Một lần ra Hà Nội, nhà thơ Lê Minh Quốc cứ giục tôi dẫn đi ăn bún ốc. “Cái quán bún ốc mà chị Hoàng Việt Hằng mời mình ăn lần trước ấy. Quán ấy ngon lắm!”. Hà Nội có hàng trăm quán bún ốc. Hàng nào nghe nói cũng ngon. Nhưng tôi không thích món này lắm. Nhưng bạn từ phương xa đến, chả nhẽ chối từ? Quốc gọi cho chị Hằng.
Chị bảo, quán đó ở phố Bùi Thị Xuân. Dẫn bạn đến phố đó. Thấy nhiều quán bún ốc. Chả nhẽ lại gọi chị Hằng? Quốc đang đói. Thôi thì quán nào cũng được. Chắc quán nào cũng ngon. Lát sau, chị Hằng đến. Chị bảo, hai đứa ngồi nhầm chỗ rồi. Quán dưới kia cơ. Trò chuyện, mới biết, chị Hằng thương Quốc như cậu em.
Còn tôi thì biết chị Hằng từ lâu. Từ cái hồi cặp vợ chồng Hoàng Việt Hằng – Triệu Bôn còn ở nhờ căn phòng nhỏ trong khuôn viên báo Người Hà Nội tại 19 Hàng Buồm. Dạo ấy, nhà văn Triệu Bôn mới từ quân đội chuyển sang ngạch dân sự. Chưa có chỗ ở, anh xin cơ quan cho gia đình trú ngụ tạm thời trong một căn phòng nhỏ trên tầng 2, đối diện với tòa báo.
Nhà Văn Triệu Bôn vốn là người hiền lành, trầm tính. Sống trong quân đội gần như suốt cuộc đời nên anh ít va chạm với đời thường, nhìn cuộc sống với góc nhìn đơn giản.
Còn chị Hoàng Việt Hằng khi đó thuộc diện “ăn theo” chồng nên cũng tế nhị. Hai vợ chồng có cậu con trai nhỏ. Nếp sinh hoạt của gia đình, dù thu vén đến đâu, cũng không thể không ảnh hưởng đến cái gọi là “cơ quan” nên “chuyện này chuyện kia” thường xảy ra.
Nhà văn Triệu Bôn, ăn nói nhỏ nhẹ, không thể địch nổi mấy cái “loa phường”, nên tìm cách né. Mỗi mình chị Hằng chịu trận.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Ảnh: Fb Hà Thư. |
Rồi những ngày tháng cơ hàn ấy cũng qua. Nhà văn Triệu Bôn được Nhà nước phân cho căn hộ trong ngõ 128 phố Đại La. Anh chị chuyển về đấy. Tình cờ, con trai của anh chị tên là Sâm, lại học cùng lớp với con trai đầu của vợ chồng tôi. Trường học ngay cạnh nhà anh chị. Ngày khai giảng lớp một, vợ chồng tôi thấy anh chị đưa con đến trường. Chị chụp ảnh các cậu bé tung tăng trong sân trường. Rồi chị gửi cho vợ tôi bức ảnh. Thật cảm động.
Một lần, tôi đến thăm nhà văn Tô Hoài. Nhà văn tâm sự ông quý hai nhà văn trẻ là Lê Lựu và Triệu Bôn. Ông đánh giá cao văn tài của hai cây bút này. Nhưng ông tiếc cho nhà văn Triệu Bôn chưa được nổi tiếng như Lê Lựu. Ông gọi đó là “cái được” và “chưa được” của hai nhà văn. Nhưng tôi biết, ông rất quý Triệu Bôn.
Sau này, nhà văn Triệu Bôn cũng kể cho tôi rất nhiều chuyện về nhà văn Tô Hoài từ cái thuở Truyện Tây Bắc. Quý Triệu Bôn, nhà văn Tô Hoài quý luôn nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Ông đã dành cho chị nhiều lời khuyên về con đường viết văn gập ghềnh và gian khó. Có lẽ, thấm nhuần những lời căn dặn của những bậc “đàn anh” là người chồng mà chị đầy kính trọng và nhà văn trưởng lão nên những tác phẩm chị Hoàng Việt Hằng viết đều có dấu ấn riêng.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng sinh tại Hà Nội. Lớn lên, chị làm công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, ngay gần nhà. Nhưng thiên hướng thơ ca khiến chị tìm đến cây bút. Chị xin đi học. Ra trường, chị trở lại làm công nhân. Nhưng nỗi đam mê viết lại buộc chị đi theo tiếng gọi của thiên hướng.
