Bắt đầu từ đâu bây giờ? Tôi đã tự hỏi mình câu này hàng chục lần, mắt nhìn chăm chăm vào tờ giấy trắng. Có lẽ tôi cần một câu, một câu duy nhất – một chiếc chìa khóa – để mở đường cho cuốn sách và loại bỏ mọi ngờ vực ngay lập tức. Sau cơn choáng ngợp ban đầu với câu hỏi như: “Có thật là tôi đoạt Nobel không?”, thì hôm nay, tôi đối mặt với tình huống mà cứ mỗi lúc trí tưởng tượng của tôi lại reo thêm chút e ngại, đồng thời nhận thức rõ về sự cần thiết của việc này. Tôi cứ tìm câu mở đầu cho bài diễn từ, câu mở đầu sẽ cho tôi tự do và sự vững vàng để nói mà không run tại nơi tôi được mời tới.
Nhưng tôi chẳng phải tìm đâu xa. Câu mở đầu tự nảy lên trong tôi. Rõ ràng và dữ dội. Thơ ca tụng ngọc. Không thể phủ nhận. Tôi đã viết câu này vào nhật ký từ 60 năm trước. Tôi sẽ viết để trả thù cho cộng đồng mình. Một vọng âm từ lời của Rimbaud: “Tôi là một chủng tộc thấp kém từ muôn thuở”.
Tôi đã hai mươi hai. Tôi là sinh viên khoa Văn của một trường tỉnh, trong đám trai gái chúng tôi, nhiều người thuộc tầng lớp tiểu tư sản địa phương. Tôi tự hào và ngây thơ tin rằng viết sách, trở thành nhà văn, trở thành cuối cùng trong hàng ngũ những người lao động không có đất, công nhân nhà máy và chủ cửa hàng – những người bị coi thường về cách cư xử, giọng nói, sự thiếu giáo dục của họ – sẽ đủ để tôi khắc phục sự bất công giữa các tầng lớp xuất thân trong xã hội.
Tôi những tin rằng một chiến thắng cá nhân có thể xóa bỏ hàng thế kỷ thống trị và nghèo đói. Đây là ảo tưởng mà, nhờ thành tích học tập của tôi, trường học đã nuôi dưỡng trong tôi. Làm thế nào mà những thành quả của một cá nhân có thể phần nào chuộc lại những sự sỉ nhục và hành vi tội lỗi? Tôi chưa từng tự đặt mình câu hỏi đó. Và tôi có một vài lời bào chữa.
Kể từ khi tôi biết đọc, sách đã trở thành người bạn đồng hành của tôi. Đọc sách trở thành hoạt động ngoại khóa tự nhiên đối với tôi. Gu thưởng thức này được nuôi dưỡng bằng bàn tay của một người mẹ – một người mẹ đứng giữa những khách hàng trong tiệm cà phê tư, đọc nhiều tiểu thuyết và thường khuyến khích tôi đọc sách thay vì đan len và may vá. Giá thành cao, cộng với cái cách mà mọi người nghi ngờ việc đọc trong các trường công giáo, khiến sách vở càng trở nên cuốn hút đối với tôi. Don Quixote, Gulliver du ký, Jane Eyre, Truyện cổ Grimm và Andersen, David Copperfield, Cuốn theo chiều gió, rồi Những người khốn khổ, Chùm nho thịnh nộ, Buồn nôn, Người xa lạ. Tôi đọc một cách ngẫu nhiên, không theo chỉ dẫn nào từ trường học.
Bằng cách chọn nghiên cứu văn học, tôi đã chọn sống trong văn chương, điều này có giá trị lớn đối với tôi, thậm chí trở thành một lối sống khiến tôi lao mình vào những trang sách của Flaubert hay Virginia Woolf và sống cùng chúng theo đúng nghĩa đen. Văn học là một loại lục địa mà tôi vô thức đặt ở vị trí đối lập với môi trường xã hội của mình. Và tôi quan niệm viết chính là biến đổi hiện thực.
