Trước khi bay nửa vòng Trái Đất để đi du học, Phạm Trang Hương (sinh viên ngành Báo chí, Đại học La Habana, Cuba) xếp vào trong vali của mình khoảng chục cuốn sách để mang theo.
“Hồi ấy, người nhà ngăn cản và khuyên mình nên bỏ bớt lại để dành chỗ trống cho những vật dụng khác thiết yếu hơn. Nhưng lúc đó, mình đã tưởng tượng về sự cô đơn, lạ lẫm khi đặt chân đến nơi xứ người. Đặt sách vào vali, mình cũng đồng thời đặt vào đó niềm hy vọng chúng sẽ trở thành người bạn tâm giao trên chặng đường phía trước”, Trang Hương kể.
Hơn 3 năm kể từ ngày theo học tại quốc đảo, những cuốn sách đó đã trở thành sợi dây giúp Hương gắn kết với bạn bản xứ. Cô chia sẻ với các bạn Cuba một số cuốn sách ngoại văn mà mình có. Đổi lại, cô cũng được các bạn tặng sách tiếng Tây Ban Nha với thành ý để trau dồi vốn từ và thêm hiểu biết về nền văn học Mỹ Latinh.
Không chỉ Trang Hương, nhiều du học sinh Việt Nam tại quốc gia khác cũng coi việc làm bạn với những trang sách là cách tốt để lấp đầy khoảng thời gian trống, nhất là trong giai đoạn nghỉ dịch và chuyển tiếp giữa các kỳ học.
Trần Hà An (du học sinh tại Pháp) dành thời gian trong ngày để đọc sách. Ảnh: NVCC. |
Giữ gìn văn hóa và vốn tiếng Việt
Ba năm qua, Trần Hà An (sinh viên ngành Khoa học Xã hội, Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, Pháp) chưa thể về thăm nhà vì tình hình dịch bệnh.
Cũng giống như những du học sinh khác khi đặt chân đến nơi xứ người, hành trang mang theo luôn cần rất nhiều đồ dùng. Thế nhưng, Hà An vẫn quyết định dành chỗ trống trong vali để mang theo một số cuốn sách.
An cho biết sách giúp cô giải tỏa áp lực những ngày đầu sang Pháp. Nó cũng từng là nơi duy nhất cô có sự tương tác với tiếng Việt. Nỗi nhớ ngôn ngữ mẹ đẻ nhờ thế mà vơi bớt đi phần nào. Theo học chuyên ngành xã hội nên sách cũng giúp An trau dồi thêm vốn từ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức tâm lý và nhiều thông tin khoa học khác.
“Lúc mới sang, chưa tìm được nơi mua sách tiếng Việt, mình thường đọc ebook. Nhưng sau đó, vì không có cảm giác thích thú, chân thật nên mình tìm cách liên hệ để mua sách giấy. Mình thích đọc dòng trinh thám và tâm lý với những tác phẩm như: Vụ án mạng tại nhà khách núi Hakuba, Án mạng trên sông Nile, Tâm lý học tội phạm…”, Hà An chia sẻ.
Quãng đường từ nhà cô nàng du học sinh tại Pháp này đến trường mất một giờ trên tàu điện ngầm. Đó cũng là khoảng thời gian cô tranh thủ để đọc sách.
Trong những ngày chưa thể về nước, An bày tỏ: “Mình mong các bạn du học sinh dù có ở bất cứ đâu vẫn luôn duy trì thói quen đọc sách, mang văn hóa Việt đi khắp muôn nơi. Đó là cách để giữ gìn vốn tiếng Việt và ủng hộ cho ngành sách trong nước”.
Với Trang Hương, kể từ ngày đặt chân sang Cuba, mỗi khi đọc sách, cô luôn cảm nhận thời gian được chuyển hóa một cách ý nghĩa, đồng thời giảm tải sự nhàm chán, tính lười biếng của bản thân trong những ngày phải học online.
“Thể loại tiểu thuyết văn học khiến mình hoàn toàn được đắm chìm trong không gian của những câu chuyện về cuộc đời, trải nghiệm đa dạng của các nhân vật. Mình còn được thăng hoa và bay bổng cùng trí tưởng tượng”, Trang Hương tâm sự.
