Lịch sử Do Thái (History of Jews) là một cuốn sách đồ sộ của tác giả Paul Johnson dành riêng cho một chủ đề thú vị của lịch sử loài người: nguồn gốc và cuộc hành trình đầy sóng gió để tồn tại, duy trì bản sắc của dân tộc Do Thái, một dân tộc có số lượng cá thể ít ỏi tính trên tổng dân số thế giới song lại có ảnh hưởng lớn và dấu ấn đậm nét lên tiến trình lịch sử, một ảnh hưởng mà sức nặng của nó vẫn hiện hữu rõ rệt trong thế giới đương đại.
Cung cấp tới người đọc một khối dữ liệu khổng lồ về một chủ đề cũng đồ sộ không kém, Paul Johnson chia Lịch sử Do Thái thành năm phần.
Hai phần đầu điểm lại cội nguồn của dân tộc Do Thái từ những bằng chứng, chi tiết nằm rải rác trong các tư liệu cổ với độ xác tín khác nhau còn lưu lại tới ngày nay, cũng như sự hình thành và những nguyên lý cơ bản của Do Thái giáo, mối liên hệ mạnh mẽ, bền chắc đã giúp người Do Thái duy trì sự đoàn kết trong dân tộc cũng như bảo tồn được các giá trị truyền thống cốt lõi của họ qua thử thách của thời gian.
Phần ba và phần bốn của cuốn sách là phần lịch sử lang bạt của người Do Thái khi họ lang bạt khắp thế giới, cũng như phương thức tổ chức của họ để duy trì sự tồn tại của cộng đồng dân tộc mình, đồng thời cũng thích ứng và tạo dựng chỗ đứng trong các xã hội sở tại. Ba phần cuối của cuốn sách, từ phần năm tới phần bảy, là câu chuyện về chủ nghĩa phục quốc và sự ra đời của nhà nước Do Thái hiện đại.
Trong phần một “Người Do Thái”, Paul Johnson giới thiệu với độc giả nguồn gốc của dân tộc Do Thái như chúng ta biết từ các nguồn tư liệu văn tự và khảo cổ.
Dựa trên Kinh Thánh, đặc biệt là phần Cựu Ước, kết hợp đối chiếu với các nghiên cứu lịch sử, khảo cổ của vùng Trung Cận Đông, tác giả đã lần ngược lại nguồn gốc của các tổ phụ Do Thái bắt đầu từ Abraham cho tới Moses, một nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng với dân tộc Do Thái, người theo Kinh Cựu Ước đã dẫn dắt dân Do Thái rời bỏ Ai Cập tới miền đất hứa, nơi sau này Solomon đã dựng nên Ngôi đền thứ nhất để thờ phụng Chúa.
Paul Johnson vừa dẫn dắt người đọc theo niên biểu của Cựu Ước vừa lý giải ý nghĩa sâu xa của những câu chuyện được thuật lại trong đó, vừa kết nối những chi tiết này với những mốc niên đại đã được xác lập từ các bằng chứng khảo cổ, nghiên cứu khoa học để dẫn độc giả qua giai đoạn lịch sử Cổ Đại đã hình thành nên người Do Thái về mặt dân tộc, phong tục, tôn giáo, đồng thời cũng chứng kiến lần đầu tiên tộc người này coi một vùng đất – miền Đất Hứa – làm nơi định cư, nơi họ thuộc về, và cũng là nơi họ xây dựng vương quốc Do Thái đầu tiên dưới hai vị vua David và Solomon.
Tiếp theo là sự xung đột nội bộ trong cộng đồng Do Thái dẫn tới sự tan rã nhanh chóng của vương quốc này, kết thúc là cuộc tấn công Jerusalem của người Babylon, người Do Thái lại rơi vào kiếp lưu đày, còn Ngôi đền thứ nhất bị phá hủy.