Tác phẩm đầu tay của tôi là một tiểu thuyết được viết với mục đích kiếm tìm một hình thức văn chương mới. Cuốn sách bị 2-3 nhà xuất bản từ chối nhưng không vì thế mà niềm khát khao và tự hào của tôi bị khuất phục. Chính hoàn cảnh sống nơi sức nặng của những khác biệt trong trải nghiệm sống của nữ giới và nam giới mới khiến tôi phiền lòng.
Xã hội đã thấm nhuần những vai trò xác định theo giới tính; cái xã hội đã cấm những biện pháp tránh thai và kết tội hành vi phá thai. Là người đã có chồng và hai con, làm việc trên giảng đường và việc nhà toàn thời gian, cứ mỗi ngày tôi lại rời xa cái ham muốn được viết và được báo thù cho cộng đồng mình một chút. Tôi không thể đọc phần Trước pháp luật trong tác phẩm Vụ án của Kafka mà không nhìn thấy thân phận mình trong ấy: chết mà chưa từng bước vào cánh cổng dành cho mình, chưa từng dấn thân vào cuốn sách mà chỉ mình tôi mới viết được.
Đó là còn chưa tính đến những tác động như hoàn cảnh riêng và những sự kiện lịch sử. Cái chết của cha tôi, người mất đúng 3 ngày sau khi tôi về thăm nhà trong một kỳ nghỉ; công việc dạy học tiếp xúc với những học sinh xuất thân từ tầng lớp lao động, một gia cảnh từa tựa như mình; các phong trào biểu tình từ khắp nơi: những yếu tố này đưa tôi trở lại với “cộng đồng” của tôi, qua những cung đường khó lường nhưng lại rất gần với gốc gác của tôi. Chúng mang đến cho tôi khát vọng bí hiểm và cấp bách: khát vọng viết.
Chẳng còn cái ảo tưởng được viết vô tư lự của những năm đôi mươi, giờ đây tôi muốn đi sâu vào những điều không thể kể xiết trong ký ức bị kìm nén, đưa ra ánh sáng cái cách cộng đồng tôi sống. Viết để hiểu những lý do, cả nội tâm lẫn ngoại tâm, đã khiến tôi xa rời gốc gác của mình.
Khi viết, chẳng có lựa chọn nào là hiển nhiên. Nhưng những người, như dân nhập cư, không còn nói ngôn ngữ của cha mẹ họ là những người, như kẻ đào ngũ, nói, nghĩ và biểu hiện với ngôn từ khác và đối mặt với những rào cản khác. Tiến thoái lưỡng nan. Họ thực sự cảm thấy khó khăn, thậm chí không thể viết bằng thứ ngôn ngữ phổ biến họ đã được dạy, thứ mà họ đã thành thạo và ngưỡng mộ trong các tác phẩm văn học, hay bất cứ thứ gì liên quan đến cái gốc gác của họ, thế giới đầu tiên của họ, được tạo nên từ những cảm giác và từ ngữ mô tả cuộc sống thường nhật, công việc, địa vị xã hội.
Một mặt là thứ ngôn ngữ đặt tên cho mọi thứ, với sự tàn bạo và thầm lặng riêng, như ngôn ngữ trao đổi thân mật giữa người mẹ và đứa con trai trong bài viết rất hay của Albert Camus, Giữa có và không. Mặt khác là những hình mẫu của các tác phẩm được nội tâm hóa, được ngưỡng mộ, đã mở ra “thế giới đầu tiên” cho độc giả (hẳn những tác phẩm ấy phải cảm thấy mắc nợ vì đã nhờ có thứ ngôn ngữ ấy mà chúng được nâng tầm, có khi còn là chất liệu chính tạo nên một tác phẩm).