Cô sinh viên này cũng chia sẻ về khoảng thời gian đáng nhớ khi học năm nhất tại đây: “Sau mỗi buổi tan học, được thong dong ngắm nghía và ghé vào một vài sạp sách nhỏ bên đường khiến mình có chút liên tưởng đến những hiệu sách cũ ở Hà Nội. Cứ thế nó gợi lên trong mình nỗi nhớ nhà, nhưng cũng đồng thời xoa dịu nỗi nhớ ấy mỗi khi tĩnh tâm, hòa mình vào thế giới của con chữ”.
Hà Phương Thanh (du học sinh tại Thụy Sĩ) luôn tìm cách để mua sách Việt trong thời gian theo học tại nước bạn. Ảnh: NVCC. |
Người thầy trong quá trình học
Trang Hương cho biết bản thân tìm đến sách không chỉ với mục đích giải trí, mà hơn hết là kết hợp việc đọc và học. Làm bạn với sách, cô cảm nhận vốn từ vựng được mở rộng một cách tự nhiên. Ngoài ra, sách cũng hỗ trợ quá trình ghi nhớ, bởi các từ vựng được đặt trong bối cảnh cụ thể và thường xuyên lặp lại với tần suất cao.
“Khi đọc, mình còn có cơ hội tiếp cận và học hỏi văn phong của các tác giả, cùng với đó là kiến thức văn hóa – xã hội lồng ghép trong từng trang sách. Quả thực, đây là một điểm hữu ích đối với ngành Báo chí mà mình đang theo học”, Hương nói thêm.
Từng chuyển ngành học 3 lần, Phạm Lan Chi (Đại học Tampere, Phần Lan) cho biết cô luôn coi sách là người thầy vì việc đọc giúp ích cô khi theo học nhiều chuyên ngành.
Tủ sách của Phạm Lan Chi trong thời gian theo học tại Phần Lan. Ảnh: NVCC. |
Thói quen đọc bắt đầu khi Chi được bạn bè tặng một vài cuốn trước ngày đi du học. Tình yêu sách ngày một lớn dần, Chi thường đặt sách từ Việt Nam thông qua Tiệm Mọt (đơn vị phát hành sách tiếng Việt có chi nhánh tại 12 quốc gia, trụ sở chính tại Phần Lan).
Dù ở xa nhà, Chi luôn theo dõi các trang review sách trong nước. Thấy cuốn nào mới ra hoặc phù hợp “gu” đọc của mình, cô đều tìm cách mua.
“Với mình, sách đóng vai trò người thầy chỉ dẫn. Mình nhảy ngành học từ Quản trị khách sạn, Kỹ sư môi trường và sau khi tốt nghiệp, mình tự học thêm chuyên ngành Thiết kế. Đọc sách giúp ích mình rất nhiều trong quá trình tự học”, Lan Chi cho biết.
Dịch bệnh kéo dài, Chi thường dành thời gian để đọc những cuốn thiên về cảm xúc, nhằm giúp bản thân thoát khỏi không gian bí bách và hướng tới suy nghĩ tích cực.
“Thỉnh thoảng, thấy nhớ Hà Nội, mình đọc lại các tác phẩm của Vũ Bằng, Thạch Lam. Khi ấy, mình cảm nhận như đang được ở Hà Nội. Nỗi nhớ nhà nhờ thế mà vơi bớt đi phần nào”, Lan Chi chia sẻ.
Cũng “giắt lưng” chục cuốn sách trong hành trang trước ngày rời Việt Nam, 5 năm qua, Hà Phương Thanh (hiện theo học thạc sĩ Kinh tế ứng dụng và Khoa học dữ liệu, Đại Học Neuchâtel, Thụy Sĩ) luôn dành tình yêu cho sách. Cô thường đọc sách vào buổi tối và tranh thủ thời gian di chuyển khi đi làm thêm.
Do yêu cầu của ngành học, Thanh phải đọc rất nhiều sách nghiên cứu khoa học. Trong trường hợp không đặt được sách giấy, Thanh thường đọc ebook. Sự thuận tiện của ebook cho phép Thanh đánh dấu và ghi chú những đoạn quan trọng. Việc tìm nội dung theo từ khóa, chương, mục cũng trở nên dễ dàng hơn.
“Tuy vậy, mình vẫn rất trân quý những cơ hội được cầm và đọc sách giấy bởi cảm xúc chân thật mà nó mang lại. Sờ từng trang giấy, ngửi mùi sách mới và nhìn màu mực in rõ ràng, tất cả gợi nhớ kỷ niệm hồi nhỏ mỗi khi cuối tuần được bố mẹ chở đi nhà sách”, Thanh chia sẻ.