Tối 25/6, chương trình “Ngày hội khuyến đọc” (do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức) diễn ra tại Phố sách 19/12, Hà Nội. Đây là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu với các nhân tố khuyến đọc điển hình trên cả nước.
Tại chương trình, bạn đọc có dịp trò chuyện với đại diện, người sáng lập các mô hình khuyến đọc thành công trên khắp vùng, miền, từ Hà Nội, TP.HCM đến các tỉnh, thành như Ninh Bình, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình, Thừa Thiên – Huế…
Anh Đỗ Hà Cừ (ngồi xe lăn) là người sáng lập và quản lý không gian đọc Hy vọng tại Thái Bình. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Nghị lực sống và khát khao lan tỏa tri thức
Tại chương trình, các diễn giả là người khởi xướng, phát động phong trào đọc sách, xây dựng mô hình khuyến đọc ở các tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm khuyến đọc ở địa phương mình.
Không gian đọc Hy vọng tại Thái Bình là cầu nối tiếp nhận, huy động nguồn lực xã hội để triển khai mô hình khuyến đọc do người khuyết tật quản lý ở Thái Bình và nhiều tỉnh, thành khác như Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Hà Tĩnh…
Có mặt tại Hà Nội trên chiếc xe lăn, anh Đỗ Hà Cừ – quản lý không gian đọc Hy vọng – chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật bẩm sinh, không thể di chuyển, nhưng tôi rất khao khát tri thức. Mọi điều tôi học được đều là từ mẹ và trang sách”.
Hồi anh Cừ còn nhỏ, gia đình anh khó khăn, không có điều kiện để mua sách. Nhưng vì ham đọc, anh đã mượn lại sách của bạn bè và người thân để tìm kiếm tri thức.
Với niềm khát khao tri thức đó, anh nghĩ những người ở cùng hoàn cảnh như mình cũng có mong muốn tìm hiểu sách vở, nên anh đã nảy ra ý tưởng xây dựng không gian đọc cho những người khuyết tật chịu thiệt thòi. Đến nay, tủ sách của anh đã phục vụ được hơn 4.000 bạn đọc.
“Tôi mong mình có thể khỏe mạnh để cống hiến, xây dựng nhiều tủ sách cộng đồng hơn nữa cho những người khuyết tật”, anh Cừ bày tỏ.
Bên cạnh anh Đỗ Hà Cừ còn có những tấm gương vượt khó và khát khao lan tỏa tri thức như chị Tô Lan Phương – quản lý không gian đọc Lan Phương tại Thái Bình, hay anh Nguyễn Văn Thức – quản lý không gian đọc Vươn xa ở Nam Định.
Chia sẻ tại chương trình, anh Nguyễn Văn Thức cho hay mục đích của anh khi xây dựng mô hình khuyến đọc này là lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người.
“Mong rằng với những cuốn sách hay, trong tương lai, các em nhỏ có thể vươn xa trên con đường tri thức. Đối với tôi, mỗi cuốn sách là một chìa khóa đưa ta tới thành công”, anh Thức nói.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Thu Huệ. |
Hành trình khuyến đọc không mệt mỏi
Chia sẻ về mô hình khuyến đọc ở Thừa Thiên – Huế, anh Cung Trọng Cường (công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho hay ở nơi anh sinh sống, phong trào đọc sách khởi nguồn từ hoạt động mang sách ra công viên dọc hai bờ sông Hương để kêu gọi mọi người cùng đọc. Sau đó là đưa sách đến các địa điểm khác như nhà văn hóa, trường học…
Là đơn vị thực hiện công tác khuyến đọc 5 năm nay, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã thu được những “quả ngọt” nhất định.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – một trong những thành quả đó là kết nối được các cá nhân, tập thể có chung mong muốn lan tỏa văn hóa đọc lại với nhau để chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả.
“Sự kiện ngày hôm nay nhằm tạo ra sợi dây kết nối mạnh mẽ hơn cho những người làm công tác khuyến đọc trên khắp tỉnh, thành. Mong rằng thông qua những hoạt động như thế này, chúng tôi có thể kêu gọi được những mạnh thường quân để hỗ trợ cho các trẻ em vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp có thêm sách để đọc”, bà Hoa Phượng bày tỏ.
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng hy vọng các đơn vị khác có thể cùng nhau tổ chức ngày hội khuyến đọc thường niên để “phong trào đọc sách được phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu và việc đọc sách trở thành thói quen, hoạt động, hơi thở của người dân trong cuộc sống hàng ngày”.
Bên cạnh những chương trình khuyến đọc, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng xây dựng tủ sách gồm những cuốn nói về thói quen đọc, cách đọc, cách làm tủ sách trong gia đình. Bà Hoa Phượng cho rằng đó sẽ là những công cụ để mỗi cá nhân, gia đình cùng đọc sách hiệu quả, xây dựng cộng đồng văn minh.
Trong cuốn Xây dựng tủ sách gia đình, tác giả Nguyễn Quốc Vương, sau quá trình quan sát các thư viện có quy mô gia đình, chia sẻ: “Các thư viện gia đình này khởi đầu là kết quả của đam mê cá nhân. Sau đó nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa lớn lao của khuyến đọc, họ đã mở rộng cửa cho bạn đọc ngoài gia đình. Do xây dựng và vận hành dựa trên tình yêu sách vở, tinh thần trách nhiệm công dân và sự giác ngộ về ý nghĩa của khuyến đọc tiến tới xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, nên chúng hoạt động rất tốt cho dù cơ sở vật chất không có gì là đáng kể”.
Tham gia công tác khuyến đọc nhiều năm nay, bà Hoa Phượng nhận thấy một trong những mảng trống của văn hóa đọc hiện nay là khu công nghiệp, chế xuất. Ở đó, lực lượng công nhân rất đông đảo, có nhiều đối tượng là người trẻ, nhưng điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, không được tiếp xúc với sách vở.
“Mong mọi người chung tay thành lập tủ sách ở khắp nơi trên cả nước. Các em nhỏ cũng có thể gửi tặng những cuốn sách đã đọc cho những bạn nhỏ ở khu công nghiệp hay vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn để ai cũng có thể đọc sách”, người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam gợi ý.
Với những cá nhân, tập thể làm mô hình khuyến đọc nhiều năm nay, bà Hoa Phượng ghi nhận họ ở hành trình không mệt mỏi. Bởi chính họ đã tạo nên những mô hình khuyến đọc phong phú, là cánh tay nối dài phát triển văn hóa đọc.