Ăn cơm với cá là cuốn sách ẩm thực tỉ mẩn của nhà báo Giang Vũ. Cuốn sách cung cấp những thông tin căn bản về các nét truyền thống trong ẩm thực Việt Nam, các công thức nấu cá Việt Nam và một vài mẹo sơ chế cá thông dụng.
Từ kinh nghiệm hơn 10 năm làm biên tập viên mảng ẩm thực, Giang Vũ đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu về cook book để thực hiện những cuốn sách ẩm thực chất lượng với hình ảnh đẹp, công thức chính xác, dễ tiếp cận.
Ấp ủ mong muốn lưu giữ công thức các món ăn truyền thống và tôn vinh vẻ đẹp của ẩm thực Việt, Giang Vũ nghiên cứu tỉ mỉ và cẩn thận, sau đó tự thực hành, viết, chụp các món ăn, làm nên cuốn sách Ăn cơm với cá.
Hình ảnh trong sách. Ảnh: Giang Vũ. |
Du lịch ẩm thực qua từng trang sách
Trải nghiệm “foodtour” cùng Ăn cơm với cá, độc giả còn có thể tự thực hành theo các công thức Giang Vũ cung cấp.
Văn phong giản dị, từ tốn nhưng giàu cảm xúc, nhà báo Giang Vũ dẫn độc giả qua từng trang sách, qua những món ăn quen thuộc, qua các vùng tuổi thơ của tác giả, gợi lại những kỷ niệm mà nhiều người Việt có.
Từ những hình ảnh và ngôn ngữ ấy, ký ức tuổi thơ êm ả, quang cảnh đồng ruộng đầy tôm cá cua ốc, khung cảnh mâm cơm gia đình Việt bình dị hiện lên, làm nổi bật những món ăn dân dã mà “không cao lương mĩ vị nào sánh bằng”.
Chính với lối tiếp cận gần gũi, quen thuộc nhưng độc đáo ấy mà Ăn cơm với cá tìm được cách tôn vinh ẩm thực Việt, văn hóa Việt.
Đọc Ăn cơm với cá, độc giả sẽ được trải nghiệm cách nấu các món cá ngon 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cuốn sách dành cho người thích nấu ăn mà còn dành cho người yêu thích và muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ăn cơm với cá tựa một chuyến du lịch ẩm thực với những món cá ngon là cầu nối.
Sách Ăn cơm với cá. Ảnh: Phươngnambook. |
Tôn vinh văn hóa dân tộc
Bếp trưởng Võ Quốc – Đại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam năm 2012 – cho rằng Ăn cơm với cá “dẫn dắt chúng ta đến với một hành trình bếp núc đậm đà, mà cũng rất thơ”. Còn Food Blogger Chánh Trần thì nhận xét rằng cuốn sách “đánh trúng tim đen của tất cả các tín đồ yêu cá”.
Nhà báo Giang Vũ cố gắng bảo lưu văn hóa ẩm thực từng vùng miền thông qua việc nghiên cứu kỹ các loại gia vị, cách nấu, cách nêm nếm, tạo ra cái ngon cho món cá từng vùng miền. Nhưng sự tinh tế trong ẩm thực Việt không chỉ dừng ở những cách tẩm ướp gia vị cầu kỳ, những phương thức nấu phức tạp, mà còn ở quan niệm nấu, ở ý nghĩa món ăn.
Các món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng chất chứa câu chuyện lịch sử riêng, tiết lộ những nét đặc trưng ở lối tư duy của người dân xứ An Nam. “Ăn cá thường phải theo mùa, theo con nước, phụ thuộc vào thiên nhiên chứ không phải lúc nào cũng mua được”, trích Ăn cơm với cá.
Hàng chục món cá đa dạng kiểu chế biến từ kho đến nấu canh, kèm những chú thích về nguồn gốc và trải nghiệm của chính tác giả vẽ nên một bức tranh văn hóa ẩm thực đậm đà hương sắc dân tộc.
Qua cuốn sách, ta thấy phong tục tập quán người Việt Nam thể hiện rõ qua thói quen ăn uống thường nhật. Đó là những thói quen từ xưa truyền lại, là thứ văn hóa ẩm thực theo quan niệm thuận với tự nhiên.
“Nhìn lại lịch sử của dân tộc thì ăn cơm với cá cũng phổ biến hơn ăn cơm với thịt gia súc, gia cầm. Từ xa xưa, người Việt rất hạn chế ăn gia súc, vì con trâu là một công cụ lao động quan trọng của nhà nông.
Người Việt cũng chỉ biết ăn thịt bò từ khi người Pháp vào Việt Nam. Còn gia cầm, mặc dù được nuôi ở mỗi gia đình tại làng quê, nhưng chỉ những dịp như nhà có khách, giỗ chạp, cưới xin, lễ lạt… người ta mới làm thịt. Bữa cơm hàng ngày phổ biến nhất vẫn là cá bắt ngoài mương, ruộng, ao, ngòi, sông, suối, kênh, rạch, biển… Vì đã có tuổi đời nghìn năm, công thức nấu món cá Việt Nam cũng trở nên hoàn hảo, thật khó mà thay đổi cho ngon thêm nữa”, Giang Vũ viết.