Connect with us

Tác giả

Một lối mở đưa văn học Việt ra thế giới

Được phát hành

,

Trong vòng 2 năm kể từ khi ra mắt, ngoài những giải thưởng danh giá, cuốn tiểu thuyết “The Mountains Sing” của Nguyễn Phan Quế Mai đã được dịch ra 12 thứ tiếng.

Trong chuyến trở về quê hương, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã có buổi trò chuyện với sinh viên khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội với những chia sẻ thú vị về cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết và xuất bản bằng tiếng Anh của chị. Điều đặc biệt là, chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi ra mắt, ngoài những giải thưởng danh giá, cuốn tiểu thuyết The Mountains Sing đã được dịch ra 12 thứ tiếng.

Được NXB Algonquin Books (New York, Mỹ) xuất bản vào tháng 3/2020, The Mountains Sing sau đó đã có mặt ở nhiều thị trường nói tiếng Anh như Canada, Ấn Độ, Singapore, Australia… Đến nay, The Mountains Sing đã được dịch ra 12 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Croatia…

Gây bất ngờ khi được trao những giải thưởng uy tín như: Giải thưởng BookBrowse năm 2020 dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc; Lannan Literary Award Fellowship năm 2020 vì “đóng góp cho hòa bình và hòa giải”; Bloggers Book Prize năm 2021; Sách quốc tế năm 2021 ở 2 hạng mục Đa văn hóa và Văn học hư cấu; PEN Oakland/ Josephine Miles Literary Award Fellowship năm 2021; Giải thưởng Văn học Dayton vì Hòa bình năm 2021.

Advertisement

Có lẽ, trong những năm qua, đây là cuốn sách của một tác giả người Việt gây được sự chú ý nhiều nhất, rộng rãi nhất khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và được vinh danh bằng những giải thưởng danh giá.

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, điều này cũng gây bất ngờ đối với chính bản thân chị. Bởi vì, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết này, chị chỉ đơn giản mong muốn mình viết văn bằng tiếng Anh như sự trau dồi, học hỏi không ngừng mỗi ngày.

Nguyen Phan Que Mai anh 1

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Ảnh: Văn nghệ Công an.

The Mountains Sing là câu chuyện kể về một gia đình họ Trần đã trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử như quá trình xâm lược của thực dân Pháp và Phát xít Nhật, nạn đói năm 1945, thời kỳ chiến tranh, ném bom phá hoại của Mỹ và thời kỳ hậu chiến.

Qua câu chuyện kể của người bà tên Diệu Lan với cô bé Hương, những con người trong gia đình họ Trần gồm trên 20 nhân vật không chỉ sống sót qua những biến cố khắc nghiệt của lịch sử, mà còn phải hàn gắn những mối quan hệ trong gia đình, học cách hi sinh, tha thứ…

Chính vì thế, The Mountains Sing là một câu chuyện về một gia đình nhưng cũng chính là câu chuyện về lịch sử Việt Nam của nữ tác giả luôn tự hào là người Việt Nam, tự hào về màu sắc, chiều sâu của văn hóa Việt.

Advertisement

Trong tiểu thuyết, người bà dành cho đứa cháu yêu của mình những lời nhắn nhủ rằng: “Những thử thách mà người Việt ta đã phải đương đầu trong suốt chiều dài lịch sử cao vời vợi như những ngọn núi. Nếu đứng quá gần, cháu sẽ không thể nhìn thấy đỉnh núi. Khi cháu lùi lại, tách mình ra khỏi dòng đời ngược xuôi, cháu sẽ có được cái nhìn toàn cảnh…”.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ rằng, chị đã mất tới 7 năm để hoàn thành tiểu thuyết The Mountains Sing. Đến với văn chương bằng thơ, The Mountains Sing là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, nhưng lại được viết bằng tiếng Anh là thử thách đối với chính tác giả, đồng thời cũng là điều khiến độc giả Việt tò mò vì cho đến nay phiên bản tiếng Việt của tiểu thuyết vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Đam mê văn chương và thích đọc sách từ nhỏ, nhưng Nguyễn Phan Quế Mai lại tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh – Đại học Monash (Australia), có nhiều năm làm việc với các đối tác nước ngoài, sau đó chị học thạc sĩ, rồi trở thành tiến sĩ ngành viết văn tại Đại học Lancaster (Anh).

