Nhà văn Pháp Patrick Modiano đoạt giải Nobel Văn chương năm 2014. Không chỉ sáng tạo nên những tác phẩm hay, ông còn là người yêu thích đọc sách. Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Pauline Cochran trên The New York Times, Patrick Modiano chia sẻ về sách và đọc sách.
Một cuốn sách hay phải có văn phong ấn tượng
– Ông đang đặt đầu giường những sách nào?
– Có cả một chồng tôi đang đọc, phần lớn là sách kinh điển.
– Có thể có một cuốn sách hay nhưng văn phong không tốt không? Có yếu tố nào có thể giúp làm lu mờ khía cạnh văn phong?
– Không. Một cuốn sách hay phải có văn phong ấn tượng, giai điệu ngôn từ ấn tượng.
– Cuốn sách nào đã đem lại cho ông trải nghiệm đọc tuyệt nhất?
– Nhiều lắm. Một số tôi có thể nhớ ra: Stendhal, Dickens, Balzac, Tolstoy, Chekhov, Melville – tất cả nhà văn vĩ đại thế kỷ XIX. Mà tôi cũng muốn thêm một vài cái tên thuộc thế kỷ XVIII như Abbé Prévost, Restif de la Bretonne, tự truyện của Duc de Saint-Simon…
– Vậy còn thế kỷ XX, nhà văn – tiểu thuyết gia – nhà soạn kịch – nhà phê bình – nhà báo – nhà thơ nào được ông mến mộ?
– Từ năm 16 tuổi, tôi đã ngưỡng mộ Ernest Hemingway, Carson McCullers, Cesare Pavese, Malcolm Lowry và một nhà thơ, W.B. Yeats. Và tất nhiên, Thomas Mann với tiểu thuyết Núi thần.
– Có tác giả nào ông yêu thích mà cảm thấy vẫn còn quá ít người biết tới không?
– Có một tác giả trẻ tôi thích và từng gặp trực tiếp: Tristan Egolf. Theo tôi, anh ấy là một trong những người vĩ đại nhất trong thế hệ anh. Tôi bước vào phòng anh trong một tối mùa đông năm 1995. Trên bàn, có cả một chồng bản thảo. Chi chít chỗ sửa, chữ viết tay díu dít nhau. Tôi nghĩ đến lối viết vi mô của một nhà văn khác mà tôi yêu thích, Robert Walser.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh ấy dày 400 trang. Vợ tôi đọc bản thảo trước tôi và đã xác nhận được trực giác của tôi về tác giả trẻ này.
Tôi cảm thấy chàng trai trẻ 23 tuổi này có thể đứng cùng hàng với những người như Walser, những người làm cho văn xuôi nhảy múa như những vũ công ba lê nhỏ, những người, theo cách nói của Walser, “nhảy múa cho đến khi họ hoàn toàn kiệt sức và gục ngã”.
Tôi tin chắc rằng Tristan Egolf sẽ tìm được vị trí xứng đáng của mình trong hàng những nhà văn Mỹ vĩ đại. Anh ấy tựa một ngôi sao băng trong thế hệ mình.
– Ông được xem như nhà văn viết tiểu thuyết bán tự sự (autofictionalist) đầu tiên đoạt giải Nobel. Ngoài Annie Ernaux, có nhà văn viết tiểu thuyết bán tự truyện nào khác mà ông muốn giới thiệu?
– Tôi không thực sự hiểu được “tiểu thuyết bán tự truyện” là gì. Với tôi, mọi người viết – tiểu thuyết gia hay nhà thơ – đều tìm cảm hứng từ trải nghiệm sống, chuyển những gì họ quan sát được vào văn bản và cách điệu hóa chất liệu này.
– Nhà văn nào mà ông thấy đặc biệt giỏi tường thuật lại ký ức và vai trò của ký ức trong cuộc sống?
– Phần lớn tiểu thuyết gia là những người tường thuật ký ức. Điều này trái ngược với nghề báo, những tù nhân của hiện tại trước mắt. Ngay cả khi một tiểu thuyết gia viết sách lấy cảm hứng từ hiện tại trực tiếp, hiện tại này được chiếu qua một chiều không gian khác, chiều không gian của văn học, chứ không phải chiều không gian của báo chí. Ví dụ, tác phẩm Chuông nguyện hồn ai của Hemingway viết về chiến tranh Tây Ban Nha ngay tại thời điểm cuộc chiến ấy đang diễn ra.
Và hiện thực, một khi trải qua sự chiêm nghiệm và mơ mộng nơi tâm trí một nhà văn, sẽ có thêm một lực hấp dẫn, một vọng âm, một sự vang dội đặc thù mà ban đầu nó không có. Đó là cách tiểu thuyết gia gieo thần chú lên độc giả của họ.
– Đối với những người muốn hiểu về nước Pháp, ông giới thiệu tác phẩm nào?
– Về nước Pháp thì tôi không biết. Nhưng về Paris, tôi sẽ giới thiệu cuốn tiểu thuyết Mỹ A moveable feast của Ernest Hemingway.
– Ông thấy tác giả đương đại nào của Pháp xứng đáng được đọc rộng rãi?
– Ramuz, một nhà văn Thụy Sĩ viết tiếng Pháp, ông có lẽ là nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX, xét về ngôn từ và phong cách Pháp. André Dhôtel, tác giả của hơn 30 tiểu thuyết thuộc thể loại người ta gọi là hiện thực huyền ảo. Còn có Gaston Bachelard, một bậc thầy của những câu văn đậm chất thơ ca.
Nhà văn Pháp Patrick Modiano. Ảnh: dpa/Frédéric Dugit. |
Chức năng đạo đức của sách
– Điều gì khiến ông xúc động nhất trong một tác phẩm văn học?
– Phong cách, nhịp điệu. Điều khiến tôi rung động là một giọng văn nhịp nhàng trò chuyện với tôi từ đầu đến cuối.
– Ông thích đọc sách giàu cảm xúc hay giàu tri thức hơn?
– Tôi thích cuốn nào chạm được cảm xúc của tôi.
– Ông sắp xếp sách của mình như thế nào?
– Thật không may, sẽ cần đến rất nhiều người mới sắp xếp được thư phòng của tôi. Người ta sẽ phải tạo ra một hệ thống thẻ lưu trữ trong đó tên của các tác giả và tên sách sẽ được xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Về cơ bản, nó sẽ chỉ ra vị trí chính xác của từng cuốn sách, bởi vì tôi thường dành hàng giờ, thậm chí hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng để tìm kiếm một cuốn sách. Có khi, tôi còn chẳng tìm thấy.
Sách của tôi xếp thành hai hàng trên giá sách, nên hàng đầu tiên che đi hàng thứ hai. Những cuốn khác chất đống trong tủ hoặc thùng. Hầu hết là trong các tủ lưu trữ.
Có thời điểm, tôi phải thanh lý khoảng 5.000 cuốn sách vì hết chỗ chứa. Lẽ ra tôi phải lập một danh sách liệt kê 5.000 cuốn sách này, vì tôi không còn nhớ tựa đề của chúng nữa. Vì rất nhiều khi, tôi cứ đi tìm sách mà không nhận ra là mình đã thanh lý cuốn đó rồi.
– Cuốn sách nào nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy trên giá sách của ông?
– Hàng loạt danh bạ điện thoại: từ Paris 1835 đến thập niên 1970, từ London đến Berlin; có cả danh bạ điện thoại thương mại từ những năm 30 ở các thành phố ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi, Úc và Quần đảo Thái Bình Dương, sổ đăng ký xã hội, danh mục rạp chiếu phim, nhà hát, vũ trường… trong đó có địa chỉ của hàng trăm nghìn người đã “biến mất”.
– Cuốn sách tuyệt nhất ông từng được tặng là gì?
– Trong nhiều năm trời, cứ dịp sinh nhật là vợ tôi tặng tôi một cuốn Manon Lescaut của Abbé Prévost. Mỗi năm một ấn bản khác nhau.
– Hồi nhỏ ông đọc gì? Cuốn sách hay tác giả nào ông đọc từ nhỏ mà giờ vẫn còn nhớ đến?
– Thế hệ tôi đọc rất nhiều khi còn nhỏ. Chúng tôi không có TV hay Internet. Tôi rất thích Đảo giấu vàng của Robert Louis Stevenson, The Prisoner of Zenda của Anthony Hope, The Scarlet Pimpernel của Baroness Orczy, Les Contes du Chat Perché của Marcel Aymé và Ba chàng lính ngự lâm của Alexandre Dumas. Tôi cũng thích đọc Mark Twain và Hans Christian Andersen.
– Theo ông, sách có tác động về mặt đạo đức như thế nào?
– Một cuốn sách có tác động sâu sắc hoặc gây xúc động biến bạn thành một người nhạy cảm hơn và do đó, trở thành một người tốt hơn. Đó là tác động về mặt đạo đức của sách.
– Nếu ông tổ chức một bữa tiệc văn chương và được mời 3 nhà văn, ông sẽ mời ai?
– Tôi không biết liệu có thể tổ chức một “bữa tiệc” văn chương mà mời 20 nhà văn như tổ chức một cuộc họp câu lạc bộ không. Tôi e là những nhà văn được mời, trừ phi đã quen biết từ trước, sẽ không có nhiều điều để nói với nhau mất. James Joyce và Marcel Proust từng gặp nhau trong một bữa tiệc ở Paris và theo tôi được biết, nội dung cuộc trò chuyện của họ chỉ vỏn vẹn như sau:
“Trời đang mưa”.
“Ông có ô không?”.
“Không”.
“Tôi cũng không”.
You must be logged in to post a comment Login