Những tác phẩm có kiểu ngôn ngữ này mà tôi đã đọc gồm có Flaubert, Proust, Virginia Woolf. Khi tôi quay lại với việc viết, không ai trong số các tác giả này giúp ích được gì cho tôi. Tôi đã phải đoạn tuyệt với việc “viết hay”, với những câu văn đẹp (chính tôi cũng đã dạy học sinh mình viết kiểu này) để giải quyết tận gốc, bộc lộ và hiểu được những vết nứt chạy dọc người tôi.
Điều đến với tôi một cách tự nhiên là âm thanh của thứ ngôn ngữ truyền đạt vẻ tức giận và chế nhạo, thậm chí thô lỗ; một ngôn ngữ thái quá, nổi loạn, thường được sử dụng trong nhóm người bị sỉ nhục và bị xúc phạm, được sử dụng như phản ứng duy nhất họ có để chống lại ký ức về sự khinh miệt của người khác, về sự xấu hổ và nỗi xấu hổ khi cảm thấy xấu hổ.
Một vài tác phẩm nổi bật của Annie Ernaux. Ảnh: NYT. |
Rất nhanh chóng và dường như hiển nhiên, đến mức tôi không thể tưởng tượng nổi cách nào khác để đặt bút, tôi viết ra những câu chuyện về những rạn nứt trong cuộc sống xã hội của tôi, đặt trong những tình huống tôi từng trải qua khi còn là một sinh viên, một tình huống mà nước Pháp thấy thật đáng tởm. Đất nước này vẫn lên án phụ nữ vì đã có nhu cầu phá thai và phải tìm đến những kẻ hành nghề chui. Tôi muốn mô tả mọi thứ đã xảy ra với cơ thể thiếu nữ của tôi. Và từ đây, không lường trước được, cuốn sách đầu tay xuất bản năm 1974 đã vạch ra lĩnh vực mà tôi sẽ gieo mầm ngòi bút của mình vào, một lĩnh vực vừa xã hội vừa nữ quyền. Kể từ khi ấy, trả thù cho thế hệ và cho giới tính của tôi hợp thành một nhiệm vụ chính.
Làm sao người ta có thể suy ngẫm về cuộc sống mà không suy ngẫm về việc viết lách? Không băn khoăn liệu chữ viết củng cố hay phá vỡ những biểu tượng đã được chấp nhận, được nội tâm hóa về các sinh vật và sự vật? Với tính chất bạo lực và chế giễu của nó, chẳng phải văn phong của phe nổi dậy đã phản ánh thái độ của những người bị thống trị hay sao? Khi độc giả được hưởng những đặc quyền văn hóa, người đó sẽ duy trì một cái nhìn áp đặt và trịch thượng đối với một nhân vật trong sách như cách anh ta sẽ làm trong đời thực.
Do đó, ban đầu, để trốn tránh những ánh nhìn kiểu ấy, khi tôi hướng ngòi bút vào cha mình, tôi đã áp dụng một kiểu viết trung lập, khách quan, cuốn “phăng” theo cái nghĩa là không chứa ẩn dụ hay cảm xúc. Cảm xúc bạo liệt không còn trình diện mà được khơi gợi một cách tự nhiên từ chính sự thật chứ không phải từ văn bản. Việc tìm kiếm những từ chứa đựng cả thực tế và cảm giác do thực tế mang lại trở thành mối quan tâm thường xuyên của tôi khi viết, bất kể chủ đề là gì.
Tôi thấy cũng cần thiết phải tiếp tục sử dụng chủ thể “tôi”, nói một cách văn vẻ là sử dụng ngôi thứ nhất số ít, cái ngôi mà chúng ta tồn tại từ khi biết nói cho đến khi chết (theo hầu hết ngôn ngữ). Ngôi kể này khi mà được áp vào chính tác giả chứ không phải nhân vật hư cấu thì thường bị coi là mang tính ái kỷ.
Nên nhớ rằng cái ngôi kể “tôi”, cho đến nay vẫn là đặc quyền của giới quý tộc kể lại những chiến công trong các hồi ký. Vào thế kỷ XVIII, nước Pháp đã có một cuộc chinh phục dân chủ để khẳng định quyền bình đẳng của các cá nhân và quyền trở thành chủ đề trong câu chuyện của họ, như Jean-Jacques Rousseau đã tuyên bố trong phần mở đầu cuốn Tự thú: “Và đừng ai phản đối rằng, là một công dân, tôi không có gì để nói mà đáng được độc giả quan tâm. […] Dù có thể tôi đã sống một số phận nhỏ bé, nếu tôi tư duy nhiều hơn và hay hơn các vị Vua, thì câu chuyện về tâm hồn tôi sẽ thú vị hơn cả câu chuyện của họ”.
Không phải niềm tự hào bình dân này đã thúc đẩy tôi (mặc dù, đã nói rằng…), mà là mong muốn sử dụng cái “tôi” – một hình thức vừa nam tính vừa nữ tính – như một công cụ khám phá, ghi lại những cảm giác mà ký ức đã chôn vùi, những cảm xúc mà thế giới quanh ta vẫn không ngừng chia sẻ mọi lúc, mọi nơi. Điều kiện tiên quyết của cảm giác đối với tôi vừa trở thành kim chỉ nam vừa trở thành cam kết cho tính xác thực với nghiên cứu của tôi.
hưng để làm gì? Không phải để kể câu chuyện về cuộc đời tôi hay để giải phóng bản thân khỏi những bí mật riêng tư mà để giải mã một tình huống sống, một sự kiện, một mối quan hệ lãng mạn. Từ đó, câu chuyện tiết lộ một điều gì đó mà chỉ có viết lách mới có thể tạo ra, có thể truyền vào ý thức và ký ức của người khác.
Ai có thể nói rằng tình yêu, nỗi đau, nỗi tiếc thương, sự xấu hổ, không phổ biến? Đại văn hào Victor Hugo đã viết: “Không ai trong chúng ta có vinh dự được sống một cuộc đời chỉ của riêng mình”. Nhưng vì mọi thứ đều được sống một cách không lay chuyển trong trải nghiệm cá nhân – “điều này đang xảy ra với tôi” – chúng chỉ có thể được đọc giống nhau nếu cái “tôi” của cuốn sách trở nên trong suốt (trở nên trung tính) và cái “tôi” của người đọc lĩnh hội được nó.
Đó là cách tôi xây dựng bản cam kết viết lách riêng, không viết “cho” một loại độc giả nhất định, mà viết “từ” kinh nghiệm cá nhân với tư cách một phụ nữ, một người nhập cư-nội địa; từ ký ức ngày càng dài của tôi về những năm tháng tôi đã sống cũng như từ hiện tại, một nguồn cung vô tận những hình ảnh và lời nói của người khác.
Cam kết viết lách này được củng cố với niềm tin (nay đã trở nên chắc chắn) rằng một cuốn sách có thể góp phần thay đổi cuộc sống cá nhân, giúp phá vỡ nỗi cô đơn của những trải nghiệm chịu đựng và kìm nén, đồng thời giúp con người nhìn nhận lại chính mình. Khi điều không thể nói ra được đưa ra ánh sáng, nó trở thành chính trị.
Ngày nay, chúng ta thấy nhiều phụ nữ đã nổi dậy. Họ đã tìm ra ngôn từ để phá vỡ quyền lực của nam giới và như ở Iran, họ nổi dậy chống lại hình thức cổ xưa nhất của quyền lực nam giới. Tuy nhiên, khi viết ở một đất nước dân chủ, tôi tiếp tục băn khoăn về vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực văn học. Họ vẫn chưa đạt được tính hợp pháp với tư cách là nhà sáng tạo của các tác phẩm viết.
Có những người đàn ông trên thế giới, bao gồm cả giới trí thức phương Tây, đối với họ, những cuốn sách do phụ nữ viết đơn giản là không tồn tại; họ không bao giờ trích dẫn các tác giả nữ. Việc Viện hàn lâm Thụy Điển công nhận tác phẩm của tôi là một dấu hiệu đầy hy vọng cho các nhà văn nữ.
Khi làm sáng tỏ những điều không thể nói ra được của xã hội, về những mối quan hệ quyền lực được nội tâm hóa liên quan đến giai cấp và/hoặc thế hệ, cả giới tính, chỉ được cảm nhận bởi những người đã trực tiếp trải nghiệm tác động của chúng. Đó là khả năng giải phóng cá nhân mà cả tập thể xuất hiện. Giải mã thế giới thực bằng cách tước bỏ nó khỏi tầm nhìn và giá trị của (mọi) ngôn ngữ chính là đảo lộn trật tự đã được thiết lập cho ngôn ngữ, đảo lộn các thứ bậc của ngôn ngữ.
Nhưng tôi không nhầm lẫn tuyên ngôn chính trị của tác phẩm với những lập trường mà tôi cảm thấy bắt buộc phải thực hiện đối với các sự kiện, xung đột và ý tưởng. Tôi thuộc thế hệ hậu chiến, sau Thế chiến thứ II, khi các nhà văn và trí thức đặt mình vào vị trí có quan hệ mật thiết với nền chính trị Pháp và tham gia vào các cuộc đấu tranh xã hội như một lẽ tất nhiên.
Ngày nay, không thể nói liệu mọi thứ có khác đi hay không nếu họ không lên tiếng và cam kết. Trong thế giới đương đại, nơi mà sự đa dạng của thông tin và tốc độ hình ảnh vụt qua khiến cho con người có vẻ thờ ơ thì việc tập trung vào nghệ thuật của một cá nhân trở nên đáng chú ý.
Trong khi đó, ở châu Âu, một hệ tư tưởng thoái lui và “đóng” đang phát triển, dần giành được chỗ đứng ở các nước dân chủ. Hệ tư tưởng lâu nay được thành lập dựa trên việc loại trừ người nước ngoài và dân nhập cư, bỏ rơi nhóm yếu kinh tế, giám sát cơ thể phụ nữ. Hệ tư tưởng này đòi hỏi những người tin vào quyền bình đẳng phải đề cao cảnh giác.
Bằng cách trao cho tôi danh hiệu văn học cao quý nhường này, một ánh sáng rực rỡ đang rọi vào công việc viết lách và nghiên cứu, loại việc được thực hiện trong cô đơn và nghi ngờ. Ánh sáng này không làm tôi lóa mắt. Tôi không cho rằng giải Nobel được trao cho tôi là một chiến thắng cá nhân. Tôi coi đây là một chiến thắng tập thể, không phải vì tự hào hay khiêm tốn.
Tôi chia sẻ niềm tự hào về nó với những người đang hướng đến tự do, bình đẳng và phẩm giá cao hơn cho mọi người, bất kể giới nào, màu da nào và văn hóa nào; và với những người còn nghĩ cho thế hệ tương lai, nghĩ đến việc bảo vệ Trái Đất này, nơi một số kẻ hám lợi đã khiến cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Nếu tôi nghĩ lại về lời hứa năm đôi mươi, lời hứa sẽ trả thù cho cộng đồng mình, tôi không thể nói rõ liệu tôi đã thành công hay chưa. Chính từ lời hứa này, và từ tổ tiên của tôi, những người chăm chỉ, quen với những công việc khiến họ phải chết sớm, mà tôi đã nhận được đủ sức mạnh và cơn tức giận để có khát khao và tham vọng dành cho họ một vị trí trong văn học.
Tôi đã viết trong sự đồng hành của tập thể những diễn ngôn, đã được phép tiếp cận những thế giới khác, những cuộc đời khác, được hiểu cách chống đối và hiểu nỗi ham muốn thay đổi, để khắc ghi diễn ngôn của tôi với tư cách là một phụ nữ, một kẻ đào tẩu xã hội, vào không gian mang tính giải phóng của văn chương.
You must be logged in to post a comment Login