ nên tận hưởng và hân hoan. Trong những khoảnh khắc hân hoan, họ không đắm mình trọn vẹn. Họ không đạt đến cực khoái, họ dở dang. Vì vậy, hễ khi nào bạn dở dang trong bất cứ điều gì, nó lưu lại lâu hơn.

Advertisement

Tôi hiểu như sau: Những con người đó, nếu họ đã sống đúng, sống một cách yêu thương, sống một cách tự nhiên, thì đến tuổi 42, họ sẽ bắt đầu vượt lên trên tình dục. Nếu họ không sống một cách tự nhiên và liên tục chống lại tình dục, thì tuổi 42 sẽ trở thành thời điểm nguy hiểm nhất của họ – vì đến thời điểm họ 42 tuổi, năng lượng của họ sẽ giảm. Khi còn trẻ, bạn có thể áp chế vì bạn rất giàu năng lượng.

Hãy xem điều này nghịch lý đến thế nào: Người trẻ có thể áp chế tình dục rất dễ dàng vì người trẻ có năng lượng để áp chế nó. Người đó chỉ việc đặt nó xuống và ngồi lên trên. Khi năng lượng tan dần, giảm dần, tình dục sẽ tự quyết và bạn sẽ không còn khả năng khống chế nó.

Nguồn: https://znews.vn/bac-thay-osho-noi-gi-ve-tinh-duc-con-nguoi-post1498190.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Trăng, Tết trung thu và những linh vật ở cung trăng

Được phát hành

,

Bởi

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Tết trung thu gắn bó mật thiết với trăng, vì thế nhắc đến tết này thì không thể không nói đến trăng được.

Trăng thu rất tròn và sáng rực rỡ. Nguồn: khoahoc.tv.

Tết Trung thu đến với chúng ta vào giữa mùa thu, mùa mát mẻ đẹp nhất trong năm với trăng trong, gió mát.

Trăng trong đời sống của người phương Đông

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy (sách Hà Nội thanh lịch) Tết Trung thu là một cái tết có lý do thiên nhiên. Mùa thu, trời trong, trăng sáng. Giữa tháng 8, giữa mùa thu (trung thu) thì trăng sáng nhất. Tối hôm ấy, trẻ con “chơi trăng”, người lớn, nhất là các nhà văn thơ “thưởng trăng”, tức “ngắm trăng”. Các cụ bảo: “Đêm hôm ấy, trăng đẹp nhất, nếu không thưởng hết, thì lại một năm nữa, mới gặp trăng thu”.

Còn theo học giả Nguyễn Văn Huyên (sách Hội hè lễ của người Việt), ngày rằm tháng 8 đúng vào thời điểm giữa ba tháng của mùa thu, được gọi là Tết trung thu hay Tết tháng tám. Vào thời kỳ này, bầu trời trong trẻo và Mặt Trăng rất tròn, sáng rực rỡ. Ta cảm thấy rất vui thích khi ngắm trăng trong tất cả sự mạnh mẽ và uy nghi của nó.

Advertisement

Vào đêm trung thu, người người tụ họp xem trăng lên. Và tùy theo màu sắc cùng dáng vẻ của vì tinh tú này, người ta rút ra các điềm báo tương lai của đất nước. Chẳng hạn, nếu trăng sáng vằng vặc, ta sẽ có một mùa màng bội thu. Nếu ta thấy trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ…

Tác giả sách Hội hè lễ của người Việt cũng cho biết, thói quen quan sát Mặt trăng đêm rằm tháng 8 còn đã tạo ra trong trí tưởng tương của dân gian cả một thế giới huyền diệu, trong đó có truyền thuyết về Mặt trăng với những linh vật ở cung Quảng Hàn.

Ngoài ra, Mặt trăng còn là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và của đời sống vợ chồng. Vì vậy trên Mặt Trăng có cung Nguyệt lão và bà Nguyệt cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên Trái Đất.

Còn học giả Toan Ánh (sách Tín ngưỡng Việt Nam, bộ Nếp cũ) thì cho biết Tết Trung thu sơ khởi là Tết trông trăng, nên nói đến Tết Trung thu không thể bỏ qua trăng được.

Theo tín ngưỡng phương Đông, trăng là một vị sao tên gọi Thái Âm tinh. Tử vi đầu số cho biết sao Thái Âm chủ về điền, về văn học. Người nào có sao này thủ mệnh thì thông minh, thanh kỳ, uy nghiêm. Thái Âm đắc địa ở hai cung Hợi và Tý.

Advertisement

Thái Âm cư Hợi là Nguyệt tăng thiên môn, trăng ở dưới trời, tức trăng ở cửa bể, đang sáng rõ. Ở đây trăng gặp mây cũng đẹp, nghĩa là Thái Âm ngộ Hóa Kỵ cũng tốt. Đã có Thái Âm lại thêm Thiếu Âm, vị trăng non, trăng sáng lại càng sáng thêm, số càng tốt.

Cũng theo tác giả bộ Nếp cũ, ngoài Tử vi đầu số, người phương Đông còn hiểu trăng theo nhiều lối khác. Chẳng hạn trăng là cung Quảng Hàn của chư tiên, nơi Đường Minh Hoàng đã lên du ngoạn và đã được thưởng thức ở đó hai điệu múa Nghê thườngVũ y do các tiên nữ xiêm y lộng lẫy ca múa và là nguồn gốc của Tết trung thu.

Hay theo sách Thiên văn chí của Trung Quốc thì Mặt Trăng là khí Thái Âm kết tinh, ngược với Mặt Trời là khí Thái Dương kết tinh, Thái Âm là hơi lạnh và Thái Dương là hơi nóng.

Mặt trăng thuộc quyền của vị thần Thái Âm vợ của thần Thái Dương tức Mặt Trời. Thái Âm thần nữ ngự ở Quảng Hàn, toàn bằng ngọc lưu ly, trong suốt như pha lê, hào quang chói lọi nhưng lúc nào cũng giá lạnh như băng. Thái Âm thần nữ cai quản một số tiên nữ và những linh vật.

Tet Trung thu anh 1

Tranh múa sư tử, rước đèn dịp Tết Trung thu. Nguồn: SáchDòng tranh dân gian Hàng Trống.

Những linh vật ở cung trăng

Theo học giả Toan Ánh, những linh vật thuộc quyền cai quản của Thái âm thần nữ đều hiền từ, ngoan ngoãn, và trong số đó đáng kể nhất là hai con Thiềm thừ và Ngọc thỏ.

Advertisement

Theo tác giả bộ Nếp cũ, Thiềm thừ là một giống cóc, đầu có sừng bằng thịt, bụng có vệt chữ bát màu đỏ. Tiền thân Thiềm thừ là nàng Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ có tài thiện xạ bách phát bách trúng.

Theo truyền thuyết Hậu Nghệ có dịp lên vườn Lãng Uyển, xin đức Giao Trì Vương Mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. Mang thuốc về Hậu Nghệ không uống ngay, vì phải mang quân đi đánh giặc, nên cất thuốc vào lò. Ở nhà, Hằng Nga đã trộm thuốc trường sinh, uống rồi nàng bay lên Mặt Trăng và ra mắt Thái Âm thần nữ, kể rõ sự tình, cầu xin thần che chở.

Thái Âm thần nữ biến Hằng Nga thành con Thiềm thừ, đem giấu ở một nơi kín đáo ở cung Quảng Hàn. Hậu Nghệ đi trận về thấy mất vợ lẫn thuốc trường sinh, chàng quyết tìm nàng cho bằng được.

Thời ấy, trên Trời có 10 Mặt Trời. Ngờ vợ ẩn trong những Mặt Trời này, Hậu Nghệ đã bắn 9 Mặt Trời (bớt lại Mặt Trời thứ 10 để lấy ánh sáng ban ngày, và không bắn Mặt Trăng vì ban đêm chỉ có 1 Mặt Trăng) nhưng không thấy vợ. Về phần Hằng Nga, nàng vẫn biến hình ẩn núp trong cung Quảng Hàn cho đến ngày nay.

Ngoài truyền thuyết học giả Toan Ánh kể trên, trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, học giả Nguyễn Văn Huyên còn kể thêm một truyền thuyết khác nói rằng con Thiềm thừ này được cho là có tuổi đời đến ba nghìn tuổi. Xưa nó sống trên mặt đất, bên bờ đại dương và ăn thịt những khách đi đường qua tầm với của nó. Để cải hóa nó, Ngọc Hoàng sai dẫn nó lên Mặt Trăng để trở thành kẻ gác cung Quảng Hàn.

Advertisement

Linh vật thứ hai theo học giả Toan Ánh là Thỏ Ngọc. Theo sự tích, ngày xưa có thời mất mùa, người vật đều nhịn đói. Các loài vật khó kiếm thức ăn, tàn sát lẫn nhau.

Loài thỏ yếu đuối, không khí giới tự vệ, không dám thò mặt ra ngoài kiếm ăn. Chúng đành nằm một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đói. Đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa, không biết ai đốt sẵn, nằm quanh đống lửa nhìn nhau, con nào cũng hoen lệ.

Trước tình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại, nhảy mình vào đống lửa tự thui để các con khác ăn cho đỡ đói. Vừa lúc ấy, Đức Phật đi qua thấy được sự tình. Ngài thầm khen nghĩa khí của con vật và nhặt nắm xương của nó rồi hóa phép cho nó thành hình toàn bằng ngọc thơm tho, trong sáng. Sau đó, ngài đưa nó lên cung Quảng Hàn, xin cho nó viên thuốc trường sinh, và nói với Thái Âm thần nữ cho nó được lưu lại nơi đây.

Ngoài hai linh vật trên, theo học giả Toan Ánh, cung Quảng Hàn còn có bóng một cây mà ở trần gian nhìn lên thấy hình đen trên Mặt Trăng. Đó là cây Đan quế, tức cây quế đỏ.

Theo sách Tàu, cây này cao một trăm linh năm thước, gốc rất lớn, đường kính ước chừng vài ba trượng. Cây sống hàng vạn năm. Gỗ và vỏ rắn như thép. Gốc cây có nhiều vết băm, vì quanh năm có người suốt đời bổ vào gốc cây. Ở mặt đất nhìn lên ta thấy bóng đen của người đó.

Advertisement

Người đó là Ngô Cương. Xưa hắn đã tu tiên đắc đạo, nhưng sau vì làm điều càn bậy trong chốn tiên cung, nên bị Ngọc hoàng bắt đày xuống cung trăng, giao cho việc chặt và bóc vỏ cây đan quế. Còn ở ta, bóng người trên đó là thằng Cuội, còn cái cây là cây đa thần.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/trang-tet-trung-thu-va-nhung-linh-vat-o-cung-trang-post1498045.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Sách hay

Phật giáo qua góc nhìn của các học giả

Được phát hành

,

Bởi

“Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ” là cuốn sách thuộc Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới, tuyển chọn tác phẩm của các học giả từ những đại học hàng đầu thế giới.

Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ là cuốn sách mở đầu cho tủ sách về Phật giáo của Omega+, được xuất bản với sự giới thiệu và hợp tác dịch thuật của Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới.

Trong tọa đàm giới thiệu sách diễn ra qua nền tảng Zoom vào tối ngày 14/9, ông Pháp Cẩn – Giám đốc Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới – cho biết hai tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn tác phẩm là tính hàn lâm và tính cập nhật.

Hội nhập quốc tế về Phật học

Về tính hàn lâm, dự án lựa chọn công trình của các tác giả có bằng Tiến sĩ ở những đại học hàng đầu thế giới.

Advertisement

Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ được viết bởi 3 tác giả đều là những nhà nghiên cứu Phật học uy tín ở Đại học Oxford. Cuốn sách giới thiệu tổng quan về tư tưởng và triết lý Phật giáo, đồng thời mô tả và đối chiếu các trường phái tư tưởng khác nhau. Sách có giá trị trong nghiên cứu tôn giáo, thần học, văn hóa và triết học.

phat giao anh 1

Sư Pháp Cẩn. Ảnh: O. P.

Sách dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về triết lý và đặc điểm cơ bản của Phật giáo, giúp người đọc hiểu rõ hơn về các khái niệm cốt lõi của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ cổ điển, từ thời Đức Phật đến thời kỳ hiện đại với nhiều quan điểm mới mẻ cùng những tranh luận đa chiều.

Sách bao gồm các chương về lập trường giáo lý của Đức Phật, tư tưởng chính của Đức Phật, bản chất và nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa, một số trường phái tư tưởng Phật giáo chính thống, triết lý Đại Thừa, Đức Phật trong Phật giáo Đại thừa, và Mật tông/Kim cương thừa ở Ấn Độ.

Về tính cập nhật, dự án đã tìm hiểu về những cuốn sách cùng đề tài từng được xuất bản trước đó tại Việt Nam, để chọn lựa được những cuốn sách có tính mới, bổ sung hoặc phản biện những khám phá, kết luận trong những cuốn sách xuất bản trước đó.

Cùng chủ đề với Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ, sách Tư tưởng Phật giáo Ấn-độ (Edward Conze, 1962) Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ (Pháp sư Ấn Thuận, 1988) đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam xuất bản tại Việt Nam.

Advertisement

Sư Pháp Cẩn nhận định rằng như vậy thì độc giả Việt đã có nguồn tư liệu tham khảo về cách nhìn của cả phương Đông và phương Tây về Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay đã hàng chục năm, thậm chí gần một thế kỷ trôi qua nên nghiên cứu Phật học đã có những khám phá mới. Đó là lý do mà Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ được chọn giới thiệu đến độc giả Việt.

TS Phạm Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm – nhận định rằng cuốn sách là một đóng góp cho kho tài liệu Phật học thế giới ở Việt Nam, vốn chỉ được dịch tương đối ở mảng sách tiếng Trung, hạn chế ở mảng sách tiếng Nhật và tiếng Anh.

Sau khi chọn lựa được sách, dự án tiến hành mua bản quyền, triển khai dịch thuật – hiệu đính – biên tập. Hiện nay dự án có đội ngũ dịch thuật khoảng 40 trí thức là các nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Dự kiến dự án gồm 20 tủ sách, mỗi tủ có từ vài cuốn đến vài chục cuốn. Mỗi tủ sách sẽ có những chủ đề nhất định như… Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ có thể được xếp vào các tủ Phật giáo Ấn Độ, Triết học Phật giáo, Tổng quan Phật giáo. Danh mục tài liệu tham khảo cuối sách dài gần 40 trang, liệt kê những sách, tạp chí Phật học uy tín viết bằng tiếng Anh để độc giả mua, tìm hiểu thêm.

Không phủ nhận giá trị của những tác phẩm phi hàn lâm, song thầy Pháp Cẩn bày tỏ nguyện vọng đưa các giáo trình chuẩn mực có tính quốc tế về Việt Nam, từng bước thực hiện ước mơ hội nhập quốc tế về Phật học tại nước nhà.

Advertisement
phat giao anh 2

Sách Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ. Ảnh: O.P.

Pháp học hay Pháp hành

Trước câu hỏi Pháp học hay Pháp hành thì quan trọng hơn và cái nào nên làm trước, sư Pháp Cẩn nói rằng đạo Phật đặc biệt ở chỗ “người bình thường ai cũng có thể thành Phật, giống người học bơi ai cũng có thể biết bơi”. Ông cho rằng Pháp học và Pháp hành bổ túc, trợ lực cho nhau, có người Pháp học trước, Pháp hành sau và cũng có thể ngược lại: “Trong Pháp hành có Pháp học và trong Pháp học có Pháp hành”.

Sư cô Như Hiếu – người hiệu đính Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ nhận định rằng “pháp học như là bản đồ định hướng, để người học không lạc đường, tiết kiệm thời gian”. Do đó, nếu có thể, người học Phật được cổ vũ học pháp trước rồi mới hành pháp.

Ông Trần Việt Quân, Sáng lập Viện Đào tạo Bách khoa – Cộng đồng Sống tử tế, nói rằng Phật giáo có tính ứng dụng rất cao trong đời sống. Phật giáo giúp còn con người thay đổi (theo ngôn ngữ tâm lý học) hay nếp nghĩ (theo ngôn ngữ đời sống), từ đó thay đổi thế giới bên trong và dẫn đến thay đổi thế giới bên ngoài, “vì thế giới bên ngoài chính là phản ánh thế giới bên trong”.

“Cách ta nhìn đời quyết định ta có hạnh phúc hay không”, ông nói, lấy ví dụ rằng nhìn năm tháng trôi qua có người thấy mình già đi, lại có người thấy mình chín chắn, trưởng thành hơn.

Theo ông, lời Phật dạy có những câu “đơn giản nhưng hay vô cùng”. Nhờ Pháp hành, Pháp học mà “tốc độ thay đổi bản thân cho chín chắn, trưởng thành của tôi nhanh hơn 5 lần”. Ông cho biết nhờ ứng dụng thiền Vipassana trong 2 năm mà ông làm được điều 18 năm trước đó chưa đạt được, là kiểm soát cơn giận.

Advertisement

Có Phật giáo, con đường hoàn thiện mình “rút ngắn lại không còn lòng vòng như xưa nữa”. Theo ông, chỉ cần hiểu được nền tảng lý thuyết cơ bản, đơn giản là những người học Phật có thể thực hành được ngay.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/phat-giao-qua-goc-nhin-cua-cac-hoc-gia-post1497801.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng