Giám đốc các nhà xuất bản, công ty phát hành đưa ra nhiều vấn đề về chuyển đổi số trong xuất bản tại tọa đàm “Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc”.
Chương trình diễn ra hôm 19/4, là một trong nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Một số diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: A.B. |
Nhân lực đóng vai trò quan trọng khi chuyển đổi số
Chuyển đổi số sẽ đa dạng hóa hình thức xuất bản phẩm, hiện nay có sách số nhưng chưa nhiều. Chuyển đổi cũng tạo ra sự đa dạng hóa mô thức xuất bản (tự xuất bản, phát hành, tương tác với người đọc, có nhà xuất bản số…). Thị trường xuất bản mở, không biên giới hoặc mờ biên giới (xuất bản số trên nền tảng xuyên quốc gia).
Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Alpha Books – nói về phương thức sản xuất, ngành sách đã làm việc trên máy tính, tập trung và lưu thông sản phẩm qua ứng dụng công nghệ, trang mạng cũng như dùng những phần mềm từ lâu.
“Muốn hay không, các đơn vị ngành sách đã tham gia xuất bản số lâu rồi, ở mức độ nào mà thôi”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói.
Theo ông Bình, ngành sách không thể tránh khỏi chuyển đổi số, mà nên có hướng đi như thế nào để đạt hiệu quả. Ông cho rằng xuất bản là thị trường nhỏ, lẻ nên việc chuyển đổi số diễn ra chậm. Ngoài xuất bản sách, nhiều người làm công việc mang ý nghĩa “công bố”, “xuất bản” thông tin trên mạng xã hội, Internet, các nền tảng công nghệ.
Để xuất bản chuyển đổi số, cần thay đổi nhận thức; có hành lang pháp lý thuận lợi; trang bị máy móc, nền tảng; chuẩn bị nhân lực cho chuyển đổi. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, hai yếu tố quan trọng nhất cho chuyển đổi số mà đơn vị xuất bản cần chuẩn bị là thay đổi nhận thức và chất lượng nhân lực. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong xuất bản cũng cần sự tham gia của các đơn vị liên quan như ngành công nghệ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Huệ – Giám đốc Nhà xuất bản Công Thương – nói trong quá trình chuyển đổi số, đào tạo con người trong xuất bản, vận hành quy trình xuất bản là vấn đề mà các nhà xuất bản cần hướng tới.
“Nhận diện các thách thức của chuyển đổi số rất quan trọng, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng quy trình, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ đối tượng mà mình hướng tới”, bà Huệ nhận định.
Bạn đọc trải nghiệm sách nói tại một lễ hội đường sách trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Góc nhìn lạc quan về thị trường sách số
Từ làm sách số đến chuyển đổi số là một hành trình. Đại diện các nhà xuất bản, công ty đang làm sách điện tử đều có cái nhìn tích cực về xuất bản số.
Ông Nguyễn Anh Tú – Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân – nói đơn vị ông đã làm sách số từ hơn 10 năm trước. Năm 2009, đơn vị ông đã làm giáo trình điện tử đưa lên app. “Lúc đó chưa có luật về xuất bản sách điện tử, nhưng chúng tôi cứ làm, với mong muốn số hóa để đưa sản phẩm của chúng tôi cho bạn đọc dễ tiếp cận hơn”, ông Tú kể.
Sau này, dự án sách điện tử không thành công. Theo ông Tú, một số dự án sách điện tử đình đám một thời thất bại. Nhưng đến nay, vẫn có những đơn vị làm sách số thành công hoặc đang khởi nghiệp với những tín hiệu tích cực.
Ông Đinh Quang Hoàng – Giám đốc điều hành Waka, đơn vị làm ebook và sách nói – nói xuất bản trải qua hai giai đoạn sách điện tử. Ở làn sóng sách điện tử thứ nhất, nổi lên các đơn vị như Alezaa, Komo (Phương Nam), Ybook (NXB Trẻ)… Trào lưu đó khiến nhiều người nghĩ sách số là số hóa sách giấy. Đến nay, nhiều đơn vị đã làm ebook, sách nói.
Muốn hay không, các đơn vị ngành sách đã tham gia xuất bản số lâu rồi, ở mức độ nào mà thôi.
Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình
Giai đoạn thứ ba của sách số là tạo ra không gian số. Sách được minh họa bằng âm thanh, video book, mở ra cho người dùng những cách tương tác với nội dung sách…
Hiện nay, các đơn vị sách nói đã xuất hiện và có sự phát triển không ngừng. Bà Thái Minh Châu – Giám đốc đối ngoại sách nói Fonos – nói audio book có triển vọng lớn. Bà dẫn sự phát triển thần tốc của thị trường sách nói nước ngoài.
Theo đó, công nghiệp sách nói trên thế giới bắt đầu từ những năm 2000 với sự chuyển đổi của các băng thu sách sang các nền tảng số, từ băng đĩa lên những nền tảng như iTunes…
Sau hai thập kỷ, sách nói thành miếng bánh hấp dẫn. Doanh thu toàn cầu năm 2020 chạm mốc 3 tỷ USD. Năm 2019, doanh thu sách nói ở Mỹ tăng 16%, vượt qua doanh thu ebook.
“Ở Việt Nam, thị trường sách nói còn mới và rất nhỏ, chúng tôi có niềm tin với con đường mà mình đang đi”, bà Thái Minh Châu nói. Thị trường thế giới chứng minh nhu cầu sử dụng sách nói, vấn đề là giới xuất bản có làm ra nội dung thuyết phục người dùng hay không.
Tuy mới mẻ, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sách nói tại Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng cao. Bà Châu tiết lộ doanh thu Fonos đến nay tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này khích lệ chúng tôi nhiều, không chỉ từ doanh thu, mà chúng tôi đã ký kết được với nhiều đơn vị xuất bản hàng đầu trong nước. Chúng tôi cũng nhận được thêm các khoản đầu tư lớn”, bà Châu nói.
Bên cạnh đó, nhiều tác giả, nhà xuất bản cũng mở lòng, sẵn sàng hợp tác để ra mắt cùng lúc phiên bản sách giấy và phiên bản sách nói. Trong thời điểm đại dịch căng thẳng năm 2021, cuốn Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang ra mắt, nhưng sách giấy khó lưu thông. Điều đó khiến doanh thu sách nói Đại dương đen trong thời điểm giãn cách cao hơn doanh thu sách giấy.
Theo ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – chuyển đổi số đang là câu chuyện thời đại.
Ông Nguyên nói về bốn giai đoạn của chuyển đổi số trong xuất bản. Đầu tiên, các đơn vị tiến hành số hóa dữ liệu. Thứ hai, triển khai ứng dụng các nền tảng cho những hoạt động đơn giản. Thứ ba, ứng dụng nền tảng vào hoạt động phức tạp, quy trình xuất bản (quản lý, biên tập, phát hành, truyền thông…).
Hiện nay, các nhà xuất bản ứng dụng khác nhau, còn tương đối chậm. Các đơn vị liên kết làm tốt hơn nhà xuất bản. Thứ tư, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình làm việc.