Phần hai “Do Thái giáo” là câu chuyện của dân tộc Do Thái kể từ thời kỳ Tha hương tại Babylon trong khoảng nửa thế kỷ vào thế kỷ VI TCN, cuộc trở về Jerusalem và Đất Hứa nhờ sự khoan dung của Cyrus, quá trình hình thành tân chính thống Do Thái, tôn giáo sẽ chi phối đời sống tinh thần của người Do Thái từ đó về sau.
Quan trọng hơn, Do Thái giáo cũng là độc thần giáo đầu tiên trong lịch sử loài người. Triết lý tôn giáo khác biệt hẳn so với các đa thần giáo cổ xưa đã giúp Do Thái giáo có nền tảng bền vững hơn, thuyết phục hơn. Nhờ vậy, Do Thái giáo còn trở thành nguồn cảm hứng cho việc hình thành hai độc thần giáo phổ biến nhất trên thế giới hiện nay là Ki tô giáo và Hồi giáo.
Trong đó, sự hình thành Ki tô giáo và xung đột của tôn giáo này với Do Thái giáo cũng để lại nhiều hệ lụy cho người Do Thái tới tận ngày nay, trong đó có tinh thần bài Do Thái. Bên cạnh đó là câu chuyện về quá trình hình thành Cựu Ước như chúng ta thấy ngày nay cùng hệ thống kinh điển, giáo luật của Do Thái giáo cũng như ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo lên nhân sinh quan, thế giới quan cũng như văn chương Do Thái cổ đại.
Đây cũng là thời kỳ người Do Thái liên tục va chạm với các thế lực khác thống trị họ, từ người Ba Tư tới người Hy Lạp, người Roma, kết cục là một cuộc tha hương nữa sau khi Jerusalem thất thủ trong cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại Roma hồi thế kỷ I.
Phần ba “Chế độ giáo sĩ trị” và phần bốn “Ghetto” tiếp nối cuộc hành trình của dân tộc Do Thái khi họ không còn quốc gia độc lập của mình, phải học cách trở thành một phần dân cư của đế chế Roma, rồi sau đó là của thế giới Ki tô giáo và thế giới Hồi giáo.
Do Thái giáo và tầng lớp giáo sĩ của nó đóng vai trò quan trọng để gắn kết cộng đồng và bảo vệ các giá trị truyền thống cũng như danh tính riêng biệt của dân tộc này.
Với tinh thần đề cao học tập, luôn luôn học tập để thích ứng, người Do Thái luôn biết cách tận dụng các đặc tính của các xã hội nơi họ sống để tạo lập chỗ đứng với các vai trò quan trọng như thương nhân, bác sĩ, học giả, thậm chí chen chân cả vào hệ thống chính trị. Song sự bướng bỉnh không khuất phục tôn giáo chiếm vai trò chủ đạo trong xã hội họ sống (Ki tô giáo hay Hồi giáo), người Do Thái luôn phải chấp nhận sự cư xử bất công của phong trào bài Do Thái, phải sẵn sàng đón nhận lệnh trục xuất khỏi bất cứ thành phố, vương quốc nào do bất cứ lý do nào.
Kết quả của xu thế này là việc cô lập người Do Thái vào những khu vực riêng biệt (các ghetto) tại các thành phố lớn, trở nên phổ biến vào cuối thời Trung cổ. Các ghetto trở thành những không gian đặc biệt, nơi người Do Thái duy trì các hoạt động cộng đồng của mình, nhưng đồng thời cũng liên tục tương tác với cư dân bản địa.
Điều này đã dẫn tới hình thành các cộng đồng Do Thái với những bản sắc ít nhiều khác nhau tùy thuộc nơi định cư, những luồng tư tưởng triết học, tôn giáo mới trong thế giới tinh thần của người Do Thái, bao gồm cả sự du nhập của các luồng tư tưởng cấp tiến bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng tại châu Âu thế kỷ 18.
