Connect with us

Sách hay

Cách mạng Tháng tám 1945

Được phát hành

,

Qua 6 chương sách với những tư liệu sống động, độc giả được lần mở bức tranh tổng quan về Cách mạng Tháng tám 1945. Tác phẩm đã phục dựng lại mốc son lịch sử để giúp ta ghi nhớ, tự hào về sự kiện trọng đại của dân tộc.

Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân. Thắng lợi ở Hà Nội mở ra phương thức giành chính quyền không đổ máu cho các tỉnh, thành khác.

Thành ủy Hà Nội khẩn trương chạy đua nước rút tới tổng khởi nghĩa. Trong cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa (15/8/1945) Xứ ủy Bắc Kỳ đặc biệt quan tâm và cân nhắc kỹ việc khởi nghĩa ở địa bàn chiến lược bậc nhất này. Xứ ủy chủ trương lập ngay Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội để tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Tối ngày 15/8, theo chỉ thị của Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị bất thường tại chùa Hà để kiểm điểm lực lượng và bàn những công việc cấp bách cần làm để tiến hành khởi nghĩa.

Sáng ngày 16/8, tại số nhà 101 phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), đồng chí Nguyễn Khang, thường vụ Xứ ủy, thay mặt Xứ ủy triệu tập một cuộc họp với Thành ủy, lập Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa), gồm 5 đồng chí: Nguyễn Khang ủy viên thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) cán bộ Xứ ủy; Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy; Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên.

Cuộc họp nhất trí phải tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội, song đây là địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt, cần phải nắm chắc hơn nữa thái độ của Nhật và bù nhìn, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chính trị để động viên sâu rộng quần chúng, đẩy mạnh việc chuẩn bị vũ trang.

Ha Noi gianh chinh quyen anh 1

Ấn phẩm Cách mạng tháng Tám 1945 – Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ảnh: Đình Ba.

Đêm 16/8, ở các rạp hát Hiệp Thành, Quảng Lạc, Tố Như, các rạp chiếu bóng Eden, Majestic, các đội tuyên truyền xung phong Việt Minh đã đứng lên diễn thuyết. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đường phố Hà Nội.

Cũng trong ngày 16/8/1945, các báo ở Hà Nội đăng hiệu triệu của Tổng hội công chức kêu gọi “toàn thể quốc dân” tham gia “cuộc biểu tình vĩ đại” tổ chức vào lúc 14 giờ, để “ủng hộ nền độc lập”, “bài trừ chính sách thực dân”. Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội nhận định động thái này “nằm trong quỹ đạo âm mưu mới” của Chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim nhằm “sơn phết lại chính quyền bù nhìn”, “đánh lạc hướng quần chúng”. Trên cơ sở phân tích đó, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phá cuộc mít tinh, biểu tình do Tổng hội viên chức tổ chức.

Chiều ngày 17/8/1945, đúng theo kế hoạch và chương trình đã đăng báo, cuộc mít tinh, biểu tình do Tổng hội công chức chủ trương diễn ra tại Nhà hát lớn. Các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành Hà Nội, ở Gia Lâm, Hà Đông cùng đông đảo 15 vạn nhân dân tràn ngập trước và xung quanh Nhà hát Lớn. Các đội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong Việt Minh, tuyên truyền xung phong Dân chủ đảng đứng lẫn trong quần chúng.

Cuộc mít tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong đám đông; đồng thời, một lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn được buông xuống từ ban công tầng 2 Nhà hát Lớn trong tiếng hoan hô ủng hộ Việt Minh vang dậy của quần chúng. Hai đội viên tuyên truyền xung phong Việt Minh, tuyên truyền xung phong Dân chủ đảng thay nhau lên diễn đàn thông báo tin phát xít Nhật đã đầu hàng, bọn Pháp lăm le đặt lại quyền thống trị, chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bất lực; hô hào nhân dân nổi dậy khởi nghĩa theo lệnh của Việt Minh:

“Đồng bào Việt Nam ai còn hoang mang hãy mau tỉnh ngộ! Hàng ngũ Việt Minh sẵn sàng chờ đón các bạn! Hỡi toàn thể quốc dân, giờ này Tổng bộ Việt Minh hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Giờ này dân quân khắp đất Việt Nam nổi dậy. Đồng bào Việt Nam hãy mau đoàn kết thành một khối duy nhất. nền độc lập của Tổ quốc chúng ta, quyền tự do của dân tộc ta chỉ có thể xây dựng trên xương máu chúng ta. Chúng ta phải hành động cấp tốc”.

Tiếng hô “Hoan hô Việt Minh”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn” vang dội quảng trường Nhà hát Lớn. Sau đó cuộc mít tinh chuyển thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh.

