Tác phẩm The Sandman đã đưa tác giả Neil Gaiman trở thành một biểu tượng mới trong làng truyện tranh. Nhà văn bàn về bước đột phá của ông trong dòng truyện tranh, cuộc đấu tranh lâu dài để thể loại này được tôn trọng và bản phim chuyển thể của Netflix.
Tác giả Neil Gaiman. Ảnh: Chris Buck/The Guardian. |
Một tác giả thực sự yêu mến các nhân vật của mình
Neil Gaiman là một trong những tác giả nổi tiếng nhất hiện nay. Trí tưởng tượng không ngừng nghỉ của ông không bị giới hạn bởi thể loại hay nhân khẩu học; ông đã viết tác phẩm giả tưởng kinh dị dành cho người lớn (Các vị thần nước Mỹ), văn học thiếu nhi (Coraline) hay tiểu thuyết phóng tác từ thần thoại cổ đại (Thần thoại Bắc Âu).
Ông đã giành hàng loạt giải thưởng danh giá như Giải Hugo, Giải Nebula và Giải Bram Stoker, đồng thời nhận Huy chương Newbery và Carnegie. Đấy mới chỉ là ở lĩnh vực văn chương thôi.
Ở các loại hình khác, ông cũng dành được những thành công đáng kể: vở kịch Đại dương cuối đường làng mới trình diễn tại London nhận được những lời khen có cánh; các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông (Coraline, Bụi sao và Các vị thần nước Mỹ) đều thành công; Gaiman thậm chí còn dịch phụ đề cho phim hoạt hình kinh điển Công chúa Mononoke của Ghibli.
Các tác phẩm mang thương hiệu Gaiman có thể rất phong phú và đa dạng, đồng thời cũng rất đặc trưng và có thể nhận ra ngay. Đó là nhờ tính nhân văn hiển hiện xuyên suốt và cái nhìn hiện thực về ma thuật ở vũ trụ nơi các sinh vật thần thoại tồn tại hàng ngày.
Gaiman là một tác giả thực sự yêu mến các nhân vật của mình. Có lẽ đây là lý do ông coi trọng các fan hâm mộ của mình và thường xuyên tương tác với họ trên mạng xã hội như vậy. Ông thân thiết với gần 3 triệu người theo dõi trên Twitter và độc giả tạp chí trực tuyến của ông; các fan hâm mộ thường xuyên được nghe Gaiman và vợ ông, nhạc sĩ Amanda Palmer, hát ru cho con trai họ – Ash.
(Từ trái qua phải) Bìa các tác phẩm Maus, The Dark Knight Returns và Watchmen. Ảnh: Concrete Gray. |
Từng nghĩ không thể sáng tác truyện tranh siêu anh hùng
Trao đổi với tờ The Guardian, Gaiman cho biết vào giữa thập niên 1980, thị trường truyện tranh sôi động với một loạt tác phẩm thành công như Maus, The Dark Knight Returns và Watchmen; năm 1986, ông gửi một bài viết về những gì đang diễn ra trong thị trường truyện tranh lúc bấy giờ tới các tòa báo.
Gaiman kể: “Nó đáng ra sẽ là một bài rất lớn. Tôi đã thực hiện mọi cuộc phỏng vấn và tập hợp lại các tác phẩm nghệ thuật, kể cả những tài liệu chưa được công bố. Nhưng khi tôi gửi bài, không ai phản hồi. Sau vài ngày, tôi gọi cho biên tập viên tờ Sunday và anh ta nói: ‘Phải, tôi đọc rồi. Nhưng vấn đề là… chúng tôi thấy bài viết không được hài hòa cho lắm. Anh viết về những cuốn truyện tranh này như thể chúng là những sản phẩm tốt…”.
Ý của biên tập viên là muốn Gaiman viết một bài báo với quan điểm truyện tranh dẫn đến cái chết của văn học. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng Gaiman mới là người có quan điểm đúng.
Truyện tranh Maus của Art Spiegelman đã thắng giải Pulitzer. The Dark Knight Returns trở thành tác phẩm bán chạy, tiếp cận được rộng rãi đối tượng độc giả. Watchmen của Alan Moore lọt vào danh sách 100 tác phẩm xuất sắc của tờ Time.
Tôi không thể sáng tác truyện siêu anh hùng, nhưng tôi có thể sáng tác truyện tranh về các thần.
Neil Gaiman
Cuối thập niên 80, hàng loạt tác giả tài năng từ Anh đã “xâm nhập” vào nước Mỹ, thay đổi bộ mặt của làng truyện tranh. Cuộc cách mạng này xảy ra là nhờ công lớn của Karen Berger, biên tập viên của hãng Truyện tranh DC, nơi đã sáng tạo ra Batman và Superman. Hãng truyện tranh DC đã ủy quyền cho một loạt tài năng trẻ từ Anh để tiếp quản và sáng tác truyện cho những nhân vật phụ mờ nhạt của hãng.