Người Do Thái cũng trở nên “nhập thế” với những xã hội bản địa tùy thuộc vào mức độ khoan dung, cởi mở của các xã hội này, và đạt được những thành công đáng kể không chỉ trong địa hạt tài chính – ngân hàng (gia tộc Rothchild) mà còn bước chân vào giới quý tộc, thượng lưu chính trị châu Âu như trường hợp của Benjamin Disraeli, trở thành những người đi tiên phong trong các tư tưởng mang tính cách mạng (như Karl Marx).
Nhưng khi người Do Thái dần phá bỏ được các bức tường ghetto để bước ra ngoài xã hội, cũng là lúc họ chạm trán chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại và dần cảm nhận được nhu cầu phải có một quốc gia riêng cho mình.
Phần năm “Giải phóng” điểm lại quá trình nỗ lực tích cực, có ý thức của các cộng đồng Do Thái tại các khu vực khác nhau như Anh, các quốc gia nói tiếng Đức, Pháp… nhằm giải phóng bản thân họ khỏi các hạn chế bị ép buộc lên người Do Thái thông qua đón nhận các tư tưởng tiến bộ sở tại, học hỏi ngôn ngữ, văn hóa bản địa, thậm chí đi xa tới mức đón nhận các tôn giáo chính thức bản địa (thông qua việc chịu lễ rửa tội để gia nhập cộng đồng Ki tô hay tự nguyện cải theo Hồi giáo), đồng thời loại bỏ các khía cạnh quá bảo thủ, lạc hậu trong tư tưởng, tôn giáo truyền thống Do Thái.
Tuy nhiên, sự nhìn nhận người Do Thái vẫn có sự khác biệt quá lớn giữa các quốc gia khác nhau, có những xã hội nơi cộng đồng Do Thái trở thành một bộ phận bình đẳng như tại Anh, hay có được sự tự do lớn như tại các quốc gia nói tiếng Đức và Pháp, trong khi họ vẫn phải chịu sự đối xử nghiệt ngã tại những vùng khác như lãnh thổ Nga.
Để rồi vỡ mộng trước tinh thần bài Do Thái thâm căn cố đế dù công khai hay ngấm ngầm ở ngay cả những xã hội được coi là khoan dung như Pháp (với những minh chứng như vụ Dreyfus), nhiều trí thức Do Thái như Herzl từ bỏ dần lập trường đồng hóa tích cực với xã hội bản địa, mà thay vào đó coi giải pháp triệt để cho người Do Thái là tìm một nơi trú ngụ ổn định, an toàn cho bản thân dưới hình thức một quốc gia của người Do Thái. Đây chính là nguồn gốc của chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hay chủ nghĩa Zion.
Phần sáu “Holocaust” và phần bảy “Zion” tóm lược lại những sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc Do Thái trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tuyên bố Balfour năm 1917 của chính phủ Anh là một thắng lợi quan trọng của những người theo chủ nghĩa Zion, là bước quan trọng đầu tiên hợp thức hóa về nguyên tắc việc thành lập một nhà nước Do Thái ở vùng lãnh thổ Palestin.
Những mầm mống của sự bất ổn tương lai cũng được bắt nguồn từ sự lựa chọn này, vì vùng lãnh thổ được đề cập đến vốn đã thưa thớt người Do Thái từ lâu, với phần lớn cư dân là người A rập Hồi giáo.
Với những người theo chủ nghĩa Zion, sự chung sống hài hòa với người A rập như tinh thần Tuyên bố Balfour là chưa đủ cho nỗi ám ảnh an toàn suốt hai thiên niên kỷ của người Do Thái. Họ cần một quốc gia do người Do Thái nắm quyền thống trị bằng mọi giá, điều chắc chắn sẽ khó nhận được sự đồng thuận của đa số người A rập địa phương. Bởi vậy, việc hiện thực hóa một nhà nước Do Thái như những người theo chủ nghĩa Zion mong muốn không đạt được nhiều tiến triển thực tế, trong khi xung đột tại Palestin giữa người Do Thái định cư.
