David Lurie đã trải qua 2 cuộc ly hôn, là một giáo sư vật lộn với trở ngại trước những tiêu chuẩn xã hội đặt ra; cho rằng chúng cản trở ông thực hiện ham muốn tình dục chính đáng của mình. Đã trải qua 2 cuộc ly hôn, thường xuyên có trao đổi tình dục với một cô gái điếm, Lurie “vượt ranh giới” khi ngủ với một học sinh của mình. Sau khi nữ sinh nọ tố cáo ông tội quấy rối tình dục, ông bị sa thải, phải rời thành phố và về nông thôn ở với con gái, Lucy.
Vùng nông thôn Nam Phi nơi con gái ông ở khác nhiều so với quang cảnh đô thị được mô tả đầu cuốn sách. Nơi đây chìm trong cảnh nghèo đói, tội phạm, cướp bóc ở khắp nơi. Chính ông cũng bị một nhóm côn đồ hành hung, Lucy bị hãm hiếp. Sự vụ này để lại chấn động lớn tới Lurie, khiến ông thay đổi cái nhìn về thế giới.
Tiểu thuyết Ô nhục của J.M Coetzee. Ảnh: Bách Việt. |
Nỗi nhục của sự bất lực
Nỗi ô nhục hay sự mất mặt có lẽ đã xuất hiện từ đầu cuốn sách, nhưng không xuất hiện trong tâm trí nhân vật.
Khi Lurie làm tình với cô nữ sinh. Ông khăng khăng rằng đó không phải là hành vi cưỡng dâm và rằng “sắc đẹp của một người đàn bà không chỉ thuộc về mình cô ta. Đó là một phần món quà cô ta mang đến thế giới này. Cô ta có bổn phận phải chia sẻ nó”.
Nhưng qua phản ứng lãnh đạm, thiếu hưởng ứng của nữ sinh kia, độc giả buộc phải đặt nghi vấn về bản chất thật của mối quan hệ này.
Mối quan hệ này cũng chính là điểm khởi suy của Lurie, vị giáo sư da trắng bị buộc tội quấy rối tình dục, bị đuổi việc và phải rời thành phố. Nhưng, tự coi mình là phiên bản nam của bà Bovary, David Lurie chối bỏ sự ô nhục, ông chấp nhận mọi hình phạt. Ở phân cảnh này, David Lurie hiện lên như một nhân vật của Dostoievski, với sự phỉnh lừa bản thân đầy chủ ý.
Tranh vẽ nhà văn J.M. Coetzee. Nguồn: The New Yorker. |
“Những lời thú tội, những lời xin lỗi: Tại sao bọn chúng lại thèm khát được làm nhục người khác thế nhỉ? Một sự câm lặng bao trùm”.
“Chúng bu xung quanh ông như đám thợ săn sau khi dồn một con mãnh thú xa lạ vào góc, chẳng biết nên kết liễu nó làm sao cho phải”.
Nhưng tới khi con gái ông bị cưỡng hiếp mà không chịu đi tố cáo, ông mới cảm thấy sự ô nhục từ chính vai trò bất lực của mình. Ông đặt ra câu hỏi: liệu con người ta có được sống theo bản năng mà không bị kiểm soát không?
Chính tại điểm này, ông liên hệ phận người với phận chó. “Điều nhục nhã là con chó tội nghiệp bắt đầu căm ghét chính tập tính của nó. Nó không cần ai đánh đập nữa. Nó đã sẵn sàng tự trừng phạt chính nó. Nó có thể thích điều này hơn những lựa chọn trước mắt: một mặt phủ nhận tập tính của nó, mặt khác dành toàn bộ thời gian còn lại dạo quanh phòng khách, thở dài, ngửi đít mèo và càng ngày càng béo ú lên”.
Đoạn văn này nói về một con chó hay đang nói về bố con Lurie?
Thế giới hậu thuộc địa u tối và tàn nhẫn
Nhà văn Salman Rushdie từng nhận xét rằng “nhân vật của Coetzee hoạt động đầy bản năng, theo những thôi thúc tăm tối. Có lẽ, anh ta có một trái tim điên dại, tin tưởng vào điều mà anh ta cho là ‘quyền có ham muốn’”. Điều này làm cho nhân vật của Coetzee nghe có vẻ là một người nồng nhiệt, nhưng sự thật là anh ta lạnh lùng, lơ đãng như người mộng du.