Đầu tiên, Berger ủy quyền cho tác giả Alan Moore thực hiện tựa truyện kinh dị Swamp Thing. Moor đã nâng cao tiêu chuẩn của truyện tranh với những gì ông có thể cho ra mắt hàng tháng. Và thế là cánh cửa rộng mở.
Grand Morrison – tác giả người Scotland – theo bước, tiếp nhận câu chuyện về đội siêu anh hùng Doom Patrol mờ nhạt và biến hóa với các hình ảnh siêu thực đầy cá tính.
Đây chính là bối cảnh để Gaiman nhập cuộc. Ông được giao cho Người Cát (The Sandman), một nhân vật phụ đã xuất hiện hai lần trong những năm trước mà không có lần nào thực sự nổi bật.
Gaiman được khuyến khích biến hóa nhân vật theo cách riêng, được trao toàn quyền tự do sáng tạo, thực hiện mọi thay đổi ông thích. Được trao nhiều quyền hạn như vậy, nhưng Gaiman vẫn lo lắng.
Gaiman bộc bạch: “Nên nhớ là vào thời điểm ấy, tôi mới viết và xuất bản có 4 truyện ngắn và một bộ truyện tranh nhỏ tên là Black Orchid. Bỗng nhiên tôi phải đảm nhận sáng tác truyện tranh hàng tháng”.
“Tôi không biết liệu mình có kham nổi không. Tôi không nghĩ tôi có khả năng sáng tác truyện tranh siêu anh hùng. Tôi đã xem tác phẩm của Alan Moore và Grant Morrison, họ có khiếu vẽ truyện siêu anh hùng, tôi không”.
Gaiman cảm thấy ông cần một phương cách tiếp cận khác. Ý nghĩ này dẫn ông tới Roger Zelazny – một tác giả khoa học viễn tưởng Mỹ.
Roger Zelazny sáng tác một cuốn sách tên là Lord of Light. Trong đó, ông sáng tạo ra những vị thần kiểu khoa học giả tưởng, nhưng mang dáng dấp siêu anh hùng. Câu chuyện đặt bối cảnh ở một thế giới tương lai nơi những nhà thám hiểm vũ trụ đã tự ban cho mình sức mạnh của các vị thần Hindu.
Gaiman chia sẻ: “Tôi đã nghĩ tôi không thể sáng tác truyện siêu anh hùng, nhưng tôi có thể sáng tác truyện tranh về các thần. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều tương tự, và có thể tôi làm đủ hay để lừa mọi người rằng đấy là một bộ truyện siêu anh hùng”.
Tạo hình nhân vật Người Cát trong phim chuyển thể của Netflix. Ảnh: Netflix. |
“Tom Cruise và Brad Pitt tới đây suốt. Còn đây là Neil Gaiman”
Phiên bản Người Cát của Gaiman là vị thần Hy Lạp Morpheus khoác áo choàng đen huyền, hắc ám và quyến rũ. Anh ta là vị thần kiểm soát giấc mơ, một trong 7 anh chị em thuộc Gia tộc Bất Tử: Destiny (Số mệnh), Death (Cái Chết), Dream (Giấc mơ), Destruction (Sự hủy diệt), cặp song sinh Desire (Dục vọng) và Despair (Tuyệt vọng), cuối cùng là Delirium (Mê sảng).
Giống tất cả vị thần trong thần thoại, sức mạnh gần như vô hạn của Morpheus không bảo vệ anh ta khỏi những tình huống hiểm nghèo.
Gaiman thậm chí còn có vẻ thích thú với việc khai thác những yếu điểm và nét con người trong nhân vật này. Sự bất tử của Morpheus cho phép Gaiman đặt anh ta vào mọi bối cảnh, từ thời tiền sử xa xưa nhất cho tới những lát cắt hiện đại và cả tương lai. Đây là một concept táo bạo cho một bộ truyện tranh siêu anh hùng.
Với công thức này, truyện tranh về các vị thần của Gaiman đã gặt hái được thành công đáng kể. Giàu chất văn và đậm tính nữ quyền, The Sandman thu hút được đa dạng đối tượng độc giả và trở thành một tác phẩm quan trọng cho cả sinh viên nam và nữ đọc trong chương trình đại học.
Gaiman nói: “Hồi ấy, DC thường cho tác giả thêm một năm trước khi ngừng phát hành hẳn một tựa truyện. Nên khi tôi nghĩ chắc tới cuốn 8, người ta sẽ gọi tôi mà bảo: ‘Chà, thành công nhỏ nhoi về mặt hàn lâm, thất bại lớn về mặt thương mại. Anh còn 4 cuốn nữa để kết truyện lại’. Và thế là hết, The Sandman thế là xong. Nhưng tôi sáng tác tới cuốn 8 và doanh thu bộ truyện thu được nhiều hơn bất cứ tựa nào khác trong vòng 15 năm đổ lại”.
Thành công thương mại khiến Gaiman tự tin hơn và ông quyết tâm thực hiện những gì mình muốn với bộ truyện, cùng sự đồng hành của Berger. Gaiman chia sẻ: “Tôi biết đây là cơ hội duy nhất để đưa những thứ mà tôi yêu thích vào truyện tranh. Vậy nên nếu tôi muốn kể lại những gì nhà sử học người La Mã Suetonius đã viết về cuộc đời của Augustus và bày tỏ lòng tôn kính của mình với nhà thơ Robert Graves, thì đây là cơ hội duy nhất. May mắn là tôi có được một biên tập viên tin tưởng mình”.
Doanh số sách bán tăng vọt, nhất là khi truyện tranh xuất hiện dưới dạng bìa mềm và được bày sẵn ngoài các tiệm truyện tranh. Tuy nhiên, phải mất một thời gian bộ truyện mới thuyết phục được giới phê bình.
“Năm 1989, khi tôi đang dự tiệc Giáng Sinh ở Groucho Club, tôi có dịp nói chuyện với một biên tập văn học của tờ Telegraph, người đó hỏi tôi làm gì và khi tôi trả lời là tôi sáng tác truyện tranh, quý ông nọ trông như kiểu tôi mới cầm một con cá trích quật vào mặt ông ta. Nhưng vì không thể cứ ngoảnh mặt bỏ đi, ông ta hỏi đãi bôi: ‘Ồ, thể loại truyện tranh gì?’ Tôi đáp là tôi sáng tác một thứ gọi là Violent Cases và The Sandman. Ông ta liền nói: ‘Khoan đã, anh là Neil Gaiman?!’ Tôi đáp: ‘Phải’ và ông ta nói: ‘Ôi anh bạn, anh không sáng tác truyện tranh, anh sáng tác tiểu thuyết đồ họa!’ Tôi cảm thấy như một ả điếm mới được phong thành nữ hoàng buổi tiệc”.
The Sandman mang tính biểu tượng cho những năm 90 ngang với series Twin Peaks và band nhạc Nirvana. Dù không có nhiều khán giả bằng, nhưng tác phẩm đưa Gaiman thành một tượng đài.
“Năm 1997, tôi tới một buổi hội thảo tại Warner Bros. Tôi không nhớ là hội thảo về cái gì nữa. Khi ấy tôi đi cùng quản lý mới của mình. Cuộc hội thảo chẳng đến đâu cả, đến lúc về, tôi gặp hai thư ký ngồi ở bàn tiếp đón. Lúc đi qua, một người đứng dậy nói: ‘Ngài Gaiman, ngài ký giúp tôi vào cuốn The Sandman này được chứ?’”.
Gaiman ký và người quản lý đã trêu ông: “Giờ anh cuốn hút như Tom Cruise rồi đấy”. Cô thư ký nọ bực dọc đáp trả: “Tom Cruise và Brad Pitt tới đây suốt. Còn đây là Neil Gaiman. Tác giả của The Sandman cơ đấy!”.
Điều làm Gaiman bất ngờ là khi ấy chẳng mấy ai ở Warner Bros biết ông là ai, nhưng những nhân viên thấp cấp lại biết. Những người ấy giờ đây đã trở thành ông to bà lớn. Họ là người quyết định rằng bộ truyện The Sandman họ yêu thích được chuyển thể thành phim.
Tạo hình nhân vật Lucifer trên phim The Sandman. Ảnh: Netflix. |
Series chuyển thể đình đám
Bản phim chuyển thể của The Sandman nhận được sự đầu tư lớn và tương đối trung thành với nguyên tác truyện tranh. Một trong những lý do khiến The Sandman thu hút được một lượng người hâm mộ cuồng nhiệt như vậy là vì quan điểm tân tiến về giới tính, tính dục và sự đa dạng được trình bày trên trang sách trong thời điểm mà xã hội vẫn còn nhiều định kiến hà khắc. Đặc điểm này khiến tác phẩm dễ thích nghi trong xã hội hiện đại.
Gaiman nói: “Ngày nay, chẳng còn mấy để bàn thêm về các vấn đề ấy nữa nên việc tôi đả động đến chúng từ xưa lại hay. Một vài người tỏ ra bực dọc với tôi trên mạng xã hội vì phim chuyển thể có những yếu tố đa dạng như vậy và tôi đáp: ‘Mấy người có đọc bộ truyện tranh chết tiệt tôi viết không vậy?’ Người ta chỉ trích vì tôi tuyển một diễn viên phi nhị nguyên, linh hoạt giới cho vai Desire. Nhưng mà trong nguyên tác nhân vật ấy đã luôn như thế. Desire vẫn luôn phi nhị nguyên giới; đấy chính là chủ đích của tôi”.
Những vấn đề này thực sự không nổi cộm như vậy khi The Sandman xuất bản lần đầu tiên. “Vào đầu thập niên 90, báo chí, nhất là tại Anh, với tôi vì sáng tác không mang nhiều tính chính trị. Khi ấy người ta đang làm truyện tranh chính trị bêu xấu Margaret Thatcher còn tôi thì sáng tác về sự đa dạng sắc tộc và giới tính, tính dục”, Gaiman nói.
Gaiman cho biết ông có những người bạn là người chuyển giới. Ông thừa nhận đã học được rất nhiều từ bạn bè: như là việc gia đình chôn cất người chuyển giới với tên khai sinh của họ chứ không phải cái tên họ chọn sau khi chuyển giới – điều khiến ông rất sốc khi biết được. Và khi nhận thấy chẳng ai đưa hình ảnh người chuyển giới vào truyện tranh, ông nghĩ đây chính là cơ hội để viết một câu chuyện và khiến độc giả yêu mến nhân vật chuyển giới tuyệt vời do ông sáng tạo nên, từ đó, thay đổi cái nhìn với người chuyển giới trong xã hội.
Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm The Sandman có sự tham gia diễn xuất của hàng loạt cái tên đình đám như Charles Dance, David Thewlis, Joely Richardson, Stephen Fry và Mark Hamill. Vai chính – Morpheus – do diễn viên Tom Sturridge hóa thân.
Ngoài vai trò là tác giả của câu chuyện, Neil Gaiman còn đảm nhiệm chức vụ giám đốc sản xuất và biên kịch cho bộ phim. Với ông, tuyển được diễn viên phù hợp rất quan trọng, đặc biệt là vai chính.
“Lời thoại phim không dễ truyền đạt, và Sturridge làm được điều ấy. Anh ấy có tông giọng trang nghiêm, dễ khiến người xem đồng cảm. Anh ta có là một gã khốn thì người xem vẫn cứ yêu mến anh ta. Đó chính là ma thuật”, Gaiman nhận định.
Diễn viên Gwendoline Christie (nổi tiếng với vai diễn trong Trò chơi vương quyền) vào vai Lucifer, kẻ cai quản địa ngục. Gaiman nhận định cô là một diễn viên giỏi, đặc biệt xuất thần trong các vai phản diện.
Ông nói: “Chúng ta cần một hình tượng linh hoạt giới tính, tựa như David Bowie hồi còn hát nhạc dân gian vậy. Bowie chính là nguồn cảm hứng cho tôi tạo nên nhân vật Lucifer. Chúng tôi tìm được Gwendoline Christie, và cô ấy thật đẹp và hùng vĩ. Đó chính là sức mạnh của cô ấy!”
Và còn nhân vật Death, chị gái của Morpheus, do Kirby Howell-Baptiste hóa thân. Tương tác giữa cặp chị em chính là điểm then chốt của câu chuyện. Gaiman thừa nhận “Tuyển vai Death rất khó. Tôi phải xem tới 700 màn diễn thử.” Ông chọn Kirby Howell-Baptiste vì khả năng nói thoại thuyết phục của cô.
Cuối cùng, phim dài tập The Sandman của Netflix cũng được phát hành và được đón nhận nồng nhiệt. Trên trang Rotten Tomatoes, tác phẩm nhận được 86% đánh giá tích cực từ giới phê bình và 85% tích cực từ khán giả đại chúng. Bộ phim hiện cũng đang gây sốt trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Gaiman lại chuyển hướng sang một loạt các dự án khác, từ văn học, tới phim truyền hình và phim điện ảnh. Ông cũng quay lại hoàn thành nốt bộ truyện tranh Marvel dang dở đình đám của mình – Miracleman – cùng với họa sĩ Mark Buckingham.
Ông nói: “Tôi chủ yếu là người kể chuyện. Hồi bé, tôi rất muốn sáng tác truyện tranh. Tôi thấy truyện tranh thật tuyệt vời. Nó là sân chơi mà người ta có thể thoải mái sáng tạo. Nhưng tôi cũng muốn làm phim. Tôi muốn viết tiểu thuyết. Điều tôi muốn là được kể chuyện”.