Thay vì châu Âu, thế kỷ 20 chứng kiến nước Mỹ trở thành nơi có cộng đồng Do Thái đông đảo, giàu có nhất, có ảnh hưởng lớn nhất. Cộng đồng Do Thái tại Mỹ tạo dựng được vị trí vững chắc trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng tới công nghiệp điện ảnh, khoa học công nghệ, cho tới cả thế giới ngầm và tội phạm có tổ chức.
Tại châu Âu, tinh thần bài Do Thái bị đẩy lên đỉnh cao của sự tàn bạo dưới chế độ Quốc xã tại Đức, dẫn tới cuộc diệt chủng người Do Thái khủng khiếp trên toàn bộ lãnh thổ châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của chế độ này. Cơn ác mộng diệt chủng này cùng cách hành xử của đa số quốc gia châu Âu sau Thế chiến II trước những yêu cầu bồi thường danh dự, vật chất cho các nạn nhân Do Thái càng khiến người Do Thái được thuyết phục rằng một nhà nước Do Thái có chủ quyền là tối quan trọng, là câu trả lời duy nhất cho an toàn của họ và cần đạt được bằng mọi giá.
Bằng chứng là người Do Thái sẵn sàng viện đến bạo lực, khủng bố ngay cả với người Anh, quốc gia đã đi đầu trong ủng hộ nguyên tắc một vùng đất tự quản cho người Do Thái, khi tiến trình thành lập nhà nước Do Thái độc lập tại Palestin không được hiện thực hóa nhanh như mức họ mong muốn.
Cuối cùng, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nhà nước Israel, quốc gia hiện đại có chủ quyền đầu tiên của người Do Thái, cũng được thành lập năm 1948. Một động thái đương nhiên khiến người A rập đã sống lâu dài trên vùng đất Palestin cũng như toàn bộ thế giới Hồi giáo bất bình, dẫn tới cuộc xung đột vũ trang đầu tiên ngay khi Israel vừa thành lập.
Luôn tìm mọi cơ hội để củng cố vị thế độc lập của mình, vận dụng mọi phương thức để loại trừ các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, Israel trong giai đoạn 1948-1978 đã liên tục ở thế đối đầu quân sự với các quốc gia A rập láng giềng, thậm chí sẵn sàng bắt tay với Anh, Pháp, hai quốc gia thực dân cũ, trong cuộc xung đột kênh đào Suez năm 1956 hay chủ động tấn công phủ đầu Ai Cập, Syria và Jordan trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.
Nhưng rồi chiến thắng phải trả giá đắt năm 1973 đã cho Israel thấy thù địch thường trực với các nước láng giềng không phải là giải pháp bền vững lâu dài, và nước này đã có những động thái hòa giải, thậm chí là tìm kiếm đồng minh trong thế giới Hồi giáo.
Hiệp ước hòa bình với Ai Cập năm 1979 và việc trao trả bán đảo Sinai cho Ai Cập phần nào duy trì được vị thế cho Israel trên thế giới. Bất chấp những động thái như vậy và những tiến bộ trong thương lượng hòa bình khác như hiệp ước với người Palestine năm 1995 dẫn tới sự thành lập nhà nước Palestine độc lập, an ninh của người Do Thái vẫn chưa được đảm bảo hoàn toàn.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã bị chỉ trích nặng nề như một biến tướng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và quan điểm này vẫn còn nhận được sự ủng hộ tới tận ngày nay, khi những động thái như mở rộng các khu định cư của người Do Thái cũng như cuộc xung đột dai dẳng với người Palestine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc hoàn toàn trong tương lai gần.
Nguồn: https://zingnews.vn/con-duong-do-thai-post1439503.html
You must be logged in to post a comment Login