Sau hai năm gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình “Những ngày Văn học châu Âu” đã trở lại với bạn đọc yêu văn chương ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Đây là dịp giới thiệu nhiều tác phẩm văn học châu Âu của các tác giả đương đại tới độc giả trong nước. Trong đó có một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đáng chú ý của các nhà văn người Đức.
Tiểu thuyết của Ferdinand von Schirach. Ảnh: Sao Bắc. |
Tốt xấu, thiện ác trong muôn mặt đời sống
Ferdinand von Schirach là một tên tuổi đáng chú ý trên văn đàn Đức đương đại. Trong một bài viết của mình, nhà phê bình Der Spiegel ví Ferdinand von Schirach là “người kể chuyện vĩ đại”. Tờ New York Times gọi ông là “nhà tạo mẫu phi thường” bởi cách xây dựng cốt truyện và nhân vật độc đáo cùng lối kể tài tình.
Ferdinand von Schirach vốn là một luật sư, ông bắt đầu viết văn khi đã bước sang tuổi 45, nhưng ngay lập tức các sáng tác của ông được giới phê bình đón nhận một cách nhiệt thành.
Tội lỗi là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ferdinand von Schirach, trong tác phẩm của mình, nhà văn người Đức phơi bày mặt trái của nội tâm con người, nơi cái xấu, cái ác lẫn khuất và đợi chờ cơ hội để trỗi dậy.
Ferdinand von Schirach quan niệm: Tùy thuộc vào hoàn cảnh sống ai cũng có thể phạm tội và trở thành tội phạm. Tốt và xấu, thiện và ác luôn đan xen và tạo nên muôn mặt của đời sống, đứng trước một tình huống ngặt nghèo, những phần sâu kín bên trong một người sẽ được bộc lộ. Nó có thể khiến người ta ngạc nhiên và đôi khi rùng mình sợ hãi.
Cuốn sách của Goethe. Ảnh: Nguoidothi. |
Ảnh hưởng của màu sắc
Johann Wolfgang von Goethe là một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng lớn của nước Đức. Ở Việt Nam, ông được biết nhiều nhất với vai trò là một nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch với các tác phẩm kinh điển như: Nỗi đau của chàng Werther, Faust…
Ngoài tiểu thuyết, thơ và kịch, Goethe còn là một họa sĩ. Ngoài vẽ tranh, ông đã có những nghiên cứu về hội họa, nhất là ảnh hưởng của màu sắc trong hội họa nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung, hay tầm quan trọng của “thuyết màu” với nghệ thuật.
Mới đây, cuốn Thuyết màu của Goethe đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam. Cuốn sách có tên gốc là Farbenlehre, được xuất bản lần đầu tại Đức vào năm 1810.
Trước Goethe, Newton cũng đã đưa ra những nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của màu sắc tới con người. Thuyết màu của Isaac Newton dựa trên các nghiên cứu về vật lý quang học, còn thuyết màu của von Goethe thiên về quan sát, thử nghiệm và ghi chép các hiện tượng xảy ra.
Theo Goethe, hiểu về màu sắc một cách bài bản sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về nghệ thuật. Không chỉ ở hội họa hay điêu khắc, màu sắc hiện diện ở tất cả lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, bằng những phương thức thế hiện riêng, từ thị giác tới phi thị giác. Bên cạnh màu sắc, Goethe cũng nói một chút về đời sống văn chương và nghệ thuật ở thời đại mà ông đang sống trong cuốn sách.
Tác phẩm của Goethe có tính gợi mở, khám phá lớn. Thế hệ sau đã tiếp tục tìm tòi, phát huy khả năng vô tận của màu sắc. Thuyết màu đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được tái bản nhiều lần. Một số nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu sắc và phát triển chuyên môn của mình từ thuyết màu của Goethe.
Tập truyện ngắn của tác giả Bernhard Schlink. Ảnh: Nhã Nam. |
Góc nhìn mới về sự chia ly
9 màu chia ly là tập truyện ngắn của tác giả Bernhard Schlink, được viết khi nhà văn đã về hưu, xa rời công việc của một thẩm phán.
Ở những năm tháng xế chiều của cuộc đời, tác giả suy ngẫm nhiều tới sự chia ly, nỗi đau và hy vọng của con người ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Khoảnh khắc ly biệt hiện lên trong văn của ông với những góc nhìn mới mẻ.
Chia ly đôi khi không gắn liền với đau khổ, với một số người, lìa xa nhân thế là một sự giải thoát. Có những lúc, nỗi đau tìm tới những người ở lại, bởi họ luyến tiếc những phút giây chưa trọn vẹn.
Phủ lên những câu chuyện một màu hoài cảm, tác giả Người đọc dẫn độc giả đi vào những chiêm nghiệm về các sắc thái của chi ly. Ở đó có niềm tin và phản bội, có sự hổ thẹn và tội lỗi, những khát khao sâu kín và những nuối tiếc khôn nguôi.
Các tác phẩm của Bernhard Schlink đều được sáng tác bằng lối hành văn khúc chiết, mạch lạc, thể hiện rõ ràng tư duy của luật sư. Những câu chuyện mà nhà văn người Đức kể đều mang nặng suy tư về cuộc đời với sự đan xen giữa đau khổ, hạnh phúc.