Sự lạnh lùng này thấm đẫm vào câu văn, khiến cho thế giới trong trang sách hiện lên với vẻ u tối, tàn nhẫn tựa như trong tiểu thuyết phản địa đàng, nơi con người đặt cạnh nhau mà không thể kết nối với nhau.
Hình ảnh trong bộ phim chuyển thể. Ảnh: Npr. |
Không một ai trong cuốn sách hiểu được người quanh mình. Lurie không hiểu được Melanie, ông cũng chẳng hiểu được cô học sinh ông tìm cách quyến rũ. Ông không hiểu chính con gái mình và Lucy cũng thấy hành động của bố vượt ngoài tầm hiểu biết của cô. Lurie thậm chí còn không hiểu chính mình (ít nhất là ở đầu cuốn sách).
Kể từ khi Luigi Pirandello đặt ra câu hỏi về cách con người ta tự nhìn nhận bản thân mình trong Đi tìm nhân dạng đến khi J.M Coetzee viết Ô nhục đã gần 3/4 thế kỷ, câu hỏi về bản dạng thực của con người vẫn chưa có được lời giải thích đáng.
Sự thiếu kết nối của các nhân vật khiến độc giả đôi khi cũng khó hiểu về động cơ hay bản chất thật của những gì diễn ra trên trang giấy.
Cuốn sách được kể ở ngôi thứ 3, nhưng theo chân nhân vật Lurie. Vì vậy, độc giả nhìn thế giới Ô nhục qua con mắt của Lurie. Và có lẽ, thế giới tàn nhẫn, lạnh lẽo đó chỉ nằm trong tâm trí Lurie.
Nhưng Ô nhục không kể một câu chuyện viễn tưởng phản địa đàng, Ô nhục kể về một bối cảnh có thật – bối cảnh Nam Phi hậu thuộc địa – và đó là một xã hội hỗn loạn, đầy những phi lý, cực đoan và một dòng chảy xung đột sắc tộc ngầm.
Sự phi lý trong cung cách hành xử của nhân vật được lý giải như một điều hiển nhiên, theo một luật bất thành văn trong xã hội lúc bấy giờ. Như khi Lurie từ chối xin lỗi và chấp nhận mọi hình phạt đến từ cáo buộc của cô nữ sinh. Hay khi Lucy không chịu đi tố cáo những kẻ hiếp dâm mình mà cho đó là một hành vi “trả nợ” vì cô là một người da trắng sống trên mảnh đất của người da đen.
Nhưng sâu hơn bề mặt xã hội, Coetzee đào sâu vào tâm lý con người. Có lẽ chính trong bối cảnh u ám như trong truyện viễn tưởng ấy, con người phó mặc cho bản năng dẫn lối.
Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa câu trả lời. Chính vì vậy, gấp sách lại, độc giả sẽ không thể ngừng nghĩ về cuốn sách, không thể ngừng truy tìm lời giải cho hành vi của nhân vật, hành vi của con người.
Với Ô nhục, ngòi bút của Coetzee cho thấy rõ những ảnh hưởng từ Franz Kafka và Samuel Beckett. Và Ô nhục tựa như một điểm tiếp nối của dòng chảy văn chương, là một tác phẩm xứng đáng với danh xưng kinh điển.
J.M Coetzee biết cách kéo độc giả cuốn theo câu chuyện bi kịch ông viết, và không để họ thoát ra cho đến trang cuối cùng. Dù đề tài J.M Coetzee chạm tới u tối và tuyệt vọng, ông luôn tìm cách giữ được độ lạnh trong văn phong của mình, không sa đà vào ủy mị, sướt mướt. Tiểu thuyết Ô nhục là tác phẩm được nhào nặn bởi một bậc thầy ngôn từ.
John Maxwell Coetzee đã giành giải Nobel văn học 2003 và 2 giải Booker (một trong số đó là cho tác phẩm Ô nhục). Được mệnh danh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất sáng tác bằng tiếng Anh, J.M Coetzee đã sáng tác nhiều tác phẩm thuộc hàng kinh điển như Ô nhục, Đợi bọn mọi, Người chậm…