Một người đàn ông tại khu phố cổ Antakya ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Emily Garthwaite/The New York Times. |
Cô bé có đôi mắt buồn hẳn mới độ 10-12 tuổi. Cô gần như bất động, nhìn thẳng vào camera. Mỗi khi cô cử động, cô chậm chạp và uể oải. Người đàn ông cầm điện thoại quay nhận thấy chuyển động và hú lên trong sự ngạc nhiên, kích động.
“Có người ở đằng này! Có người ở đằng này!”.
Nhưng xung quanh không có ai lại giúp, chỉ có ánh sáng màu chì và sự tĩnh lặng nặng nề. Người ta hẳn đang đổ dồn về phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực vừa hứng chịu hai trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ richter.
Người đàn ông nọ tiến đến, nhận thấy cô bé bị bê tông đổ đè từ ngực trở xuống. Hai người không quen thân.
“Cháu có khát không?”, ông hỏi.
“Cháu lạnh”, cô bé trả lời. “Anh trai cháu cũng ở đây”.
“Cháu di chuyển được không?”
“Không ạ”, cô bé thều thào. Giọng nói chỉ chực tắt, cô gắng gượng nói sao cho người đàn ông nghe được. Nhưng trong mắt cô không có một tia nhìn hy vọng nào. Đã nửa ngày trôi qua kể từ trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 4 giờ sáng. Chẳng mấy chốc, trời sẽ lại tối. “Cháu di chuyển chân được không?”.
“Khó lắm ạ”, lần này cô nói rất khẽ, phải cố mới hiểu được. Trên mặt cô, bỗng có một biểu cảm như thể cô muốn trốn tránh, như thể cô xấu hổ vì tình trạng của mình.
Tuyết rơi không ngớt trong đêm và đến sáng, có một lớp chăn phủ lên nỗi đau sau cơn địa chấn, phủ lên người chết và người sắp chết, lên đống đổ nát mà mới đêm trước, còn là những căn nhà 2-3 tầng, những tòa nhà 15-16 tầng.
Chúng ta, người xem, cảm nhận được rằng người quay phim đang không biết làm gì. Chỉ mình ông ta không thể kéo cô gái ra khỏi đống bê tông nặng khủng khiếp ấy. Hai người rơi vào im lặng.
Đôi mắt của cô bé bắt đầu có vẻ đờ đẫn, mặt cô hiện rõ nỗi đau đớn và kiệt sức.
“Cháu ở yên nhé. Chú sẽ đi tìm người giúp. Mọi người sẽ đưa cháu ra khỏi đây”.
Nhưng ông ta không có vẻ chắc chắn. Khu phố này, bị trận động đất san phẳng, hẳn cách khá xa trung tâm thành phố. Đường và cầu đều đã bị phá hủy, cứu trợ vẫn chưa tới. Không có dấu hiệu nào cho thấy đội cứu trợ sẽ sớm xuất hiện.
Một số cư dân tại đây, những người may mắn còn sống và thoát được ra khỏi những căn nhà đổ nát trong đêm tuyết, hẳn đã tìm nơi trú ẩn, tránh rét. Có khả năng, ngoài bé gái kia và người anh trai, không ai trong gia đình cô còn sống. Không ai còn sống để tìm cứu cô. “Đừng đi”, đứa trẻ trong đống đổ nát nói.
“Chú phải đi thôi, nhưng chú sẽ quay lại!”, người đàn ông trấn an. “Chú sẽ không quên cháu đâu. Chú đi gọi người tới giúp”.
Chứng kiến cảnh này, ta cảm thấy cô gái, sau nửa ngày cô quạnh, kẹt dưới lớp bê tông, đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết, tinh thần kháng cự đã gần kiệt quệ.
Dù vậy, cô bé lặp lại: “Đừng đi!”, giọng nói yếu ớt tựa như đang thì thầm.
“Chú sẽ đi để tìm người giúp cháu!”, người đàn ông nói và dù lần này, ông cao giọng hơn, người xem không thực sự tin lời ông.
Đến đây, thước phim kết thúc. Chúng ta không biết rồi ông ta có tìm được sự trợ giúp nào không. Thước phim này chỉ là một trong hàng trăm trường hợp, hàng trăm lời khẩn cầu tuyệt vọng tôi xem được trong ngày hôm đó. Tôi đã dán mắt vào màn hình hàng giờ liền, xem những thước phim. Như nhiều người khác, người đàn ông nọ đăng đoạn ghi hình lên Twitter, không bình luận gì thêm.
Tôi đã chờ đợi một video khác cho thấy cô gái bị mắc kẹt được giải cứu. Không có thêm video nào.
Tìm kiếm sự trợ giúp không dễ dàng như người quay video hẳn đã nghĩ. Theo số liệu do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ công bố, khoảng 7.000 tòa nhà trong khu vực đã bị hư hại hoặc phá hủy. Trận động đất cũng tấn công Syria. Số nạn nhân thực sự có thể cao hơn nhiều so với con số trong báo cáo, số lượng các tòa nhà bị sập thực tế có thể cũng lớn hơn nhiều.
Tại những nơi xảy ra động đất, đường phố không an toàn để đi lại, điện thoại chập chờn do mất điện và tắc nghẽn mạng. Có rất ít thông tin về tình trạng ở những vùng sâu, vùng xa. Trên Twitter và mạng xã hội, chúng ta thấy các bài đăng ngụ ý rằng một số ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng điều này có đúng không?
Đây là trận động đất lớn nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 80 năm qua; là trận động đất lớn thứ tư mà tôi đã trải qua, kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Sau trận động đất Marmara năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, tôi đã đến Yalova, một trong những thị trấn bị trận động đất ấy tàn phá. Tôi lang thang hàng giờ giữa đống xi măng đổ nát, lòng đầy vơi cảm giác tội lỗi và trách nhiệm, nghĩ rằng ít nhất mình có thể giúp dọn dẹp đống đổ nát, để rồi lại trở về nhà mà không giúp được ai cả.
Cảnh tượng khủng khiếp ngày hôm ấy cứ ám ảnh tôi, nỗi thất vọng và buồn bã đeo bám tôi, muốn quên đi mà không sao quên được.
Giờ đây, ký ức ấy bỗng bị những cảnh tượng mới lấn át. Nhưng tất cả hình ảnh đều quá quen thuộc. Cảm giác bất lực nghiền nát tôi.
Một người đàn ông cầu nguyện gần đống đổ nát ở Kahramanmaras. Ảnh: Nir Elias/Reuters. |
Sân bay bị hư hại, đường xá không thể đi lại, thậm chí các tập đoàn truyền thông cũng phải mất hàng giờ mới tiếp cận được địa ngục trần gian mà trận động đất đã tạo ra. Nửa ngày sau thảm họa, họ đến những con phố đầy tuyết, mưa và gió, để rồi đối mặt với hàng triệu người đang giận dữ chờ đợi sự giúp đỡ.
Theo con số do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ công bố, 13,5 triệu người trong khu vực đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có thể có tới 23 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị ảnh hưởng.
Người ta cảm giác như tận thế thực sự đã đến vào chín giờ sau trận động đất 7,8 độ richter đầu tiên. Khi ấy là nửa đêm, động đất thứ hai, mạnh 7,5 độ richter xảy ra.
Trận động đất thứ hai này, có tâm chấn cách trận đầu tiên khoảng 60 dặm. Tại đây, hàng triệu người đã chạy ra khỏi nhà từ khi cảm nhận dư chấn của cơn động đất đầu tiên. Khi trận thứ hai xảy đến, họ chứng kiến một thước phim kinh dị.
Đám đông lang thang trên đường phố tìm kiếm sự giúp đỡ, tìm kiếm đồ ăn hoặc một chỗ ấm cúng, có mái che để trú ẩn. Họ dùng tay không, bới những viên gạch, những vụn xi măng. Họ bắt đầu lấy điện thoại ra, quay lại cảnh tượng đổ nát, thốt lên “Ôi trời ơi, ôi trời ơi”, rồi trong nháy mắt, tòa nhà này nối tòa nhà kia đổ sụp xuống như thể chúng được dựng bằng những lá bài, bỏ lại hàng núi bụi mờ mịt.
Nhiều người đã đăng lên mạng những hình ảnh rùng rợn mà không bình luận gì nhiều. Họ làm vậy để gửi đi hai thông điệp. Đầu tiên là cảnh tượng gây sốc: quy mô lớn không tưởng của thảm họa động đất lần này. Hai là cảm giác bị bỏ rơi, tuyệt vọng, đau đớn. Những cảm xúc này được cả nước chia sẻ.
Hàng loạt hình ảnh tựa như chụp trong ngày tận thế đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và bản năng chia sẻ, tập hợp nhân chứng, để ghi lại dấu ấn, cất lên diễn ngôn và yêu cầu thế giới nghe họ. Ở trung tâm đổ nát của nhiều thành phố lớn, bất kỳ ai trong tầm với micrô của phóng viên dường như đều hét lên “Máy quay đây, máy quay đây, chúng tôi cần giúp đỡ, chúng tôi cần thức ăn, chính phủ ở đâu, đội cứu hộ đâu?”
Viện trợ đã được gửi đi, nhưng những chiếc xe tải chở đầy hàng tiếp tế bị mắc kẹt hàng giờ trên những con đường tắc nghẽn cách khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất đến hàng trăm dặm.
Những người mất nhà cửa, gia đình, người thân, họ không tìm thấy gì ngoài đám cháy bùng lên trong thành phố, đám cháy không người dập. Và vì vậy, họ chặn đường mọi phương tiện trong tầm mắt như cảnh sát hay nhân viên chính phủ. Tôi chưa bao giờ thấy người dân Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đến vậy.
Khi ngày thứ hai chìm vào màn đêm, những tiếng động phát ra từ đống đổ nát nhỏ dần, người trên đường bắt đầu quen với nỗi kinh hoàng. Đám đông bắt đầu tập trung trước xe tải phân phát bánh mì và thức ăn. Bầu không khí tức giận, cay đắng, tuyệt vọng vẫn không hề nguôi ngoai.
Ngày hôm sau, từ các bài đăng trên mạng xã hội, tôi biết được rằng có một số bác sĩ đã tự mình đi một quãng đường dài để đến cứu trợ, nhưng dường như không một ai có thẩm quyền đứng ra chỉ đạo khi họ khi đến nơi. Trước sự thất vọng kinh hoàng của người dân, một số bệnh viện công thậm chí đã đổ sụp xuống.
Hai ngày sau, vài đội cứu viện đến được trung tâm của các thành phố chính. Nhưng đối với nhiều người, những đội cứu viện này quá ít và quá muộn.
Orhan Pamuk, sinh năm 1952, người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 2006 vì khả năng “đào sâu vào tâm hồn u uẩn của thành phố quê hương, khám phá ra những biểu tượng mới của những xung đột, giao thoa văn hóa”.
Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm đặt bối cảnh tại quê nhà của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, được độc giả đón nhận tích cực, như Tên tôi là đỏ, Bảo tàng ngây thơ, Istanbul, Nàng tóc đỏ, Xa lạ trong tôi…
You must be logged in to post a comment Login