Con đường Nguyễn Phan Quế Mai đến với văn chương như là số phận khi chị quyết định trở lại với văn chương ở tuổi ngoài 30 với các tập thơ Trái cấm (2008), Cởi gió (2010, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội) và Bí mật của hoa sen (2014). Chị cũng có nhiều đóng góp trong việc kết nối, giới thiệu và dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài.

Nguyễn Phan Quế Mai tâm sự: “Khi theo học chương trình dạy viết Đại học Lancaster, yêu cầu của trường là khi tốt nghiệp phải nộp một bản thảo tác phẩm có chất lượng để có thể xuất bản. Đây chính là động lực để tôi bắt tay vào sáng tác. Nhưng khi tôi nộp bản thảo đầu tiên, cô giáo tôi đã nhận xét rằng, bản thảo của tôi khô khan như một báo cáo tài chính. Cô giáo tôi thực sự đã ‘quất’ cho tôi những roi rất đau để tôi ‘tỉnh’ và phải suy nghĩ rất nhiều, phải bắt đầu lại, đọc, học hỏi, tìm tòi tư liệu và làm việc không ngừng cho đến khi The Mountains Sing ra đời!”.

Advertisement
Nguyen Phan Que Mai anh 2

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (thứ 5 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với độc giả nước ngoài. Ảnh: Văn nghệ Công an.

Về lý do chọn cách viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh thay vì viết bằng tiếng Việt sau đó dịch sang tiếng Anh, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, có rất nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh về Việt Nam đã được xuất bản, còn tác phẩm do người Việt viết rất ít. Những bộ phim, tiểu thuyết của các tác giả người Mỹ hay phương Tây thường diễn đạt về nước Việt, người Việt theo cách thứ yếu, cốt để làm nền cho câu chuyện của họ. Chính vì thế, tôi muốn viết bằng tiếng Anh để ‘phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học viết về Việt Nam’. Khi người Việt chúng ta góp được tiếng nói của mình vào dòng văn học tiếng Anh, ở đó con người Việt được đặt ở vị trí trung tâm, là cách thức chúng ta chống lại sự đô hộ đó! Chính vì thế, tôi đề nghị nhà xuất bản phải giữ nguyên tên riêng các nhân vật có dấu như trong tiếng Việt. Tôi mong muốn mời độc giả phương Tây vào với văn hóa Việt Nam, tìm hiểu văn hóa Việt Nam…”.

Nguyễn Phan Quế Mai kể rằng chị đã hoàn thành The Mountains Sing bằng cảm xúc và tình yêu đối với văn học, với đất mẹ, với gia đình của mình. Chị có mong muốn viết một tác phẩm về lịch sử gia đình mình, đất nước mình từ nhiều năm trước nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu nên cứ tích lũy dần bằng các cuộc phỏng vấn với các nhân chứng lịch sử để ghi chép, lắng nghe, chia sẻ với họ và nuôi dưỡng cảm xúc viết cho mình cho đến khi tìm được “chìa khóa” để đi vào tác phẩm.

Nhiều trở ngại trong quá trình lần đầu sáng tác một tiểu thuyết lại viết bằng tiếng Anh đã xuất hiện như: Không đủ vốn từ để thể hiện, không truyền tải được hết cảm xúc và câu văn không được hay. Vì thế, Nguyễn Phan Quế Mai phải vượt qua việc học và thực tập mỗi ngày. Bên cạnh đó, mỗi khi viết bằng tiếng Anh không truyền tải được hết suy nghĩ, cảm xúc của mình, chị lại trở về với tiếng mẹ đẻ để mở ra cánh cửa cảm xúc rồi mới trở lại viết bằng tiếng Anh.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ để tác phẩm The Mountains Sing được nhiều nhà xuất bản trên thế giới biết đến như hôm nay, chị phải đặc biệt cảm ơn “Người đại diện văn học” của mình – cô Julie Stevenson – đã giúp giới thiệu bản thảo đến với các nhà xuất bản uy tín.