Cuộc mít tinh tuần hành do Tổng hội công chức chủ trương đã biến thành cuộc biểu dương sức mạnh của Việt Minh là một minh chứng trên thực tế rằng quần chúng cách mạng đã sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù; tin tưởng và sẵn sàng ủng hộ Việt Minh; chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Cuộc mít tinh diễn ra chỉ cách Tổng hành dinh Quân đoàn 38 Nhật chưa đầy 200 m, nhưng chúng không can thiệp. Chính điều này giải đáp một vấn đề cực kỳ quan trọng mà Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đang cân nhắc về thái độ của quân đội Nhật. Nhật sẽ không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta trong thành phố, ý chí xâm lược của chúng đã không còn, khả năng vô hiệu hóa quân đội Nhật là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Cuộc mít tinh, tuần hành diễn ra thắng lợi đã gợi mở một phương thức khởi nghĩa ở Hà Nội mà trước đó Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội chưa hình dung được, đó là: “tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng đánh đổ chính quyền, rồi biến thành tuần hành vũ trang, dùng áp lực của quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt chiếm đóng các cơ quan trọng yếu của địch trong thành phố, giành chính quyền”.

Ha Noi gianh chinh quyen anh 2

Mít tinh giành chính quyền tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu.

Ngay tối 17/8, Ủy ban quân sự cách mạng họp mở rộng tại Dịch Vọng. Ủy ban đã phân tích thái độ của Nhật, tinh thần của quần chúng, uy thế của Việt Minh thông qua cuộc mít tinh biểu tình tuần hành buổi chiều và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8.

Hội nghị đã vạch ra kế hoạch khởi nghĩa là: huy động 10 vạn quần chúng ở nội, ngoại thành, Gia Lâm; các đội vũ trang sẽ làm nòng cốt đưa quần chúng vào những nơi trọng yếu như: phủ Khâm sai, tòa Thị chính, trại bảo an, sở Liêm phóng. Ủy ban quân sự cách mạng cũng bàn chủ trương cô lập Nhật, cân nhắc khẩu hiệu đấu tranh và chủ trương cần phải làm “cho chúng tiếp tục giữ thái độ ấy (tức thái độ không can thiệp) là một thuận lợi rất lớn cho việc tiến hành khởi nghĩa”.

Ủy ban quyết định đưa ra khẩu hiệu: “Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc độc lập của dân tộc Việt Nam”; đồng thời cho rải truyền đơn quanh trại lính Nhật kêu gọi chúng đừng can thiệp vào công việc của Việt Nam.

Ngày 18/8/1945, cờ đỏ sao vàng đã phấp phới trên nhiều đường phố Hà Nội và vùng ven đô, từ Bưởi qua Dịch Vọng xuống Tương Mai, Mai Động… Trong lúc cuộc khởi nghĩa ở vùng ngoại thành nổ ra thắng lợi thì 300 công nhân biểu tình trước phủ Khâm sai hô vang các khẩu hiệu đả đảo bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Tại nhà tù Hỏa Lò, tất cả tù chính trị đấu tranh đòi trả tự do.

Cùng ngày, hàng nghìn công nhân và nhân dân Hà Nội biểu tình đòi quân đội Nhật thả 2 công nhân hãng Avia bị chúng bắt khi họ dùng xe ôtô của Nhật chở vũ khí từ Gia Lâm vào Hà Nội, buộc chúng phải nhượng bộ. Đêm 18/8/1945, một đội tuyên truyền xung phong đột nhập vào nhà in báo Tin Mới hướng dẫn công nhân in truyền đơn, áp phích kêu gọi nhân dân khởi nghĩa.

Ngay từ sáng sớm ngày 19/8/1845, Hà Nội đã đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.

Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm mang theo cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành và hội tụ tại quảng trường Nhà hát Lớn. Cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Đả đảo các cuộc xâm lăng”…

Ha Noi gianh chinh quyen anh 3

Quần chúng cách mạng chiếm phủ Khâm sai ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu.

Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang, tự vệ dẫn đầu đã chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: phủ Khâm sai, sở bưu điện, sở cảnh sát…

Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ, hầu hết công sở chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui.

Ngay khi chiếm được Phủ khâm sai, đồng chí Nguyễn Khang – ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ có mặt tại đó đã gọi điện cho thị trưởng, tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.

Ngày 20/8, Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao.

Nguồn: https://zingnews.vn/ha-noi-gianh-chinh-quyen-trong-cach-mang-thang-tam-post1346180.html

Sách hay

Nghĩ lớn để thành công

Được phát hành

,

Bởi

Sách tiết lộ bí quyết, tư tưởng dám nghĩ lớn để thành công của Donald Trump, đồng thời truyền tải một phong cách sống, làm việc quyết liệt, kiên định, luôn hướng về phía trước của ông.

Trong sách “Nghĩ lớn để thành công”, Donald Trump tiết lộ ông không chỉ thừa hưởng trí tuệ mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ người cha gốc Đức của mình.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không?

Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục.

Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người.

Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng “chân lý” này trong mọi việc mình làm.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét.

Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Nguồn: https://znews.vn/bi-mat-thanh-cong-cua-trump-tri-tue-vuot-troi-tu-gia-toc-duc-post1510769.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Kinh tế học tốt và kinh tế học tồi trong một thế giới bất ổn

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” của hai nhà kinh tế từng đoạt Nobel đưa ra các ý tưởng và giải pháp để xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Sau Hiểu nghèo thoát nghèo, bộ đôi nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng chiến thắng Nobel năm 2019 tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách bàn về kinh tế cho những người làm chính sách cũng như người bình thường mơ về một thế giới tốt đẹp và lành mạnh.

Cuốn sách Kinh tế học thời khó nhọc đưa ra giải pháp thuyết phục dựa trên chủ nghĩa can thiệp thông minh và một xã hội lấy lòng trắc ẩn và tôn trọng lẫn nhau làm cốt lõi khi thế giới đang được vận hành trên sự bất ổn.

Sach kinh te anh 1
Cuốn sách Kinh tế học thời khóc nhọc. Ảnh: NXB Trẻ.

Kinh tế học tồi bóp méo tranh luận công khai

Kinh tế học thời khó nhọc gồm 9 chương chính, đưa ra cách nền kinh tế đang vận hành như thế nào trước những vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nhập cư và nạn phân biệt đối xử, quá trình toàn cầu hóa và sự sụp đổ của công nghệ, tốc độ tăng trưởng chậm và biến đổi thời tiết…

Một trong những tranh luận nổi bật nhất của nước Mỹ nói riêng cũng như các nước phát triển nói chung là vấn đề dòng người nhập cư. Phần lớn mọi người cho rằng dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào đất nước của họ sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân địa phương.

Cuốn sách đưa ra dẫn chứng về các cuộc di cư trong lịch sử chứng minh rằng dòng người đó không hề cướp mất việc làm của người bản xứ, thay vào đó giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội mà chính sách của quốc gia đó đang thực thi.

Qua đó, mọi người có thể thấy được việc nhập cư có vẻ có lợi cả với dân nhập cư lẫn dân địa phương. Nguyên nhân này bắt nguồn từ bản chất dị biệt của thị trường lao động và gần như không ăn khớp với câu chuyện cung cầu phổ thông.

Kinh tế học tồi tạo ra cơ sở cho việc tặng người giàu những món quà hào nhoáng, siết chặt các chương trình phúc lợi, đồng thời rao giảng ý tưởng nhà nước bất lực và tham nhũng, trong khi người nghèo thì lười biếng. Từ đó mở đường cho tình trạng bất bình đẳng và sự giận dữ khôn nguôi từ phần đông bộ phận người lao động nghèo.

Kinh tế học tốt trong thế giới bất ổn

Nhiệm vụ hàng đầu của Kinh tế học thời khó nhọc là làm thế nào để những hiểu biết sâu sắc này của hai nhà kinh tế học mang lại một thế giới nhân đạo hơn.

Một cuốn sách chỉ ra những trường hợp khi chính sách kinh tế thất bại, khi ý thức hệ che mắt khiến con người bỏ qua những điều hiển nhiên, nhưng cũng đồng thời cho thấy những hoàn cảnh và nguyên do mà kinh tế học tốt đã tỏ ra hữu dụng, nhất là trong thế giới ngày nay.

Khi con người tôn trọng lẫn nhau và giàu lòng trắc ẩn, mong muốn những điều tốt đẹp vì lợi ích chung là lúc kinh tế học tốt được thực thi.

Kinh tế học tốt đẩy mạnh việc phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân HIV ở các nước đang phát triển để đảm bảo xét nghiệm được rộng rãi hơn và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Cũng nhờ kinh tế học tốt mà sự ngu dốt và ý thức hệ đã bị đánh bại, giúp cho màn tẩm thuốc diệt côn trùng được phát miễn phí tại châu Phi, nhờ đó giảm một nửa số trẻ em bị tử vong do sốt rét.

Sach kinh te anh 2
Hai nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee (trái) và Esther Duflo. Ảnh: IMF.

Những nhà kinh tế vì người nghèo

Trước Kinh tế học thời khó nhọc, Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng nổi tiếng với cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo. 2

Vậy nên, là những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu các nước nghèo, hai tác giả hiểu rõ được thực trạng nền kinh tế đang diễn ra ra sao, đặc biệt là ở những quốc gia họ từng sống và làm việc. Họ cũng ý thức sâu sắc được rằng thực tế đáng chú ý nhất trong 40 năm qua là tốc độ thay đổi của nền kinh tế cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Kinh tế học thời khó nhọc bàn về cả các vấn đề cũng như cách thức để sửa chữa thế giới này, với hy vọng mang đến sự cân bằng và bình đẳng hơn giữa các quốc gia.

Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới năng động mà không có rào chắn ngăn cản. Kinh tế học là những ý tưởng, chúng có thể thúc đẩy để thay đổi. Khi các nhà kinh tế học sẵn lòng thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp, cho dù có làm sai hay đúng, miễn là đưa đến cái đích tối thượng, chính là xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Nguồn: https://znews.vn/kinh-te-hoc-tot-va-kinh-te-hoc-toi-trong-mot-the-gioi-bat-on-post1509322.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1
Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2
Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng