Tôi từng quen một anh chàng, chúng ta cứ gọi anh ta là Jimmy cho tiện.
Jimmy luôn có rất nhiều dự án đầu tư. Bất cứ lúc nào bạn hỏi anh ta rằng anh đang làm gì, anh ta sẽ thao thao bất tuyệt về những doanh nghiệp mà anh ta đang được mời làm cố vấn, hoặc sẽ diễn giải về một ứng dụng y tế đầy tiềm năng mà anh ta đang tìm kiếm nhà đầu tư hào phóng, hoặc kể lể về một sự kiện từ thiện mà anh ta là khách mời quan trọng, hay anh ta đang có ý tưởng về một loại bơm xăng cải tiến nào đó sẽ mang lại cho anh ta hàng tỷ đôla.
Anh chàng luôn hoạt động, luôn bận bịu và nếu như bạn dành cho anh ta vài phút thường đàm trong ngày, anh ta sẽ đè bẹp bạn bằng chuyện công việc của anh ta có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới như thế nào, những ý tưởng mới của anh ta xuất sắc ra sao, và bạn cảm tưởng như mình đang nói chuyện với một phóng viên đưa tin vậy.
Jimmy lúc nào cũng lạc quan. Luôn thôi thúc mình hướng về phía trước, luôn luôn làm việc theo một góc độ nào đó – một kẻ dám nghĩ dám làm thực thụ, dù điều đó có ý nghĩa quái quỷ gì đi nữa.
Vấn đề, Jimmy là một gã vô công rồi nghề – chỉ nói mà không làm. Anh ta tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào các quán bar, nhà hàng sang trọng để khoe khoang về những “ý tưởng kinh doanh”; Jimmy là một cây tầm gửi chuyên nghiệp, anh ta bòn rút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của gia đình bằng cách xoay vần họ cũng như mọi người trong thành phố với những ý tưởng sai lầm về sự xán lạn của công nghệ tương lai.
Chà, đôi khi anh ta cũng có biểu hiện cố gắng, liên tục gọi điện thoại chào hàng tới một vài nhân vật quan trọng hoặc một cái tên ngẫu nhiên nào đó trong danh bạ điện thoại của anh ta cho tới khi không còn cái tên nào để gọi nữa, nhưng không có gì thực sự diễn ra cả. Không có “kế hoạch đầu tư” nào trong số đó lại đơm hoa và kết thành bất kỳ loại trái nào hết.
Vâng, anh chàng vẫn tiếp tục như vậy trong nhiều năm, sống dựa vào bạn gái và những người bà con xa trong những năm hai mươi tuổi. Và điều khó chịu nhất chính là Jimmy cảm thấy hài lòng về điều đó. Anh ta bị ảo tưởng về sự tự tin.
Những ai chê cười hay dập điện thoại trước mặt anh ta, trong tư tưởng của anh ta, đó là những kẻ đã “bỏ lỡ cơ hội đời mình”; Những ai thách thức những ý tưởng kinh doanh huyễn hoặc của anh ta đều là những kẻ “quá dốt nát và non nớt” nên mới không hiểu được các ý tưởng đó; Những người chỉ trích lối sống lười biếng của anh ta là những kẻ “đố kị”, “đáng ghét”, ghen tị với thành công của anh ta.
Ảnh: herway. |
Jimmy quả thật có kiếm được chút đỉnh, mặc dù luôn là theo cách thức sơ sài nhất, bằng việc bán các ý tưởng kinh doanh của người khác dưới cái mác của mình, hay lừa bịp một khoản vay từ ai đó, hoặc tệ hơn, thuyết phục người khác cho anh ta làm cổ đông trong một dự án khởi nghiệp. Thỉnh thoảng, anh ta còn thuyết phục được người ta thuê anh ta đến phát biểu trong các buổi diễn thuyết (về chủ đề gì, thì tôi cũng chịu).
Phần tệ hại nhất là Jimmy tin vào những câu chuyện nhảm nhí của anh ta. Ảo tưởng của anh ta như lớp chống đạn không thể xuyên thủng, thật sự rất khó tức giận với anh ta được, bởi vì mọi thứ về anh ta thực sự quá hấp dẫn.
Vào khoảng những năm 60, việc phát huy “lòng tự tôn” – có suy nghĩ và cảm nhận tích cực về bản thân – trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học. Các nghiên cứu cho thấy, những người đánh giá cao bản thân thường làm việc hiệu quả hơn và ít gây ra các vấn đề hơn. Rất nhiều nhà nghiên cứu và cả những người làm chính sách vào thời đó tin rằng việc nuôi dưỡng lòng tự tôn của dân chúng sẽ mang tới những lợi ích vô giá cho xã hội: tỉ lệ phạm tội thấp hơn, cải thiện kết quả học tập, nâng cao chất lượng lao động, giảm thiểu sự thâm hụt ngân sách.
Kết quả là kể từ thập kỷ tiếp theo, những năm 70, việc tập luyện để nâng cao lòng tự tôn bắt đầu được truyền đạt cho các bậc phụ huynh được nhấn mạnh bởi các chuyên gia tư vấn, các nhà chính trị, và các giáo viên, và được đưa vào các chương trình giáo dục.
Ví dụ như nâng điểm để giúp những đứa trẻ có thành tích kém cảm thấy dễ chịu hơn về sự kém cỏi của mình. Các giải thưởng dành cho người tham dự và những kỷ niệm chương được tạo ra cho bất cứ hoạt động thông thường nào. Trẻ con được giao các loại bài tập ngớ ngẩn, kiểu như hãy liệt kê tất cả lý do vì sao chúng cho rằng chúng là đặc biệt; hãy miêu tả năm điều mà chúng thích nhất về bản thân. Mục sư và cha xứ nói với giáo dân của mình rằng mỗi người trong số họ đều là một cá nhân đặc biệt trong con mắt của Chúa, được định sẵn để trở nên xuất sắc, chứ không phải là những kẻ tầm thường. Các buổi hội thảo về kinh doanh và động cơ thúc đẩy cũng xoáy sâu vào câu thần chú ngược đời ấy: Mỗi người trong số chúng ta đều có thể trở nên đặc biệt và thành công rực rỡ.
Nhưng từ những thế hệ sau này và từ các số liệu thống kê mà ta thấy được rằng: Tất cả chúng ta không phải đều đặc biệt cả! Nó cho thấy rằng, chỉ cảm thấy tốt đẹp về bản thân thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi bạn có được một lý do tốt để cảm nhận tốt đẹp về mình. Nó cho thấy rằng những tai họa và thất bại thực ra cũng có ích và thậm chí còn cần thiết để phát triển thành những người trưởng thành có ý chí và thành công. Nó cho thấy, việc giáo dục con người tin rằng họ đặc biệt và cảm thấy tốt đẹp về bản thân dù có thế nào đi nữa cũng không dẫn tới được một dân số đầy những Bill Gates và Martin Luther Kings. Mà nó dẫn tới một xã hội đầy những Jimmy.
Jimmy, thằng cha sáng lập dự án khởi nghiệp hoang tưởng. Jimmy, kẻ hút cần mỗi ngày và không có bất cứ một kỹ năng thị trường thật sự nào ngoài chém gió và tin vào điều đó. Jimmy, loại người sẽ gào vào mặt đối tác kinh doanh của mình là “măng non”, và sau đó thì quẹt thẻ hết số tiền của công ty vào Le Bernardin nhằm cố gây ấn tượng với một em mẫu Nga nào đó. Jimmy, anh chàng sớm không còn ông chú hay bà dì nào đồng ý cho vay tiền nữa.
Vâng, cái anh chàng Jimmy đầy tự tin và tự tôn ấy đấy. Cái anh chàng Jimmy đã dành không biết bao nhiêu là thời gian để giãi bày về việc anh chàng hoành tráng ra sao mà quên mất cần thực sự làm một điều gì đó.
Vấn đề đối với khuynh hướng tự tôn nằm ở chỗ đó, nó đo lường sự tự tôn bằng việc một người cảm nhận tích cực như thế nào về bản thân mình. Nhưng thước đo đúng đắn và chính xác về giá trị của một con người là người đó cảm thấy như thế nào về những khía cạnh tiêu cực của bản thân họ. Nếu một người như Jimmy cảm thấy “tuyệt vời ông mặt trời” trong khoảng 99,9% thời gian, bất kể cuộc đời anh ta đang be bét hết cả, thì làm sao mà nó lại là thước đo chính xác về một cuộc sống thành công và hạnh phúc được?
Jimmy đã tự ban cho mình đặc quyền. Cho nên, anh ta cảm thấy mình xứng đáng với những điều tốt đẹp, dù không thực sự làm ra chúng. Anh ta tin rằng anh ta có quyền được giàu có mà không cần phải thực sự làm gì cả. Anh ta tin rằng mình nên được yêu thích và thân cận dù chẳng thực sự giúp đỡ ai hết. Anh ta tin rằng nên có một lối sống thú vị mà không cần phải thực sự hy sinh điều gì.
Những người giống như Jimmy trở nên quá đỗi ám ảnh với việc cảm thấy tốt đẹp về bản thân nên họ cố gắng huyễn hoặc mình rằng họ đang đạt được những thành tựu vĩ đại cho dù thực tế không phải vậy. Họ tin rằng họ là người dẫn chương trình xuất chúng trên sân khấu, trong khi thực ra họ đang tự biến mình thành một trò hề. Họ tin rằng họ là nhà khởi nghiệp thành công, nhưng thực ra, họ chưa từng có một dự án kinh doanh thành công nào cả. Họ tự gọi mình là huấn luyện viên cuộc sống và thu tiền khi hỗ trợ những người khác, dù họ mới chỉ có hai mươi nhăm tuổi và chưa thực sự đạt được điều gì đáng kể trong đời.
Ở những người tự cho mình đặc quyền đều rỉ ra một mức độ ảo tưởng sức mạnh nhất định. Sự tự tin này có thể đầy mê hoặc đối với những người khác, ít nhất là trong một thời gian. Trong một số trường hợp, mức độ ảo tưởng của người tự cho mình đặc quyền có thể có tính lan truyền và giúp những người xung quanh cũng cảm thấy tự tin về bản thân. Mặc cho tất cả những hành vi thái quá của Jimmy, tôi phải thừa nhận rằng đôi lúc khá là vui khi ở bên anh ta. Bạn sẽ cảm thấy mình bất bại.
Nhưng vấn đề đối với việc tự cho đặc quyền nằm ở chỗ, nó khiến người ta cần phải cảm thấy tốt đẹp về bản thân vào mọi lúc, ngay cả khi phải trả giá bằng những người bên cạnh họ. Và vì những người tự cho mình đặc quyền luôn cần phải cảm thấy tốt đẹp về bản thân, thành ra họ dành hầu hết thời gian của mình vào việc nghĩ về bản thân. Rốt cuộc, nó ngốn rất nhiều năng lượng và công sức để thuyết phục bản thân bạn rằng, đống phân của bạn thật thơm, đặc biệt là khi bạn lại còn sống trong nhà xí nữa chứ!
Một khi người ta đã phát triển lối suy nghĩ để luôn nhìn nhận những gì diễn ra xung quanh mình như là một sự tự phóng đại, rất khó để kéo họ ra khỏi đó. Bất kỳ một nỗ lực nào nhằm lý giải cho họ hiểu đều bị xem đơn giản như là một “mối đe dọa” khác đối với sự ưu việt của họ đến từ một người mà “không thể chấp nhận” sự thông minh/tài năng/đẹp/thành công của họ.
Sự tự cho mình đặc quyền tự nó đóng đinh vào một kiểu bong bóng tự yêu mình, bóp méo bất cứ thứ gì và mọi thứ theo cái cách nhằm củng cố cho nó. Những người tự cho mình đặc quyền nhìn nhận mọi sự kiện trong cuộc đời họ như một sự khẳng định, hoặc một kiểu đe dọa tới sự vĩ đại của bản thân. Nếu có chuyện tốt xảy đến với họ, đó là bởi vì tài ba của họ. Nếu xảy ra chuyện xấu thì đó là bởi có kẻ ghen tị và hãm hại họ. Sự tự cho mình đặc quyền là bất khả chiến bại. Những người tự cho mình đặc quyền thuyết phục bản thân tin vào bất kỳ thứ gì nuôi dưỡng cái cảm giác ưu việt của họ. Họ giữ cho bề mặt tinh thần vững vàng bằng mọi giá, dù cho đôi khi nó gây nên bạo hành về thể xác hoặc tinh thần của những người xung quanh.
Nhưng sự tự cho mình đặc quyền là một chiến lược sai lầm! Đó chẳng qua chỉ là một dạng hưng phấn khác, nó không phải là hạnh phúc!
Thước đo thực sự của giá trị bản thân không phải là việc một người cảm thấy như thế nào về những trải nghiệm tích cực của mình, mà là về những trải nghiệm tiêu cực. Một người như Jimmy lẩn tránh những vấn đề của anh ta bằng cách tưởng tượng ra hình ảnh thành công của chính mình ở mọi góc độ. Và bởi vì anh ta không thể đối mặt với những vấn đề của chính mình, dù anh ta có cảm thấy bản thân mình tốt đẹp ra sao đi nữa, thì anh ta vẫn là kẻ yếu đuối.
Một người mà có lòng tự trọng cao là người có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn vào những phần tiêu cực trong tính cách của mình – “Ừ, đôi khi tôi thật thiếu trách nhiệm với tiền bạc!” “Vâng, đôi khi tôi có phóng đại thành công của mình!” “Vâng, tôi phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của người khác và đáng lý ra nên tự lập hơn!” – và sau đó bắt tay vào cải thiện chúng. Nhưng còn ở những người tự cho mình đặc quyền, bởi vì họ không có khả năng nhận biết các vấn đề của chính mình một cách cởi mở và thành thật, nên họ cũng không có khả năng cải thiện cuộc đời mình theo một cách bền vững và có ý nghĩa. Họ chỉ biết đuổi theo hết sự hưng phấn này đến sự hưng phấn khác và tích tụ ngày càng nhiều sự chối bỏ.
Nhưng rồi một lúc nào đấy, thực tại cũng sẽ ập đến, và các vấn đề ẩn giấu sẽ hiện ra. Chỉ còn là câu hỏi “khi nào?” và nó sẽ đau đớn “ra sao?“.