“Tôi đã muốn viết về cái chết…”, Virginia Woolf viết vào ngày 17/2/1922, khi bà vừa tròn 40 tuổi. Nhật ký của Virginia Woolf tràn đầy nỗi đau về cái chết, sự mất mát, bệnh tật, nỗi đau, sự chán nản, nỗi thống khổ và sợ hãi. Nhưng trên mỗi trang giấy, hơi thở sự sống tràn vào với nguồn năng lượng đáng kinh ngạc, sự thích thú và hân hoan.
Di sản của Virginia Woolf không mất đi sau khi bà tự sát
The Diary of Virginia Woolf là bản ghi chép rất đặc biệt về những trải nghiệm của bà, những quan sát về thế giới sống động, một cuộc tự kiểm điểm can đảm về bản thân, chia sẻ về quá trình sáng tạo văn học, những cảm xúc gần gũi với thiên nhiên, nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, tình bạn, sự cô độc, các mối quan hệ xã hội và cả sự tử vong. Theo đánh giá của trang The Guardian, đây là một trong những cuốn nhật ký vĩ đại từng được viết và việc tái bản tác phẩm này là một quyết định đúng đắn.
Phần đầu tiên trong cuốn nhật ký của bà (còn lưu lại tới nay) được Woolf viết vào năm 1897, khi bà gần 15 tuổi và phần cuối cùng bà viết là vào ngày 24/3/1941, bốn ngày trước khi bà qua đời.
Virginia Woolf năm 1939. Ảnh: Researchers. |
Bà lưu giữ những ghi chép đặc biệt của mình suốt 42 năm trong những cuốn sổ bìa mềm không kẻ dòng và được bà bọc trong giấy màu. Bà thường đọc chúng để nhắc nhở bản thân về quá khứ của mình và bà cũng dựa vào đây để viết cuốn hồi ký Sketch of the Past vào năm 1939. Khi ngôi nhà ở London của bà bị đánh bom vào tháng 10/1940, đây là những tài liệu bà quan tâm đầu tiên.
Vào ngày 28/3/1941, trước khi tự tử, bà đã để lại một bức thư cho chồng mình là Leonard yêu cầu ông tiêu hủy tất cả giấy tờ của bà. Thay vì làm điều đó, ông bắt đầu phân loại và lưu trữ một khối lượng lớn tài liệu, bao gồm các bản thảo tiểu thuyết, bài tiểu luận, bài phê bình và những ghi chép về bản thân của bà. Tất cả đã được đưa vào Bộ sưu tập Berg trong Thư viện Công cộng New York.
Năm 1953, Leonard đã chọn một số đoạn trích để xuất bản. Được đặt tên là A Writer’s Diary, tác phẩm này tập trung vào sự cống hiến của Virginia Woolf cho sự nghiệp viết lách. Và phải mất khoảng 20 năm, việc xuất bản toàn bộ nhật ký và thư từ của bà mới giúp độc giả có một góc nhìn toàn cảnh hơn về Virginia Woolf.
Sau khi Virginia Woolf qua đời, danh tiếng của bà như một nhân vật khổng lồ trong văn học thế kỷ 20 được thúc đẩy nhờ phong trào nữ quyền của những năm 1960 và 1970. Vào thời điểm đó, các tác phẩm của bà được biên tập và xuất bản đều đặn, cùng nhiều cuốn tiểu sử và ghi chép của những nhà văn khác về bà.
Vị thế của Virginia Woolf trong nền văn học thế giới cũng phần nào nhờ vào cháu trai bà, nhà sử học nghệ thuật Quentin Bell. Ông đã viết cuốn tiểu sử dài đầu tiên về bà vào năm 1972 và vợ ông, Anne Olivier Bell, góp công biên tập nhật ký của bà từ năm 1977 đến 1984.
Nhiều giá trị đặc biệt trong các ghi chép của Woolf
Một điều nổi tiếng trong nhật ký và các bức thư của Woolf là những nhận xét gay gắt của bà. Giọng điệu của bà có thể cay nghiệt và dường như mang lại sự khó chịu cho độc giả thời đại đó. Chính điều này đã khiến một số nhà phê bình lên án bà.
Tuy nhiên, dù giọng điệu của bà có thể khó nghe nhưng vẫn thể hiện được những quan điểm tiến bộ và hiểu biết nhiều hơn về chính trị so với những người cùng tầng lớp.
Độc giả có thể tiếp cận được nhiều giá trị trong tác phẩm này. Ảnh: Abebooks. |
Và chính bản thân Woolf cũng nhận ra những thiếu sót của mình. Bà tự phê bình bản thân một cách mãnh liệt và khao khát thay đổi sự ích kỷ, hướng đến “chúng tôi” thay vì chỉ riêng “tôi”. Có một cuộc đấu tranh gay gắt xuyên suốt những ghi chép của bà giữa thuyết duy ngã (“Tôi quan tâm đến bản thân mình như thế nào!”) và khao khát hướng đến cộng đồng và tính khách quan.
Trong ghi chép của mình, bà cũng ghi lại đầy đam mê về phong cảnh xung quanh và sự khao khát kết nối với người khác. Cuốn nhật ký là một kho tàng về các nhân vật, từ những người đàn ông và phụ nữ nổi tiếng trong thế giới văn học mà Woolf biết (như Hardy, Wells, Yeats, Sackville-West, Mansfield, Eliot) đến hàng nghìn bức chân dung sống động về những cuộc đời ít người biết đến hơn.
Ngoài việc hiểu thêm về bản thân Woolf, những ghi chép của bà cũng rất giàu tính lịch sử khi bà đặc tả về thế giới xung quanh, nêu chi tiết những thời điểm nóng bỏng, về cuộc tổng đình công, cuộc khủng hoảng thoái vị hay những trải nghiệm của dân thường về chiến tranh thế giới thứ hai.
Các nhà văn thế hệ sau cũng có thể học hỏi rất nhiều từ ghi chép của bà, đặc biệt là về cách lấy cảm hứng từ những điều giản dị trong cuộc sống để tạo nên nhiều chất liệu văn học đặc biệt. Chẳng hạn khoảnh khắc vui vẻ trong bồn tắm khi bà đột nhiên nghĩ ra ý tưởng cho bài luận Three Guineas hay diễn biến của To the Lighthouse được bà phát triển từ suy nghĩ đầu tiên: “phải hoàn thành trọn vẹn nhân vật người cha trong đó, cả các bà mẹ, Thánh Ives và những điều thông thường như sự sống, cái chết,…”.
Bà cũng ghi lại trong nhật ký những phản hồi và đánh giá của độc giả về tác phẩm của mình và thường tự nhủ “tôi có rất nhiều cuốn sách thú vị và phong phú!”.
Khi nhìn lại, The Diary of Virginia Woolf không chỉ là một tác phẩm về ký ức của Virginia Woolf mà còn là một cuốn sách về giá trị của cái chết, biết rằng cái chết đang đến gần để tận dụng tối đa những khoảnh khắc đang sống. Bà viết: “Tôi vui vì được sống và nuối tiếc cho những người đã chết”.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhieu-gia-tri-thoi-dai-trong-nhat-ky-cua-virginia-woolf-post1442647.html
You must be logged in to post a comment Login