Ở nước ngoài, các nhà xuất bản này thường không nhận bản thảo trực tiếp từ tác giả mà sẽ nhận từ “người đại diện văn học” – vốn phải là những người có uy tín, được tin cậy trong giới xuất bản. Nhờ sự kết nối này, tác giả đã nhận được lời mời của một số nhà xuất bản nhưng chị đã nhận lời hợp tác với bà Betsy Gleick – Giám đốc và là biên tập kỳ cựu của nhà xuất bản Algonquin Books.

Advertisement

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để đưa một tác phẩm văn học ra với thế giới, nhà thơ Nguyễn Phan Quê Mai nói: “Các nhà xuất bản có uy tín sẽ không ngại đầu tư vào việc quảng bá và phân phối sách. Công việc này được làm một cách cực kỳ bài bản. Khoảng 6 tháng trước khi bản in chính thức được phát hành, nhà xuất bản Algonquin Books đã in hàng trăm bản đọc thử và gửi đi khắp nơi để khởi động chiến dịch truyền thông. Các bản in thử này được gửi đến tòa soạn các tờ báo, các nhà sách, những nhà phê bình, những người có tầm ảnh hưởng để họ giúp tạo dư luận cho quyển sách. Nhà xuất bản còn đề nghị tôi viết thư tay cho các đơn vị, cá nhân này để tự giới thiệu, phải xuất hiện trên các mạng xã hội để cùng tham gia quá trình quảng bá sách!”.

Với những kinh nghiệm quý giá từ việc sáng tác và quảng bá tác phẩm The Mountains Sing ra thế giới, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai hi vọng rằng, các tác giả trẻ, các nhà văn Việt Nam có thể trau dồi thêm ngoại ngữ để có thể tiếp cận trực tiếp với các trào lưu và dòng chảy sáng tác văn học của thế giới.

Chị cũng tiết lộ, năm 2023 tới đây, tiểu thuyết Dust Child (Bụi đời) của chị sẽ tiếp tục được nhà xuất bản Algonquin Books ấn hành. Ở tác phẩm này, sẽ là câu chuyện kể về số phận những đứa con lai trong chiến tranh cũng như thời kỳ hậu chiến.

Nguồn: https://zingnews.vn/mot-loi-mo-dua-van-hoc-viet-ra-the-gioi-post1315142.html

Advertisement

Tác giả

Nữ tác giả viết để chữa lành thương tổn

Được phát hành

,

Bởi

Ở những tháng ngày chông chênh nhất, Amanda Huỳnh đã đặt bút viết để tự chữa lành tổn thương.

Chua lanh thuong ton anh 1

Tác giả Amanda Huỳnh.

Nhà văn Amanda Huỳnh từng ký họa 2 cuốn sách Lam, Có hẹn với Paris. Đây là nhật ký ghi lại những gì cô trải qua và tích luỹ từ cuộc sống.

Ngày 31/3, Amanda Huỳnh sẽ chính thức ra mắt cuốn sách Nơi chúng ta thuộc về. Cô mở đầu tác phẩm bằng lời tựa ám ảnh: “Một tuổi thơ lạc lõng của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ. Một thanh xuân ngông cuồng mập mờ giá trị của bản thân”. Ở những tháng ngày chông chênh nhất, cô đã đặt bút viết để chữa lành tổn thương của mình.

Chua lanh thuong ton anh 2

Nhà văn tâm sự: “Thật ra nơi chúng ta thuộc về không phải là một nơi, một chốn hữu hình. Đã không ít lần giữa những đêm say, những cuộc vui rộn ràng, bạn sẽ tự hỏi liệu mình có thuộc về nơi này? Với tôi, vào một đêm trên chuyến xe ở Reykjavík, giữa con đường xa lộ ngút ngàn, phía đường trời ánh tím ửng hồng, hai bên là những triền núi lửa trắng xoá, bài hát của Asgeir trong album In the silence khẽ vang, tôi đặt tay phải trên dòng chữ ‘biết ơn’ trên tay trái mình và cảm thấy hạnh phúc. Cũng là những chuyến đi, nhưng khác những chuyến đi tuổi trẻ, đã từ lâu, tôi biết nơi trái tim tôi thuộc về”.

Nơi chúng ta thuộc về gồm 3 chương: Yêu – Thương – Tha thứ. Nhà văn viết cuốn sách này vì chính mình và muốn thấu hiểu bạn đọc. “Biết đâu trong những gì tôi sắp kể ra đây, bạn đã hoặc đang chuẩn bị trải qua những gì gần giống như vậy. Biết đâu ở một khoảnh khắc nào đó, chúng ta đã rất giống nhau. Trong khoảng trắng giữa hai dòng chữ, biết đâu ta hiểu nhau. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, bạn có tôi và tôi có bạn. Và mong muốn lớn nhất của tôi, đó là bạn biết bạn không chỉ có một mình”, Amanda Huỳnh nói.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/nu-tac-gia-viet-de-chua-lanh-thuong-ton-post1388654.html

Tiếp tục đọc

Tác giả

Tại sao hình tượng Allan Poe tràn ngập trong ‘Wednesday’

Được phát hành

,

Bởi

Những người bình thường khi cô đơn và không được ai thấu hiểu, đã tìm thấy bản thân mình trong hình ảnh mệt mỏi nhưng khôn ngoan của Poe.

the pale blue eye anh 1

Ảnh trong phim The pale blue eye.

Gần đây, Netflix đã phát hành bộ phim bí ẩn kinh dị The Pale Blue Eye với nhân vật tên Edgar Allan Poe, lấy cảm hứng từ nhà văn Edgar Allan Poe, là một học viên tại học viện Quân sự Mỹ. Bên cạnh đó, trong năm 2023, Netflix cũng có dự định ra mắt một bộ phim truyền hình ngắn tập dựa trên truyện ngắn Sự sụp đổ của dòng họ Usher của nhà văn Edgar Allan Poe.

Hình tượng yếu thế của Poe trên màn bạc

Edgar Allan Poe vẫn luôn là một trong những nhà văn nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ông được nhiều người coi là nhân vật trung tâm của Chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ và của văn học Mỹ. Edgar Allan Poe còn được coi là người phát minh ra thể loại tiểu thuyết trinh thám, đồng thời là người có đóng góp đáng kể cho thể loại khoa học viễn tưởng mới nổi.

Bước sang thế kỷ 20, người ta vẫn xem đại văn hào như một kẻ yếu thế trong xã hội bất công. Một số vở kịch tiểu sử Poe đã mô tả ông như một nhân vật bất hạnh, nạn nhân của nền văn hóa và môi trường xuất bản thù địch, những tác phẩm của ông do đó chưa có được thành công thời điểm ấy.

Advertisement

Hình tượng này đã xuất hiện trên màn bạc vào đầu năm 1909 trong phim ngắn Edgar Allan Poe của D.W. Griffith. Để có tiền trang trải cho người vợ ốm yếu, nhà thơ đã phải đem bán bài thơ Con quạ. Bị từ chối, thậm chí bị coi thường, song cuối cùng, ông vẫn xoay sở bán được bản thảo và có tiền mua các thứ thiết yếu cho người bệnh, chỉ để khi trở về nhà, ông phát hiện vợ mình đã qua đời.

Những bộ phim sau này cũng khắc họa Poe là một nhà văn, nhà thơ bị đánh giá thấp và không được hiểu đúng ở thời của mình. Một bộ phim tiểu sử cực kỳ thiếu tính chính xác ra mắt vào năm 1942, The Loves of Edgar Allan Poe, đã kết thúc với giọng thuyết minh: “…công chúng không biết rằng bản thảo của bài thơ Con quạ, cuốn bản thảo nhà văn đã cố gắng để bán được với giá 25 đô, sau này đã được một tay sưu tầm rao bán với giá 17.000 USD”.

