Công nghệ hiện đại đang khiến thế giới thay đổi mỗi ngày. Cùng đó, sẽ có những xu hướng không thể tránh khỏi. Cuộc sống của con người sẽ trở nên đơn giản hóa hay phức tạp hơn?
Một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, nhà tương lai học đã đưa ra dự đoán về sự trợ giúp của công nghệ trong thời đại ngày nay qua các cuốn sách.
Cuốn sách của nhà tương lai học Brett King về ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng. Ảnh: A.B. |
Công nghệ giúp ích gì cho ngành ngân hàng?
Brett King là một nhà tương lai học người Australia và chuyên gia ngân hàng số. Ông từng viết một số cuốn sách về công nghệ, đặc biệt là về chủ đề ngân hàng trong thời đại số.
Tiếp nối cuốn Bank 3.0 (2012), ông viết nên Bank 4.0 – Giao dịch mọi nơi, không chỉ ở ngân hàng nhằm đưa người đọc khám phá những chuyển đổi căn bản diễn ra trong ngành ngân hàng; mặt khác, dự đoán tương lai của ngành này trước sự phát triển của công nghệ số sau 20-50 năm nữa.
Trong sách, tác giả dẫn chứng nhiều bài báo của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, công nghệ; từ đó, cung cấp thông tin xác thực về mô hình các ngân hàng đang chuyển đổi số thành công trên thế giới hiện nay nhờ sự trợ giúp của công nghệ, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Brett King còn đưa ra những tiêu chí “số hóa” cho những giao dịch trên thế giới, để xác định hướng đi đúng đắn cho con người trên hành trình tiến tới “bank 4.0”.
Cuốn sách được mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam trong những ngày dịch bệnh tạo ra sự thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và làm việc của người dân. Nó giúp chúng ta có thêm niềm tin rằng sự trợ giúp của công nghệ 4.0 sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực khiến mọi giao dịch trở nên đơn giản, tiện lợi hơn.
Cuộc cách mạng 4.0 khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Con người sẽ được hưởng lợi gì từ công nghệ? Ảnh minh họa: Robotsteam. |
Tác động của công nghệ 4.0
Cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của giáo sư Klaus Schwab (Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế Thế giới) cung cấp kiến thức cơ bản về cuộc cách mạng 4.0, đồng thời trả lời cho các câu hỏi: Công nghệ hiện đại sẽ mang đến những gì? Nó tác động đến chúng ta ra sao trong thời gian tới?
“Ngoài tốc độ và quy mô, tính độc nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thể hiện ở sự hài hòa và tích hợp ngày càng tăng của nhiều ngành và nhiều phát kiến khác nhau”, Klaus Schwab đưa ra nhận định.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo hiện hữu ở khắp nơi quanh chúng ta, từ xe tự hành, máy bay không người lái, trợ lý ảo hay những phần mềm dịch thuật. Tất cả đang biến đổi cuộc sống của nhân loại.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những ngành nghề có đặc thù máy móc và tần suất lặp đi, lặp lại đòi hỏi lao động chân tay với sự chính xác đang được tự động hóa. Tác giả cũng dự đoán xu thế này sẽ còn tiếp diễn khi sức mạnh của công nghệ và trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển.
Ông Klaus Schwab cho rằng đến nay, chúng ta vẫn chưa hình dung được đầy đủ tốc độ và phạm vi của cuộc cách mạng 4.0. Nhưng đơn giản như việc hàng tỷ con người trên thế giới đang được kết nối với nhau bằng thiết bị di động và mạng Internet cũng chính là một trong những minh chứng cho sự trợ giúp đắc lực từ công nghệ.
Cuốn sách của Greg Orme chỉ ra những lợi thế của con người trong cuộc cách mạng lần thứ tư. Ảnh: S.V. |
Con người hưởng lợi gì từ cách mạng 4.0?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần lấn át bộ não của con người và tạo nên mũi tên hai chiều: Con người sẽ bị thay thế bởi AI? Hay AI sẽ là công cụ hỗ trợ cuộc sống?
Tác giả Greg Orme trong cuốn Lợi thế của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt chỉ ra những kỹ năng cần thiết để nêu bật điểm mạnh của con người trong thời đại số; mặt khác, trình bày phương pháp tận dụng và sống chung với máy móc, công nghệ để tạo ra điểm mạnh.
Cuốn sách được viết dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và khoa học thần kinh mới nhất, cùng các triết lý độc đáo của nhiều doanh nhân thành công, để từ đó tìm ra điểm mạnh, khả năng sáng tạo, hợp tác của con người với AI.
Greg Orme khẳng định robot và AI sẽ còn tồn tại, nên những công việc chân tay mà trước nay con người đảm nhận sẽ dần được tự động hóa bằng máy móc. AI lên ngôi và sẵn sàng tác động tới con người theo cách mà “những chiếc máy tính lớn của IBM khiến những nhân viên tính toán trở nên thừa thãi”.
Bên cạnh đó, tác giả nhận định sức mạnh của con người trong bối cảnh chuyển đổi số và cách chúng ta vươn lên để làm chủ cuộc sống hiện đại.
Tác phẩm đoạt giải thưởng Cuốn sách kinh tế hay nhất năm 2020 tại Vương quốc Anh.