Giữa những ngày diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, ông Arón Keil (Chicago, Mỹ) cùng vợ và các con có mặt tại Phố sách 19/12 (Hà Nội). Chia sẻ với Zing, Keil cho biết cả gia đình ông đến Việt Nam để hoàn tất thủ tục nhận con nuôi.
“Nghe thông tin qua các trung tâm bảo trợ trẻ em, chúng tôi thấy hoàn cảnh cậu bé này thật đáng thương nên muốn cho bé một mái ấm. Bé mới lên 6 tuổi, hoàn toàn không biết tiếng Anh để giao tiếp với gia đình tôi. Khi đi ngang qua đây, thấy đông người nên chúng tôi ghé vào và đã quyết định mua một số cuốn song ngữ cho bé học”, ông Keil nói.
Theo ông bố người Mỹ này, những ấn phẩm song ngữ là công cụ tốt nhất để con nuôi của ông có thể học tiếng Anh, thuận tiện cho việc chung sống cùng cả gia đình khi quay trở lại Mỹ. Sách cũng là phương thức hiệu quả giúp ông hiểu thêm về ngôn ngữ mẹ đẻ của cậu bé.
Bên cạnh đó, khi đến Phố sách 19/12, ông Keil cùng nhiều bạn đọc trong nước cảm nhận được không khí tấp nập của dòng người tham quan và mua sách, cùng vẻ đẹp trong cách bài trí từng gian hàng nơi đây.
Gia đình ông Arón Keil (Chicago, Mỹ) tham quan và mua sách song ngữ tại Phố sách 19/12. Ảnh: Thu Huệ. |
Bầu không khí hân hoan
Kể từ dịp Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Phố sách xuân Nhâm Dần” cùng nhiều hoạt động ưu đãi, tri ân bạn đọc được thực hiện tại Phố sách 19/12. Kể từ đó, những người quản lý các nhà sách tại đây cảm nhận được bầu không khí hân hoan và lượng bạn đọc ổn định đã quay trở lại.
Chị Đỗ Thị Kim Lạc – nhân viên phụ trách quầy sách Thái Hà Books – cho hay sau nhiều năm làm việc, gắn bó với nơi này, đây là năm đầu tiên chị nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về số lượng khách tham quan, mua sách.
Chị cho biết trước đó, lượng khách rất vắng, gần như không có hoạt động gì được tổ chức. Kể từ Tết năm nay, đặc biệt là đến thời điểm đầu tháng tư, không khí ở phố sách tấp nập hơn nhiều.
“Một phần do dịch bệnh đã ổn định, người dân được tiêm vaccine đầy đủ, nên các nhà sách quay trở lại hoạt động bình thường; độc giả cũng tìm lại thói quen đi mua sách. Tháng tư có nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Điều này giúp lôi kéo mọi người đến đây nhiều hơn”, chị Kim Lạc lý giải.
Ở Chicago, nơi tôi sinh sống, có nhiều tiệm sách, nhưng không có tuyến phố nào dành riêng để bày bán sách như thế này, lại còn là một khu phố đi bộ.
Ông Keil
Trong khuôn khổ ngày hội lớn nhất của giới xuất bản, Phố sách 19/12 là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng như: Lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng; giao lưu giữa tác giả, đơn vị xuất bản và bạn đọc về các tác phẩm mới phát hành; giới thiệu các dự án khuyến đọc; phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022…
Nhờ các hoạt động đó, dòng người đến đây tăng so với trước kia. Đại diện một số nhà sách tiết lộ lượng sách bán được trong thời gian này cũng khả quan hơn hẳn. Đối tượng đến tham quan phố sách chủ yếu là học sinh, sinh viên, người trẻ mới đi làm và phụ huynh có con em nhỏ.
Có mặt tại đây, anh Nguyễn Xuân Bách (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) vào quầy sách của Nhà xuất bản Kim Đồng để chọn sách thiếu nhi cho con, đồng thời anh tìm mua sách kỹ năng sống cho bản thân.
“Tôi làm việc ở gần nên thường xuyên ghé qua đây. Thời gian trước, nơi đây im lìm lắm, không có hoạt động và khách cũng vắng. Nhưng hiện nay, tôi quan sát thấy dòng người đến đây đông hơn trước. Dường như họ không chỉ đến để mua sách mà còn hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, anh Bách chia sẻ.
Sau khi tham dự một sự kiện ra mắt sách thiếu nhi cùng đông đảo khán giả, ông bố trẻ này cho rằng nếu có thêm nhiều hoạt động tương tự, phố sách sẽ thu hút, “lôi kéo” độc giả quan tâm đến sách và tạo nên bầu không khí tấp nập hơn.
Một số em nhỏ đọc sách tại Phố sách 19/12. Ảnh: Thu Huệ. |
Điểm đến văn hóa, tìm kiếm tri thức
Một trong những lý do đưa ông Arón Keil đến phố sách chính là khung cảnh và sự tấp nập ở đây. Ông cho biết người Mỹ đọc nhiều sách, nhưng chủ yếu họ chọn sách điện tử, sách nói vì tính tiện dụng.
“Ở Chicago, nơi tôi sinh sống, có nhiều tiệm sách, nhưng không có tuyến phố nào dành riêng để bày bán sách như thế này, lại còn là một khu phố đi bộ. Tôi thực sự thấy ấn tượng bởi không khí vui tươi, phấn khởi, cũng như khung cảnh ở đây. Những quầy sách nhỏ nhưng được bày biện, trang trí rất bắt mắt, quy củ”, ông Keil nhận xét.
Người đàn ông quốc tịch Mỹ này cũng bày tỏ mong muốn các nhà sách ở đây sẽ có thêm nhiều đầu sách song ngữ Việt – Anh, để những du khách và bạn đọc quốc tế như ông có thêm lựa chọn trong việc tìm kiếm tri thức, khám phá văn hóa và nền xuất bản ở Việt Nam.
Dịp này, Dương Thảo My và Nguyễn Thị Minh Tâm (học sinh trường THCS Minh Khai, Hà Nội) tranh thủ giờ nghỉ để đến đây tìm mua một số cuốn sách văn học, lịch sử và thần thoại.
“Chúng em mong không gian phố sách được mở rộng, có thêm nhiều đầu sách và các hoạt động khác, để mọi người khi đến đây có thể trải nghiệm đọc và mua sách tốt hơn. Điều này cũng sẽ làm cho người ngoại quốc tò mò hơn về sách và văn hóa đọc ở Việt Nam”, hai bạn trẻ nói.
Đại diện quầy sách của một đơn vị xuất bản cho biết thời gian gần đây, khi dịch bệnh ổn định, ban quản lý phố sách đã nỗ lực trong việc tổ chức nhiều hoạt động và theo dõi các đơn vị xuất bản thực hiện những sự kiện riêng lẻ; cũng như cải tạo không gian, trang trí hấp dẫn để thu hút độc giả đến tham quan, mua sách.