Thực tế, quả thực những bản phác thảo đầu tiên của Con quạ bị từ chối bởi một biên tập viên nhưng Poe đã không gặp khó khăn gì trong việc bán bài thơ, và nó thậm chí còn lập tức gây chấn động trong công chúng.

Dẫu sao, Con quạ cũng đã trở thành biểu tượng cho chính Poe, ẩn dụ về một tuyệt tác đầy bí ẩn và tăm tối mà những người cùng thời không hiểu được.

Trong bộ phim The Man with a Cloak (1951), nhân vật Dupin lấy cảm hứng từ Poe là một nhà văn không ai biết đến đồng thời là một thám tử nghiệp dư. Bộ phim kết thúc với hình ảnh người chủ quán rượu để nước mưa làm mờ đi nét mực trên tờ giấy ghi nợ của Dupin. Mặt trái của tờ giấy là bản thảo gốc bài thơ Annabel Lee, mà như người cầm nó đã cam đoan rằng: “Cái tên này sẽ chẳng bao giờ nổi danh. Cả trăm năm nữa cũng không”. Về điều này, hẳn những khán giả của bộ phim ở 100 năm sau sẽ biết rõ hơn.

Advertisement

Học viện Nevermore và nỗi đau buồn bất tận

Trong bộ phim The Pale Blue Eye, Harry Melling vào vai Edgar Allan Poe, một chàng trai lập dị nhưng có khả năng phá án siêu việt. Phiên bản thanh niên của Poe rõ ràng là một thay đổi mới mẻ, ông không còn được mô tả như một nghệ sĩ bị hành hạ hay một nhân vật ám ảnh, buồn bã. Dù vậy, Poe trong The Pale Blue Eye vẫn bị bắt nạt bởi các bạn đồng nghiệp và bị cấp trên coi thường. Ông vẫn được khắc họa như một kẻ yếu thế mà công chúng muốn cổ vũ.

Poe trong The Pale Blue Eye là một nhân vật hiện đại phù hợp với hình tượng đương đại của ông, một hình tượng tràn ngập trong các tập đầu của Wednesday, phần ngoại truyện của Addams Family lấy bối cảnh ở học viện Nevermore, nơi có rất nhiều ẩn dụ về Poe.

Cô hiệu trưởng của học viện Nevermore – một trường học phép thuật như Hogwarts nhưng dành cho những kẻ bị xã hội ruồng bỏ – đã nhắc đến Poe như là “học viên nổi tiếng nhất” của trường. Điều này giải thích tại sao giải đua thuyền thường niên của trường là Cup Poe và tại sao có một bức tượng của Poe canh gác lối đi bí mật.

the pale blue eye anh 2

Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai.

Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai, là một người chống đối xã hội đầy thú vị, một kẻ bị ruồng bỏ trong số những kẻ bị ruồng bỏ – cô là hiện thân của Poe trong học viện mang cái tên gợi lên Poe.

Trong một phân đoạn, một giáo viên đã khuyến khích cô bé hãy giữ lấy “khả năng không để người khác định nghĩa mình. Đây là một tài năng thiên bẩm, một món quà”. Cô giáo cũng nói thêm: “Những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm”.

Advertisement

Khi John Lennon hát “Chà, bạn phải nhìn họ đá Edgar Allan Poe” trong bài hát I Am the Walrus, anh ấy đã không cần giải thích ai đá Poe hay vì sao. Trọng điểm là, Poe xứng đáng với những điều tốt hơn; những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm, xấu xí và thiếu thốn tình thương.

Đó chính xác là lí do rất nhiều người – những nhà văn và các nghệ sĩ được truyền cảm hứng, nhưng cũng đồng thời là những người bình thường khi cô đơn và không được ai thấu hiểu – đã tìm thấy bản thân mình trong hình ảnh mệt mỏi nhưng khôn ngoan của Poe.