Những trang văn đầu tay chị viết được nhà văn Triệu Bôn biên tập. Nhà văn nhận ra sự chân thành nhưng thơ ngây của cây bút trẻ. Ông nhận thấy chất thơ nhiều hơn chất văn xuôi trong những trang viết của chị. Điều ông quý trọng nhất ở chị chính là sự chân thành. Thậm chí, ông gọi, đó là sự chân thành pha chút ngờ nghệch. Đó chính là cái neo vàng đối với nghề cầm bút.
Từ những tình cảm ban đầu ấy, chị yêu nhà văn có gia tài là hai cuộc kháng chiến. Nhưng cao cả hơn là con đường anh đang đi. Chị cảm nhận tình yêu ấy luôn đầy giông bão:
“Em khâu tóc trắng thay lời / Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau / Con chồng, vợ cũ, đồng sâu / Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng / Văn chương bảy sắc cầu vồng / Chuyện tình anh cũ em không biết gì”.
Trong lời tự sự buồn này, người đọc cảm nhận sự chia sẻ và gánh vác. Một thời gian sau, nhà văn Triệu Bôn bị tai biến nhẹ. Chiều chiều, tôi thường thấy chị dẫn nhà văn đi dạo trên phố Đại La – con phố lúc nào cũng đông người. Anh Triệu Bôn cầm theo cái giằm nhỏ. Anh rất thích cỏ ấu. Sau cơn mưa, bên những gốc cây, cỏ ấu trồi lên, vươn cao. Lá xanh mướt. Mềm như tóc con gái. Anh đánh từng gốc, mang trồng trong mảnh vườn nhỏ trong sân.
Dường như càng về già, chúng ta càng cảm nhận cỏ cây gần gũi hơn, sâu sắc hơn. Nó chính là ta. Và ta là một phần của cây cỏ. Và khi ấy, nhà văn Triệu Bôn như bóng cổ thụ trong nhà. Mọi việc đều do tay chị lo toan: “Từ ngày anh ốm thừa ra / Người đàn ông ở trong nhà là em / Bao nhiêu công việc không tên / Nửa đêm bơm nước, thắp đèn leo cao”.
Rồi khi anh đi xa, chị sửa lại căn phòng. Sắp xếp một nơi đặt những kỷ vật của người chồng bộ đội. Nơi đó, có bộ quân phục, chiếc ba lô, cái bình tông… đến cả đôi giày, chiếc cúc áo… Và tất nhiên có cả những tác phẩm của nhà văn Triệu Bôn. Để chị và con trai luôn cảm thấy nhà văn Triệu Bôn vẫn hiển hiện trong ngôi nhà. Chị chăm sóc bảo tàng bé nhỏ:
“Em lau hăng-gô, nhìn cái rút dép / Kỷ vật một thời gắn bó với anh / Thư viện nhà mình còn góc chiến tranh / Còn hơi thở của em dành cho ký ức”.
Có lần, chị dọn nhà. Thấy tấm ảnh chân dung anh màu đen trắng cũ đã sờn, trong chị lại sáng bừng lên kỷ niệm: “Chợt tấm ảnh trắng đen / chân dung anh hiện về / áo lính / nụ cười hiền / đêm viết dưới đèn pin / chữ mực tím nhòe mờ / em đã tập buông bỏ / nhà mối xông mấy lần chẳng còn gì để giữ…”.
Sách Em đã đốt thơ tình anh tặng. Ảnh: Vàng Dỉn Tề. |
Hoàng Việt Hằng là người luôn tràn đầy năng lượng sống. Ở nhà, chị là người quán xuyến mọi công việc của đàn ông như sửa nhà, chữa điện, bơm nước… Khi anh Triệu Bôn ốm đau, những công việc của đàn ông càng dồn trên vai chị. Nhưng chị đảm nhận một cách bình thường. Như một lẽ tự nhiên. Khi nhà văn Triệu Bôn ra đi, trong chín năm, chị lặng lẽ thu nhặt bản thảo, biên tập, sắp xếp. Chị đã in cho anh đến mười đầu sách. Có lẽ, dưới suối vàng, anh Triệu Bôn cũng mát lòng mát dạ.
Không những vậy, chị còn là người luôn hành động. Chân đi. Đầu nghĩ. Tay viết. Để làm gì? Để nuôi con. Để chăm chồng. Dấu chân chị đặt đến mọi miền Tây Bắc. Đi bằng xe khách. Đến những bản làng xa xôi. Gặp những con người bé nhỏ nhưng có tấm lòng trong sạch như suối nguồn.
Chị hồ hởi kể chuyện, ở Chợ Rã, Bắc Kạn. Có bà mế bán ngan nhỏ. Nhìn đàn ngan liu riu mà bà mế mang từ bản đến. Chị biết bà đã đi bộ qua mấy ngọn núi, qua nhiều con suối. Chị hỏi giá một con. Bà mế nói tám nghìn. Chị trả cho bà mế mười nghìn. Nhưng bà mế nhất định không lấy mười nghìn. Chỉ nhất quyết lấy đúng tám nghìn. Chị cảm thấy cách ứng xử nguyên thủy ấy dường như là phương thuốc tẩy trần đối với chị.
Rồi, chị gặp những người phụ nữ cô đơn. Họ lặng lẽ sống bên suối, bên bìa rừng. Gia tài hầu như không có gì. Nhưng tấm lòng họ thơm thảo. Sẵn sàng chia sẻ với chị những thứ quý giá nhất trong nhà. Những tên đất đai như Phà Đen, Nậm Khan cùng với những tên người như bà Còng, chị Ngải… có thể chìm giữa đời thường. Nhưng chị đưa họ lên trang giấy, đưa vào thơ, khiến họ như lung linh hơn. Và tâm hồn họ tỏa sáng đến người đọc. Tôi cứ ấn tượng với cách chị miêu tả cậu Nghẹo, một con người có số phận thiệt thòi:
“Không việc làm / Tàn tật phải ra ga / Cậu cũng cố chở hàng kiếm dăm ba ngàn bạc / Tiền nong chị cho / Cậu nhận thường cúi mặt”.
Chị đã quan sát rất tinh tường. Một trong những phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất đối với nhà văn là khả năng quan sát. Tất cả nhà văn lớn trên thế giới đều rất giỏi quan sát. Quan sát để phát hiện chi tiết. Phát hiện chi tiết càng nhỏ bé, càng tinh tường, tác phẩm sẽ càng lớn. Cậu Nghẹo tuy nghèo, nhưng khi nhận tiền chị cho, cậu thường “cúi mặt”. Cái động tác cúi mặt của một con người lương thiện. Của con người còn đầy lòng tự trọng. Lương tâm còn trong sáng.
Chi tiết này khiến tôi liên tưởng đến một cảnh trong phim Người tình (The Lover– 1992) của đạo diễn Pháp Jean Jacques Annaud (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Margueriete Duras). Đó là cảnh khi cô bé Duras từ Sa Đéc lên Chợ Lớn học. Cô đã ngồi trên xe đò. Lúc đó, mẹ cô, bà giáo nghèo mới bước lên xe, đưa tiền cho cô. Nhà giàu thường cho tiền con cái từ sớm. Nhà nghèo thường cho con tiền lúc rất muộn. Và cho ít. Mấy đồng bạc lẻ nhàu nát. Cô nhận tiền mà mắt cứ cúi xuống. Bởi cô hiểu gia cảnh của gia đình. Cô hiểu tấm lòng của mẹ. Cô hiểu vị thế của mình… Và cậu Nghẹo cũng vậy.
Có nhiều người không thể đi trên con đường văn chương đến cùng. Nhưng tôi tin, nhà thơ Hoàng Việt Hằng sẽ còn đi xa hơn nữa. Dù gia tài văn chương của chị đã có gần hai chục đầu sách với nhiều giải thưởng quan trọng. Bởi vì sao? Bởi chị là người luôn vô tư, trong sáng và công bằng trong việc thẩm định, đánh giá tác phẩm của đồng nghiệp. Các nhà văn có cái tật ít đọc của nhau. Và nếu đọc, thường đọc ẩu. Ít khi dám công nhận cái hay của đồng nghiệp.
Riêng nhà thơ Hoàng Việt Hằng lại khác. Thấy hay chị nói ngay là hay. Không quanh co. Không úp mở. Chính phẩm chất này khiến chị luôn có động lực và mục đích trên con đường văn nghiệp gian khổ của mình.
Không có con đường nào dễ dàng và bằng phẳng. Dù biết mình khổ. Nhưng trong cái khổ có những niềm hạnh phúc mà nhiều người khác không có, hoặc mong ước. Cái khổ và hạnh phúc ấy đều do những giọt mồ hôi chân chính của mình đánh đổi. Những giọt mồ hôi cần lao, tinh chất như những giọt vàng. Nên chị luôn mạnh mẽ, nói cười rổn rảng và sống rất thanh đạm, vô tư. Chị cứ hỏi tôi, khi nào Lê Minh Quốc ra Hà Nội? Chị sẽ dẫn vợ chồng Quốc đi ăn nhiều món ăn dân dã ngon hơn bún ốc nhiều.