Tiểu thuyết gia Mario Puzo nổi tiếng toàn thế giới nhờ tác phẩm Bố già nhưng ông không chỉ có duy nhất Bố già, cho dù nó đã trở thành kinh điển cả sách và phim. Mario Puzo còn là tác giả của loạt sách bestseller khác, phần lớn đều được dịch sang tiếng Việt.
Mới đây, 4 cuốn của Mario Puzo được làm lại, phát hành cùng thời điểm: Dại thì chết, Đấu trường u ám, Tổng thống K thứ tư, Đất tiền đất bạc.
Ngoại trừ Đất tiền đất bạc do dịch giả Ngọc Thứ Lang dịch từ trước 1975 là bản in lại, cả 3 cuốn còn lại được dịch mới hoàn toàn.
‘Bố già’ không phải tác phẩm hay nhất của Mairo Puzo
Dại thì chết là tiểu thuyết tiếp theo của Mario Puzo sau Bố già, ra đời sau Bố già đến 9 năm. Rất có thể dư âm thành công vang dội của Bố già vẫn còn ảnh hưởng đến cuốn tác phẩm này của Mario Puzo nên bản quyền in sách bìa mềm của cuốn này được bán với giá 2,055 triệu USD, một con số kỷ lục thời ấy.
Bản dịch trước đây của cuốn này lấy tựa đề là Những kẻ điên rồ phải chết, chia hai tập, ra từ cách đây 20 năm. Dại thì chết của vừa rút tựa đề ngắn hơn lẫn đúc lại chỉ một tập, dày dặn.
Sách Dại thì chết. Ảnh: Đ.A. |
Câu chuyện xảy ra trong “tam giác vàng” của nước Mỹ: kinh đô văn chương New York, kinh đô điện ảnh Hollywood, kinh đô cờ bạc Las Vegas. Bản thân Puzo rất “máu mê” đánh bài nên lấy văn chương, điện ảnh và cờ bạc làm chủ đề cho tiểu thuyết này.
Nhiều nhân vật trong Dại thì chết được xây dựng trên các nguyên mẫu có thật ngoài đời: nhân vật chính Merlyn chính là Mario Puzo; Osano là nhà văn Norman Mailer, Malomar là đạo diễn phim Bố già Francis Coppola. Ngay cả khách sạn Xanadu cũng chính là khách sạn kiêm sòng bạc Caesars Palace trứ danh ở Las Vegas.
Dại thì chết được xây dựng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế. Những chuyện hậu trường văn chương, điện ảnh, các mánh mung của làng đỏ đen, tất cả đều được Puzo phơi bày với tư cách một người trong cuộc ở cuốn tiểu thuyết này.
Đó là đấu trường của mưu trí, gan lì và may rủi của những tay chơi lớn, những kẻ mưu đồ xảo quyệt và những chân dài mồi chài hấp dẫn, một thế giới mà tham sân si được đẩy lên tột cùng. Trong cái thế giới ấy, chỉ những kẻ mạnh nhất, khôn ngoan nhất mới tồn tại, còn những kẻ ngốc dại thì chết.
Bố già có thể là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Mario Puzo nhưng Đấu trường u ám mới là cuốn lạ nhất của ông. Bởi rời xa khỏi thế giới của những giang hồ với những màn “trải nệm” hay luật Omerta (luật im lặng) tàn bạo, Đấu trường u ám đi vào chủ đề hoàn toàn lạ lẫm với điều người ta vẫn thường hình dung về ngòi bút Mario Puzo: giai đoạn Mỹ tiến vào nước Đức sau Đệ nhị thế chiến.
Walter Mosca, một cựu quân lục binh chỉ hơn 20 tuổi, trở về quê nhà ở Mỹ sau thời gian chiến đấu ở mặt trận Đức. Nhưng cái nền hòa bình mà vì nó anh ra đi chiến đấu để giành lấy ấy lại khuấy đảo tâm hồn đã chai sạn của người lính trẻ, thò cái vuốt sắc của mình vào nơi sâu thẳm nhất trong anh, sục sạo và phơi bày những cảm xúc nghiệt ngã.
Không thể trốn tránh, Mosca lên tàu trở lại Đức, không chỉ để tìm kiếm những mảnh linh hồn vỡ nát của mình, mà còn để tìm người phụ nữ Đức anh đã gặp và đã yêu trong khi anh là “kẻ chinh phạt”, còn cô là “kẻ bị chinh phạt”.
Cuộc đoàn tụ êm ả không diễn ra dài lâu, khi những bất ổn chính trị ở vùng đất này kéo họ vào vòng xoáy của thù hận, tiền bạc, quyền lực…
Đấu trường u ám thấm đẫm không khí trong những tiểu thuyết của Remarque. Nhưng khác với những nhân vật của tiểu thuyết gia lừng danh người Đức, các nhân vật của Mario Puzo, một tác gia Mỹ điển hình, “dữ dằn, cộc cằn, cứng rắn, không chinh phục người đọc bằng cơ bắp, mà là bằng nhân tính và sự mềm yếu trong bi kịch của mình”, như tờ New York Herald Tribune đã nhận xét.
Trước đây, Đấu trường u ám đã có ít nhất ba lần được dịch sang tiếng Việt cũng dưới tên gọi Đấu trường u ám hoặc Đấu trường đen, Trở về tội ác. Bản dịch này là lần thứ tư tái hiện lại một tác phẩm xuất sắc của Mario Puzo.
Mục điểm sách của tờ Kirkus đã tổng kết tác phẩm như một bức tranh về lực lượng chiếm đóng, quân đội và các nhân viên dân sự, cho thấy tất cả đều bị vấy bẩn bởi tư lợi, sự tàn ác, dã man, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, tệ nạn của những kẻ chinh phục, sự tham lam của những kẻ thua trận và tính tàn bạo của những người mà nỗi đau đã hằn thành sẹo.
Bốn cuốn sách của Mario Puzo. Ảnh: Đ.A. |
Cuốn sách hay nhất của Mario Puzo
Cũng là những âm mưu liên miên nhưng khác với giới giang hồ, các âm mưu trong Tổng thống K thứ tư của Mario Puzo liên quan đến lĩnh vực chính trị, với nhân vật giả tưởng Francis Xavier Kennedy.
Câu chuyện mở đầu bằng hai bi kịch kinh hoàng: vụ ám sát Giáo hoàng và song song đó là vụ bắt cóc con tin trên một chuyến bay chở người con gái duy nhất của tổng thống đương nhiệm.
Tác giả đã đưa bạn đọc hết từ âm mưu này đến âm mưu khác, từ phe khủng bố lẫn chính những vị đức cao vọng trọng trong chính quyền được coi là quyền lực nhất thế giới, kể cả những nhà tài phiệt đứng đằng sau nó.
Đứng giữa những lựa chọn khó khăn, Francis Xavier Kennedy đã đưa ra một quyết định cực đoan mà không ai – kể cả những người thân cận nhất với ông – có thể ngờ tới…
Cuốn sách lôi cuốn về đề tài chính trị của Mario Puzo. Ảnh: Tuấn Bình. |
Tờ BostonSunday Forum nhận xét cuốn sách viết về của Mario Puzo: “Một câu chuyện chính trị ly kỳ đầy mê hoặc, đầy uyên thâm mà cũng không kém phần hồi hộp”.
Trong nguyên bản tiếng Anh, cuốn tiểu thuyết chỉ có một cái tên gọn là The Fourth K (Chữ K thứ tư). Trong ba lần dịch sang tiếng Việt trước đây, cuốn tiểu thuyết được đặt lại thành Đời tổng thống K thứ tư hay Người mang họ Kennedy bị ám sát. Chỉ có bản dịch của Nhà xuất bản Lao động để nguyên tên là Chữ K thứ tư.
Bản dịch lần này lấy tên là Tổng thống K thứ tư, như là sự dung hòa giữa tên trong nguyên bản với nội dung của cuốn tiểu thuyết chính trị duy nhất trong đời của Mario Puzo.
Bản dịch Đất tiền đất bạc lần in này là bản do Ngọc Thứ Lang, người dịch Bố già, thực hiện trước năm 1975 (cuốn này còn các bản dịch khác lấy tựa là Đất khách quê người hoặc Qua cơn ác mộng). Mario Puzo có lần đã tuyên bố rằng “Đất tiền đất bạc là cuốn sách hay nhất và văn học nhất của tôi”.
Không hiểu Mario Puzo thành thực đến đâu trong tuyên bố này hay như nhiều tác giả thường thích đánh giá ngược lại với số đông nhưng có một điều chắc chắn rằng phải đọc kỹ Đất tiền đất bạc thì mới hiểu Bố già. Nói cách khác, Đất tiền đất bạc đã được Mario Puzo viết trước để làm bối cảnh xã hội cho Bố già.
Đọc Đất tiền đất bạc, độc giả sẽ ngạc nhiên vì cùng một tác giả Mario Puzo mà không thấy súng nổ đạn bay, chỉ thấy cám cảnh vì con người tranh ăn để sống!
Cuốn tiểu thuyết kể về những con người hành hương sang Mỹ tìm cơ hội đổi đời. Họ đâu cần tìm đạo, tìm triết lý mà chỉ đi… tìm tiền! Đúng hơn là đi kiếm miếng sống, cho khỏi đói. Nhưng không chết đói là may… họ lại đòi no nữa. Họ muốn làm giàu, thật nhiều thật lẹ… dù đồng tiền có bẩn và nếu cần còn phải triệt hạ đồng loại, đồng bào.
Đó chính là cái nền để sinh ra những con người như Bố già và con trai Michael, những người sau này đã tạo lập nên đế chế tội ác trong Bố già.
Với việc cho xuất bản cả cũ cả mới 4 cuốn tiểu thuyết của tác giả Bố già, người làm sách đã đưa ra 4 lời đề nghị đọc Mario Puzo mà dân mê sách không thể từ chối.