Nguồn: https://zingnews.vn/tai-sao-hinh-tuong-allan-poe-tran-ngap-trong-wednesday-post1413284.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Tác giả

Nghị lực phi thường của tác giả ‘Thép đã tôi thế đấy’

Được phát hành

,

Bởi

Nikolai Ostrovsky là một nhà văn tài năng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ostrovsky là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”.

Nghị lực phi thường và khát khao sáng tác đã giúp một con người bị mù, bại liệt tạo ra một tác phẩm được các thế hệ tìm đọc, trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều người, được xuất bản tại 47 quốc gia với 56 thứ tiếng.

Bản thân nhà văn cho biết chính việc viết cuốn tiểu thuyết này đã không cho phép ông đánh mất ý chí và khát vọng được sống trở lại. Tính cách thép của Ostrovsky đã được tôi luyện trong những hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã.

Tuổi thơ và tuổi trẻ

Nikolai Alexeevich Ostrovsky sinh ngày 29/9/1904 trong một gia đình khá giả ở làng Viliya, tỉnh Volyn. Thời thơ ấu là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời nhà văn. Khi Nikolai đến tuổi thiếu niên, gia đình trở nên nghèo khó và dân làng không có nhiều tình cảm đối với những người giàu có trước đây. Ngoài ra, vào thời điểm này, chiến tuyến của Thế chiến I đã đến gần ngôi làng địa phương. Người mẹ đã đưa các con rời đến Shepetinka – một ngã ba đường sắt lớn.

Advertisement

Tại đây, Nikolai bắt đầu làm việc trong căng-tin của nhà ga, nhưng tiền lương thấp và không đủ sống. Ostrovsky đặc biệt thông minh và học rất giỏi, anh theo học trường giáo xứ và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, anh vào một trường trung cấp, đồng thời làm đủ mọi công việc, từ đốt lò, thợ làm khuôn cho đến nhân công nhà bếp. Chàng trai trẻ đã không nề hà bất cứ công việc gì để giúp gia đình tồn tại.

Năm 1919, Ostrovsky gia nhập tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Komsomol. Không lâu sau, anh ra mặt trận, chiến đấu rất kiên cường và quả cảm đến mức quên mình. Trong một trận chiến anh đã bị thương nặng, sau đó phải nằm viện hơn hai tháng. Hầu hết thời gian đó Nikolai bị bất tỉnh và mê sảng. Các bác sĩ đã hết hy vọng. Bất chấp tất cả, anh vẫn sống sót và đứng vững trở lại.

Nikolai Ostrovsky anh 1

Sau đó, Ostrovsky lại nhanh chóng ra tiền tuyến. Chỉ sau một thời gian ngắn, trong một trận chiến anh bị ngã từ trên lưng ngựa và bị thương ở cột sống và lại phải nhập viện. Các biến chứng đã khiến mắt của anh bị giảm thị lực, một mảnh đạn đã làm hỏng dây thần kinh của mắt phải. Sau đó, anh được chuyển sang đội dự bị, song con người dũng cảm không thể ngồi yên và không ngừng nghỉ đóng góp cho đất nước, ít nhất là ở hậu phương.

Người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên cường Nikolai Ostrovsky đã đến Kyiv để góp sức khôi phục đường sắt. Công việc nặng nhọc, những người thợ xây sống trong khu nhà không có hệ thống sưởi, có rất ít thức ăn. Một ngày nọ, anh cảm thấy khắp người đau nhói. Anh đã gắng gượng dùng tất cả sức lực của mình vượt qua nó để đi làm việc như những người khác. Hậu quả là công trình chưa kịp hoàn thành thì chàng trai trẻ đã bị căn bệnh viêm đa khớp quật ngã. Các bác sĩ đã đưa ra một chẩn đoán đáng thất vọng: tất cả các khớp xương đang trong tình trạng dần bị cốt hóa. Hội đồng y khoa đã xếp anh vào nhóm khuyết tật, nhưng Ostrovsky đã từ chối tiền trợ cấp để giấu cha mẹ sự thật rằng anh đã trở thành người khuyết tật nhóm I.

Thép đã được tôi luyện

Ba năm sau, Ostrovsky được cử đến quận Berezdovski với tư cách là thư ký ủy ban quận Komcomol. Lúc này anh đi lại khập khiễng, khó nhọc và không thể di chuyển nếu không có đôi nạng. Song sự thương hại của những người xung quanh khiến anh vô cùng khó chịu và không thể chịu đựng được khi họ cố gắng giúp đỡ nên luôn giận dữ từ chối. Cuối cùng, anh đổ bệnh và tình trạng mỗi ngày càng trở nên tồi tệ. Các bác sĩ đề nghị Nikolai cắt cụt chân, nhưng anh cương quyết từ chối.

Trong một bức thư gửi cho người bạn của mình, Nikolai viết rằng anh tự thấy mình giống như một con sói con bị nhốt trong lồng, thậm chí còn không thể tự chải đầu. Sự bất lực này khiến cho nhà văn tương lai lo sợ đến mức anh đã gắng tập luyện đến khi kiệt sức với dụng cụ là một con lăn được đóng đinh vào trần nhà phía trên giường, một sợi dây thừng được vắt lên đó, một đầu dây được buộc vào chân. Nikolai dùng tay nắm lấy đầu dây bên kia. Khi anh kéo dây, hai chân anh nhấc lên, nhưng khi buông dây thì đôi chân lại thõng xuống. Những nỗ lực đến tuyệt vọng đã không có tác dụng và khả năng di chuyển không bao giờ khôi phục được nữa, đồng thời đôi mắt anh cũng đã bị hỏng hoàn toàn.

Advertisement

Tại thời điểm này, Nikolai nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết. Anh phải chứng minh cho sự tồn tại của mình bằng cách nào đó, điều được coi là không hề dễ dàng. Đồng thời, Nikolai biết rất rõ rằng mình cần phải khẩn trương hơn. Anh đã yêu cầu người vợ Raisa viết lại những thứ mình đọc, song anh thấy thất vọng vì cô viết rất chậm. Với ánh mắt vô hồn, nhà văn đã nhìn thẳng về phía trước và cảm thấy như đã nhìn thấy tận mắt những gì mình đọc ra.

Raisa không thể luôn túc trực bên giường, cô còn phải làm việc. Nikolai bắt đầu tự mình viết. Anh lấy những tờ giấy và rất nỗ lực viết từng chữ bằng bút chì nhưng thấy rất khó để cầm bút bằng những ngón tay khó bảo của mình. Thường xuyên xảy ra hiện tượng các dòng chữ chồng lên nhau và những gì đã được viết ra sau đó không thể đọc được. Để khắc phục điều này, anh đã tạo ra một chiếc khuôn đặc biệt, trên tấm bìa cứng có khía những dòng kẻ dài rộng và anh đã viết lên đó.

Hầu hết Nikolai thường làm việc vào ban đêm. Người vợ anh để sẵn cho anh một tập giấy và vài cây bút chì được vót nhọn. Nhà văn đã làm việc suốt những đêm dài. Đến sáng, trên khắp sàn nhà trải đầy những tờ giấy viết nguệch ngoạc. Anh đánh số các trang rồi sau đó người nhà xếp chúng theo thứ tự. Một thời gian sau, một người hàng xóm là cô Galina Alexeevna bắt đầu giúp đỡ Ostrovsky. Với sự trợ giúp của cô, vào mùa thu năm 1931, anh đã hoàn thành phần đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy. Trong cuốn tiểu thuyết, theo cách riêng của mình, anh đã truyền đạt tất cả những điều mà bản thân đã trải qua.

Ostrovsky gửi bản thảo cho Tạp chí Đội cận vệ thanh niên nhưng chỉ nhận được sự đánh giá tiêu cực. Nhà văn vẫn cố thuyết phục họ xem xét lại và rồi những trang viết vẫn được in. Các nhà xuất bản sách thì vẫn từ chối. Sau khi được đăng trên tạp chí, câu chuyện bắt đầu được tìm đọc rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trong các thư viện là những hàng người chờ đến lượt đọc và các buổi đọc truyện trực tiếp đã được tổ chức. Ostrovsky bắt đầu nhận được rất nhiều thư khen ngợi từ các độc giả biểu thị lòng biết ơn. Điều đó đã khích lệ anh rất nhiều. Anh đã sẵn sàng làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực viết văn. Kể từ khi đó thành công đã trở nên trọn vẹn khi cuốn sách đã được đưa vào xuất bản. Ngay cả khi Ostrovsky còn sống, cuốn tiểu thuyết đã được tái bản hơn 40 lần.

Thành tựu trở thành di sản

Trong những năm tiếp theo, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nhật và tiếng Anh. Chưa dừng lại ở đó, tổng cộng cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản tại 47 quốc gia với 56 ngôn ngữ khác nhau. Trong bản dịch tiếng Anh, cuốn Thép đã tôi thế đấy được đổi tên thành Tạo ra người anh hùngTrở thành anh hùng. Ostrovsky đồng ý với sự thay đổi đó, nhưng cũng yêu cầu có kèm theo tiêu đề gốc.

Advertisement

Tại Liên Xô, Thép đã tôi thế đấy đã trở thành cuốn sách được xuất bản nhiều nhất. Chỉ tính riêng xuất bản phẩm bằng tiếng Nga đã có hơn 500 lần tái bản. Còn trong số 75 ngôn ngữ của các dân tộc Liên Xô, cuốn tiểu thuyết được xuất bản tới 773 lần với số lượng phát hành hơn 53 triệu bản! Cuốn tiểu thuyết cũng ba lần được dựng thành phim vào các năm 1942, 1956 và 1973. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cuốn truyện đã được đọc trước những người lính trong chiến hào. Một con phố ở Moscow thậm chí còn được đặt theo tên của nhân vật chính – đây là trường hợp duy nhất khi một đường phố được đặt theo tên của một nhân vật văn học.

Phần thưởng xứng đáng

Năm 1935, Nikolai Ostrovsky đã được trao tặng Huân chương Lenin đồng thời được phong danh hiệu Chính ủy Lữ đoàn. Chính phủ Liên Xô đã cấp cho nhà văn một ngôi nhà ở Sochi và một căn hộ ở Moscow. Những tháng cuối đời, Ostrovsky sống ở con phố mang tên mình, ông tiếp đón độc giả và các nhà văn tại nhà. Vào mùa hè cùng năm, nhà văn chính thức cam kết sẽ viết một cuốn sách mới mà ông đặt tên là Sinh ra trong bão táp. Cuốn tiểu thuyết này được coi như một tác phẩm về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản Ucraine chống lại Ba Lan và cuộc đấu tranh sắp tới chống chủ nghĩa phát xít. Việc cuốn sách mới này ít tiếng vang hơn cuốn trước là điều hiển nhiên, nhưng tác phẩm vẫn khẳng định tài năng và sự phát triển nghề nghiệp của tác giả.

Thật không may, đã không còn dịp để đánh giá một cách trọn vẹn sáng tác của nhà văn. Cuốn sách mới đã không bao giờ có hồi kết. Vào ngày 22/12/1936 Nikolai Alexeevich Ostrovsky đã trút hơi thở cuối cùng khi còn chưa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới của mình. Khi đó ông mới chỉ 32 tuổi. Theo các bác sĩ thời nay, nhà văn đã qua đời vì căn bệnh đa xơ cứng và bệnh viêm cột sống dính khớp tiến triển.

Người con vĩ đại của đất nước Xô Viết có tính cách thép đã được mai táng tại Moscow. Bất chấp mọi trở ngại vô cùng nghiệt ngã và cái chết trẻ, cùng với sự giúp sức của người vợ yêu thương và chung thủy, nhà văn – chiến sĩ đã không thể bị đánh bại.

Nguồn: https://zingnews.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-tac-gia-thep-da-toi-the-day-post1413359.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng